Tình hình hoạt động của doanh nghiệp có trên 50% vốn đầu tư nước ngoài

27/04/2023 - 03:15 PM
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài có trên 50% vốn góp tại các chi nhánh, công ty con (Foreign Affiliates) ở các nước sở tại có quyền nắm giữ, chi phối hoạt động của các chi nhánh, công ty con của mình với mục tiêu nhằm tiếp cận thị trường của nước sở tại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách thức tiếp cận thị trường như vậy của các doanh nghiệp đa quốc gia được WTO gọi là “Hiện diện thương mại - Phương thức 3”. Hiện nay, phương thức 3 ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế, giúp cho các doanh nghiệp đa quốc gia tiếp cận thị trường nước khác một cách nhanh chóng và hiệu quả.
 
Tại Việt Nam, khu vực FDI là khu vực phát triển nhanh nhất trong các khu vực kinh tế cả nước, hàng năm có tốc độ tăng trưởng trong GDP luôn cao hơn tốc độ tăng GDP chung của cả nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2016-2020, đóng góp của khu vực FDI vào GDP đạt trên 19,6%, trong đó có sự đóng góp đáng kể của doanh nghiệp có trên 50% vốn đầu tư nước ngoài (FATS) - sự hiện diện của Phương thức 3 tại Việt Nam.
Doanh nghiệp FATS chiếm tỷ trọng lớn trong khối doanh nghiệp FDI và hoạt động tập trung chủ yếu ở các vùng kinh tế lớn

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp FATS chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp FDI. Tại thời điểm 21/12/2020, có 22.242 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, thu hút trên 5.090 triệu lao động; trong đó, có tới 19.113 doanh nghiệp FATS (chiếm 85,9% trong tổng số doanh nghiệp FDI), thu hút 4.949 nghìn lao động (chiếm 97,3% tổng số lao động đang làm việc tại khu vực FDI). Bình quân 1 năm giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp FATS chiếm tỷ lệ 88,1%; lao động chiếm 97,5%.
 
Bảng 1: Tỷ trọng một số chỉ tiêu chủ yếu của doanh nghiệp FATS so với doanh nghiệp FDI

 
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp có trên 50% vốn đầu tư nước ngoài
 
Các doanh nghiệp FATS hầu hết tập trung ở Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng); vùng Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai), Long An, Đà Nẵng bởi đây là các vùng kinh tế lớn, có cơ sở hạ tầng phát triển. Trong năm 2020, số doanh nghiệp FATS ở 8 tỉnh, thành phố trên chiếm đến 80,5% tổng số doanh nghiệp FATS trên cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu cả nước về số doanh nghiệp FATS với 5.878 doanh nghiệp, chiếm 30,8%; tiếp theo lần lượt là Hà Nội có 3.192 doanh nghiệp, chiếm 16,7%; Bình Dương có 2.329 doanh nghiệp, chiếm 12,2%; Bắc Ninh có 1.195 doanh nghiệp, chiếm 6,3%; Đồng Nai có 1.179 doanh nghiệp, chiếm 6,2%; Long An có 708 doanh nghiệp, chiếm 3,7%; Hải Phòng có 523 doanh nghiệp, chiếm 2,7%; Đà Nẵng có 384 doanh nghiệp, chiếm 2,0%.
 
Doanh nghiệp FATS chủ yếu hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
 
Trong nền kinh tế, công nghiệp - xây dựng là khu vực hấp dẫn, thu hút lượng lớn vốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2016-2020, hàng năm số lượng doanh nghiệp FATS hoạt động trong lĩnh vực này chiếm 58,4% trong tổng số doanh nghiệp FATS trên cả nước, tăng trưởng bình quân hàng năm là 8,5%/ năm. Trong đó, số lượng doanh nghiệp FATS hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng bình quân năm là 53,6% và duy trì tăng trưởng hàng năm với tốc độ bình quân năm là 8,5%/năm.

