Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021 đã đẩy nền kinh tế Việt Nam vào vòng xoáy khó khăn chung cùng với kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn này, thương mại điện tử đã trở thành điểm sáng, đóng góp to lớn vào sức trụ của nền kinh tế, đồng thời khẳng định được giá trị đúng đắn, tính hiệu quả của tiến trình xây dựng nền kinh tế số.
Động lực tăng trưởng mạnh mẽ
Từ góc nhìn thế giới, trong vài năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam để lại nhiều ấn tượng về sự trỗi dậy nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Quy mô nền kinh tế internet của Việt Nam (gồm TMĐT, du lịch trực tuyến, vận tải và thực phẩm, nội dung nghe nhìn trực tuyến) ngày càng phát triển với động lực tăng trưởng chính là doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử. Năm 2021, doanh thu từ TMĐT đóng góp 13 tỷ USD vào tổng doanh thu kinh tế internet của Việt Nam bên cạnh mức đóng góp 2,4 tỷ USD doanh thu vận tải và thực phẩm, 1,4 tỷ USD doanh thu du lịch trực tuyến và 3,9 USD doanh thu nội dung nghe nhìn trực tuyến. Google, Temasek và Brain & Company dự đoán đến năm 2025, trên bản đồ doanh thu kinh tế internet của khu vực ASEAN6 gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, doanh thu kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD với đóng góp chính từ doanh thu của hoạt động TMĐT, đứng thứ 2 khu vực, chỉ sau Indonesia.
Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra bởi với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ như hiện nay, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng tạo động lực cho TMĐT phát triển. Việt Nam hiện đứng xấp xỉ mức trung bình toàn cầu về tỷ lệ người dùng internet hàng ngày có độ tuổi từ 16-64 mua sắm trực tuyến hàng tuần với 58,2% (toàn cầu có 58,4% người dùng internet mua sắm trực tuyến hàng tuần). Tỷ lệ này vượt qua cả một số quốc gia phát triển như Mỹ (57,8%), Úc (52,7%), Pháp (50,7%), Nhật Bản (48,2%), Đức (41,7). Bên cạnh đó, thời gian truy cập internet của người dùng Việt Nam trong độ tuổi 16-64 hàng ngày cũng được cho là khá nhiều với 6 giờ 38 phút, xấp xỉ với mức trung bình thế giới (6 giờ 58 phút), nhiều hơn Hàn Quốc (5 giờ 29 phút) và Đức (5 giờ 22 phút). Năm 2021, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến của Việt Nam là 54,6 triệu người, con số này được dự tính sẽ tăng lên và đạt từ 57-60 triệu người trong năm 2022 với giá trị mua sắm trực tuyến ước tính khoảng 260-285 USD; tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 75%.

Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tại khu vực, Báo cáo “Đông Nam Á, ngôi nhà cho sự chuyển đổi kỹ thuật số” của Facebook và Brain & Company cho thấy, khảo sát năm 2020, Việt Nam có 40% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, đứng đầu về tỷ lệ trong số các nước ASEAN7, cao hơn mức trung bình 33% của khu vực Đông Nam Á. Năm 2021, dù lùi lại vị trí thứ 2 với 49%, sau Singapore (53%), tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến của Việt nam vẫn cao hơn mức trung bình 45% của khu vực. Đại đa số người tiêu dùng mua sắm trực tuyến qua tìm kiếm thông tin trên mạng (94%) và phương tiện điện tử chủ yếu được sử dụng để đặt hàng trực tuyến là điện thoại di động (91%). Mặt khác, khảo sát cho thấy, quần áo, giày dép, mĩ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ điện tử; sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng; thực phẩm là những mặt hàng có tỷ lệ mua sắm cao nhất. Đây cũng là những hàng hóa nhu yêu phẩm thiết yếu, thường xuyên sử dụng nên có tần suất giao dịch khá cao.
Nhờ có cách chính sách quản lý, nhất là quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới nên tỷ lệ người tiêu dùng mua hàng qua các website nước ngoài cũng có xu hướng tăng lên, từ 36% năm 2020 lên 43% năm 2021. Qua đó có thể thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia vào các giao dịch thương mại xuyên biên giới, đồng thời cũng cho thấy tính cạnh tranh ngày càng gia tăng đối với các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến cả trong và ngoài nước. Các hình thức TMĐT xuyên biên giới được thực hiện trong năm 2021 gồm có mua bán trực tiếp trên website quốc tế, thông qua website Việt Nam mua hộ hàng quốc tế và thông qua người bán trung gian trên mạng xã hội. Trong đó, tỷ lệ người dùng có mua hàng trực tiếp qua các website quốc tế là 56%, thông qua website Việt Nam mua hộ hàng quốc tế là 41% và thông qua người bán trung gian trên mạng xã hội là 47%.
