Thực trạng về việc áp dụng danh mục nghề nghiệp năm 2008 và một số khuyến nghị đối với danh mục nghề nghiệp năm 2020

06/08/2020 - 02:44 PM
Ngày 12 tháng 11 năm 2008, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 1019/QĐ-TCTK ban hành danh mục nghề nghiệp áp dụng cho cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Đây là bản danh mục được soạn thảo dựa theo bảng phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp 2008 (ISCO 08) được ban hành nhằm phục vụ yêu cầu quản lý nói chung; phục vụ công tác thống kê, tổng điều tra dân số, so sánh quốc tế về lĩnh vực nghề nghiệp nói riêng.

Hơn 10 năm qua, Tổng cục Thống kê đã áp dụng danh mục nghề nghiệp trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, 2019 và Điều tra Lao động việc làm hàng năm để mã hóa và phân tổ nghề nghiệp của người lao động trong cả nước. Điều này đã cung cấp cho nhà quản lý lập chính sách và đông đảo người dùng tin trong và ngoài nước một nguồn thông tin đầy đủ, có hệ thống về công việc, nghề nghiệp cũng như các đặc trưng cơ bản về trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề của người lao động trong nền kinh tế.

Tuy vậy, trải qua 10 năm áp dụng, danh mục nghề nghiệp ban hành từ năm 2008 đã bắt đầu bộc lộ một số tồn tại, đòi hỏi có những nghiên cứu sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới. Đây chính là cơ sở tiền đề để Tổng cục Thống kê quyết định nghiên cứu sửa đổi danh mục nghề nghiệp năm 2008 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2020.

Thực trạng của việc áp dụng danh mục nghề nghiệp năm 2008

Thực tế áp dụng danh mục nghề nghiệp trong các cuộc điều tra

Danh mục nghề nghiệp năm 2008 được chính thức áp dụng để mã hóa nghề nghiệp của người lao động trong 2 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và năm 2019 và trong các cuộc Điều tra lao động việc làm từ năm 2010 đến nay.

Theo đó, những người từ 15 tuổi trở lên, trong khoảng thời gian tham chiếu, có làm việc (không bị pháp luật cấm) từ 1 giờ trở lên để tạo ra thu nhập sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về công việc/hoạt động kinh doanh và trình độ tay nghề của họ để làm căn cứ mã hóa nghề nhiệp. Những người làm đồng thời nhiều công việc/hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian tham chiếu nhất định thì được yêu cầu cung cấp thông tin về công việc/hoạt động kinh doanh chính (sau đây gọi tắt là công việc chính).

Theo quy định, công việc chính là công việc mà đối tượng điều tra làm thường xuyên nhất. Nếu đối tượng điều tra có nhiều công việc thường xuyên thì công việc chính là công việc chiếm nhiều thời gian hơn hoặc tạo ra thu nhập lớn hơn. Riêng đối với những người không có công việc thường xuyên mà chỉ làm các công việc tạm thời thì sẽ dùng thời gian tham chiếu là 7 ngày để xác định công việc chính. Đó là công việc đối tượng điều tra làm nhiều giờ nhất hoặc công việc tạo ra thu nhập lớn nhất trong 7 ngày tham chiếu.

Sau khi xác định được công việc chính, đối tượng điều tra sẽ được yêu cầu mô tả chi tiết về nhiệm vụ và chức danh của công việc chính. Dựa vào thông tin mô tả về nhiệm vụ, chức danh công việc, trình độ đào tạo do đối tượng điều tra cung cấp, người làm thống kê sẽ thực hiện phân tổ và mã hóa nghề nghiệp của đối tượng điều tra.

Cung cấp thông tin đầy đủ, hệ thống về nghề nghiệp của người lao động

Kết quả điều tra và mã hóa nghề nghiệp cho thấy, năm 2019, khi phân tổ hơn 54,6 triệu lao động có việc làm trong nền kinh tế Việt Nam theo mức độ kỹ năng, có đến 34,5% lao động không đòi hỏi kỹ năng, 53,2% lao động làm nghề đòi hỏi có kỹ năng thấp và chỉ có 11,7% lao động đòi hỏi kỹ năng cao. Tỷ trọng người lao động làm các công việc giản đơn và các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp ở Việt Nam còn cao, phù hợp với bối cảnh tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên) cho người lao động còn thấp (cả nước có khoảng 22,8% lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo).

