Thu hút đầu tư nước ngoài: Thực trạng và định hướng phát triển

20/05/2019 - 03:54 PM
Đóng góp của khu vực ĐTNN đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam

Thứ nhất, ĐTNN là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 1988-1990 những năm đầu của thời kỳ đổi mới, quy mô và số lượng dự án FDI rất khiêm tốn, chỉ  có 211 dự án, với 1,6 tỷ USD tổng vốn đăng ký, vốn thực hiện khoảng 180 triệu USD, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp nhẹ và khai thác dầu thô. Từ năm 1991-1996, số lượng dự án và quy mô vốn bắt đầu tăng mạnh, với 1.781 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 28,01 tỷ USD, vốn thực hiện là 10,09 tỷ USD. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ 13,1% năm 1990 lên 25,97% năm 1996. Sau giai đoạn suy giảm (1997-2003), vốn ĐTNN dần phục hồi và bắt đầu tăng từ cuối năm 2004. Giai đoạn 2011-2018, vốn ĐTNN thu hút được 16.366 dự án, với 199,79 tỷ USD tổng vốn đăng ký, vốn thực hiện khoảng 111,95 tỷ USD, chiếm 23,05% trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tỷ trọng ĐTNN trong GDP năm 2016 là: 18,59%, năm 2017 đạt 19,6%, là mức cao nhất trong giai đoạn này.

 
Thu hút đầu tư nước ngoài: Thực trạng và định hướng phát triển
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Như vậy trong gần 10 năm qua, với tỷ trọng luôn chiếm khoảng  gần  20%  tổng  vốn  đầu   phát triển toàn xã hội, có thể khẳng định ĐTNN là nguồn vốn quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, ĐTNN giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn và hiện đại hóa nền kinh tế.
Trong lĩnh vực Công nghiệp xây dựng: Giai đoạn đầu (1988-1990), ĐTNN chỉ đóng góp khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Sau hơn 10 năm, tỷ trọng này đạt 46,3% (năm 2012). Từ năm 2014 đánh dấu bước ngoặt quan trọng, ĐTNN vượt khu vực nội địa về giá trị sản xuất công nghiệp; và là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp, sản phẩm mới, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế như: Dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép… Trong lĩnh vực Dịch vụ: Từ khi mở cửa thị trường theo cam kết WTO, tốc độ tăng trưởng vào lĩnh vực dịch vụ khá cao từ 42% (năm 2006) lên 160% (năm 2008). ĐTNN tạo nên bộ mặt mới trong lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, góp phần tạo ra phương thức mới trong phân phối hàng hóa, tiêu dùng, kích thích hoạt động thương mại nội địa, cũng như đẩy mạnh  hoạt  động  của  các  ngành:  Ngân  hàng,  bảo  hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, khách sạn… Đây là cơ sở quan trọng, tạo điều  kiện cho thị trường dịch vụ phát triển và tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp: Mặc chiếm tỷ trọng rất nhỏ, song ĐTNN đã góp phần chuyển dịch cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu, góp phần cải thiện tập quán canh tác điều kiện hạ tầng yếu kém, lạc hậu của một số địa phương.

Thứ ba, ĐTNN giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong những năm qua, khu vực ĐTNN đã góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam, trở thành cầu nối đưa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và hợp tác với nhiều quốc gia, từng bước nâng cao thế và lực của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Xuất khẩu trong khu vực ĐTNN chiếm bình quân trên 66% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (giai đoạn 2011-2017).

Khu vực này cũng có tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu và đặc biệt là một số thị trường trọng tâm như: Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Italia. Đây là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, năm 2016 chiếm khoảng 68% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa với các nước châu Âu.

Thứ tư, ĐTNN chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực và có tác động lan tỏa công nghệ nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước.

Thông qua ĐTNN, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới để phát triển các ngành kinh tế sử dụng công nghệ hiện đại, như: Công nghệ sinh học, bưu chính viễn thông, công nghiệp phần mềm, điện tử… Nhiều công nghệ mới đã được chuyển giao, tạo bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, như: Dầu khí, viễn thông, điện tử, dệt may,  da giày...

Thứ năm, ĐTNN góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực.

Đến thời điểm 31/12/2016, có gần 4,2 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI, chiếm 29,6% tổng số lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, gấp 1,6 lần năm 2011. Trong đó, lao động của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 91,9%; lao động của doanh nghiệp liên doanh chiếm 8,1%. Bình quân mỗi năm của giai đoạn 2011-2016, lao động của doanh nghiệp FDI tăng 10,2% (tương đương 320,7 nghìn lao động), góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, khu vực ĐTNN còn tạo mối liên kết với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; đóng góp đáng kể vào tổng thu ngân sách Nhà nước. Từ năm 2000-2017, số thuế doanh nghiệp ĐTNN nộp vào ngân sách tăng gấp 3 lần, từ hơn 59,03 nghìn tỷ đồng lên 172,03 nghìn tỷ đồng.

