Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam do ngành khai thác hải sản của Việt Nam vi phạm các nguyên tắc IUU về khai thác hợp pháp, bền vững, có khai báo. Kể từ đó đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm tháo gỡ thẻ vàng, bảo vệ uy tín thương hiệu, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.
Thẻ vàng của EC và những tác động đến thủy sản Việt Nam
Sau khi chính thức áp thẻ vàng do những vi phạm của Việt Nam trong việc đánh bắt hải sản, EC đã đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong vòng 6 tháng (từ 23/10/2017-23/4/2018) trước khi Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của Ủy ban châu Âu cử đoàn thanh tra sang Việt Nam để giám sát việc thực thi và đánh giá việc rút lại thẻ vàng. Theo đó, 9 khuyến nghị của EC gồm các nội dung:
-
Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản.
-
Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi.
-
Tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và theo dõi.
-
Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực, cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác.
-
Tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác.
-
Cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá.
-
Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ.
-
Tăng cường và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế.
-
Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu trữ trong RFMOs (các tổ chức quản lý nghề cá khu vực).
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Thẻ vàng của EC mặc dù chỉ áp dụng đối với hải sản khai thác từ biển chứ không phải với thủy sản nuôi trồng nhưng nhìn chung đã để lại những tác động không nhỏ đối với ngành thủy sản Việt Nam. Việc EC phạt thẻ vàng với các lô hàng hải sản của Việt Nam đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đánh bắt cá; sản lượng xuất khẩu sang thị trường này có dấu hiệu chững lại, bởi đây là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Trong thời gian bị thẻ vàng, toàn bộ sản phẩm thủy sản từ khai thác biển của Việt Nam xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại để kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc khai thác, thay vì chỉ kiểm tra xác suất như trước, gây mất thời gian, có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Thủy sản Việt Nam xuất vào EU bị chặn lại từ cảng để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian thông quan kéo dài lên 10 -15 ngày, còn ảnh hưởng đến thời gian nhận hàng, kế hoạch kinh doanh của nhà nhập khẩu. Hệ lụy tiếp theo là các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản phải tốn thêm chi phí để nước nhập khẩu kiểm tra xuất xứ nguồn gốc, ước tính khoảng 500 bảng Anh/ container, chưa kể phí lưu kho. Rủi ro lớn nhất các doanh nghiệp có thể gặp phải là sản phẩm không đáp ứng được điều kiện kiểm tra nghiêm ngặt, nên phải tìm kiếm thị trường mới hoặc quay về thị trường nội địa dẫn đến phát sinh thêm nhiều chi phí, gây khó khăn chồng chất cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Thêm vào đó, do tâm lý e ngại bị phạt theo quy định IUU nên các đối tác khách hàng của Việt Nam tại EU có xu hướng giảm hoặc ngừng mua hàng thủy sản Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017, mặc dù bị áp thẻ vàng dịp gần cuối năm nhưng EU vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất trong số những thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam với trị giá nhập khẩu đạt 1.422 triệu USD, chiếm tỷ trọng 17% trong tổng trị giá xuất khẩu toàn ngành do vẫn còn giá trị của các đơn hàng trước đó. Tuy nhiên đến hết năm 2018, EU không còn giữ được vị trí đầu bảng và phải lùi lại vị trí thứ 2 sau Mỹ với tỷ trọng giảm còn 16,3%. 9 tháng năm 2019, Nhật Bản vươn lên đẩy EU xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam; với 948,2 triệu USD và chỉ còn 15,2% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Đây là minh chứng rõ nét nhất về tác động tiêu cực ngành thủy sản Việt Nam phải gánh chịu khi bị EC áp thẻ vàng.
Mặt khác, do tầm ảnh hưởng của EU, tên quốc gia bị cảnh báo cũng được công khai trên các website chính thức của EU và được sự quan tâm của đông đảo truyền thông các nước. Điều này sẽ làm xấu đi hình ảnh và trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, uy tín của thủy sản Việt Nam. Qua đó, thủy sản Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi rơi vào nguy cơ có thể bị Mỹ và những thị trường tiềm năng khác tăng cường kiểm tra và giảm số lượng nhập khẩu do người tiêu dùng hạn chế dùng sản phẩm từ các nước bị thẻ vàng IUU. Trong tình huống xấu nhất, nếu Việt Nam không hợp tác, giải quyết các khuyến nghị về quy định IUU, EC sẽ áp thẻ đỏ, đặt lệnh cấm tất cả 28 nước thành viên không nhập khẩu hải sản khai thác biển của Việt Nam, ngành thủy sản sẽ phải gánh chịu những thiệt hại rất lớn.
Hành động của Việt Nam trong nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU
Nhận thức rõ những ảnh hưởng nghiêm trọng của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU và uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị, 28 tỉnh, thành phố ven biển, doanh nghiệp cùng đồng bộ triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các khuyến nghị của EC trong nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng.
