Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp

20/08/2021 - 09:43 AM
Thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã làm cho sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân gặp khó. “Giải cứu nông sản” là cụm từ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây khi hàng hóa bị ùn ứ. Trước tình hình này, yêu cầu cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống đã được đặt ra.  

Câu chuyện giải cứu nông sản

Thời điểm tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên các trang mạng xã hội cũng như các đơn vị kinh doanh online rộ lên giải cứu tôm hùm. Hàng loạt vùng nuôi tôm hùm ở hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa với hơn 150.000 lồng nuôi rơi vào cảnh lao đao. Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, lâu nay, 80% sản lượng tôm hùm với khoảng 2.000 tấn/năm được xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên tôm hùm bị ứ đọng là chuyện khó tránh khỏi. Theo ước tính, ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, lượng tôm chưa xuất bán thời điểm đó không dưới 700 tấn.
 
Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đầu năm 2021, điệp khúc giải cứu nông sản cho Hải Dương và một số địa phương lại tiếp tục nổi lên. Ngày 16/2, Hải Dương chính thức tiến hành phong tỏa toàn tỉnh để phòng chống dịch. Vì thế, toàn bộ hàng hóa trong và ngoài tỉnh không được lưu thông. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể tới các mặt hàng nông sản. Từ ngày 17/2, Hải Dương còn khoảng 800ha cà rốt chưa thu hoạch, 30.000 tấn cà rốt cần được xuất qua cảng Hải Phòng, hơn 3.500ha cây rau màu vụ Đông đang đến kỳ thu hoạch.

Nối tiếp ngay sau nông sản Hải Dương, ở nhiều địa phương khác như Hưng Yên, Nghệ An, Vĩnh Phúc và Hà Nội cũng «kêu cứu» vì nông sản thu hoạch mà không tiêu thụ được. Tại huyện Mê Linh (Hà Nội), cảnh tượng rau màu chín rụng đầy đồng trở nên phổ biến. Người nông dân tại địa phương cho biết, từ ngày dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều loại rau màu không tiêu thụ được hoặc nếu có tiêu thụ được thì giá rất thấp, không đủ để hòa vốn. Ví dụ như cà chua, cùng kỳ mọi năm giá bán cho người buôn tại đồng là từ 4.000-5.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá tụt xuống chỉ còn 1.000- 1.300 đồng/kg. Giá bán này là không đủ cho chi phí thuê người thu hái nên người dân chỉ biết nhìn cà chua chín đỏ, rồi rụng hoặc cắt hạ bớt xuống cho nhẹ cây.
Trước đó, vào dịp cận Tết, Ninh Thuận cũng phải hô hào “giải cứu” dưa hấu, dù giá rớt xuống 1.000 - 1.500 đồng/kg; rau xà lách, bắp cải ở Gia Lai; Phú Yên cũng kêu gọi giải cứu hoa lay ơn khi thương lái bỏ cọc không lấy hoa tuần cận tết…

Những câu chuyện thực tế trên đã đặt ra câu hỏi về vấn đề tiêu thụ nông sản bền vững trong tình hình mới. Từ thời điểm lần đầu tiên dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 đến nay đã hơn một năm, đây cũng không phải là lần đầu một địa phương, một khu vực bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ; song dường như cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể, mang tính hệ thống trong việc hỗ trợ, lưu thông hàng hoá từ vùng có dịch.

Câu chuyện “giải cứu” nông sản ở Hải Dương vừa qua cho thấy nhiều bài học đắt giá trong khâu tiêu thụ nông sản và quy trình xử lý trong các tình huống khẩn cấp, hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế của địa phương và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cần có cơ chế hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp

Để giảm bớt hậu quả ùn ứ nông sản cho người nông dân, phong trào giải cứu nông sản đã được triển khai rầm rộ. Trên các trang mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vùng dịch với sự tham gia của nhiều người dân cả nước. Nhiều điểm bán nông sản từ vùng dịch hình thành được người dân chung tay ủng hộ. Nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện kết nối với các hợp tác xã nông nghiệp, sau đó chuyển lên các điểm giải cứu nông sản trên Hà Nội và nhiều tỉnh thành nhằm giúp người nông dân phần nào khắc phục khó khăn.

