Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số. Các ứng dụng công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... đã được ngành nông nghiệp ứng dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, qua đó giúp ngành nông nghiệp gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Những giá trị mà chuyển đổi số mang lại trong ngành Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam rất rõ ràng, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm được chi phí từ 7 - 25%. Hay đổi với ngành Gỗ, việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp ngành chứng minh được việc thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, hay sắp tới là Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU... Có thể thấy áp dụng chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, gia tăng giá trị nông sản mà còn giúp doanh nghiệp, người nông dân chủ động hơn trong việc đáp ứng kịp thời các yêu cầu của khách hàng, nhà nhập khẩu.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay còn có một số vướng mắc cần được ngành nông nghiệp tập trung giải quyết trong thời gian tới như: Thể chế đầu tư cho chuyển đổi số, hạ tầng số và số hóa dữ liệu trong nông nghiệp chưa đồng bộ; thiếu nhân lực chuyển đổi số; nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế...
Đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp tại Hội nghị thúc đẩy số hóa nông nghiệp vừa được tổ chức, các đại biểu cho rằng ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu ngành và phát triển hạ tầng số để các cơ sở dữ liệu có sự kết nối đồng bộ, tạo sự thuận lợi nhất cho nông dân, doanh nghiệp. Đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu sẵn sàng số hóa để dẫn dắt các hợp tác xã nông nghiệp và người nông dân chuyển đổi số, từ đó giúp thị trường số hóa trong nông nghiệp phát triển. Phát triển công cụ hỗ trợ theo dõi báo cáo, truy xuất nguồn gốc để quản lý chính xác sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ trong hoạt động thương mại, dán nhãn sản phẩm nông nghiệp có phát thải thấp, sản phẩm nông nghiệp xanh, sản phẩm nông nghiệp bền vững, giúp người nông dân đưa các sản phẩm của mình đến các thị trường xuất khẩu bền vững hơn./.
PV