
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghiệp công nghệ số đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức được vai trò và tầm quan trong, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số. Đến nay, công nghệ số Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước. Hiện, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam thuộc Top cao nhất trên thế giới. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai mạnh mẽ vào đời sống và ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019. Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số phát triển phát triển ngày càng lớn mạnh với gần 74.000 doanh nghiệp. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đa dạng, từ phần cứng, điện tử đến phần mềm và các công nghệ tiên tiến như: AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật...
Lực lượng lao động công nghiệp công nghệ số của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 1,67 triệu lao động, tăng hơn 50% so với năm 2019. Tính đến hết năm 2023, đã có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số vươn ra thị trường quốc tế, doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2022. Nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam có kiến thức tốt về công nghệ.
Phát triển công nghiệp công nghệ số đã góp phần nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam qua từng năm. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2023 và tăng 32 bậc so với năm 2013. Trong số đó, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Có thể thấy, kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp công nghệ số thời gian qua đã giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, đóng góp tích cực trong xây dựng nền kinh tế số toàn diện, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được công nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn còn những điểm yếu như: Trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp; phát triển công nghệ số, hạ tầng công nghệ số chưa đồng đều giữa các vùng, miền; thiếu nguồn nhân công nghiệp công nghệ số lực chất lượng cao...
Để khắc phục khó khăn thúc đầy phát triển công nghiệp công nghệ số trong kỷ nguyên mới, Việt Nam đã có các chính sách khẳng định và chỉ rõ định hướng xây dựng phát triển công nghiệp công nghệ số. Trước hết phải kể tới Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII). Nghị quyết này đã chỉ rõ định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đưa ra quan điểm phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Chủ trương của Nghị quyết là đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp: CNTT và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mang công nghiệp 4.0, từ đó sẽ tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác cùng phát triển
Kế đến, tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định, công nghiệp CNTT là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nhằm cung cấp các công nghệ cơ bản, góp phần thay đổi toàn diện cả về tổ chức, quy trình kinh doanh, văn hóa, doanh nghiệp đến sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện. Đồng thời, ngành công nghiệp công nghệ số đã dần khẳng định được vai trò, vị trí là nền tảng, là hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, việc ra đời Nghị quyết số 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57) là một bước ngoặt quan trọng. Nghị quyết 57 nhấn mạnh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
Nghi quyết 57 cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại. Từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc.

Mục tiêu đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, Nghị quyết 57 đưa ra 7 nhiệm vụ và giáp pháp trong thời gian tới gồm: (1) Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (2) Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (3) Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (4) Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (5) Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; (6) Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; (7) Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 03, ngày 09/01/2025 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; Trước đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Dữ liệu có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2025 tới. Luật Dữ liệu ra đời với mục đích nhằm tăng cường sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu vừa phục vụ quản lý Nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu để phát triển kinh tế-xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang hoàn thiện dự án Luật Công nghiệp công nghệ số./.
Trang Nguyễn
Trình bày: B.N
|