Tuy vậy, những năm qua cũng chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của lao động từ nhóm nghề không có kỹ năng sang nhóm nghề đòi hỏi kỹ năng ở mức độ cao hơn. Năm 2011, lao động làm công việc giản đơn (không có kỹ năng) chiếm 40,5% tổng số lao động có việc làm, đến năm 2019, con số này là 34,5%, giảm 6 điểm phần trăm sau 8 năm. Cũng trong khoảng thời gian này, tỷ trọng lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng cao tăng 2,3 điểm phần trăm (tăng từ 9,9% năm 2011 lên 12,2% năm 2019); tỷ trọng lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng thấp tăng từ 49,5% năm 2011 lên đến 53,2% năm 2019, tăng 3,7 điểm phần trăm. Có thể nói đây là thành quả của những nỗ lực đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua.

Năm 2019, trong số 10 nhóm nghề cấp 1, lao động làm “lãnh đạo” chiếm tỷ trọng thấp nhất, chiếm dưới 1%, tương đương với 521 nghìn người. Sau 10 năm, số người này thay đổi không đáng kể. Lực lượng đông đảo nhất trong thị trường lao động Việt Nam là những người làm công việc giản đơn, với 18,8 triệu người, chiếm tỷ trọng 34,5%. Lực lượng đông thứ hai là nhóm Nhân viên dịch vụ và bán hàng với gần 9,5 triệu người (chiếm 17,5%); tiếp đến là nhóm Lao động thủ công và các nghề nghiệp khác có liên quan với hơn 7,8 triệu lao động (chiếm 14,3%); nhóm Thợ vận hành và lắp ráp máy móc thiết bị hơn 6,6 triệu người (chiếm 12,1%).

Đa phần những lao động giản đơn hiện đang làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản, 77,8%. Ngược lại, những người giữ chức vụ lãnh đạo hoặc làm các công việc chuyên môn, đòi hỏi kỹ năng cao chủ yếu làm việc trong ngành Dịch vụ, 78,6%.

Hầu hết những người làm công tác lãnh đạo đều đã được đào tạo, 93,6%. Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với bức tranh về đào tạo của lao động công việc giản đơn và lao động có kỹ năng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Hầu hết những người làm công việc giản đơn và công việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đều chưa qua đào tạo, 96,3%. Điều này phản ánh thực tế lao động làm nông nghiệp gắn với nông thôn thường làm các công việc giản đơn và có trình độ thấp.

Phục vụ công tác tư vấn giới thiệu việc làm

Năm 2019, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã sử dụng danh mục nghề năm 2008 do Tổng cục Thống kê ban hành kết hợp với kết quả điều tra Lao động việc làm hàng năm và điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2017 làm cơ sở để xây dựng các tiêu chí để xác định các nghề phổ biến trên thị trường lao động Việt Nam. Số lượng nghề phổ biến được xây dựng là 100 nghề, phục vụ công tác tư vấn giới thiệu việc làm ở các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh.

Xác định nhu cầu tuyển dụng lao động trong nền kinh tế Việt Nam

Theo kết quả điều tra, không tính lao động giản đơn, trong các doanh nghiệp, hiện có 20 nghề sử dụng nhiều lao động nhất, chủ yếu là nghề liên quan đến kỹ thuật. Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các nghề liên quan đến quản lý và bán hàng.