ĐTNN mở rộng thị trường trong nước cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo sự liên kết và thúc đẩy tăng trưởng năng suất, thông qua sử dụng sản phẩm trung gian, nguyên phụ liệu của doanh nghiệp trong nước, là điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Hạn chế của khu vực ĐTNN đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam

Thứ nhất, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Mục tiêu tiếp thu công nghệ mới tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu rất khó khăn và gần như không đạt. Tỷ lệ doanh nghiệp ĐTNN sử dụng công nghệ của châu Âu và Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 6,0%. Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất sử dụng trong doanh nghiệp ĐTNN chỉ chiếm hơn 65% (giai đoạn 2000-2005) không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước, đa số ở mức độ trung bình hoặc trung bình tiên tiến trong khu vực.

Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng công nghệ sản xuất của những năm gần đây là 15%, trong khi của doanh nghiệp tư nhân là 13,7% và doanh nghiệp Nhà nước là gần 10%. Như vậy, việc cập nhật công nghệ của khu vực ĐTNN còn hạn chế, chủ yếu là mua công nghệ hơn là phát triển nâng cao nghiên cứu đổi mới.

Thứ hai, liên kết của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước chưa chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Tỷ lệ nhập khẩu trên xuất khẩu của khu vực ĐTNN là 81,5% năm 2017, đặc biệt, ở một số ngành như: Điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện tỷ lệ này lên đến 89%, cho thấy mức độ sử dụng linh kiện doanh nghiệp trong nước sản xuất là rất thấp.

Các dự án ĐTNN chủ yếu tập trung ở một số công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình như: Gia công, lắp ráp và một số ngành chế biến thực phẩm. Phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu và dịch vụ đi kèm cho sản xuất được nhập khẩu, thay vì được cung ứng bởi các doanh nghiệp trong nước. Thứ ba, một số dự án ĐTNN chưa đảm bảo tính bền vững về môi trường. Một số ngành: Sửa chữa tàu biển, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến sâu. Một số ngành gây ô nhiễm môi trường lớn như: Sản xuất bột giấy, hóa chất, dệt, nhuộm, chế biến nông sản thực phẩm… Đặc biệt, ngành sản xuất xi măng với 30% thị phần xi măng thuộc về các doanh nghiệp ĐTNN những ngành gây ra 5% tổng lượng khí COtoàn cầu. Một số dự án chưa tuân thủ chặt chẽ quy định về bảo vệ môi trường (Formosa Tĩnh) gây ra hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng cho vùng biển miền Trung Việt Nam…

Định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN trong thời gian tới

Thứ nhất, về ngành và lĩnh vực: Ưu tiên thu hút ĐTNN vào các ngànhcông nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường như: Công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (SMAC), điện toán đám mây, kinh tế số, tự động hóa, y sinh, vật liệu mới…

Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao.

Thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính,  logistics các dịch vụ hiện đại khác.

Trong từng thời kỳ, ưu tiên thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút ĐTNN để chủ động xúc tiến đầu tư, nhằm đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Tiếp tục thu hút ĐTNN vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày… nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Thứ hai, về địa phương và vùng lãnh thổ: Thu hút ĐTNN phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch từng địa phương, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường chung của vùng và cả nước, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên không tái tạo. Tuyệt đối không thu hút ĐTNN bằng mọi giá, làm phá vỡ quy hoạch. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ĐTNN tại địa phương, vùng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Đối với những địa phương có trình độ phát triển cao về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, cần tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại; nghiên cứu và phát triển để hình thành trung tâm tài chính, công nghệ quốc gia và khu vực. Đối với những địa phương có kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, bên cạnh thu hút các dự án tạo ra giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, cần tạo điều kiện thu hút các dự án ĐTNN trong những ngành sử dụng lao động phổ thông, lắp ráp giản đơn để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, về thị trường và đối tác: Đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút ĐTNN từ nhiều thị trường và đối tác. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng các nước phát triển, các nước G7.

Chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư phù hợp với định hướng. Không thu hút các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường.

Thu hút ĐTNN từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ nhưng phải đảm bảo điều kiện về công nghệgia nhập mạng sản xuấtchuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam hiện nay, ĐTNN vẫn đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, vai trò của ĐTNN chỉ thực sự được nâng lên nếu sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả và tạo sự phát triển bền vững. Do đó, thu hút, sử dụng ĐTNN một cách có lựa chọn, khuyến khích đầu tư vào những ngành mà nền kinh tế thực sự cần và phát triển phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo tính bền vững dài hạn cần được quan tâm trong thời gian tới./.

 
Nguyễn Thị Phương Thanh
Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư - TCTK
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top