Thực trạng công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

19/07/2024 - 11:04 AM
Lai Châu là một tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam  trên 87% dân số là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn Tỉnh.

Tích cực triển khai thực hiện kế hoạch công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025

Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu luôn quan tâm phát triển đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện công tác dân tộc trên địa bản Tỉnh. Đơn cử là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 05/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Lai Châu về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 06/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện hiệu quả giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu…

HĐND Tỉnh cũng ban hành 07 Nghị quyết về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; UBND Tỉnh ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác về công tác dân tộc.

Nhờ đó, công tác dân tộc tại tỉnh Lai Châu đạt nhiều kết quả tích cực. Các chính sách dân tộc được triển khai đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân trong việc lựa chọn đối tượng, nội dung đầu tư; hỗ trợ, giám sát quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Cơ chế quản lý, điều hành được phân cấp rõ ràng, tạo thuận lợi trong thực hiện các chương trình, chính sách.

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện của địa phương cũng như nhu cầu cấp thiết của người dân, được người dân đồng tình, ủng hộ. Các nguồn vốn được bố trí kịp thời, những khó khăn vướng mắc nảy sinh được chú trọng giải quyết, đã phần nào đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch.

Cùng với đó, công tác hướng dẫn thực hiện các chính sách được chú trọng, quan tâm giúp các đơn vị cơ sở nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn  trong quá trình triển khai các chính sách dân tộc, nguồn vốn đảm bảo sử dụng có hiệu quả; đúng đối tượng hỗ trợ, đúng tiến độ...

Số lượng và chất lượng thanh, kiểm tra được nâng nên. Thông qua các cuộc kiểm tra tại cơ sở đã kịp thời phát hiện những đơn vị làm tốt, có phương pháp triển khai thực hiện các chính sách  hiệu quả, phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, kịp thời chấn chỉnh trong công tác quản lý chỉ đạo thực hiện các chương trình, chính sách. Đồng thời yêu cầu xử lý sai phạm về trách nhiệm kinh tế cũng như hành chính đối với những cá nhân và tổ chức có vi phạm. Công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện các chính sách được thực hiện theo đình kỳ, đột xuất. Các báo cáo được tập trung thời gian nghiên cứu xây dựng đảm bảo về chất lượng, có sự thống nhất về số liệu với các đơn vị thực hiện.
 
Thực trạng công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Nhờ làm tốt công tác dân tộc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu ngày càng được nâng lên

Để đưa Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2025 vào cuộc sống, HĐND và UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành các văn bản quản lý, điều hành thực hiện Chương trình trên địa bàn Tỉnh. Đây là cơ sở rất quan trọng để các cấp, các ngành từng bước tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung trong Chương trình. Theo đó, Ban chỉ đạo các cấp từ Tỉnh đến cơ sở được thành lập kịp thời, đồng bộ. Ban Chỉ đạo các cấp đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa Ban Dân tộc với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố được thực hiện chặt chẽ, kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng giúp triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng quy định hiện hành và tiến độ. Năm 2022, kế hoạch vốn giao cho tỉnh Lai Châu là 839,2 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 649,7 tỷ đồng, vốn đối ứng (5%) của địa phương là 32,5 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách là 157 tỷ đồng. Kết quả giải ngân tổng vốn của chương trình năm 2022 là 386,2 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn giao năm 2023 là 1.203,6 tỷ đồng, ước thực hiện đến hết năm đạt 100% kế hoạch.

Người có uy tín là cầu nối giữa Đảng, Chính quyền với Nhân dân, tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi, bài trừ những hủ tục lạc hậu trong tang ma và cưới xin, xây dựng nông thôn mới; trong vận động Nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân. Do đó, thời gian qua, tỉnh Lai Châu tích cực thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất hướng giải quyết các vấn đề vướng mắc ở cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng; giải quyết tốt các vấn đề thắc mắc, kiến nghị của đồng bào các dân tộc. Năm 2021 tỉnh Lai Châu thực hiện chính sách đối với người có công là 1.142 triệu đồng đạt 60,35% kế hoạch giao (1.892 triệu đồng). Năm 2022 thực hiện 1.914 triệu đồng, đạt 84,7 % kế hoạch giao (2.261 triệu đồng) và năm 2023 ước thực hiện là đạt 100% kế hoạch là 2.014 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu đẩy mạnh thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số" theo Quyết định 498/QĐ-TTg trong 2 năm 2021-2022, đạt 90% - 100% kế hoạch giao; Đề án Hỗ trợ bình đẳng giới theo Quyết định 1898/QĐ-TTg trong các năm 2022-2023 đạt 100% kế hoạch; Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc theo Quyết định số 219/QĐ-TTg trong năm 2022 đạt 92% kế hoạch giao.