Theo kết quả Điều tra Nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2017, từ năm 2017 đến năm 2020, 10 nghề có nhu cầu tuyển thêm nhiều nhất gồm: Lao động giản đơn, Thợ may, Nhân viên marketing và bán hàng, Thợ thủ công trong ngành dệt may và da giày, Vận hành máy móc, Kĩ thuật viên sản xuất hàng may mặc, Kĩ sư xây dựng, Thợ lắp ráp, Lái xe, Kế toán. Đa phần các nghề có nhu cầu tuyển nhiều nhất tập trung ở khu vực thành thị, tuy nhiên, nhóm “Vận hành máy móc”, “Kĩ thuật viên sản xuất hàng may mặc” thường tập trung nhu cầu ở khu vực nông thôn nhiều hơn. Qua đây, có thể thấy nhu cầu tuyển dụng nói chung cũng như nhu cầu ở từng khu vực để có những chính sách đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai một cách kịp thời, phù hợp.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, đối với những nghề được xác định là cần tuyển thêm trong năm 2019 thì các nghề liên quan đến kỹ thuật trong ngành may mặc và da giày được doanh nghiệp đánh giá là khó tuyển dụng nhất. Khoảng 36,1% doanh nghiệp đánh giá là khả năng tuyển dụng của lao động làm các công việc này ở mức khó và rất khó. Nghề Thợ thủ công trong ngành dệt may và da giày đứng thứ 2 về mức độ khó tuyển dụng lao động, 34,7% doanh nghiệp dự kiến khó tuyển dụng lao động làm nghề này. Thợ may là công việc có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất nhưng mức độ khó tuyển dụng chỉ là 7,4%. Qua kết quả điều tra có thể thấy, những nghề mà doanh nghiệp sử dụng nhiều đồng thời là những nghề thiếu lao động nhiều, khó tuyển dụng. Đa phần các nghề này đều là nghề trong lĩnh vực kỹ thuật yêu cầu phải thành thạo sử dụng máy móc thiết bị và quản trị tiếp cận sử dụng máy móc công nghệ mới. Điều này cung cấp các bằng chứng xác thực để xây dựng các chính sách đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường.

Một số hạn chế khi áp dụng danh mục nghề nghiệp năm 2008

Chưa đủ căn cứ pháp lý, phạm vi áp dụng hẹp

Danh mục nghề nghiệp Việt Nam năm 2008 của Tổng cục Thống kê được soạn thảo dựa theo bảng phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp 2008 (ISCO 08) có kế thừa bảng danh mục nghề nghiệp ban hành theo Quyết định số 114/1998/QĐ-TCTK ngày 29 tháng 3 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và hệ thống chức danh hiện hành của nước ta. Danh mục nghề nghiệp do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký quyết định ban hành để phục vụ yêu cầu quản lý nói chung; phục vụ công tác thống kê, tổng điều tra dân số, so sánh quốc tế về lĩnh vực nghề nghiệp nói riêng. Như vậy, danh mục này chưa phải là văn bản mang tính quy phạm pháp luật, hiện tại chủ yếu được sử dụng trong ngành Thống kê phục vụ công tác thống kê.

Chưa được sử dụng thống nhất
Do chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật nên danh mục nghề nghiệp năm 2008 chưa được coi là căn cứ pháp lý để sử dụng thống nhất chung trong toàn quốc. Hiện tồn tại tình trạng mỗi Bộ, ngành ban hành một danh mục nghề riêng phục vụ nhu cầu quản lý của ngành mình, các danh mục này hiện không có sự kết nối và thống nhất. VD: Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung và cho công tác liên thông dữ liệu hành chính nói riêng.

Chưa thuận tiện khi áp dụng, nhiều nghề không có trong danh mục

Danh mục hiện đang thiếu các tài liệu, sổ tay hướng dẫn sử dụng mô tả cụ thể các công việc được mã hóa nên việc áp dụng gặp nhiều hạn chế, đôi khi gây nhầm lẫn khó hiểu cho người dùng. Một số tên nghề hoặc phần giải thích trong danh mục được dịch thô từ bản quốc tế, chưa được nghiên cứu giải thích kỹ nên chưa thực sự phù hợp với thị trường lao động Việt Nam, gây lúng túng cho người sử dụng.

Hơn nữa, do được xây dựng từ năm 2008 và từ đó đến nay chưa được bổ sung, cập nhật nên danh mục nghề nghiệp năm 2008 thiếu một số nghề mới phát sinh. Điều này gây khó khăn khi sử dụng để thực hiện mã hóa và phân loại nghề nghiệp của người lao động.

