Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống đặc sắc, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã đẩy mạnh xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Nhờ đó, những năm gần đây, lĩnh vực du du lịch của Huyện ngày càng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao và tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu.
Diện mạo huyện nông thôn mới nâng cao Tiên Yên ngày một khang trang
Tạo đột phá trong phát triển du lịch
Tiên Yên có vị trí địa lý là trung tâm cửa ngõ miền Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên trên 647 km2, gồm 11 xã, 1 thị trấn với dân số trên 54.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 52,14%. Tiên Yên có cả khu vực núi, đồi lẫn đồng bằng ven sông, ven biển với hệ sinh thái rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc, nơi đây còn là vùng đất sinh sống của 17 dân tộc anh em (Kinh, Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa...) với những bản sắc văn hóa đa dạng. Tất cả những điều này đã tạo nên cho Tiên Yên một “kho tàng” tài nguyên du lịch khá đặc sắc, đầy tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
Thi giã bánh dày trong Lễ hội Mùa vàng miền Soóng cọ Đại Dực năm 2023. Ảnh: Mai Linh
Nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế, những năm qua, huyện Tiên Yên đã xác định rõ chủ trương xây dựng huyện trở thành trung tâm văn hóa, là nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, lấy thương mại, dịch vụ, du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của Huyện, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Tiên Yên cũng quan tâm huy động và dành nhiều nguồn lực để đầu tư cải tạo hạ tầng các điểm du lịch, các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện như: Trung tâm văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh; thác Pạc Sủi; phố đi bộ Tiên Yên. Hệ thống trung tâm văn hóa cấp xã và nhà văn hóa thôn được đầu tư đồng bộ. Huyện cũng xác định phải bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc để làm chất liệu cho sản phẩm du lịch. Đến nay, Huyện đã phục dựng thành công và nâng tầm 4 lễ hội dân tộc gắn với các hoạt động trải nghiệm du lịch của du khách. Nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành điểm nhấn, hấp dẫn như: Lễ hội đua thuyền ở Đồng Rui, lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu... Bên cạnh đó, Huyện tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Trong 2 năm 2022, 2023 huyện mở 2 lớp dạy tiếng Sán Dìu, 1 lớp dạy tiếng Sán Chỉ.
Phố đi bộ Tiên Yên đã duy trì được 7 năm với nhiều hoạt động ý nghĩa không chỉ
làm phong phú đời sống tinh thần Nhân dân mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách
Đồng thời, Tiên Yên tăng cường thông tin, truyền thông về hoạt động du lịch trên địa bàn thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử, dulichtienyen.vn, fanpage quảng bá du lịch; kết nối với các đơn vị truyền thông, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành để cập nhật, cung cấp, giới thiệu, quảng bá các tuyến điểm du lịch. Để kích cầu du lịch, trong 5 năm qua, huyện Tiên Yên đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh của Huyện như: Hội chợ ẩm thực, hội chợ OCOP Quảng Ninh, hội chợ nông sản vùng miền, hội chợ Quốc tế Việt - Trung, Lễ hội Carnaval Hạ Long, Liên hoan ẩm thực. Huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện các phóng sự về du lịch, văn hóa; đẩy mạnh truyền thông du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, ẩm thực bản địa.
Ngoài ra, Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Nhiều mô hình du lịch mới hình thành, như: Trang trại Family ecozone (xã Hải Lạng) phục vụ ăn uống, câu cá, trải nghiệm rừng ngập mặn, làm bánh dân tộc, bước đầu tạo hiệu ứng tốt đối với du khách; du lịch sinh thái thác Pạc Sủi (xã Yên Than), gắn với phục vụ ăn uống, lưu trú, trải nghiệm văn hóa bản địa; du lịch sinh thái thác Khe San (xã Phong Dụ) gắn với ẩm thực, trải nghiệm mô hình nuôi cá tầm.
Du khách tham quan trang trại Family ecozone (xã Hải Lạng)
Với sự vào cuộc tích cực, trên địa bàn Huyện trong những năm gần đây có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan và trải nghiệm. Nổi bật là: Điểm du lịch sinh thái thác Pạc Sủi, xã Yên Than với 16 tầng thác; điểm du lịch phố đi bộ Tiên Yên mang vẻ đẹp cổ kính bởi hệ thống nhà cổ, theo lối kiến trúc của người Hoa; Làng Văn hóa Tày tại thôn Đồng Đình gắn với du lịch sinh thái thác Khe San, xã Phong Dụ, thường xuyên tổ chức các hoạt động CLB hát then, đàn tính; Chợ phiên vùng cao Hà Lâu (xã Hà Lâu); Trang trại sinh thái Family ecozon, thôn Bình Minh, xã Hải Lạng; điểm du lịch rừng ngập mặn, bãi tắm Lòng Vàng (Cái Mắt Lẻ), thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch trên địa bàn huyện đạt 121.200 lượt du khách, doanh thu lĩnh vực du lịch đạt khoảng 72 tỷ đồng.