Nhờ tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc trên toàn tỉnh, đến nay Lai Châu có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số; sản xuất có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo chung của Tỉnh. Công tác bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá truyền thống, từng bước đưa người dân hoà nhập vào sự phát triển chung của Tỉnh, của khu vực, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, củng cố vững chắc lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và các lớp tập huấn đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế các hủ tục, tập quán lạc hậu, tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trên địa bàn toàn Tỉnh.

Điển hình là trước thực trạng tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ, UBND tỉnh Lai Châu có những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mảng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững; cải thiện đời sống; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao số lượng, chất lượng lao động, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ. Đồng thời quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mảng, La Hủ đi đôi với xóa bỏ phong tục, hủ tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước...

Tuy nhiên công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua cũng còn tồn tại một số hạn chế. Nhận thức của các cấp, các ngành và của một số cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc chưa sâu sắc, chưa toàn diện. Một số chính sách dân tộc chưa được cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền các chương trình, chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa được kịp thời. Công tác theo dõi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào còn có những hạn chế nhất định.

Thêm vào đó, một số địa phương chậm ban hành hướng dẫn một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 hoặc có văn bản hướng dẫn nhưng chưa cụ thể, khó thực hiện, chưa thống nhất. Hướng dẫn quy trình thực hiện còn nhiều bước, phức tạp, chưa mang tính phân cấp cho địa phương hoặc hướng dẫn không đầy đủ, chồng chéo,... nên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức thực hiện, tiến độ giải ngân chậm, thấp. Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tế của địa phương.

Công tác dân tộc trên địa bàn Tỉnh gặp trở ngại do những khó khăn đặc thù của vùng cao, biên giới như: Điều kiện tự nhiên ( địa hình vùng núi cao đi lại khó khăn, thời tiết bất thường) không thuận lợi; các nền tảng của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, thu ngân sách hạn chế... Trong giai đoạn qua, vùng đồng bào dân tộc có nhiều thay đổi tích cực, song vẫn là khu vực khó khăn nhất cả nước, tỷ lệ đói nghèo cao, các thế lực thù địch lợi dụng chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và những khó khăn của đồng bào để tuyên truyền đạo trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị...

Hơn nữa, nguồn nhân lực thực hiện công tác dân tộc từ Tỉnh đến huyện còn thiếu nên công tác tuyên truyền, nắm bắt, giám sát các chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa được kịp thời, công tác theo dõi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào còn có những hạn chế nhất định.

Tập trung thực hiện các giải pháp để làm tốt công tác dân tộc

Để thực hiện tốt công tác dân tộc, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc; góp phần đưa chính sách đến với người dân, hạn chế những thất thoát trong thực hiện chương trình, chính sách dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi giúp đồng bào phát triển về mọi mặt, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước, đảm bảo ổn định tình hình chính trị và an ninh quốc phòng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực biên giới. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc nhận thức sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chương trình, chính sách dân tộc.

Hai là, theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phát hiện, phối hợp cùng các cơ quan liên quan trong việc phòng, ngăn chặn tình trạng di cư tự do, những vấn đề bức xúc, nhạy cảm trong vùng đồng bào dân tộc.

Ba là, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm theo kế hoạch công tác là: Thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tỉnh giao; hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch giao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc tại cơ sở; thực hiện đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên, đột xuất, báo cáo chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban dân tộc theo chỉ đạo. Tham mưu xây dựng ban hành chính sách mới (nếu có).

Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các chương trình, chính sách, đề án, dự án theo kế hoạch đã đề ra.

Năm là, thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc yêu cầu.

Thực hiện các nhiệm vụ trên, Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu sẽ chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, bám sát và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần các Nghị quyết, Quyết định, chỉ đạo của tỉnh giao. Nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành phát huy vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc; phát huy vai trò người đứng đầu trong cơ quan về tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành; coi trọng công tác chỉ đạo điều hành; coi trọng công tác chỉ đạo điều hành, có trọng tâm, trọng điểm đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Thứ hai, tiếp tục tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc trong việc lãnh, chỉ đạo, giám sát; phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, theo dõi chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Nâng cao nhận thức sâu sắc, toàn diện cho các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của công tác dân tộc trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đồng thời phát huy tối đa nội lực của nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách tới đồng bào dân tộc./.

 
 Vương Thị Lan Phương
Phó Trưởng phòng Phòng chính sách Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top