Khuyến nghị đối với dự thảo danh mục nghề nghiệp mới

TCTK đang xây dựng dự thảo danh mục nghề nghiệp năm 2020. Dự thảo có nhiều điểm mới, về cơ bản đã giảm thiểu được một số điểm hạn chế của danh mục nghề nghiệp năm 2008, tuy nhiên, tác giả xin bổ sung một số khuyến nghị sau:
  • Ban soạn thảo cần rà soát kỹ danh mục nghề nghiệp trình Thủ tướng ban hành, cố gắng mô tả và giải thích được đầy đủ các nghề phổ biến trong thị trường lao động Việt Nam để đảm bảo có thể dễ dàng phân loại và mã hóa nghề nghiệp của hầu hết người lao động trong nền kinh tế.
  • Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên mở rộng phạm vi áp dụng của danh mục nghề nghiệp. Theo đó, danh mục này không nên chỉ áp dụng trong công tác thống kê mà còn trong công tác tuyển dụng, quản lý nguồn nhân lực. VD: Công tác xây dựng đề án vị trí việc làm, xác định nhu cầu tuyển dụng của các Bộ, ngành và địa phương, quy định về công việc ngành nghề nặng nhọc độc hại cần lấy danh mục nghề nghiệp làm gốc, các Bộ, ngành dựa trên các nghề nghiệp này chi tiết, cụ thể hóa công việc đến cấp 5, cấp 6, phù hợp với ngành mình. Điều này sẽ thuận tiện cho công tác quản lý của Chính phủ và tạo cơ sở kết nối nguồn dữ liệu hành chính về nhân sự trong tương lai.
  • Bên cạnh danh mục nghề nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổng cục Thống kê cần biên soạn các tài liệu, sổ tay hướng dẫn để hướng dẫn người dùng về cách sử dụng danh mục để mã hóa. Ngoài ra, cần có những quy ước hướng dẫn người dùng cách mã hóa một số nghề đặc thù hoặc nghề mới phát sinh hoặc nghề chưa được giải thích rõ.
  • Trong thời đại bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0, nghề nghiệp của người lao động sẽ không ngừng thay đổi, có những nghề mới phát sinh sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến, ngược lại có rất nhiều nghề sẽ dần biến mất, vì vậy danh mục nghề nghiệp mới cần phải được xây dựng theo hướng mở, tức là phải được thiết kế để dễ dàng sửa đổi, cập nhật phù hợp với thực tế và không mất nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính không cần thiết.
  • Ngoài ra, có một số góp ý cụ thể đối với dự thảo giải thích danh mục như sau:
+ Đối với nhóm nghề Lãnh đạo cần làm rõ hơn phạm vi và đưa thêm những ví dụ cụ thể.

+ Không xếp “Tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng bản và già làng” vào nhóm nghề lãnh đạo vì: (i) những người này không có chức năng lãnh đạo và quản lý; (ii) Theo Điều 13, Thông tư số 01/VBHN-BNV ngày ngày 16 tháng 4 năm 2019 thì trưởng thôn, tổ trưởng dân phố là “những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố” vì vậy nếu đưa nhóm này vào mã nghề “Lãnh đạo” thì vi phạm quy định về nguyên tắc “chuyên trách” đối với việc xác định mã nghề này; (ii) số liệu của Việt Nam sẽ bị “đứt, gãy” so với trước và phạm vi tính toán của Việt Nam sẽ khác với các quốc gia trên thế giới – điều này vi phạm nguyên tắc “đảm bảo so sánh quốc tế”;

+ Đối với một số nghề không thường gặp ở Việt Nam, cần đưa các ví dụ kèm giải thích cụ thể, tránh lạm dụng từ “Nhà” gây khó hiểu. VD: nghề “Nhà vật lý y tế” là nghề không phổ biến ở Việt Nam, người biên soạn cần đưa thêm giải thích cụ thể để người đọc dễ hình dung và đặc biệt giúp người dùng dễ dàng xác định đúng nghề nghiệp khi được mô tả công việc. Cách viết có thể như sau: “Nhà vật lý y tế là những người nghiên cứu thiết kế các thiết bị áp dụng trong lĩnh vực y tế”. Một số nghề phổ biến và dễ xác định thì có thể bỏ qua phần giải thích này.

+ Cần rà soát lại ở phần ví dụ xem có bị trùng các nghề nghiệp không, tránh tình trạng một nghề nghiệp xuất hiện ở nhiều ví dụ ở các nghề khác nhau, gây nhầm lẫn cho người dùng. VD: cùng là nghề “Thám tử tư” nhưng hiện có trong ví dụ ở cả mã 5409 và mã 3411.

+ Bổ sung thêm một số nghề sau vào phần giải thích và ví dụ vì các nghề này rất phổ biến: Chủ thầu xây dựng; Chủ nhiệm HTX; Chủ tịch hội phụ nữ xã, chủ tịch hội cựu chiến binh, Bí thư thôn; Công nhân kiểm tra sản phẩm; Người thu mua phế liệu; Người phục vụ hàng ăn (bưng bê đồ cho khách, rửa bát, quét dọn)./.

 
Nguyễn Thị Thanh Mai
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, TCTK
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top