Tính riêng năm 2020, doanh nghiệp FATS ngành công nghiệp, xây dựng đạt 10.412 doanh nghiệp, chiếm 54,5% tổng số doanh nghiệp FATS đang hoạt động ở nước ta; trong đó có 9.539 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 49,9% trong tổng số DN FATS trên cả nước. Trong ngành chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp FATS hoạt động nhiều trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm (có 1.102 doanh nghiệp, chiếm 11,6%), tiếp đến là lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (có 1.071 doanh nghiệp, chiếm 11,2%)...

 
Khu vực dịch vụ cũng thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp FATS. Giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp FATS khu vực dịch vụ tăng từ 4.953 doanh nghiệp (chiếm 38,2%) năm 2016 lên 8,577 doanh nghiệp (chiếm 44,9%) năm 2020. Tuy số lượng doanh nghiệp FATS trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng bình quân 40,8%/năm, thấp hơn tỷ trọng bình quân 58,4%/năm của khu vực công nghiệp - xây dựng nhưng lại có tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 18,2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân năm 8,5% của khu vực công nghiệp và xây dựng. Trong khi đó, số lượng DN FATS hoạt động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khá khiêm tốn, giai đoạn 2016-2020 chỉ chiếm tỷ trọng bình quân là 0,8%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt thấp 4,2%.
 
Có số lượng doanh nghiệp lớn nên số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FATS khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lao động của các doanh nghiệp FATS. Giai đoạn 2016- 2020, lao động các doanh nghiệp FATS trong khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng tới 92,0%, bình quân mỗi năm thu hút 4.202,7 nghìn lao động, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5%/năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng nhỏ nhất 0,3% trong tổng số lao động của doanh nghiệp FATS, trung bình mỗi năm có 13,6 nghìn lao động, tốc độ tăng trưởng bình quân giảm 1,0%/năm. Lao động trong các doanh nghiệp FATS khu vực dịch vụ bình quân chiếm 7,7%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,7%/năm. Mức lương bình quân của một người lao động trong khu vực doanh nghiệp FATS tăng đáng kể trong 5 năm 2016-2020, từ 97 triệu đồng/năm trong năm 2016 lên 146,5 triệu đồng/năm trong năm 2020.

 
Xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng và tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung của nền kinh tế

Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đạt 282.629 triệu USD, trong đó doanh nghiệp FATS xuất khẩu 211.544 triệu USD, chiếm 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhìn lại 5 năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FATS có xu hướng tăng nhanh.
 
Về xuất khẩu hàng hóa năm 2020 tăng 69,9% so năm 2016, bình quân mỗi năm tăng 14,0%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016-2020 của doanh nghiệp FATS chủ yếu thuộc về doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 5 năm của giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FATS trong ngành chế biến chế tạo chiếm trên 98,5%, tính riêng trong năm 2020 kim ngạch xuất khẩu chiếm 99,2%.
 
Về nhập khẩu, năm 2020, tổng giá trị kim ngạch cả nước là 262.791 triệu USD, khu vực FATS đạt 174.902 triệu USD, chiếm 66,6% tổng kim ngạch nhập khẩu nước ta, tăng 70,1% so năm 2016, bình quân mỗi năm tăng 13,3% trong giai đoạn 2016-2020, cao hơn tốc độ tăng chung 9,7%/năm của toàn bộ nền kinh tế.

Nhìn vào cán cân thương mại cho thấy, năm 2020, doanh nghiệp FATS xuất siêu 36.642 triệu USD; đóng góp đáng kể cho mức xuất siêu chung 141.375 triệu USD của giai đoạn 2016-2020, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2012-2016 (xuất siêu 63.446 triệu USD).

