Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 10 tháng năm 2024 vẫn tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, đạt 27,26 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay, phải trông chờ vào đột phá ở những tháng cuối năm.
Bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm tốc
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, về đăng ký mới, có 2.743 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt gần 12,23 tỷ USD, tương ứng tăng 1,4% và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về điều chỉnh vốn, có 1.151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 6%, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.
Về đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, tương ứng giảm 10,4% và giảm 29% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 10 tháng qua các năm
Nhìn vào các số liệu trên có thể thấy, dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tích cực, nhưng có dấu hiệu tăng chậm lại. 10 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ còn tăng 1,9%, giảm 9,7 điểm phần trăm so với mức tăng của 9 tháng.
Đặc biệt, vốn đầu tư mới sau một thời gian tăng khá mạnh đã giảm 2,5%; ngay cả số dự án đăng ký mới cũng chỉ còn tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nguyên nhân là do các dự án đầu tư mới trong tháng 10/2024 có quy mô nhỏ, chỉ có số ít dự án có vốn đầu tư từ trên 100 triệu USD đến hơn 300 triệu USD. Trong khi đó, tháng 10/2023 có 3 dự án có vốn đầu tư lớn từ trên 500 triệu USD đến 1,5 tỷ USD.
Cùng với đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng đang tiếp tục xu hướng giảm. Theo giới chuyên gia, dù mới là những dấu hiệu ban đầu, song dấu hiệu giảm tốc trong thu hút đầu tư nước ngoài đã xuất hiện. Sự thiếu vắng các dự án quy lớn cần đặc biệt chú ý bởi những điều này sẽ có thể ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Chính phủ dự kiến, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 sẽ đạt con số tương đương năm ngoái, tức là khoảng 39-40 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 10 tháng, con số mới đạt gần 27,26 tỷ USD, còn cách mục tiêu hơn 10 tỷ USD. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra cần phải nhanh chóng “lấp đầy” khoảng cách này. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của tất cả các cấp, các ngành và địa phương trong việc thu hút đầu tư.
Chờ đột phá những tháng cuối năm
Dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc, nhưng theo giới chuyên gia, cơ hội và kỳ vọng phía trước vẫn còn rất lớn. Trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, có một điểm sáng tích cực, đó là vốn đầu tư điều chỉnh trong 10 tháng vẫn đang duy trì mức tăng mạnh 41,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện giải ngân tiếp tục là điểm nhấn tích cực trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cần nhiều vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng, có khoảng 19,58 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng qua các năm
Cùng với đó, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng… được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 10 tháng. Trong đó có dự án đầu tư quy mô lớn như dự án của Samsung đang chờ được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như: Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,9% số dự án mới và 70,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng.
Trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 17,1 tỷ USD, chiếm gần 62,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và gần 1 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Xét về đối tác đầu tư, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,79 tỷ USD, chiếm gần 28,6% tổng vốn đầu tư, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2023. Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông…
Theo các chuyên gia đầu tư, cơ hội để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn đang được mở ra. Tại lễ khai mạc Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024, ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á Global Foundries đã khẳng định: “Việt Nam có nhiều cơ hội để đóng góp vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn”.
Theo một số tập đoàn kinh tế và tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng thế giới (WB), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam là địa chỉ sản xuất quan trọng và chiến lược cho những công ty sản xuất, nhất là linh kiện chất lượng cao với vai trò nhà thầu, nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn và nổi tiếng thế giới. Dòng vốn FDI tăng chính là phản ứng của nhà đầu tư trước một thị trường nội địa đang tăng trưởng, nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong tổng dân số 100 triệu người, với lực lượng lao động chiếm tới 70% tổng dân số.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp bán dẫn nói riêng, công nghiệp công nghệ cao nói chung. Theo Bộ trưởng, để thúc đẩy thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, Việt Nam đã và đang xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có việc áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt. Các chính sách này dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ VIII.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ luôn quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Giới quan sát quốc tế cũng đánh giá, Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua.
Mới đây, một số đoàn khảo sát của giới doanh nghiệp Mỹ đã đến tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác nhằm tiến tới đầu tư dự án mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ, các địa phương trong nước cũng đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, sức hấp dẫn của thị trường trong nước cũng như môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam tại một số quốc gia và nhận được sự quan tâm, đồng thuận.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng chờ đợi việc Việt Nam thông qua các chính sách này để có thể ra các quyết định đầu tư mới. Khi chính sách được ban hành trong năm 2024, sẽ có thêm các dự án quy mô lớn được đổ vào Việt Nam.
Nhận định về dòng vốn FDI những tháng cuối năm, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dự kiến đến hết năm, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Nhiều khả năng con số mục tiêu đề ra là 39-40 tỷ USD sẽ thành hiện thực khi các chính sách “luồng xanh” về đầu tư được thông qua. Cùng với đó, Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao được Chính phủ ban hành trong năm 2024 kỳ vọng sẽ mang lại cú hích đột phá mới cho thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam./.
Thu Hường