Thủ tướng Chính phủ: Đầu tư cho nhà ở xã hội là đầu tư cho sự phát triển của xã hội

07/03/2025 - 02:38 PM
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra vào chiều ngày 06/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước ta là phát triển nhanh nhưng bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; con người có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó gồm quyền có chỗ ở.
 
Thủ tướng khẳng định nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, do đó, các cơ quan phải đặt mình vào địa vị của người có nhu cầu để giải quyết, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, các địa phương đã được giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng nhà ở xã hội, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, với quan điểm lấy con người là trung tâm, là chủ thể, con người là yếu tố quyết định với sự phát triển, mọi chính sách phải hướng đến con người.
 
Nhấn mạnh các quan điểm về phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng nêu rõ, nhà ở xã hội được Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách để giảm chi phí, giảm giá thành, nhưng chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn phải bảo đảm; hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, điện nước… phải đồng bộ, thuận lợi.
 
Phát triển nhà ở xã hội là một động lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay, góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển dân số, phát triển đô thị sáng xanh sạch đẹp.
 
Đầu tư cho nhà ở xã hội là đầu tư cho sự phát triển của xã hội, của đất nước; là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, người dân, doanh nghiệp.
 
Để tạo chuyển biến tích cực, rõ nét và đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các bộ ngành, địa phương.
 
Thứ nhất, về thể chế, Bộ Xây dựng chủ trì, rà soát lại thể chế, quy trình, thủ tục để phát triển NOXH.
 
Thứ hai, về quy hoạch, các địa phương phải quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhà ở xã hội phù hợp. Các địa phương có kế hoạch, chủ động giao đất cho các chủ đầu tư; nghiên cứu thu hồi các dự án lãng phí, khu đất bỏ hoang nhiều năm, xử lý vướng mắc, giao cho các chủ đầu tư; giải quyết, bố trí quỹ đất đầy đủ, nhanh cho chủ đầu tư; giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp. Tinh thần là chủ động, sáng tạo nhưng trong sáng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
 
Thứ ba, Bộ Xây dựng rà soát lại tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan nhà ở xã hội (như chiều cao, vật liệu xây dựng…). Thủ tướng chỉ đạo cần thiết kế mẫu mã phù hợp từng vùng miền để có thể nghiên cứu việc tiến hành sản xuất hàng loạt, sử dụng các cấu kết lắp ghép để thi công nhanh; giao cho các doanh nghiệp lớn triển khai, góp phần phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nhà ở xã hội như sản xuất cấu kiện thép, bê tông…
 
Thứ tư, về hạ tầng, các địa phương phải phát triển đồng bộ hạ tầng, đáp ứng yêu cầu, nếu cần thì đầu tư công; có thể chỉ định thầu đồng bộ giữa dự án nhà ở xã hội và dự án hạ tầng, quan trọng là phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
 
Thứ năm, về cơ chế vốn cho dự án nhà ở xã hội, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mức lợi nhuận phù hợp (hiện 10%), có thể tăng nhưng quan trọng là dự án phải làm nhanh, kịp thời, "thay vì phải thủ tục mất 3 năm thì chỉ làm trong 1, 2 tháng sẽ giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ", thì nếu dự án kéo dài thì chi phí tuân thủ cũng tăng lên, gây lãng phí thời gian, công sức, niềm tin, phải làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
 
Thủ tướng Chính phủ: Đầu tư cho nhà ở xã hội là đầu tư cho sự phát triển của xã hội
Phát triển nhà ở xã hội là một động lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay, góp phần tăng
đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển dân số,
phát triển đô thị sáng xanh sạch đẹp

Thứ sáu, về huy động nguồn lực, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, hoàn thành việc lập quỹ nhà ở quốc gia trong tháng 3/2025. Thực hiện phê duyệt danh sách người được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội trên cơ sở dữ liệu dân cư tích hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí. Cùng với đó, có cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng của địa phương; huy động nguồn lực xã hội, người dân, hợp tác công tư; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội… NHNN không tính tín dụng cho vay nhà ở xã hội vào 'room' tín dụng của các ngân hàng.
 
Thứ bảy, Văn phòng Chính phủ chủ trì, rà soát, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong năm 2025. Người có nhu cầu phải chờ 5 năm, 10 năm mới có nhà ở xã hội thì không có tác dụng nhiều, Thủ tướng phát biểu.
 
Thứ tám, Bộ Xây dựng giao Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở xã hội, với giải thưởng từ ngân sách nhà nước, triển khai trước 30/4/2025.
 
Thứ chín, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
 
Thứ mười, các cơ quan báo chí truyền thông đẩy mạnh các chương trình thúc đẩy nhà ở xã hội, tạo động lực, truyền cảm hứng cho toàn xã hội, người dân, doanh nghiệp, biểu dương những cách làm hay, kinh nghiệm tốt…
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp triển khai các dự án nhà xã hội thực hiện đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
 
Khi triển khai các dự án nhà ở xã hội cần bảo đảm chất lượng tốt nhất, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, nước sạch,…), đầu tư đồng bộ hạ tầng xã hội (như: trường học, mầm non, vườn hoa, công viên, khu vui chơi, nhà văn hóa,…). Sau khi khởi công dự án nhà ở xã hội cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.
 
Khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp khẩn trương triển khai xây dựng nhà lưu trú đảm bảo chỗ ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Cùng với đó, chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu quy định các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài được mua, thuê nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, tinh thần là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
 
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải thành lập Ban chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội. Đối với các dự án đã khởi công xây dựng thì phải quyết tâm hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2025. Các địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gương mẫu, đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành mục tiêu được giao tại Đề án. Riêng TPHCM và Hà Nội, mỗi địa phương phải hoàn thành 100 nghìn căn hộ tới năm 2030 (chỉ tiêu hiện tại là TPHCM gần 67 nghìn căn, Hà Nội gần 45 nghìn căn).
 
Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật.
 
Tại các địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn phải quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; bố trí kinh phí, tổ chức giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội để triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
 
Chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong việc phối hợp công tác của các sở, ngành, quận, huyện, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (lập, phê duyệt dự án, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng …) để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
 
Khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện phát triển nhà ở xã hội hàng năm và 05 năm; căn cứ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao để bố trí ngân sách địa phương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch phát triển nhà ở xã hội.
 
Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác theo thẩm quyền cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
 
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc, xử lý nghiêm các vụ việc lừa đảo, vi phạm pháp luật trong phát triển nhà ở xã hội./.
 
P.V
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top