Thực hiện Đề án Khu vực kinh tế chưa được quan sát - Kết quả tích cực từ các Bộ, ngành

28/11/2024 - 09:04 AM
Năm 2023 là năm thứ 5 thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE). Bên cạnh những kết quả đạt được của cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện đề án NOE tại các Bộ, ngành cũng ghi nhận những kết quả tích cực.
 
Bộ Công Thương
 
Tiếp nối kết quả đạt được trong hai năm 2021-2022, trong năm 2023, Bộ tiếp tục tích cực thực hiện Đề án NOE, đẩy mạnh công tác quản lý đối với các ngành công nghiệp; công tác quản lý thị trường.
 
Về công tác quản lý ngành công nghiệp, đối với ngành Dầu khí:, các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu đã thực hiện đúng quy định của pháp luật; các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí triển khai tại thềm lục địa Việt Nam được quản trị theo thông lệ dầu khí quốc tế đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
 
Đối với ngành Than, thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, cung cấp than cho sản xuất điện và Quyết định số 2840/BCT-DKT ngày 31/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Phòng cùng với các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06/5/2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
 
Về công tác quản lý thị trường, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã kịp thời xây dựng và ban hành nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành và các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế như: Định hướng Chương trình kiểm tra thị trường năm 2023; Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2023; Công điện số 383/CĐ-BCT về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; văn bản số 4067/BCĐ389-CQTT về việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam; văn bản số 07/BCĐ389-CQTT chỉ đạo các đơn vị thành viên về việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới; Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...
 
Bộ Công Thương đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐTTg ngày 29/3/2023 phê duyệt các Đề án lớn là: (1) Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; (2) Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển; (3) Đề án nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính và ban hành các quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương để triển khai thực hiện các đề án. Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội tổ chức 03 hội thảo về nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam và 01 Diễn đàn về ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác đấu tranh chống hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương đã tổ chức làm việc với Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường nhà nước Trung Quốc và Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) về chống hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử nói chung và về sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm nói riêng.
 
Về công tác phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ), Bộ Công Thương đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các đơn vị thành viên và lực lượng quản lý thị trường cả nước trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời, tổng hợp báo cáo đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ.
 
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng liên quan tại địa phương tập trung làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động nhập lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, việc thực hiện niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý. Đặc biệt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như: Xăng dầu, khí lỏng, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, phân bón, vật tư nông nghiệp…
 
Tại các địa phương, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các vi phạm gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, thực phẩm chức năng, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.
 
Thực hiện Đề án NOE: Kết quả tích cực từ các Bộ ngành
Các Bộ, ngành tích cực thực hiện Đề án NOE

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
 
Trong năm 2023, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án, NHNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp lý và triển khai thực hiện các văn bản đã ban hành nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngành Ngân hàng, phát triển các hình thức, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của người dân, tổ chức trong nền kinh tế, ứng dụng, nghiên cứu các công nghệ mới trong hoạt động thanh toán, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.
 
Cụ thể, NHNN đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó đã bổ sung quy định về hoạt động giao đại lý thanh toán; trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Ban hành Kế hoạch triển khai dự án Luật các Hệ thống thanh toán và xây dựng Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch tại Quyết định số 1813/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025…
 
Đối với hoạt động phòng chống rửa tiền, trong năm 2023, NHNN tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, xử lý các báo cáo theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền (có gần 3.210 báo cáo giao dịch đáng ngờ); chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc liên quan đến rửa tiền và các tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho các cơ quan có thầm quyền theo quy định của pháp luật (145 văn bản liên quan đến 1.519 báo cáo); cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng trong nước (xử lý gần 600 lượt yêu cầu). Qua quá trình xử lý báo cáo giao dịch đáng ngờ, NHNN đã có các văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đôn đốc, cảnh báo, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, góp phần kịp thời ngăn chặn và đấu tranh đối với các hành vi phạm tội và công văn hướng dẫn báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền 2022.
 
Thực hiện vai trò đơn vị đầu mối giúp việc cho Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền, NHNN thường xuyên theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022. Ngoài ra, để thực hiện các nội dung hành động theo cam kết với Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (viết tắt là FATF), căn cứ Kế hoạch hành động mà Việt Nam ký kết với FATF, trên cơ sở ý kiến từ Ban Thư ký Nhóm APG, ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành Kế hoạch hành động quốc gia cụ thể cần thực hiện.
 
Việc đàm phán, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền giữa NHNN và các đơn vị tình báo tài chính của các quốc gia trên thế giới cũng được quan tâm thực hiện. Trong năm 2023, Thống đốc NHNN đã ký MOU cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố với Trung tâm phân tích và báo cáo giao dịch Úc (ngày 03/6/2023) và đang tiếp tục nghiên cứu các nội dung liên quan đến MOU với Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, UAE, Timor Leste, Macao (Trung Quốc).
 
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
 
Năm 2023, BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai trong toàn Ngành; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra, góp phần quan trọng nhằm đẩy lùi và hạn chế hoạt động của khu vực kinh tế ngầm thuộc lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam và đạt được một số kết quả như sau:
 
Công tác thanh tra kiểm tra Ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong hoạt động thanh tra kiểm tra (viết tắt là TTKT). Trong năm 2023, đã phối hợp, tham gia các đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đã ban hành, triển khai trong toàn Ngành kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và thanh tra liên ngành năm 2023. Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra kiểm tra năm 2023; chú trọng thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác TTKT; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN; trường hợp cố tình vi phạm thì lập hồ sơ khởi tố theo quy định. Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người lao động và chủ sử dụng lao động.
 
Năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện TTKT tại 22,6 nghìn đơn vị. Kết quả, ngành đã yêu cầu truy thu tiền đóng của trên 7.200 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia với số tiền là 45,8 tỷ đồng; khoảng 8.800 lao động đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 57.3 tỷ đồng; 38,8 nghìn lao động đóng thiếu mức đóng quy định với số tiền phải truy đóng là 89,4 tỷ đồng.
 
Trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành xấp xỉ 1.800 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền xử phạt là 63,9 tỷ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã nộp Ngân sách Nhà nước là 24,5 tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính phải nộp Ngân sách Nhà nước.
 
Công tác truyền thông được BHXH Việt Nam đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng vùng miền và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đã đạt được kết quả tích cực. Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm phục vụ, BHXH Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, hình thức truyền thông theo hướng linh hoạt, đa dạng, xây dựng kịch bản, cách thức truyền thông phù hợp với từng nhóm người như: Đối thoại, tư vấn trực tiếp, qua mạng xã hội, qua hệ thống tổng đài hỗ trợ của BHXH Việt Nam, Cổng thông tin điện tử ngành BHXH Việt Nam, Tạp chí BHXH. Qua đó, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, giúp người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, giá trị nhân văn, lợi ích của BHXH, BHYT đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo an sinh; đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ về việc đóng BHXH, BHYT không chỉ là nghĩa vụ mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó từng bước giảm thiểu hoạt động kinh tế ngầm liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
 
Công tác cải cách thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa về quy trình, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tài chính

Năm 2023, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/04/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2023; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/06/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BTC ngày 28/02/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc trên thực tế cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần hoàn thiện, kiện toàn hệ thống chính sách thuế, quản lý thuế.

 
Bên cạnh kết quả của các Bộ, ngành trên, các Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng tích cực  triển khai thực hiện Đề án NOE và có những kết quả đáng ghi nhận./.
 
P.V

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top