Uy tín của các sàn giao dịch TMĐT Việt Nam cũng ngày càng được nâng lên khi người tiêu dùng sử dụng sàn giao dịch TMĐT của Việt Nam để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa với người bán nước ngoài tăng từ 41% năm 2020 lên 57% năm 2021. Đây cũng là tiêu chí người tiêu dùng quan tâm nhất khi tham gia mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, lý do người tiêu dùng lựa chọn mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT Việt Nam là do giá cả rẻ hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn hàng hóa có thương hiệu nước ngoài, chỉ có thương nhân nước ngoài bán loại hàng hóa đó. Có tới 21% người mua hàng trực tuyến đánh giá rất hài lòng về kết quả mua bán trực tuyến của mình, 44% hài lòng, 33% bình thường và chỉ có 2% không hài lòng, giảm sâu so với mức 7% không hài lòng của năm 2020.
Hệ thống khuôn khổ pháp lý và quản lý dần được hoàn thiện
Tiếp nối ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021, hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là điểm sáng của bức tranh kinh tế thế giới nhưng với mức tăng 2,58% vẫn là mức tăng thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Trong đó ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, thương mại điện tử (TMĐT) vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Bước sang năm 2022, thương mại và dịch vụ của Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Theo đó, ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 41,7%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm. Dự kiến tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 20%; doanh số bán lẻ đạt 16,4 tỷ USD; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được kỳ vọng từ 7,2-7,8%.
Có thể nói những tháng đầu năm 2022, bên cạnh sức kéo của quá trình phục hồi kinh tế, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam phát triển một cách tự tin và mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới là nhờ các chính sách, khung khổ pháp lý có hiệu lực kể từ đầu năm 2022. Khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển. Điển hình là Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (Nghị định 85) ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực. Nghị định 85 đã thể hiện được tính ưu việt hơn hẳn, làm căn cứ pháp lý cho hoạt động TMĐT với 5 điểm mới, đó là: (1) Thu hẹp đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, cụ thể chỉ website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến mới phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo; (2) Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website; (4) Quy định cụ thể các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT; (5) Các quy định về TMĐT có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18/01/2022 để hướng dẫn chi tiết một số quy định mới tại Nghị định 85 như: Nguyên tắc thông báo, đăng ký website TMĐT; Phương thức báo cáo của thương nhân, tổ chức đã đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT; Hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Thêm vào đó là Nghị định số 17/2022/ NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động TMĐT quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng già, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với các chính sách pháp lý, công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng mang lại hiệu quả tích cực. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), số lượng hồ sơ thông báo được tiếp nhận trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT đã tăng mạnh từ 56,23 nghìn hồ sơ năm 2019 (năm trước khi dịch bệnh diễn ra) lên tới 86,47 nghìn hồ sơ năm 2021; từ 4,9 nghìn hồ sơ đăng ký năm 2019 lên 8,4 nghìn hồ sơ năm 2021. Số lượng website/ứng dụng TMĐT đã được Bộ Công thương xác nhận thông báo tăng từ 29,37 nghìn lên 43,41 nghìn; tương tự, cố lượng website/ứng dụng được xác nhận đăng lý tăng từ 1,19 nghìn lên 1,44 nghìn.
Với sự gia tăng các đối tượng tham gia vào hoạt động TMĐT, việc giải quyết các vấn đề khiếu nại cũng được thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo môi trường hoạt động lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần tạo niềm tin và là động lực tăng trưởng của toàn ngành. Năm 2021, có đến 79,6% phản ánh, khiếu nại trên Công thông tin quản lý hoạt động TMĐT là về vấn đề chưa đăng ký, chưa thông báo; 10,7% phản ánh, khiếu nại về giả mạo thông tin đăng ký; 4% khiếu nại, phản ánh về kinh doanh hàng giả, hàng cấm; 2,3% về mạo danh, giả mạo website hoặc thương nhân, tổ chức khác; 1,7% về giải mạo thông tin đăng ký trên Website TMĐT; 1,1% về kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ TMĐT theo hình thức đa cấp. Điều này cho thấy các chính sách về TMĐT đã dần tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
Với sự hoàn thiện của hệ thống chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng đã giúp TMĐT Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, của góp sức không nhỏ vào phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch và thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Có tới 55% doanh nghiệp đánh giá mức độ quan trọng và rất quan trọng của việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và TMĐT. Doanh nghiệp cũng rất lạc quan khi có tới 53% doanh nghiệp cho rằng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh là hiệu quả và rất hiệu quả, 43% doanh nghiệp cho rằng hiệu quả là tương đối. Các doanh nghiệp cũng ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Mặc khác, với các chính sách phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số như hiện nay, có 72% doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử, 73% doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn điện tử, 42% doanh nghiệp có sử dụng hợp đồng điện tử cũng là động lực để phát triển quy mô các giao dịch TMĐT, góp phần tăng trưởng doanh số của ngành.
Có thể nói, TMĐT Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ được vai trò to lớn đối với nền kinh tế số, đóng góp ngày càng sâu rộng vào ngành thương mại, dịch vụ. Sự phát triển mạnh mẽ cùng những tiềm năng chưa khai thác sẽ là động lực để TMĐT Việt Nam khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ TMĐT thế giới và khu vực./.
Minh Hà