Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, thách thức song hành

07/01/2025 - 02:42 PM
Sau hơn 1 năm kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thêm nhiều bước hợp tác và phát triển mới. Đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, nhiều kỷ lục thương mại giữa hai quốc gia được xác lập trong năm 2024.

Từ khóa: Hoa Kỳ, thương mại, xuất khẩu, tăng trưởng, phòng vệ thương mại, biện pháp…

Abstract: After more than a year since upgrading The relationship to a comprehensive strategic partnership in September 2023, the economic relations between Vietnam and the United States have seen many new steps of cooperation and development. In particular, bilateral trade has recorded impressive growth, with many trade records established between the two countries in 2024.
 
Keywords: United States, trade, exports, growth, trade defense, measures…

Tăng trưởng bứt phá, thiết lập nhiều kỷ lục mới

Sau tuyên bố chung nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ như Đối thoại Châu Á - Thái Bình Dương (3/2024), Đối thoại Luật Biển (4/2024)... Đặc biệt, hai bên lần đầu tiên tiến hành Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao (3/2024), Đối thoại Kinh tế tại Hoa Kỳ (6/2024) và Đối thoại An ninh và Thực thi pháp luật cấp thứ trưởng tại Việt Nam (7/2024); gần đây nhất là Đối thoại An ninh năng lượng lần thứ 5 trong tháng 11/2024.
 
Đáng chú ý, với mối quan hệ hợp tác được củng cố, quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương Việt Nam - Hoa Kỳ cũng đạt được những bước tiến mới tích cực theo cả hai chiều, nhất là về thương mại. Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 08 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN; là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 06 của Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng bình quân khoảng 16%/ năm.
 
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021 (đạt 111,5 tỷ USD). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 123,8 tỷ USD, xuất siêu 94,9 tỷ USD. Năm 2023, suy thoái kinh tế thế giới cùng diễn biến chính trị, xung đột gây tác động đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ giảm sút nhưng vẫn duy trì trị giá trên 100 tỷ USD, đạt 110,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất siêu 83,2 tỷ USD.
 
Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, thách thức song hành
Với mối quan hệ hợp tác được củng cố, quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương Việt Nam - Hoa Kỳ cũng đạt được những bước tiến mới tích cực theo cả hai chiều, nhất là về thương mại
 
Trong 10 tháng năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với tổng kim ngạch thương mại đạt 110,9 tỷ USD, trong đó, riêng trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đã tiệm cận mức 100 tỷ USD, đạt 98,4 tỷ USD, tăng 24,2% (tương ứng tăng 19,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 29,3% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong 10 tháng năm 2024 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,2%; Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 86,1 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Với thành tựu kể trên, Việt Nam - Hoa Kỳ đã duy trì kim ngạch thương mại trên 100 tỷ USD trong 4 năm liên tiếp từ 2021-2024, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từng gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong giai đoạn này.
 
Đáng nói là, thương mại 2 nước trong 10 tháng của năm 2024 đã vượt kim ngạch của cả năm 2023, với nhiều mặt hàng chủ lực xác lập kỷ lục mới. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự báo sẽ chạm mốc mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024 với điểm sáng là đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ; đồng thời đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Riêng với ngành nông nghiệp, theo số liệu thống kê trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt gần 52 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92% kim ngạch xuất sang châu lục này. Nhóm hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục đóng vai trò chủ lực, với kim ngạch xuất sang Mỹ trong 9 tháng năm 2024 đạt 6,48 tỷ USD, tăng trên 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Báo cáo Triển vọng kinh tế bán niên khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho biết, các công ty Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn vừa qua.
 
Bên cạnh sự tăng trưởng về thương mại, Hoa Kỳ còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đã, đang đầu tư tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng. Lũy kế đến tháng 10/2024, Hoa Kỳ có khoảng 1.409 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 11,9 tỷ USD. Riêng trong 10 tháng năm 2024, Hoa Kỳ có 92 dự án cấp mới, 21 lượt dự án điều chỉnh vốn, và 106 lượt góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 223,71 triệu USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ đứng thứ 7/80 nước và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong năm 2023 và đầu 2024, nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và đầu tư tại Việt Nam như Boeing, Nike, Exxon Mobil, Amazon, Marriott, Coca Cola, Google, Facebook, Netflix… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast…cũng đang mở rộng đầu tư sang Mỹ, quá đó tạo thế lợi ích đan xen.
 
Nhằm tăng cường hợp tác, Việt Nam và Hoa Kỳ thường xuyên duy trì trao đổi và thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà mỗi bên có nhu cầu, trong đó có ngành bán dẫn. Đồng thời, hai bên cũng đối thoại thực chất và xây dựng để giải quyết các vấn đề và vụ việc tồn đọng trong quan hệ thương mại; tiếp tục thúc đẩy cơ chế Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA); trao đổi đoàn doanh nghiệp… qua đó tiếp tục củng cố và mở rộng khung khổ quan hệ thương mại. Việt Nam đang tiếp tục trao đổi, thúc đẩy Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (MES).
 
