Thương mại hai chiều Việt - Đức tiếp tục đà tăng trưởng mạnh

08/04/2022 - 10:56 AM
Những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đức liên tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Với đặc thù cơ cấu hàng hóa bổ sung cho nhau là chủ yếu, ít cạnh tranh trực tiếp, thương mại 2 nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2021 đã cho thấy những tín hiệu khả quan.

Xuất, nhập khẩu Việt Nam - Đức tăng trưởng mạnh

Trong nhiều năm, Đức luôn giữ vị trí là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung. Giai đoạn 2010-2020, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều của Việt Nam và Đức đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng từ 4,11 tỷ USD năm 2010 lên 9,98 tỷ USD năm 2020 với cán cân thương mại theo chiều xuất siêu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đã tăng gần gấp 3 lần, từ 2,37 tỷ USD lên 6,64 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Đức trong giai đoạn này là 12,8%.

Năm 2021, thương mại Việt - Đức đã tăng thêm 12,4% về trị giá so với năm 2020, đạt 11,22 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Đức đạt 7,28 tỷ USD. Đức giữ vai trò là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại EU (sau Hà Lan 7,68 tỷ USD), chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang khối này và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 thế giới. Có được điều này một phần là do sức mua của thị trường Đức khá lớn, mặt khác, do Đức là cửa ngõ cho hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường khác tại châu Âu. Các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức bao gồm: Giầy dép, hàng dệt may, nông sản (cà phê, hạt tiêu), hải sản, đồ nội thất, máy móc thiết bị điện/cơ khí. Trong số các sản phẩm kể trên, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Đức đối với 4/10 nhóm sản phẩm.
Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam của Đức vẫn còn tương đối nhỏ trong tổng nhập khẩu sản phẩm liên quan của nước này, chỉ có giày dép và cà phê là chiếm thị phần tương đối. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Đức cũng phải chịu sức ép cạnh tranh khá lớn do những yêu cầu cao về nguồn gốc, chất lượng, nhất là phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa từ các nước khác. Do là thành viên của EU, nên trao đổi thương mại giữa Đức và các nước trong khối luôn duy trì ở mức cao. Năm 2020, nhập khẩu hàng hóa từ các nước thành viên EU chiếm 52,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức. Top số 10 quốc gia Đức nhập khẩu nhiều nhất thì có tới 8 quốc gia là thành viên EU và 7/8 quốc gia đó (trừ Ý) đều có đường biên giới chung với Đức. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam cũng phải cạnh tranh với hàng hóa chất lượng cao từ các quốc gia khác như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Trung Quốc và một số nước đang phát triển khác như Ấn Độ, Indonesia, Banglades, Campuchia. Thêm vào đó, EU hiện đang áp dụng cơ chế GSP và có FTA với rất nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, dù điều kiện và mức ưu đãi thuế quan mà hàng hóa những nước này được hưởng so với hàng hóa từ Việt Nam có thể không giống nhau, nhưng khả năng cạnh tranh từ các nguồn hàng này là khá đáng kể.

 
Thương mại hai chiều Việt - Đức
Ảnh minh họa, nguồn internet
 
Ở chiều ngược lại, Đức cũng là nước xuất khẩu hàng hóa nhiều thứ 2 EU vào thị trường Việt Nam với 3,94 tỷ USD năm 2021 (chỉ sau Ailen 4,43 tỷ USD) và thứ 14 trong số các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam trên thế giới. Do hàng hóa của Đức từ lâu đã được người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã., khi thu nhập của người Việt tăng lên thì nhu cầu với các sản phẩm chất lượng cao cũng tăng. Nhờ đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Đức vào Việt Nam những năm qua có sự tăng trưởng mạnh. Giai đoạn 2010-2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Đức đã tăng gần gấp đôi, từ 1,74 tỷ USD năm 2010 lên đến 3,36 tỷ USD năm 2020, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trung bình của cả giai đoạn là 7,93%. Các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Đức chủ yếu là các nguyên liệu và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất như máy móc thiết bị cơ khí; máy móc thiết bị điện tử, sắt thép, hóa chất, thuốc nhuộm… Ngoài ra còn có các sản phẩm tiêu dùng như dược phẩm, thiết bị y tế, các sản phẩm nhựa, xe và phụ kiện… Những sản phẩm chính kể trên đa phần là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Đức, đồng thời cũng là những sản phẩm Việt Nam có nhu cầu cao nhằm phục vụ tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu. Do đó, các sản phẩm của Đức còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng thị phần tại Việt Nam và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, tỷ trong nhập khẩu các sản phẩm kể trên của Đức vào Việt Nam trong tổng nhập khẩu từ thế giới còn tương đối thấp, thường dưới 5% (đa số là 1-2%, ngoại trừ dược phẩm có tỷ trọng tương đối ở mức 11,67%). Nhập khẩu hàng hóa từ Đức của Việt Nam trong giai đoạn kể trên có tăng nhưng không ổn định. Đặc biệt trong 2 năm 2019 và 2020, kim ngạch nhập khẩu từ Đức sụt giảm mạnh, khiến Đức đánh mất vị thế nước EU xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam vào tay Ailen. Các chuyên gia đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có thể kể đến những biến động của thị trường thế giới, tác động căng thẳng thương mại giữa một số quốc gia và khu vực, hay việc Anh rời khỏi EU và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Tận dụng cơ hội tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Đức