Đánh giá về những nỗ lực giải cứu nông sản vừa qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc trong một thời gian ngắn tổ chức được quá trình giải cứu trên diện rộng với nhiều nông sản là một nỗ lực rất cao. Dù cách thức giải cứu thời gian qua vẫn mang tính tự phát, song chính quyền nhiều địa phương đã có sự vào cuộc kịp thời. Tuy nhiên, việc“giải cứu nông sản” bị động như thế này chỉ mang tính ngắn hạn, thiệt hại của người dân vẫn còn rất lớn. Nông sản bán được nhưng vẫn còn nhiều nông sản bị thối hỏng, bán lỗ, người nông dân bị thiệt hại ít nhất từ 30%-40%.

Theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, việc giải cứu nông sản trong năm 2021 khác hẳn những năm trước. Trước đây, việc giải cứu thường là do dư thừa, cung lớn hơn cầu và chỉ ở một vài sản phẩm của nông nghiệp, độc lập, trong phạm vi nhỏ như: chuối, hành, tiêu, ớt, tỏi, dưa hấu.… Tuy nhiên, năm 2021 là do khâu lưu thông hàng hóa đình trệ, không phải do mâu thuẫn lớn giữa cung và cầu. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch. Theo đó, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương, chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại các địa phương có dịch. Các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Bộ Công Thương đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân. Theo đó, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước, các doanh nghiệp lớn, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Điển hình như hệ thống phân phối Central Group, BRG Retail, chuỗi siêu thị Coop Mart… đã hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm, nhất là nông sản. Bộ cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ vùng đang có dịch.
Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề xử lý “phần ngọn” cho một tình huống xảy ra, còn về lâu dài thì cần sự phối hợp và có cơ chế chung cho tiêu thụ nông sản khi xảy ra thiên tai dịch bệnh. Theo Bộ Công Thương, cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi có thiên tai, dịch bệnh là vấn đề lớn phải có chủ trương từ Chính phủ và từ đó giao xuống các ngành để mỗi khi tình huống xảy ra thì cơ chế này sẽ tự kích hoạt. Lúc đó mỗi ngành một việc, cùng phối hợp thì sẽ không còn cảnh các tổ chức, hay cá nhân kêu gọi giải cứu.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh khiến hàng hóa, nông sản khắp nơi kêu cứu trong thời gian qua đã cho thấy nhiều vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết. Trước hết, tại các địa phương nhận hàng giải cứu, việc thành lập các nhóm tuy khá quy mô và tốc độ nhanh, song chưa có sự thống nhất và bài bản. Chính vì thế, điều này mang lại hiệu quả trong việc tiêu thụ nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, người dân vẫn phải chịu lỗ. Vì vậy, xây dựng một cơ quan chuyên trách có thẩm quyền trực thuộc chính phủ và thường trực một cách liên tục để có thể xử lý kịp thời, tổng hợp những thiên tai, địch họa, dịch bệnh trong phạm vi và quy mô nhất định, trong những thời điểm nhất định là cần thiết và nên làm. Đặc biệt là trong thời điểm các vấn đề bất định đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay“giải cứu nông sản” đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua gây ra thiệt hại không nhỏ cho người nông dân cũng như ngành nông nghiệp. Theo các chuyên gia, để giải quyết câu chuyện đầu ra cho nông sản một cách cơ bản, lâu dài cần có những giải pháp căn cơ, có tính khả thi hơn là dựa vào“giải cứu”. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của đề án là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với đó là tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại. Củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như là một trung gian cần thiết giữa người nuôi, trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm nông sản.../.

 

TS. Lê Đức Thủy

Đại học Công nghiệp Hà Nội
 
 
 

TS. Lê Đức Thủy

Đại học Công nghiệp Hà Nội
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top