Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý III và cả năm 2022

30/09/2022 - 05:52 AM
 XU HƯỚNG KINH TẾ VĨ MÔ TOÀN CẦU

 Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 so với dự báo đưa ra trước đó

Tính đến thời điểm tháng 9/2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được điều chỉnh giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và 2023 đã bị hạ thấp đáng kể so với thời điểm đầu năm 2022. Vào tháng 01/2022, WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 và 2023 là 4,1% và 3,3%. Đến tháng 8/2022, các dự báo này đã bị hạ xuống còn 2,8% và 2,3% cho năm 2022 và 2023. Theo đó, hơn 90% các nền kinh tế phát triển và 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng đối với năm 2022 và 2023.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 9/2022, Fitch Ratings nhận định cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng kinh tế thế giới. Fitch Ratings đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng, theo đó GDP toàn cầu năm 2022 được dự báo tăng 2,4%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022.

Trong Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế ngày 26/9/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu mất đà tăng trưởng trong năm 2022. Sau khi phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng của kinh tế thế giới bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc xung đột ở U-crai-na,  các đợt bùng phát liên tục của dịch Covid-19 tại một số khu vực trên thế giới và áp lực tăng giá năng lượng và thực phẩm. GDP toàn cầu trì trệ trong Quý II/2022 và giá trị sản xuất của các nền kinh tế G20 đều giảm. OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm 2022 (so với dự báo trong tháng 6/2022), ở mức 3%, nhưng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống mức 2,2% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022).

Tổng quan biến động thị trường thế giới

Thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm trong nửa cuối năm 2022. Thước đo thương mại hàng hóa của Tổ chức thương mại thế giới tháng 8/2022 cho thấy, thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục tăng trưởng trong Quý II/2022 nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với Quý I và có khả năng tiếp tục yếu đi trong nửa cuối năm 2022. Số liệu dự báo dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm do xung đột đang diễn ra ở U-crai-na, áp lực lạm phát gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển.

Giá cả và lạm phát tăng. Theo WB, những cú sốc do nguồn cung đã gây ra biến động mạnh trên thị trường năng lượng toàn cầu. Xung đột tại U-crai-na đã làm gián đoạn đáng kể hoạt động thương mại và sản xuất các mặt hàng năng lượng. Cú sốc năng lượng hiện nay sẽ gây ra những hậu quả đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu.

Theo WB, thị trường hàng hóa tiếp tục biến động. Giá dầu thô Brent giảm xuống dưới 100 USD/thùng vào giữa tháng 7/2022, chủ yếu do hoạt động kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Giá kim loại giảm mạnh trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc giảm và tăng trưởng toàn cầu yếu.

Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FFPI) đạt 138,0 điểm vào tháng 8/2022, giảm 2,7 điểm (1,9%) so với tháng 7/2022. Tuy giảm nhưng chỉ số này vẫn cao hơn 10,1 điểm (7,9%) so với cùng kỳ năm trước. Tất cả năm chỉ số phụ của FFPI đều giảm nhẹ trong tháng 8/2022. IMF nhận định giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đã ổn định trong những tháng gần đây nhưng vẫn cao hơn nhiều so với năm 2021. Theo IMF, lạm phát năm 2022 được dự báo tăng 6,6% ở các nền kinh tế phát triển và 9,5% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, điều chỉnh tăng lần lượt là 0,9 và 0,8 điểm phần trăm, dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt. Theo WB, các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng xấu đi, phản ánh chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn thế giới và sự lo lắng về rủi ro ngày càng tăng. Tại các nền kinh tế phát triển, lợi suất trái phiếu chính phủ có nhiều biến động. Đồng đô la Mỹ tăng mạnh so với các đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.

IMF nhận định các điều kiện tài chính thắt chặt hơn gây ra tình trạng khó khăn về nợ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Theo OECD, lạm phát tiến tới trên mức mục tiêu khiến các ngân hàng trung ương phản ứng mạnh mẽ hơn, dẫn đến thắt chặt các điều kiện tài chính. Thị trường chứng khoán ở nhiều nơi trên thế giới đã giảm mạnh, lợi suất trái phiếu danh nghĩa tăng, đồng đô la Mỹ tăng giá đáng kể.

Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới

Theo IMF, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu là lớn và nghiêng về xu hướng làm giảm tăng trưởng. Những rủi ro nổi bật nhất bao gồm:

Thứ nhất, cuộc xung đột ở U-crai-na làm tăng giá năng lượng. Việc ngừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nền kinh tế châu Âu vào năm 2022 sẽ làm tăng đáng kể lạm phát trên toàn thế giới do giá năng lượng cao hơn.

Thứ hai, lạm phát vẫn ở mức cao. Các cú sốc liên quan đến nguồn cung đối với giá lương thực và năng lượng từ cuộc xung đột ở U-crai-na có thể làm tăng mạnh lạm phát và tác động tới lạm phát cơ bản, dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Giá lương thực và năng lượng tăng gây khó khăn, đói kém và bất ổn trên diện rộng, không chỉ đe dọa đến tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng tới ổn định xã hội ở nhiều quốc gia.

Thứ ba, điều kiện tài chính thắt chặt hơn gây ra tình trạng khó khăn về nợ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Thứ tư, suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hướng đến các nền kinh tế khác.

Thứ năm, trong trung hạn, xung đột ở U-crai-na sẽ phân chia nền kinh tế thế giới thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn công nghệ khác biệt, hệ thống thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ dự trữ.

 TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ

 Hoa Kỳ. Theo UNDESA, tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo chỉ đạt 1,5% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 06/2022 trong bối cảnh lạm phát cao, các điều kiện thị trường lao động khó khăn và Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed đã nâng lãi suất chính sách chủ yếu từ 0 - 0,25% trong tháng 3/2022 lên 3% - 3,25% trong tháng 9/2022. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Các quan chức của Fed dự báo lãi suất có thể lên đến 4,4% trong năm 2022.

Theo IMF, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2022 dự báo đạt 2,3%, điều chỉnh giảm 1,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022. ADB điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ xuống 1,6% từ mức dự báo 3,9% đưa ra trong tháng 4/2022. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ chỉ đạt 1,7% năm 2022, điều chỉnh giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ đạt 1,5% năm 2022, điều chỉnh giảm 1,0 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) trong tháng 8/2022 của Hoa Kỳ được điều chỉnh giảm nhẹ so với số ước tính sơ bộ, ở mức 44,6 điểm. Chỉ số này phản ánh tháng giảm thứ hai liên tiếp của hoạt động kinh doanh khu vực tư nhân và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.

Trading Economics dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ Quý III/2022 tăng 0,3% so với quý trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực đồng Euro. UNDESA dự báo GDP của khu vực đồng Euro tăng 2,5% năm 2022, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2022. ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho khu vực đồng Euro năm 2022 xuống còn 2,5%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022. Dự báo lạm phát của khu vực đồng Euro ở mức 7,9% trong năm 2022. Theo IMF, tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro dự báo đạt 2,6%, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 4/2022. OECD điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro, từ mức 2,6% của dự báo tháng 6/2022 lên mức 3,1%.

Chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 8/2022 của khu vực đồng Euro đạt 48,9 điểm, phản ánh mức giảm lớn nhất của hoạt động khu vực tư nhân kể từ tháng 02/2022. Cả ngành dịch vụ và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm mạnh.

Theo Trading Economics, GDP Quý III/2022 của khu vực đồng Euro dự báo giảm 0,1% so với Quý II/2022 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.  

Nhật Bản. ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản xuống còn 1,4% cho năm 2022 từ mức dự báo 2,7% vào tháng 4/2022. Lạm phát được dự báo sẽ tăng 2,1% trong năm 2022. IMF dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản đạt 1,7%, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2022. OECD điều chỉnh giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, xuống 1,6% cho năm 2022 từ mức 1,7% đưa ra trong dự báo tháng 6/2022.

Chỉ số PMI tổng hợp tháng 8/2022 của Nhật Bản đạt 49,4 điểm, cao hơn mức sơ bộ 48,9 điểm nhưng thấp hơn mức 50,2 điểm trong tháng 7/2022. Đây là tháng đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động của khu vực tư nhân kể từ tháng 02/2022.

