Thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đang tiến rất gần tới con số 100 tỷ USD, dấu mốc mà 2 nước đặt mục tiêu sẽ đạt được vào cuối năm 2025, tạo đà để tiến đến 150 tỷ USD vào năm 2030.
Xuất nhập khẩu phục hồi
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, sau đà sụt giảm hàng tỷ USD năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc 6 tháng đầu năm 2024 tiếp đà phục hồi, đạt 38,4 tỷ USD, và đang dần khởi sắc.
Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 26,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ, chủ yếu là tăng nhập khẩu máy móc, nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc tăng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam, nhất là nhóm hàng điện tử, dệt may, phụ tùng.... Nhờ đó, hết quý II/2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 10,2 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Công Thương đánh giá, ngoài việc là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, Hàn Quốc còn là địa chỉ cung ứng nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam, nhất là sản phẩm đầu vào ngành chế biến, chế tạo. Chỉ tính riêng xăng dầu, năm 2023, Hàn Quốc cung cấp cho Việt Nam với giá trị lên tới 3,2 tỷ USD.
Trao đổi thương mại giữa 2 nước đang có nhiều động lực tăng trưởng hơn bao giờ hết. Tại buổi hội kiến Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc nhân chuyến thăm Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến 3/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hàn Quốc mở cửa hơn nữa cho hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, trong đó có nông sản, thủy sản và gỡ bỏ các rào cản thương mại.
“Mong Quốc hội Hàn Quốc ủng hộ và thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc; thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chuyển đổi, chuyển đổi xanh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Mốc 100 tỷ USD đã rất gần
Thương mại hàng hóa song phương Việt Nam - Hàn Quốc đang được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố, trước hết là nền tảng quan hệ ở mức cao nhất - Đối tác Chiến lược toàn diện.
Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, nên hoạt động xuất nhập khẩu được hỗ trợ lớn bởi chính các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện diện tại Việt Nam. Chỉ riêng Samsung đã đóng góp tới 24%, với kim ngạch gần 56 tỷ USD trong năm 2023.
Các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí, luyện kim, hóa chất, dệt may, da giày…
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã thực thi gần 10 năm cũng tạo cú hích lớn cho xuất nhập khẩu, đầu tư và tận dụng ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, còn có thêm các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương như RCEP, AKFTA…
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhiều nhóm hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao gồm: Thủy sản (96,32%), các mặt hàng nông sản (rau quả, cà phê và hạt tiêu có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi lần lượt đạt 91,18%, 94,54% và 100%); gỗ và sản phẩm gỗ (73,76%); giày dép (100%); hàng dệt may (100%).
Có thể thấy, mốc 100 tỷ USD thương mại 2 chiều đã rất gần. Nếu năm 2023 không bị tác động bởi bối cảnh kinh tế chung toàn cầu kém thuận lợi, thì thời điểm cán mốc 100 tỷ USD có thể đến sớm hơn.
Một thuận lợi nữa là cơ cấu xuất khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Thời gian tới, khi các “ông lớn” như Samsung, LG… cụ thể hóa các cam kết đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam, xuất nhập khẩu điện tử sẽ cải thiện kim ngạch thần tốc hơn nữa. Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Hàn Quốc còn lớn, tuy nhiên, đối với nông thủy sản, các doanh nghiệp Việt phải đặc biệt tuân thủ quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn kỹ thuật bởi đầu năm nay, xoài của Việt Nam đã bị Hàn Quốc phát hiện tồn dư chất Permethrin và phải thu hồi./.
PV