Có thể nói, triển vọng và tiềm năng hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đang trên đà bứt tốc mạnh mẽ, nhiều chính sách của Hoa Kỳ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, thực hiện các trụ cột hợp tác bao phủ nhiều lĩnh vực đã cho thấy những lợi ích tốt đẹp đạt được trong lĩnh vực kinh tế. Đây cũng là nền tảng để thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sớm đạt mốc 200 tỷ USD.

Kim ngạch tăng cao song hành cùng thách thức

Kim ngạch thương mại tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt xuất siêu ngày càng cao tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là tin mừng đối với sản xuất và thương mại của Việt Nam. Những số liệu kể trên đã cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh, sức cạnh tranh tốt so với các nước trên thế giới khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lợi thế này cũng khiến rủi ro tăng cao khi sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng gây áp lực cho các ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ, buộc chính quyền Hoa Kỳ phải tìm kiếm các giải pháp để hạn chế nhập khẩu.
 
Hàng năm, Hoa Kỳ nhập siêu khoảng 1.000 tỷ USD, trong khi Việt Nam lại là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thặng dư thương mại có xuất siêu sang Hoa Kỳ, sau Trung Quốc và Mexico. Các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ áp dụng chủ yếu là chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh với ngành sản xuất trong nước. Đáng nói là, Hoa Kỳ còn sử dụng công cụ thứ 4 có tên “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại” nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế, khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.
 
Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ ngành sản xuất nội địa và cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến hết tháng 5/2024, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 64 vụ việc điều tra với Việt Nam (chiếm 25% tổng số vụ việc), gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và 03 vụ việc tự vệ. Đặc biệt, các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh chóng, tính đến tháng 10/2024, Hoa Kỳ đã điều tra 38 vụ việc.
 
Sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, từ các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, thủy sản, thép… đến những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ và trung bình. Hàng hóa của Việt Nam thường xuyên bị điều tra “kép”, điều tra nhiều biện pháp với cùng một sản phẩm, xu hướng điều tra khắt khe hơn, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng, thời gian điều tra kéo dài, nhất là với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực thông qua việc tham gia vào nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị Hoa Kỳ điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… cũng là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM. Do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá, điều này làm cho thuế áp với Việt Nam tăng lên rất nhiều, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
 
Điển hình, chỉ sau hơn 5 tháng chính thức điều tra chống bán phá giá pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc với mức thuế chống trợ cấp tạm thời cho hai doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là 0,81% và 2,85%. Với các công ty không tham gia bảng trả lời câu hỏi, không hợp tác bị áp thuế lên tới 292,61%.
 
Ngoài những tác động trên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cùng hàng loạt biện pháp thương mại được áp đặt với đất nước đông dân nhất thế giới này đã khiến cho hàng hóa Việt Nam không tránh khỏi hệ lụy do bị nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ. Ngoài Trung Quốc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam với quy mô lớn, cũng tiềm ẩn nguy cơ lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, khiến cho hàng Việt Nam bị liên đới. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, chính sách thuế nhập khẩu cao do Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử Donald Trump thúc đẩy sẽ có tác động đáng kể đến các đối tác thương mại, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
 
Trong bối cảnh kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng cao nhưng cũng song hành với nhiều thách thức, nhất là việc gia tăng xu hướng bảo hộ thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần đẩy mạnh giải pháp, chủ động ứng phó.
 
Một số giải pháp được đề xuất nhằm đối phó với tình hình trên như: Doanh nghiệp cần áp dụng các phương pháp sản xuất và chế biến, theo tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC…). Cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng, qua đó giúp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của các đối tác nhập khẩu, phân phối, bán lẻ. Đối với hàng hóa xuất khẩu vào bất cứ quốc gia nào, gồm cả Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần kiên định mục tiêu xanh hóa chuỗi sản xuất. Cần thận trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào và giảm lệ thuộc vào sự may rủi của thị trường. Ngoài ra, cùng với các chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, cần nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư FDI, cần tuyên truyền giáo dục cho doanh nghiệp để nâng cao hơn khả năng ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại./.

Tài liệu tham khảo:
1. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được nhiều kết quả tích cực, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet- nam-hoa-ky-dat-duoc-nhieu-ket-qua-tich-cuc-678395.html;
2. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê;
3. Số liệu xuất, nhập khẩu các năm 2021, 2022, 2023, Tổng cục Thống kê;
4. Số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Minh Huyền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top