Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành nông nghiệp phải tăng tốc, bứt phá trong năm 2025

28/12/2024 - 05:47 PM
Tổng kết năm 2024, ngành Nông nghiệp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp trước những khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất thường", vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.
 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2024 khoảng 3,3% (cao hơn mức Chính phủ giao: 3-3,2%). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 62,5 tỷ USD, thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD; tạo lập mức kỷ lục mới cả về tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại (chiếm khoảng 72% thặng dư thương mại toàn nền kinh tế). Ngành nông nghiệp đã tập trung khai thác hiệu quả việc xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU; phát triển thị trường mới Halal, châu Phi...
 
Cùng với đó, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) phát triển mạnh mẽ; số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đạt trên 14.600 sản phẩm, tăng trên 3.500 sản phẩm so với năm 2023.
 
Thực hiện đột phá chiến lược phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Một số công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai trọng điểm được hoàn thành, kịp thời đưa vào sử dụng.
 
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra vào chiều 27/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm 3 thành tựu, kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
 
Thứ nhất, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đặc biệt là việc tham mưu, tổ chức, thực hiện điều tiết, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập như hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, không để ai bị đói rét, thiếu nhà ở, học sinh thiếu trường lớp; nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão.
 
Thứ hai, ngành đã khẳng định tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", trước những khó khăn do đứt gãy thị trường, thiên tai, bão lụt...
 
Thứ ba, ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành nông nghiệp phải tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Năm 2024, ngành nông nghiệp vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế
mạnh mẽ và sâu rộng; khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích của cả nhiệm kỳ 2021-2025, năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Do đó, ngành phải tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất trên 8% và phấn đấu đạt 2 con số trong năm 2025.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong năm 2025 toàn ngành nông nghiệp phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP là 3,5-4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD; tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 60%; tỉ lệ che phủ rừng 42,02%...
 
Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng trước hết yêu cầu ngành nông nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để phát triển ngành nhanh, bền vững. Tiếp sau là đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm… Cùng với đó, góp phần đắc lực, hiệu quả vào ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa bàn trọng điểm, nhất là sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập úng tại ĐBSCL, miền núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành cần đảm bảo người nông dân phải được ấm no, hanh phúc hơn, nông thôn hiện đại hơn, nông nghiệp phải tiên tiến hơn. Người nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng.
 
Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, làm bài bản nhưng phải khẩn trương, coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng thời điểm, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn cho phát triển, huy động hiệu quả nguồn lực với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân".

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP; tích cực triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
 
Tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
 
Tăng cường liên kết 5 nhà: Nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học; tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
 
Đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ động triển khai có hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng cơ sở dữ liệu của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam để phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp.
 
Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Nhanh chóng đàm phán, ký kết và tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành nông nghiệp phải tăng tốc, bứt phá trong năm 2025 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành nông nghiệp phải tăng tốc, bứt phá trong năm 2025

Phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững. Tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "Thẻ vàng" trong năm 2025, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
 
Phát triển bền vững lâm nghiệp với các giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Cùng với các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng, nhất là dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính của rừng.
 
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát; phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của từng vùng miền. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, không để bị động, bất ngờ.
 
Đẩy mạnh ngoại giao nông nghiệp; hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.
 
Thủ tướng tin tưởng với động lực, khí thế mới, nền tảng trong những năm qua, truyền thống lịch sử hào hùng của người nông dân, nền văn minh lúa nước, sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể trong ngành, sự hợp tác của các bộ, ngành, cơ quan, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra, góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc./.
 
P.V
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top