Chuyển đổi số đang tạo không gian phát triển mới và đem lại cõ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển. Chính vì vậy, phát triển doanh nghiệp công nghệ số để ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số thúc đẩy đổi mới sáng tạo được coi là nhiệm vụ quan trọng trong hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại.
Từ khóa: Doanh nghiệp, công nghệ số, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, Make in Viet Nam…
Abstract: Digital transformation is creating new development spaces and providing significant opportunities for Vietnam to achieve breakthrough growth and quickly catch up with developed countries. Therefore, developing digital technology enterprises to apply, transfer, research and develop, and produce products, platforms, and solutions based on digital technology that promote innovation is considered an important task in realizing the opportunities and potential that digital transformation brings.
Keywords: Enterprises, digital technology, digital transformation, information technology, Make in Vietnam…
Phát triển doanh nghiệp công nghệ số là yêu cầu tất yếu
Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Chỉ thị 01/CT-TTg), đã nhấn mạnh tới vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số trong việc góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo mô hình một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, có 4 loại doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung phát triển, bao gồm: (1) Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; (2) Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu, đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; (3) Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; (4) Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
Với quy mô thị trường đạt ngưỡng 100 triệu dân từ năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia được tích cực triển khai trên tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường... đã tạo tiền đề thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển lớn mạnh và vươn ra thế giới.
Năm 2019 ghi dấu sự ra đời của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với sứ mệnh “Make in Viet Nam”, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kể từ năm 2019 đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng “Make in Vietnam” - “Làm ra tại Việt Nam” của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%; riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%.
Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam hiện có hơn 45 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11,2 nghìn doanh nghiệp làm phần mềm. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có khoảng trên 1,5 nghìn doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới, ước tính doanh thu đạt khoảng 7,5 tỷ USD.
Đến nay, nước ta đã bước đầu hình thành ngành công nghiệp công nghệ thông tin; các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từng bước khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam luôn nỗ lực đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam” với hàm ý: “Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt, thậm chí đưa sản phẩm vươn ra thị trường toàn cầu. Điển hình như: Sản phẩm Chip (Mạch tích hợp - Integrated Circuit) quản lý nguồn cho các ứng dụng di động của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Hệ thống thông tin FPT; Dịch vụ Robotic Processing Automation (RPA) - Tự động hóa quy trình bằng robot của Công ty TNHH CMC Global; Nền tảng Tài chính số Viettel - Viettel Digital Finance Platform (VDFP) của Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội… Qua đó, mở ra thị trường tiềm năng, giúp tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam; đồng thời khẳng định vị thế của công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Tập trung chính sách với trọng tâm là giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Với sứ mệnh trong tình hình mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực, doanh nghiệp công nghệ số đang là chủ thể quan trọng trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, kết nối, lan tỏa các thành tựu công nghệ số.
Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Chỉ thị 01/CT-TTg đề ra một số giải pháp cụ thể, trong đó tập trung trọng điểm vào xây dựng chính sách, thể chế; triển khai Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm trọng điểm quốc gia; tôn vinh doanh nghiệp nỗ lực, đóng góp; tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam…
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định doanh nghiệp số, trong đó bao gồm doanh nghiệp công nghệ số là một trong những nền móng cơ bản để phát triển kinh tế số và xã hội số với đột phá là đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp số trong các ngành lĩnh vực. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
Một là, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm “Make in Việt Nam”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Hai là, đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: Xây dựng và vận hành cổng thông tin Chương trình; đánh giá, lựa chọn, công bố các nền tảng số xuất sắc cho chuyển đổi số doanh nghiệp; khảo sát, phân nhóm các doanh nghiệp theo ngành nghề, lĩnh vực và quy mô; xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp; triển khai các chiến dịch truyền thông cho Chương trình.
Ba là, xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đánh giá, lựa chọn và công bố các nền tảng số, giải pháp số xuất sắc cho chuyển đổi số doanh nghiệp lớn. Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành trong chuyển đổi số, phát triển và nhân rộng nền tảng số ngành, tạo hệ sinh thái số trong các ngành, lĩnh vực.
Bốn là, xây dựng và triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp trên cả nước, kết quả đánh giá chỉ số mức độ chuyển đổi số là thước đo về hiệu quả của các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Xây dựng và vận hành Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số.
Năm là, xây dựng và triển khai Chương trình phát triển mạng lưới chuyên gia, tổ chức tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp (Mạng lưới tư vấn) với tối thiểu 1000 chuyên gia và 500 đơn vị tư vấn được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng và được tham gia các hoạt động chung nhằm duy trì và phát triển mạng lưới.
Sáu là, xây dựng và triển khai các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nền tảng quản trị tổng thể, nền tảng kế toán dịch vụ, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nền tảng thương mại số nông nghiệp, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng trợ lý ảo, nền tảng thiết bị IoT của Việt Nam.
“Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” là chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của Việt Nam. Theo đó, một trong những mục tiêu ưu tiên để thực hiện chủ đề trong kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số bao gồm việc thúc đẩy phát triển 48 nghìn doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương; 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải.
Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể như: (1) Xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030; (2) Thúc đẩy, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Ưu tiên sử dụng giải pháp công nghệ số do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển; (3) Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương; (4) Thúc đẩy, kết nối các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số các ngành/lĩnh vực.
Dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề xuất một số giải pháp phát triển gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số, trong đó doanh nghiệp là lực lượng tiên phong; Hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số tiên tiến; Đổi mới mô hình phát triển nhân lực, phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số; Hình thành các định hướng phát triển đột phá thông qua các nhiệm vụ, dự án có tác động lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Có thể thấy, mọi nỗ lực đều đang hướng đến phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhằm tạo ra sự thay đổi bước ngoặt về thứ hạng của Việt Nam bằng công nghệ số, đóng góp chủ lực vào tăng trưởng tổng sản phẩm, tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế số… qua đó, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế./.
Tài liệu tham khảo:
Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;
Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Quyết định số 58/QĐ-UBQGCĐS ngày 19/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Minh Hà