Năm 2024, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hàn Quốc nhất trí thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Hàn Quốc, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ (1989-2024). Với quan hệ đối tác được nâng tầm chiến lược, kỳ vọng sẽ tạo bàn đạp để kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc tiếp tục được thúc đẩy và đạt thành tựu cao hơn nữa.
Từ khóa: ASEAN - Hàn Quốc, quan hệ, kinh tế, thương mại, hiệp định…
Abstract: In 2024, the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) and South Korea agreed to adopt a joint declaration establishing a Comprehensive Strategic Partnership between ASEAN and South Korea, marking a new milestone in the development of their relationship as they celebrate 35 years of diplomatic ties (1989-2024). With the partnership elevated to a strategic level, there are expectations that it will serve as a springboard for further boosting trade between ASEAN and South Korea, achieving even greater accomplishments.
Keywords: ASEAN - South Korea, relations, economy, trade, agreements…
Quan hệ thương mại nâng tầm cùng quan hệ đối tác
ASEAN hiện là cộng đồng chung với hơn 700 triệu dân, có quy mô kinh tế lớn thứ 3 châu Á, thứ 5 trên thế giới và đang tiến tới trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, với môi trường kinh tế vĩ mô tiến bộ và và vị thế quan trọng trên thế giới. Tổng sản phẩm (GDP) của ASEAN đã tăng 51% từ 2.500 tỷ USD năm 2015 lên 3.800 tỷ USD vào năm 2023. Giao dịch thương mại khu vực cũng chứng kiến bước tăng trưởng mạnh mẽ, từ 2.300 tỷ USD năm 2015 tăng lên 3.500 tỷ USD năm 2023; đặc biệt, ASEAN nằm trong số rất ít khu vực trên thế giới có giao dịch thương mại gần bằng GDP. Đáng chú ý, giao dịch thương mại giữa các quốc gia thành viên của khu vực diễn ra tương đối sôi động, đạt trị giá lớn nhất với khoảng 800 nghìn tỷ USD. Ở khu vực Nam bán cầu, ASEAN duy trì đà tăng trưởng kinh tế tích cực, tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp năm 2023 là 230 tỷ USD, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Các khuôn khổ như Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN, Khung kinh tế biển xanh, Khung kinh tế tuần hoàn… là cơ sở để ASEAN nhanh chóng bắt kịp các xu hướng phát triển mới, tạo động lực cho tăng trưởng chất lượng và bền vững trong tương lai.
Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia nằm ở khu vực Đông Á với 3 mặt giáp biển, tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc giao thương, trao đổi hàng hóa bằng đường biển. Do đó, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hoạt động trao đổi thương mại sôi động nhất trên thế giới. Theo số liệu của ITC Trademap, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hàn Quốc năm 2022 đạt 1.415 tỷ USD (chiếm 2,9% trao đổi thương mại của toàn cầu), trong đó xuất khẩu đạt 683,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 731,4 tỷ USD. Với kết quả này, Hàn Quốc xếp thứ 7 trong số các quốc gia xuất nhập khẩu nhiều nhất trên thế giới, còn nhập khẩu đứng vị trí thứ 9. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong 9 tháng năm 2024 đã đạt 508,8 tỷ USD, trở thành tổng kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai từ trước đến nay trong lịch sử nước này.
Bên cạnh đó, nền kinh tế của Hàn Quốc được đánh giá tương đối ổn định với các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức tương đối thấp trong những năm qua. Hàn Quốc cũng thuộc nhóm các nước phát triển có thu nhập cao trên thế giới, có thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 33.719 USD/người. Năm 2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc sẽ đạt 34.165 USD. Với mức thu nhập này, người tiêu dùng Hàn Quốc có khả năng chi trả tương đối cao cho hàng hóa tiêu dùng.
Với tiềm lực lớn của hai nền kinh tế ASEAN và Hàn Quốc, sự hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên được kỳ vọng đem lại những dấu ấn mới trong bức tranh hợp tác cùng phát triển của thế giới, nhất là về thương mại. ASEAN và Hàn Quốc thiết lập quan hệ theo ngành từ tháng 10/1989, kể từ đó, hai bên liên tục thúc đẩy trao đổi, tăng cường hợp tác và nâng cấp thảo luận trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế và thương mại. Qua nhiều năm, ASEAN - Hàn Quốc khẳng định quan hệ đối tác vững mạnh, cùng phát triển và tiếp tục vun đắp quan hệ bền chặt, toàn diện.
Quan hệ kinh tế thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc bước sang giai đoạn mới với bước ngoặt lớn đầu tiên vào năm 2005 khi thực hiện ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện (AKFTA). Trên cơ sở Hiệp định khung AKFTA, hai bên đàm phán và liên tiếp ký kết các Hiệp định về tự do hàng hóa, thương mại và đầu tư, như: Hiệp định về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp ASEAN - Hàn Quốc, Hiệp định về Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKTIGA) (có hiệu lực từ tháng 6/2007), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ ASEAN - Hàn Quốc (có hiệu lực từ tháng 5/2009), Hiệp định về Đầu tư ASEAN - Hàn Quốc (có hiệu lực từ tháng 6/2009); tất cả nhằm hình thành Khu vực thương mại tự do giữa ASEAN và Hàn Quốc.
