Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý II và cả năm 2022

29/06/2022 - 04:59 PM

I. XU HƯỚNG KINH TẾ VĨ MÔ TOÀN CẦU

1. Tại thời điểm tháng 6/2022, các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2022. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sẽ chậm lại và chỉ đạt mức 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2021. Theo Liên hợp quốc, nền kinh tế toàn cầu hiện được dự báo chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo được công bố vào tháng 01/2022.

Ảnh hưởng sau hơn hai năm đại dịch, cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na, việc thực hiện các biện pháp phong tỏa thường xuyên và trên phạm vi rộng ở Trung Quốc, hoạt động kinh tế của các nền kinh tế bị kìm hãm do giá năng lượng tăng, điều kiện tài chính kém thuận lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na là những nguyên nhân dẫn đến tất cả các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

WB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm xuống gần một nửa trong năm 2022, từ 5,1% năm 2021 xuống còn 2,6%, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022. Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo sẽ giảm khoảng một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2022.

2. Tổng quan biến động thị trường thế giới

Thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm trong nửa đầu năm 2022. Thước đo thương mại hàng hóa của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong tháng 5/2022 cho thấy xung đột ở U-crai-na và các đợt phong tỏa liên quan đến đại dịch gần đây ở Trung Quốc đang làm suy giảm thương mại hàng hóa toàn cầu trong nửa đầu năm 2022. Giá trị trong tháng 3/2022 của thước đo thương mại là 99,0, vẫn thấp hơn so với giá trị cơ sở 100. Trong tháng 4/2022, WTO dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa thế giới là 3,0% cho năm 2022, giảm so với mức tăng 4,7% được dự báo vào tháng 10/2021. WB dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại, đạt 4% trong năm 2022.

Giá cả và lạm phát tăng. Giá hàng hóa tiếp tục tăng cao trong nửa đầu năm 2022 do nhu cầu phục hồi trong bối cảnh sản xuất một số mặt hàng bị hạn chế cũng như tác động của xung đột giữa Nga và U-crai-na dẫn đến sự gián đoạn lớn đối với sản xuất và thương mại, đặc biệt những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga và U-crai-na, bao gồm năng lượng và lúa mì. Giá các sản phẩm dầu, đặc biệt là dầu diesel và xăng tăng cao hơn nhiều so với giá dầu thô do công suất lọc dầu không đủ và hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga bị gián đoạn. Giá năng lượng được dự báo sẽ tăng 52% trong năm 2022, cao hơn 47 điểm phần trăm so với dự báo trước đây của WB. Giá dầu thô Brent được dự báo sẽ ở mức trung bình 100USD/thùng.

Giá nông sản được dự báo sẽ tăng 18% trong năm 2022, cao hơn các dự báo trước đó. Giá phân bón dự kiến sẽ tăng gần 70% năm 2022. Giá kim loại tiếp tục tăng trong năm 2022, dự kiến sẽ tăng 12%, một mức tăng đáng kể so với các dự báo trước đó. Giá nhôm và niken tăng khoảng 30%.

IMF dự báo lạm phát là 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cao hơn 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2022.

Điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt. Theo WB, lạm phát tăng dẫn đến kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra nhanh hơn trên toàn thế giới. Lợi tức trái phiếu của các nền kinh tế phát triển đã tăng rõ rệt và các thước đo về biến động vốn chủ sở hữu đã tăng liên tục, ảnh hưởng đến việc định giá tài sản rủi ro. Kể từ đầu năm, chứng khoán Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro đã giảm lần lượt khoảng 13% và 12%. Cuộc xung đột Nga và U-crai-na đã làm tăng giá đồng đô la Mỹ so với đồng tiền của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, dẫn đến gia tăng chi phí giải quyết các khoản nợ trên toàn cầu.

Ngày 15/6/2022, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm để đối phó với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Fed nâng lãi suất lên mức này. Fed có thể thảo luận việc nâng lãi suất thêm 0,75 hay chỉ 0,5 phần trăm trong phiên họp kế tiếp vào cuối tháng 7/2022.

Số giờ làm việc đã giảm. Dự báo mới nhất của ILO cho thấy mức giờ làm việc dự kiến trong Quý II/2022 thấp hơn 4,2% so với mức trước đại dịch, tương đương với 123 triệu việc làm toàn thời gian.

Dòng vốn FDI toàn cầu. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD dự báo động lực tăng trưởng của năm 2021 không thể duy trì và dòng vốn FDI toàn cầu năm 2022 có thể sẽ đi xuống hoặc đi ngang.

Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới. IMF nêu 8 rủi ro nổi bật nhất trong năm 2022. Báo cáo đầy đủ đã nêu rõ 8 rủi ro này.

II. TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ

Dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đều được điều chỉnh giảm.

1. Hoa Kỳ. Theo UNDESA, tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022, trong bối cảnh áp lực lạm phát cao, siết chặt chính sách tiền tệ và tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na.

WB dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ chỉ đạt 2,5% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trong tháng 01/2022. OECD nhận định tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ dự báo sẽ giảm mạnh từ mức 5,7% năm 2021 xuống còn 2,5% năm 2022.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) trong tháng 5/2022 của Hoa Kỳ được điều chỉnh giảm nhẹ so với số ước tính sơ bộ, ở mức 53,6 điểm, thấp hơn đáng kể so với mức 56,0 điểm trong tháng 4/2022.