Xây dựng nông thôn mới bền vững và hiệu quả
Sự phát triển khởi sắc trong du lịch không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà còn làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế với vai trò chủ thể và khơi dậy sức dân xây dựng NTM. Từ những thay đổi đó, Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động để phát huy sức mạnh nội lực của từng thôn bản, từng người dân tham gia xây dựng NTM với phương châm: “Vận động đi đôi với hành động”; đồng thời phát động các phong trào thi đua thiết thực ở thôn bản, cụm dân cư, nhân rộng các mô hình, việc làm tốt như: Hiến đất, tham gia ngày công để mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình cộng đồng; xây dựng nhà sạch vườn đẹp, phát triển sản xuất, kinh tế.
Tuyến giao thông nông thôn kiểu mẫu tại xã Đông Ngũ
Được sự ủng hộ của Nhân dân và doanh nghiệp, việc thực hiện xã hội hóa để xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng phục vụ an sinh xã hội được thực hiện rất tốt, có sự giám sát của cộng động dân cư không chỉ góp phần đảm bảo chất lượng mà còn giảm được tổng mức đầu so với dự toán ban đầu. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Tiên Yên được đầu tư, xây dựng mới, kết nối giữa các xã với trung tâm huyện và các đô thị của tỉnh. Hạ tầng trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, các thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Cùng với xây dựng hạ tầng, Tiên Yên tập trung giải pháp để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Huyện tập trung hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, Huyện đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất tập trung triển khai hiệu quả mô hình 2 con, 1 cây (gà, tôm và cây dược liệu); phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, công nghiệp chế biến chuyên sâu. Tiên Yên đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại xã Hải Lạng, Đồng Rui, Đông Ngũ, Đông Hải; nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản năng suất cao đạt trên 20 tấn/ha mang lại giá trị trên 4 tỷ đồng/ha; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.369,7ha.
Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn Huyện đạt trên 76,92 triệu đồng/người, trong đó khu vực nông thôn đạt 74,02 triệu đồng/người, tăng 1,45 lần so với năm trước. Tiên Yên đã không còn hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo Trung ương và ngày càng có nhiều hộ giàu, kinh tế khá giả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng NTM ngày càng văn minh, tiến bộ.
"Gà Tiên Yên" là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao
Không dừng lại ở phát triển kinh tế, chất lượng đời sống của người dân Tiên Yên không ngừng được nâng cao, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giáo dục ngày càng được quan tâm cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Đến nay, 100% xã đạt chuẩn về trạm y tế, trang thiết bị y tế được đầu tư đồng bộ, nên đã thực hiện tốt vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Chương trình “Đường hoa - Tranh tường - Cảnh quan môi trường Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp” đã đưa diện mạo nông thôn của Tiên Yên ngày càng tươi đẹp. Từ năm 2020 đến nay, huyện cũng đã huy động Nhân dân triển khai trồng và duy trì hơn 29 km đường hoa, 12.300 m2 tranh tường tạo nên cảnh quan một vùng nông thôn ngày càng trù phú và hạnh phúc, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Tiên Yên là huyện thứ hai của Quảng Ninh được công nhận huyện Nông thôn mới nâng cao
Với tinh thần chủ động, sáng tạo và lựa chọn đúng, trúng các lĩnh vực trọng tâm, các khâu trọng điểm để tổ chức thực hiện, nên mặc dù xuất phát điểm rất khó khăn nhưng chương trình xây dựng NTM ở Tiên Yên đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Chỉ 4 năm sau khi hoàn thành chương trình xây dựng NTM (năm 2019), Tiên Yên trở thành huyện thứ hai của Quảng Ninh và cũng là huyện thứ hai của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao (năm 2023). Hiện nay, với quan điểm xây dựng NTM không có điểm dừng, Tiên Yên đang triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với hành trình tái lập thị xã, huyện phấn đấu là tiêu điểm xây dựng NTM của Quảng Ninh với những giá trị cốt lõi: “Thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc”./.
Trịnh Long