Trong bối cảnh giao thương hội nhập, mở rộng hợp tác toàn cầu như hiện nay, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Đức vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Đặc biệt, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ năm 2021 đã giúp nâng tầm quan hệ thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung và với Đức nói riêng. Với những bứt phá trong gia tăng kim ngạch thương mại hàng hóa trong năm 2021, EVFTA được kỳ vọng là chiếc cầu vững chắc giúp doanh nghiệp 2 nước nhanh chóng thoát khỏi những khó khăn đứt gãy, khôi phục sản xuất và giao thương trong giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19. Một trong những cơ hội lớn nhất mà EVFTA mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức chính là các cam kết ưu đãi thuế quan của EU. Mặc dù trước khi có EVFTA, hàng hóa Việt Nam đã được hưởng ưu đãi theo cơ chế GSP nhưng không phải sản phẩm nào cũng được giảm thuế và đa số các mức thuế không tốt bằng EVFTA. Hơn nữa, GSP là cơ chế ưu đãi đơn phương, EU hay Đức có thể dừng hoặc điều chỉnh các ưu đãi thuế quan cũng như các điều kiện ưu đãi bất cứ lúc nào khiến cho doanh nghiệp Việt Nam ở thế bị động.

Kể từ ngày 01/08/2022, cơ chế ưu đãi thuế quan GSP sẽ tự động chấm dứt, đồng thời doanh nghiệp có thể áp dụng cơ chế thuế quan theo EVFTA trên cơ sở vẫn cho phép sử dụng cơ chế GSP trong trường hợp thuế EVFTA với điều kiện sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA. Đây là cam kết linh hoạt, rất có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU nói chung và thị trường Đức nói riêng do tính ổn định, có thể dự đoán trước và được đảm bảo rằng mức thuế EVFTA áp dụng sẽ luôn là mức thuế thấp hơn hoặc ít nhất là bằng mức thuế GSP tại thời điểm 01/08/2022.

Bên cạnh đó, EVFTA còn đem lại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh. Đây được coi là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên liệu, máy móc nhập ngoại để có thể mua các đầu vào này từ Đức với giá cả tốt hơn bởi hiện nay, Việt Nam vẫn đang duy trì mức thuế tối huệ quốc (MFN) tương đối cao với nhiều loại sản phẩm này. Ngoài ra, cơ hội khác từ việc tiết giảm các rào cản phi thuế quan như minh bạch hóa và thuận lợi hóa các thủ tục thông quan và giải phóng hàng, về miễn thủ tục thanh tra vệ sinh và kiểm dịch động – thực vật (SPS) đối với các cơ sở sản xuất đã đủ tiêu chuẩn của Việt Nam, về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương các biện pháp SPS của Việt Nam, về khuyến khích công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp về rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) của Việt Nam… sẽ giúp cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Đức dễ dàng hơn. Việc EU cam kết bảo hộ 39 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam giúp cho các sản phẩm mang các chỉ dẫn địa lý này khi tiếp cận thị trường Đức sẽ được bảo hộ đương nhiên mà không cần phải qua các thủ tục xin bảo hộ phức tạp. Các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thường được người tiêu dùng Đức yêu thích hơn và sẵn sàng trả mức giá cao hơn. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm này sẽ có thể được hưởng nhiều lợi thế hơn.

Với EVFTA hay bất cứ Hiệp định thương mại tự do nào khác, thách thức luôn đi cùng với các cơ hội. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam chính là việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện nay vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Vì vậy, việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong EVFTA sẽ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. EU cũng là một trong những đối tác thương mại sử dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài nói chung và từ Việt Nam nói riêng, Đức không ngoại lệ với các quốc gia trong khối này. Vì vậy, khi các biện pháp PVTM được thực hiện thống nhất trên toàn lãnh thổ EU, rủi ro PVTM đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Đức có thể không xuất phát từ hành động của nhà sản xuất nội địa Đức mà đến từ bất kỳ nước thành viên EU nào nếu họ thấy bị đe dọa bởi sức ép cạnh tranh từ hàng Việt Nam. Thêm vào đó là các thách thức về gia tăng chi phí cho doanh nghiệp từ các cam kết về sở hữu trí tuệ, lao động, phát triển bền vững và thách thức thường xuyên khác như các biện pháp phi thuế quan.

Trong cả trước mắt và dài hạn, Việt Nam và Đức vẫn đang và sẽ là đối tác thương mại chiến lược của nhau trên cơ sở nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng cao. Các cơ quan và doanh nghiệp 2 nước cần tiếp tục giữ vững quan hệ hợp tác trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, các cam kết kinh tế để cùng phát triển và duy trì mối quan hệ “bạn hàng” tốt của nhau. Mức tăng trưởng 12,4% tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 9,63% của năm 2021, năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực đã cho thấy hiệu quả tích cực mà Hiệp định mang lại, bất chấp những diễn biến tiêu cực của đại dịch Covid-19. Vì vậy, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục là cầu nối thương mại, thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa 2 nền kinh tế với kỳ vọng đưa quan hệ thương mại Việt Nam – Đức lên tầm cao mới./.
 
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top