Theo Trading Economics, GDP Quý III/2022 của nền kinh tế Nhật Bản dự báo tăng 0,5% so với Quý II/2022 và tăng 0,8% so với Quý III/2021.

Trung Quốc

Theo UNDESA, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ chậm lại, đạt khoảng 4% năm 2022. IMF nhận định nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm mặc dù có sự phục hồi sau các đợt phong tỏa vào nửa cuối năm 2022, theo đó tăng trưởng GDP của quốc gia này được dự báo đạt 3,3% năm 2022. ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 đạt 3,3%, điều chỉnh giảm 1,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2022. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc tăng chậm hơn dự báo tăng trưởng chung của các nước châu Á đang phát triển. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 2,8% năm 2022, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 bị điều chỉnh giảm mạnh, từ mức 4,4% theo dự báo trong tháng 6/2022 xuống còn 3,2%, giảm 1,2 điểm phần trăm. WB dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 2,8% năm 2022, điều chỉnh giảm 2,2 điểm phần trăm từ mức 5,0% của dự báo trong tháng 4/2022.    

Chỉ số PMI tổng hợp của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 8/2022 đạt 53,0 điểm. Đây là mức thấp nhất trong 3 tháng qua do tác động của làn sóng lây nhiễm Covid gần đây và tình trạng thiếu hụt năng lượng sau đợt hạn hán lịch sử.

Theo Trading Economics, GDP Quý III/2022 của nền kinh tế này tăng 1,3% so với quý trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.

 Đông Nam Á

ADB nhận định nhu cầu trong nước mạnh hơn do mở cửa lại thị trường, biên giới và nhu cầu bên ngoài giảm do rủi ro toàn cầu tăng đang định hình tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á. Theo ADB, tăng trưởng năm 2022 khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh tăng, lên 5,1% so với dự báo 4,9% trong tháng 4/2022 do tăng trưởng mạnh tại In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma và Phi-li-pin. Theo đó, tăng trưởng năm 2022 của In-đô-nê-xi-a đạt 5,4% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022), Phi-li-pin đạt 6,5% (tăng 0,5 điểm phần trăm), Thái Lan đạt 2,9% (giảm 0,1 điểm phần trăm), Xin-ga-po đạt 3,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm), Ma-lai-xi-a đạt 6,0% (giữ nguyên) và Việt Nam giữ nguyên mức 6,5% so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022.

WB nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của ASEAN-5 (In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a và Việt Nam) từ 4,9% (dự báo tháng 4/2022) lên 5,4%. Dự báo tăng trưởng của 5 quốc gia ASEAN trong năm 2022 như sau: In-đô-nê-xi-a giữ nguyên mức tăng trưởng 5,1% như trong dự báo tháng 4/2022; tăng trưởng của Ma-lai-xi-a điều chỉnh tăng 0,9 điểm phần trăm, từ 5,5% lên 6,4%; tăng trưởng của Phi-li-pin điều chỉnh tăng 0,8 điểm phần trăm, từ 5,7% lên 6,5%; tăng trưởng của Thái lan điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm, từ 2,9% lên 3,1%; tăng trưởng của Việt Nam được điều chỉnh tăng cao nhất, từ 5,3% lên 7,2% (tăng 1.9 điểm phần trăm).


Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng QIII/2022 so với cùng kỳ năm trước của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái Lan, Xin-ga-po lần lượt đạt 3,1%, 6,4%, 7,5%, 3,7%, 3%. Tăng trưởng Quý III/2022 so với Quý II/2022 của các quốc gia trên lần lượt là 2%, 1,3%, 0,8%, 0,5% và 1,3%. 

Việt Nam

Dự báo của WB. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Cùng với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại.

Dự báo của IMF. IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022 và Việt Nam là quốc gia duy nhất được điều chỉnh tăng đáng kể trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Dự báo của ADB. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Sự phục hồi kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2022 so với dự báo trong tháng 4/2022.

Trading economic dự báo tăng trưởng Quý III/2022 so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam đạt 7,2%.
                                                                   
                                                      (Nguồn: Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế - TCTK)

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top