Ngày 28/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 732/CĐ-TTg về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài trong một nỗ lực để EC trì hoãn việc áp thẻ vàng với hải sản khai thác của Việt Nam. Ngay sau khi thủy sản Việt Nam bị thẻ vàng, ngày 21/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật số 18/2017/QH14 quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản (gọi tắt là Luật thủy sản 2017), có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Luật Thủy sản 2017 đặc biệt luật hóa các nội dung liên quan đến quy định IUU, trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Ngày 23/11/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Sau hơn 2 năm nỗ lực triển khai các biện pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, gồm: Luật Thủy sản năm 2017; 2 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 8 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Luật Thủy sản… Cùng với đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thành lập Ban Điều hành IUU, phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển, các doanh nghiệp và ngư dân cùng vào cuộc với cơ quan Nhà nước khắc phục thẻ vàng IUU trong thời gian ngắn nhất, tiến tới thực hiện chương trình dài hạn chống khai thác IUU, giữ uy tín và thị trường cho sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, đã có 62 doanh nghiệp tham gia chương trình “Các doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” với các cam kết: Chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp; kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm; nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định…
Qua đó, ngành thủy sản Việt Nam đã có nhiều chuyển biến lớn, cụ thể: Nâng cao nhận thức của ngư dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc khai thác hải sản tuân thủ các nguyên tắc IUU; các biện pháp cụ thể về lắp đặt trang thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên các tàu cá, đặc biệt với nhóm tàu có chiều dài từ 24 m trở lên được tập trung thực hiện sát sao; kiểm soát, giám sát tàu cá và sản lượng thuỷ sản bốc dỡ tại cảng cũng được triển khai tích cực; tàu cá vi phạm vùng biển các quốc gia Thái Bình Dương bị xử lý nghiêm nhằm răn đe và chấm dứt tình trạng vi phạm.
Ngày 6/11/2019 vừa qua, Đoàn kiểm tra của EC do bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của EC làm Trưởng đoàn đã đến Việt Nam theo kế hoạch giám sát việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Kết thúc chuyến khảo sát, đoàn kiểm tra công nhận nỗ lực của Việt Nam khi xây dựng được khung khổ pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt IUU, trong đó có Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác, bởi đây là mấu chốt trong việc tháo gỡ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam cần tái cơ cấu lại sản xuất của ngành theo hướng khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng hải sản.
Có thể nói, mặc dù ngành thủy sản Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn sau khi EC rút cảnh báo thẻ vàng, tuy nhiên ở chiều ngược lại, thẻ vàng của EC đã đem lại cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung, cũng như ngành khai thác hải sản biển nói riêng động lực to lớn để bảo vệ và phát triển thương hiệu thủy sản Việt Nam; thay đổi tích cực, phát triển khai thác, sản xuất thủy sản theo hướng bền vững, minh bạch, bảo vệ tài nguyên, nguồn lực trong nước và thế giới. Đây cũng là căn cứ mạnh mẽ làm tiền đề để EC tiến hành tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam trong thời gian sớm nhất./.
Nguồn tài liệu:
-
Số liệu xuất, nhập khẩu của Tổng cục Thống kê
-
Sách trắng về Chống khai thác IUU ở Việt Nam, ngày 12/1/2018
-
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam
-
Thông tấn xã Việt Nam
Trên cơ sở triển khai “Kế hoạch hành động quốc tế năm 2001” của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), để bảo vệ tài nguyên của đại dương, tài nguyên biển hướng đến phát triển bền vững, ngày 29/9/2008, Ủy ban châu Âu đã ra Quyết định số 1005/2008 gồm 12 chương (57 điều) và 4 phụ lục về thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định - IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing). Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10/2010, gồm 3 phần chính: Chương trình chứng nhận khai thác; Quá trình ban hành thẻ cho nước thứ 3 (với 2 loại thẻ vàng và thẻ đỏ); Hình phạt đối với các nước Liên minh châu Âu (EU), được áp dụng cho 28 nước thành viên và tất cả các quốc gia khác khi muốn xuất khẩu thủy sản đến EU. Từ khi Quyết định 1005/2008 của EC có hiệu lực, đã có trên 20 quốc gia bị rút thẻ, trong đó, với các quốc gia bị rút thẻ vàng có nghĩa rằng tất cả những hải sản của nước đó xuất sang EU sẽ bị kiểm soát 100%, trong khi trước đó kiểm soát có xác suất, còn nếu bị thẻ đỏ nghĩa là 28 nước thành viên trong EU sẽ không nhập hải sản của quốc gia đó nữa. Trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), ngoài Việt Nam, Philippines đã phải nhận thẻ vàng cảnh cáo vào tháng 6/2014, nhưng đã khắc phục thành công và được gỡ thẻ vào tháng 4/2015; trong khi đó, Thái Lan bị áp thẻ vàng vào tháng 4/2015 và thoát thẻ vàng vào tháng 1/2019. |
Đinh Duy Hùng
Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam