Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

18/11/2021 - 09:37 AM

Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển sôi động, là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo. Theo các chuyên gia, nếu biết nắm bắt cơ hội và thời cơ phát triển sẽ giúp thúc đẩy các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phát triển lớn mạnh trong tương lai.

Môi trường khởi nghiệp sáng tạo ngày càng hoàn thiện

Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) ở Việt Nam được bắt đầu từ những năm 2004-2005. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện, với đầy đủ các thành tố quan trọng như: Các DN KNST, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở/đơn vị hỗ trợ nghiên cứu và KNST tại các trường đại học, viện nghiên cứu… thuộc cả khối tư nhân và Nhà nước.

 Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Ảnh minh họa 

Các cơ chế pháp lý trong hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đã và đang dần được hoàn thiện. Đáng chú ý các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, quy trình đầu tư và thoái vốn dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã được quy định ngày càng rõ ràng đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chính phủ đã và đang có những bước đi quyết liệt trong phát triển nền kinh tế số với việc triển khai khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các ngành nghề mới như: Công nghệ, tài chính (fintech) để kiến tạo nên môi trường hệ sinh thái KNST thuận lợi nhất và là nơi các DN đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, các nhà đầu tư có thể hợp lực tạo nên những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tương đối đồ sộ với nhiều nội dung phục vụ KNST trên cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia www.startup.gov.vn. Hàng năm, Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” thu hút hàng trăm chuyên gia và nhà đầu tư tham gia với tổng giá trị kết nối đầu tư trong Ngày hội qua các năm lên đến cả chục triệu đô la Mỹ.

Với môi trường KNST phát triển rất sôi động, hoạt động KNST tại Việt Nam trong các năm 2016, 2017, 2018 đã ra đời nhiều DN KNST. Năm 2019 là năm đánh dấu tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam khi các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, tổng giá trị đầu tư vào start-up công nghệ Việt Nam vượt qua cả Singapore. Năm 2020 chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, thì vẫn có nhiều dự án KNST thành công. Trong đó, nhiều dự án KNST trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường; công cụ dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến… Đây là những giải pháp không chỉ đóng góp vào thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề hữu ích trong cộng đồng khi thực hiện giãn cách xã hội trong phòng chống dịch Covid-19.

Kết quả đạt được trong hoạt động KNST những năm qua đã tạo niềm tin cho các nhà đầu vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Năm 2020, theo đánh giá của Start-up Blink, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng ở vị trí 59 trên thế giới. Tính trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam nằm trong top 20-25 hệ sinh thái hàng đầu. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021 và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực, trên thế giới.

Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo

Cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, được xem là cơ hội để Việt Nam vươn lên trong phát triển kinh tế, trong đó các DNNVV KNST đóng vai trò quan trọng trong đẩy nhanh quá chỉnh chuyển giao ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến. Đặc biệt là tiên phong trong ứng dụng các giải pháp sáng tạo và công trình khoa học công nghệ.

 Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo 1

Ảnh minh họa

Hiện, DNNVV đang đứng trước cơ hội lớn có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư - định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển sôi động. Để nắm bắt cơ hội thúc đẩy DNNVV KNST, những năm qua Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực trong thúc đẩy DNNVV KNST. Cụ thể, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV KNST. Kết quả sau 3 năm triển khai, cả nước có 7 quỹ đầu tư KNST tư nhân thành lập với số vốn điều lệ 5,91 tỷ đồng; 38 tỉnh có chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV KNST.

Ngày 10/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Theo đó, Quỹ thực hiện chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV trong đó quy định một số ưu đãi đối với DN KNST gồm: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hợp đồng tư vấn về xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ; hợp đồng tư vấn về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; Hỗ trợ từ 50-100% giá trị hợp đồng hoặc phí thử nghiệm trong việc thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; Hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm; Hỗ trợ từ 50-100% chi phí liên quan đến đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa… Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV trong đó quy định hỗ trợ DNNVV KNST với tổng số tiền đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Đa số các DN gặp khó khăn thuộc khối DNNVV. Do đó việc ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP trong bối cảnh Việt Nam phải đổi mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh và thực hiện các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề được kỳ vọng sẽ sớm tạo lực đỡ chính sách, giúp các DN trụ lại thương trường và tìm cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ DNNVV KNST, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có Quyết định số 1468/QĐ-BKHCN ban hành Kế hoạch triển khai Thông tư số 07/2020/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo DNNVV, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV, khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV KNST.

Theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) công bố, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong Đông Nam Á về số lượng DN khởi nghiệp, Top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu thế giới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu, trong giai đoạn năm 2016-2019, Việt Nam có hơn 120.000 DN thành lập mới mỗi năm, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Riêng trong 2 năm 2018-2019, số DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chiếm đa số trong số các DN đăng ký thành lập mới.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100.000 DN công nghệ số. Việt Nam cũng đã khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đặt mục tiêu tạo đột phá trong thực hiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm “Make in Vietnam”.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trong hoạt động KNST của các DNNVV, thời gian qua các DNNVV KNST vẫn còn gặp những khó khăn như: Hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển, khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết; Tại địa phương chủ yếu là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khởi nghiệp theo phương thức truyền thống, tự tạo, tự lập; Việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ chưa mạnh mẽ, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa hiệu quả, sự tăng trưởng chưa nhanh và mạnh; DN mới thành lập chưa chủ động tìm và thu hút các nguồn đầu tư cho DN; Hoạt động trao đổi, liên kết hợp tác giữa các DN KNST trong nước và nước ngoài chưa cao; chính sách thuế hiện hành chưa có sự phân biệt giữa các DN KNST với DN thông thường.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, để thức đẩy DNNVV KNST cần tập trung vào các giải pháp như:

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xây dựng các chính sách vĩ mô hỗ trợ DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng; thực hiện triệt để và kiên trì các giải pháp hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV có thể tiếp cận được sự hỗ trợ của Chính phủ.

Các tổ chức tín dụng cần thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV theo từng nhóm ngành nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng được linh hoạt. Cải tiến, đơn giản hóa quy trình cho vay, yêu cầu thông tin cung cấp phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các DNNVV có thể dễ dàng nắm bắt và thực hiện.

Hiệp hội DNNVV Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho DN hội viên; đặc biệt là các chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số, áp dụng nền tảng công nghệ 4.0.

Về phía các DNNVV KNST

Cần nắm bắt được các cơ hội lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp các DN Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, vươn lên mạnh mẽ, tạo ra những cú hích quan trọng nhằm đạt được những bước phát triển vượt bậc. Đồng thời cần phải tập trung vào những kế hoạch, chiến lược, những giải pháp trọng tâm, trọng điểm mang lại hiệu quả cao.

Năng động, sáng tạo, chủ động triển khai tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư khác, ngân hàng, công ty tài chính, các định chế tài chính; các thị trường vốn; Tích cực tham gia các hiệp hội DN để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Chính phủ, Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.

Chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, thiết lập hệ thống quản lý, quản trị DN tốt ngay từ khi bắt đầu hình thành bước đầu của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường; Tăng cường áp dụng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến hiện đại./.

M. Linh

 

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top