Các Hiệp định kinh tế, thương mại không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hai bên, mà còn khẳng định tầm quan trọng của hợp tác kinh tế thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc. Trong đó, Hiệp định AKTIGA được các thành viên ASEAN và Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy thảo luận, hợp tác trao đổi đối với việc thực thi và phát triển, được các nước đồng thuận và phê duyệt.
Qua nhiều năm thực thi Hiệp định thương mại, tính đến năm 2024, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 196,64 tỷ USD và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 6 vào ASEAN, đạt 11 tỷ USD trong năm 2023.
Đặc biệt, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 25 diễn ra vào ngày 10/10/2024, tại Thủ đô Vientiane (Lào), ASEAN và Hàn Quốc nhất trí thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Hàn Quốc, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ (1989 - 2024). Tại đây, các lãnh đạo đều nhấn mạnh việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện thể hiện mức độ gắn kết cao và chặt chẽ của quan hệ cũng như kết quả tích cực của hợp tác sâu rộng giữa ASEAN và Hàn Quốc. Với việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Sáng kiến Đoàn kết ASEAN - Hàn Quốc (KASI), quan hệ hợp tác hai bên được kỳ vọng sẽ trở nên sâu sắc, gắn bó hơn nữa, đồng thời đặt ra kỳ vọng về những dấu mốc mới trong quan hệ thương mại của các thành viên ASEAN và Hàn Quốc.
Việt Nam tiến tới cột mốc thương mại mới với Hàn Quốc trong vai trò là thành viên nổi bật của ASEAN
Là thành viên nổi bật và tích cực của ASEAN, Việt Nam ủng hộ và dành nhiều kỳ vọng vào mối quan hệ mới được nâng tầm giữa ASEAN và Hàn Quốc. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 25, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng với việc ASEAN và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện nhân kỷ niệm 35 năm quan hệ. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị 3 định hướng triển khai quan hệ ASEAN-Hàn Quốc tương xứng với tầm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, gồm:
Một là, đóng góp trách nhiệm hơn cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Thủ tướng hoan nghênh Hàn Quốc tiếp tục tích cực ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông cũng như nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. ASEAN sẵn sàng phối hợp, thúc đẩy các bên liên quan tăng cường đối thoại, hướng đến hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên phi vũ khí hạt nhân.
Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác kinh tế, trọng tâm là kết nối các nền kinh tế, hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục, đào tạo. Trong đó, hợp tác thương mại và đầu tư cần phát triển theo hướng cân bằng hơn, bền vững hơn, tận dụng tốt hơn Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời thúc đẩy ký kết các văn kiện chung, tạo cơ chế hợp tác thông thoáng, thuận lợi, mở cửa thị trường lớn hơn cho nhau, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục đào tạo.
Ba là, hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, toàn diện và phát triển bền vững, nhất là đối với các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cùng mở ra những chân trời hợp tác mới có ý nghĩa chiến lược như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật...; đồng thời tiếp tục thúc đẩy Đối tác Mekong-Hàn Quốc, đóng góp tích cực cho các nỗ lực phát triển tiểu vùng, bảo đảm tăng trưởng bao trùm, thu hẹp khoảng cách và phát triển đồng đều, bền vững tại khu vực.
Những năm qua, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam đã tăng trưởng theo cấp số nhân kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992; khi đó, thương mại song phương mới chỉ đạt 500 triệu USD. Bên cạnh AKFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã thực thi gần 10 năm và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng tạo cú hích lớn cho xuất nhập khẩu, đầu tư và tận dụng ưu đãi thuế quan. Năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc và tiếp tục duy trì vị trí này trong năm 2023 với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 79,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Việt Nam đạt 53,49 tỷ USD và nhập khẩu đạt 25,94 tỷ USD.
Việt Nam cũng là một trong những thành viên ASEAN tận dụng tốt Hiệp định AKFTA, khi Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhất. Năm 2023, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 52,1%, với kim ngạch hàng hóa có C/O xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD. Nhóm hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất là thủy sản (96,32%), theo sau là các mặt hàng nông sản như rau quả, cà phê đều có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi rất cao, lần lượt đạt 91,18%, 94,54%. Bên cạnh đó, gỗ và sản phẩm gỗ có tỉ lệ tận dụng là 73,76%; giày dép và hàng dệt may xuất khẩu có tỷ lệ gần 100%.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn là đối tác đứng đầu về cả số dự án và vốn trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số dự án lũy kế đến ngày 31/10/2024 là trên 10 nghìn dự án và tổng số vốn đạt trên 87,43 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23%) và vốn góp mua cổ phần (chiếm 25%).
Cùng quan hệ đối tác được thiết lập nhiều năm với sự củng cố từ các FTA song phương và đa phương, việc ASEAN - Hàn Quốc nâng tầm quan hệ đối tác cũng thúc đẩy tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên tầm cao mới. Qua đó, tạo động lực để hai nước tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao thương đến gần hơn với cột mốc thương mại 100 tỷ USD; góp phần vào tăng trưởng kim ngạch thương mại của khu vực ASEAN với Hàn Quốc./.
Tài liệu tham khảo:
1. ASEAN, Hàn Quốc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, 2024, https://baochinhphu.vn/asean-han-quoc-thiet-lap-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-102241010124209824.htm;
2. Số liệu đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 10 tháng năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Minh Huyền