Tổng cục Thống kê đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

18/12/2020 - 03:10 PM
Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về thông tin thống kê kinh tế – xã hội của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam, tiền thân của Tổng cục Thống kê ngày nay, nằm trong Bộ Quốc dân Kinh tế. Hiện nay, Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật. Tổng cục Thống kê được tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến cấp huyện, với tổng số trên 5,3 nghìn công chức, viên chức, trong đó nữ chiếm tỷ lệ xấp xỉ 44,4%, 94% công chức, viên chức có trình độ đại học và trên đại học.

Trải qua gần 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê đã từng bước trưởng thành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước qua từng giai đoạn với một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê kinh tế – xã hội phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn đầu thành lập, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Nha Thống kê Việt Nam đã biên soạn được báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế – xã hội hàng tháng của vùng tự do và vùng mới giải phóng, niên giám thống kê và các báo cáo chuyên đề về giảm tô, giảm tức, xây dựng tổ vần công, đổi công ở vùng tự do.

Sau thống nhất đất nước năm 1975, công tác thống kê cũng tập trung vào các nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao trong điều kiện kế hoạch hóa tập trung cao độ, trong đó chú trọng nhất là phản ánh trung thực, kịp thời tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước từ cơ sở đến cả nước.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Thống kê tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê theo phương châm “Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời” thông qua việc biên soạn các báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịch bản kiểm soát lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Đồng thời, đưa ra các kiến nghị trong điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Cùng với đó, ngành Thống kê đã tổ chức thành công các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê về lĩnh vực dân số và nhà ở; kinh tế; nông, lâm nghiệp và thủy sản qua đó cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển của đất nước, cung cấp thông tin quan trọng trong việc xây dựng và hoạch định chính sách.

Công tác hợp tác, chia sẻ thông tin thống kê với Bộ, ngành được tăng cường và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận thông qua thực hiện thành công các công việc lớn của Ngành, như: Đánh giá lại quy mô GDP, thực hiện Tổng điều tra, đặc biệt là biên soạn và cập nhật bộ số liệu phục vụ Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Thứ hai, môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của công tác thống kê.

Sự ra đời của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê vào năm 1988 và tiếp theo là Luật Thống kê năm 2003 và Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 cùng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo nên khung pháp lý hết sức quan trọng và ngày càng hoàn thiện, giúp cho hoạt động thống kê từng bước đi vào nền nếp và hội nhập. Đặc biệt, Luật Thống kê năm 2015 đã được xây dựng và thông qua với nhiều điểm mới nhằm điều chỉnh một cách đầy đủ các hoạt động thống kê phát sinh trong đời sống kinh tế – xã hội. Thông qua Luật Thống kê năm 2015, vai trò, vị thế của hệ thống thống kê tập trung được nâng cao đáng kể.

Cùng với hệ thống các văn bản pháp lý, Định hướng phát triển ngành Thống kê Việt Nam đến năm 2010 và Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tạo nền móng vững chắc, có tầm nhìn dài hạn, có quan điểm và mục tiêu phát triển rõ ràng, có các giải pháp và chương trình hành động cụ thể đảm bảo cho ngành Thống kê phát triển bài bản trong thời kỳ dài.

Thứ ba, công tác phương pháp chế độ luôn được cải tiến để xây dựng, tính các chỉ tiêu thống kê theo đúng phương pháp luận quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Việc chuyển đổi cơ chế kinh tế từ kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập đã đòi hỏi ngành Thống kê phải đổi mới trên mọi mặt để đáp ứng ngày càng toàn diện yêu cầu đánh giá và dự báo tình hình trong nước và thế giới.

Ngành Thống kê đã tập trung vào việc chuyển đổi phương pháp luận phù hợp với yêu cầu của đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ này, một trong những bước tiến quan trọng nhất là chuyển đổi hệ thống bảng cân đối vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) từ năm 1993 và liên tục cập nhật, bổ sung. Việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê tổng hợp như GDP, GNP,… được thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau để có tính so sánh, đối chiếu. Phương pháp biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được đổi mới và đưa vào áp dụng. Nhiều chuyên ngành thống kê được nghiên cứu, chuyển đổi theo hướng vận dụng các phương pháp luận chuẩn quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việc phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp và đổi mới về chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần cũng như áp dụng SNA đòi hỏi sự đổi mới tương ứng về phân loại thống kê, phân ngành thống kê. Nhiều bảng danh mục chuẩn quốc tế đã được nghiên cứu áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam như Hệ thống ngành kinh tế quốc dân, Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam, Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam…

Bên cạnh đó, công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền cũng được ngành Thống kê thực hiện tốt góp phần vào thành công chung của Ngành.

Chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945-31/12/2020), hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Thống kê (06/5/1946-06/5/2021) là dịp để ngành Thống kê nhìn lại những đóng góp của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời cũng đặt ra những mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới với mong muốn phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu thông tin thống kê tinh tế – xã hội của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê./.

 
TS. Nguyễn Thị Hương

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top