Trading Economics dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ Quý II/2022 tăng 2,2% so với quý trước và tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2021.

2. Khu vực đồng Euro. Theo WB, hoạt động kinh tế khu vực đồng Euro trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm do tác động của xung đột giữa Nga và U-crai-na (làm gián đoạn chuỗi cung ứng, căng thẳng tài chính gia tăng và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp) và việc tái bùng phát đại dịch Covid-19 trước đó. Tăng trưởng khu vực đồng Euro năm 2022 dự báo ​​chỉ đạt 2,5%, điều chỉnh giảm 1,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 01/2022.

UNDESA dự báo GDP khu vực đồng Euro tăng trưởng ở mức 2,7% năm 2022, điều chỉnh giảm 1,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022. Theo OECD, tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro giảm từ mức 5,3% năm 2021 xuống 2,6% năm 2022. Lạm phát cơ bản dự báo ở mức 7% năm 2022, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 5/2022 của khu vực đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, ở mức 54,8 điểm, giảm 1 điểm so với mức 55,8 điểm của tháng 4/2022.

GDP Quý II/2022 của khu vực đồng Euro theo dự báo của Trading Economics không tăng so với Quý I/2022 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

3. Nhật Bản. Theo WB, hoạt động kinh tế của Nhật Bản đã chậm lại trong nửa đầu năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm và các điều kiện bên ngoài không thuận lợi. WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản xuống còn 1,7% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022.

Theo OECD, tăng trưởng GDP của Nhật Bản năm 2022 được dự báo đạt 1,7%. Giá hàng hóa cao hơn sẽ đẩy lạm phát tăng lên mức gần 2,5% vào cuối năm 2022, nhưng lạm phát cơ bản được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp.

Chỉ số PMI tổng hợp tháng 5/2022 của Nhật Bản đạt 52,3 điểm, cao hơn mức 51,1 điểm trong tháng 4/2022. Đây là tháng tăng thứ ba liên tiếp trong hoạt động của khu vực tư nhân, chủ yếu là lĩnh vực du lịch. Lĩnh vực dịch vụ dẫn đầu tăng trưởng, giá trị sản xuất và đơn đặt hàng mới của ngành này đều tăng cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Theo Trading Economics, GDP Quý II/2022 của Nhật Bản dự báo tăng 1,0% so với quý trước và tăng 0,5% so với Quý II/2021.

4. Trung Quốc. Theo WB, hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, chủ yếu do bùng phát đại dịch Covid-19 và áp dụng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt, chi tiêu dùng giảm. Đầu tư thương mại và sản xuất đã mất đà do nguồn cung bị gián đoạn và tác động tiêu cực của xung đột ở U-crai-na. Theo đó, WB dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 4,3% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 0,8 điểm phần trăm.

OECD dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,4% năm 2022, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 3/2022. Lạm phát của Trung Quốc được dự báo ở mức 2% năm 2022.

Chỉ số PMI tổng hợp của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 5/2022 đã tăng lên 42,2 điểm từ mức thấp nhất trong 26 tháng (37,2 điểm trong tháng 4/2022).

Trading Economic dự báo GDP Quý II/2022 của nền kinh tế này tăng 1,5% so với quý trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

5. Đông Nam Á. Trong khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định tăng trưởng năm 2022 của In-đô-nê-xi-a đạt 5,0%, Phi-li-pin đạt 6,0%, Thái Lan đạt 3,0%, Xin-ga-po đạt 4,3%, Ma-lai-xi-a đạt 6,0% và Việt Nam đạt cao nhất ở mức 6,5%.

Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng QII/2022 so với cùng kỳ năm trước của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái Lan, Xin-ga-po lần lượt đạt 3,6%, 5,9%, 7,0%, 5,0% và 2,5%.

6. Việt Nam

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022, cao hơn so với dự kiến tăng trưởng của Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2022, IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 đạt mức 6%.

Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt 6,5% khi nền kinh tế dần phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ.

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,5%, cùng với Phi-li-pin dẫn đầu tăng trưởng khu vực ASEAN.

Trading Economic nhận định tăng trưởng GDP Quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam đạt 3%.

Biểu 1. Tốc độ tăng trưởng GDP Quý II năm 2022 của một số quốc gia

        Đơn vị tính: %

STT Quốc gia Dự báo tăng trưởng GDP Quý II năm 2022
So với Quý II/2021 So với Quý I/2022
1 Ca-na-đa 3,6 0,4
2 Hoa Kỳ 2,0 2,2
3 VQ Anh 1,7 0,1
4 Đức 1,1 -0,3
5 Pháp 4,0 0,2
6 I-ta-li-a 2,6 -0,1
7 Tây Ban Nha 5,1 0,1
8 Trung Quốc 4,0 1,5
9 Ấn Độ 16,2 1,6
10 Nhật Bản 0,5 1,0
11 Hàn Quốc 3,1 0,5
12 Ô-xtrây-li-a 4,0 1,3
13 In-đô-nê-xi-a 3,6 0,3
14 Thái Lan 5,0 1,0
15 Ma-lai-xi-a 5,9 1,0
16 Xin-ga-po 2,5 1,0
17 Bru-nây 3,0  
18 Phi-li-pin 7,0 2,1
19 Việt Nam 3,0  
Nguồn: Trading Economics, cập nhật ngày 22/6/2022

                                       (Nguồn: Vụ Thống kê Nước ngoài và Hợp tác quốc tế - TCTK)
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top