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FATS tăng nhanh trong 5 năm 2016-2020 song khu vực này cũng nhập khẩu nhiều, cho thấy sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đồng nghĩa với thực tế ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguyên vật liệu, do trình độ sản xuất thấp, thiếu cạnh tranh và đặc biệt là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu nói chung và cung cấp cho doanh nghiệp công nghiệp FATS nói riêng. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế về thương mại, cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và rào cản thương mại giữa các quốc gia ngày càng diễn biến khó lường, việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FATS và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chiếm tỷ trọng cao cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của hoạt động xuất khẩu. Đây cũng là thách thức không nhỏ cần cải thiện trong những năm tới, khi Việt Nam muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
 
Kết quả sản xuất dinh doanh ổn định và bền vững

Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FATS chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với doanh thu bình quân năm giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 63,0%. Các doanh nghiệp FATS sản xuất hàng hóa tại Việt Nam có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài chủ yếu do các doanh nghiệp FATS nhận hàng hóa gia công, làm theo đơn đặt hàng từ các công ty mẹ tại nước ngoài, được đảm bảo đầu ra cho hàng hóa sản xuất ở các kênh phân phối ở phạm vi toàn cầu nhờ có kênh phân phối liên kết chuỗi sản xuất chuyên nghiệp và hiệu quả của các công ty đa quốc gia này.

Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp FATS đến từ các tập đoàn, công ty đa quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh và bền vững, trình độ quản lý và khả năng kết nối chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tốt nên có kết quả sản xuất kinh doanh ổn định và bền vững thể hiện qua nhiều chỉ tiêu cơ bản trong giai đoạn 2026- 2020 như: Số doanh nghiệp bình quân tăng 12,2%/năm, lao động tăng 6,2%/năm, doanh thu tăng 14,3%/ năm, xuất khẩu tăng 14,0%/năm, nhập khẩu tăng 13,3%/năm. Mức đóng góp của nguồn vốn tăng 16,4%/ năm và tài sản tăng 13,0%/năm, lợi nhuận tăng 15,7%/năm. Hơn nữa, các doanh nghiệp FATS có hiệu quả đầu tư khá cao. Minh chứng là hiệu suất sinh lời trên vốn của các doanh nghiệp FATS cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp nước ta. Năm 2020, hiệu suất sinh lời vốn của doanh nghiệp FATS là 5,2%, trong khi của doanh nghiệp nhà nước chỉ là 1,9%, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,0%. Trong khi đó, hiệu suất sinh lời trên doanh thu của FATS ngang bằng với doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể năm 2002, hiệu suất sinh lời trên doanh thu của doanh nghiệp nhà nước và FATS đều là 5,7%; còn doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,9%.
 
Doanh nghiệp FATS chủ yếu đến từ các nước phát triển thuộc khu vực châu Á
 
Đến thời điểm 31/12/2020, số doanh nghiệp FATS do nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài góp vốn nhiều nhất lần lượt là Hàn Quốc (5.663 doanh nghiệp), Nhật Bản (3.036 doanh nghiệp), Trung quốc (2.585 doanh nghiệp), Đài Loan (2.100 doanh nghiệp), khối ASEAN (1.883 doanh nghiệp) và các nước khối EU (1.368 doanh nghiệp). Xét về nguồn vốn, các doanh nghiệp FATS Hàn Quốc có nguồn vốn lớn nhất với 1,68 triệu tỷ đồng, tiếp đến là doanh nghiệp thuộc khối ASEAN 1,67 triệu tỷ đồng, Nhật Bản 1,4 triệu tỷ đồng, Trung Quốc 779 nghìn tỷ đồng, Đài Loan 751 nghìn tỷ đồng và khối EU là 732 nghìn tỷ đồng. Mặc dù số doanh nghiệp FATS do các nhà đầu tư khối ASEAN chỉ chiếm 9,9% nhưng nguồn vốn chiếm tới 19,6%; và có doanh thu chiếm 26,2% tổng doanh thu của các DN FATS tại Việt Nam.

Bức tranh về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FATS tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cho thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp FATS đang hoạt động tại Việt Nam còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam, nhưng đã đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Với nguồn lực bền vững, các doanh nghiệp FATS đã và đang phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và toàn bộ nền kinh tế nước ta./. 
 
 
ThS. Bế Thị Hương
Trường Chính trị Hoàng Đình Giong - tỉnh Cao Bằng
 
 

 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top