Tổng cục Thống kê sẵn sàng thực hiện thành công điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

25/06/2024 - 04:33 PM
Bắt đầu từ ngày 01/7/2024, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai thu thập thông tin điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước. Kết quả của cuộc điều tra là căn cứ quan trọng để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030. Hiện tại công tác chuẩn bị cho cuộc điều tra đã hoàn tất, sẵn sàng cho thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn.
 
Điều tra 53 dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng với công tác dân tộc
 
Ngày 05 tháng 01 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (sau đây viết gọn là Điều tra 53 DTTS). Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc đã thực hiện 2 cuộc Điều tra vào năm 2015 và năm 2019. Năm 2024, Tổng cục Thống kê tiếp tục thực hiện cuộc Điều tra lần thứ Ba. Theo đó, ngày 14 tháng 7 năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ký Quyết định số 628/QĐ-TCTK Ban hành Phương án Điều tra 53 DTTS năm 2024.
 
Điều tra 53 DTTS năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống... để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030; làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
 
Cuộc Điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 01/7 đến 15/8/2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh).
 
Điều tra sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp. Các điều tra viên sẽ đến từng hộ để thu thập các thông tin về: Nhân khẩu học của dân số; Giáo dục; Di cư; Hôn nhân; Sử dụng bảo hiểm y tế; Việc làm; Lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi và các thông tin về người chết; Nhà ở và điều kiện sinh hoạt; Đất ở, đất sản xuất; Một số loại gia súc chủ yếu; Tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.
 
Bên cạnh đó, nội dung điều tra đối với UBND xã gồm các thông tin về: Đặc điểm của xã; Sử dụng điện, đường, giao thông; Trường học và trình độ giáo viên; Nhà văn hóa; Y tế và vệ sinh môi trường; Chợ và cụm/khu công nghiệp; Trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; Tôn giáo, tín ngưỡng; Mức độ phủ sóng điện thoại và internet.
 
Tiêu chí xác định địa bàn điều tra 53 DTTS năm 2024 đã thay đổi so với trước đây. Theo đó, địa bàn điều tra được quy định là địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên so với tổng số dân của địa bàn, thay vì 30% như các cuộc điều tra trước. Với sự đổi mới trên, tổng số huyện được chọn mẫu điều tra đã tăng lên từ 437 huyện năm 2019 (theo danh mục hành chính tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019) lên 472 huyện, trong đó nhiều huyện có toàn bộ địa bàn được chọn mẫu điều tra. Tổng số địa bàn điều tra được chọn mẫu tăng từ 14.660 địa bàn điều tra năm 2019 lên 14.928 địa bàn điều tra năm 2024.
 
 Từ ngày 01/7 đến 15/8/2024, Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ được thực hiện
tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Công tác chuẩn bị cho Điều tra được thực hiện bài bản
 
Nhằm thực hiện thành công Điều tra 53 DTTS năm 2024, công tác chuẩn bị được Tổng cục Thống kê thực hiện bài bản, kịp thời. Từ đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc trong công tác chuẩn bị, từ xác định nội dung điều tra, thiết kế mẫu phiếu điều tra và mẫu tổng hợp kết quả điều tra, xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát và cập nhật địa bàn điều tra, chuẩn bị cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát… Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ, thông tin trong cuộc Điều tra, Tổng cục Thống kê đã và đang tích cực xây dựng và hoàn thiện các chương trình phần mềm ứng dụng (gồm: Chương trình thu thập thông tin, Chương trình khai thác, công bố kết quả; Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân tộc thiểu số), giúp tăng cường quản lý điều tra, rút ngắn thời gian tổng hợp, rà soát số liệu với độ chính xác cao hơn để có thể công bố kết quả điều tra sớm nhất trong năm 2025.
 
Đây là cuộc điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số nên địa bàn điều tra chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, rất khó khăn cho tổ chức điều tra thống kê, từ công tác tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ dân tộc thiểu số đến khâu thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra. Thời gian thu thập thông tin kéo dài trong 45 ngày, do đó công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên được các địa phương thực hiện kỹ lưỡng.
 
Đầu tháng 5/2024, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chủ chốt tham gia thực hiện cuộc điều tra gồm: công chức của cơ quan Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, công chức của các Cục Thống kê và Ban Dân tộc của 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị tập huấn cấp trung ương nhằm hoàn thiện phương án điều tra và tổ chức thực hiện theo đúng phương án được ban hành. Hội nghị tập trung nhấn mạnh vào những điểm mới, những nội dung cần chú trọng của phương án điều tra, những lưu ý quan trọng trong các câu hỏi, những sai sót mà các điều tra viên thường mắc phải và hướng dẫn thực hành phần mềm tác nghiệp điều tra trên máy tính và thiết bị di động để bảo đảm thông tin thu được có chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, những bài tập tình huống cụ thể, những trường hợp đặc biệt cần lưu ý đã được các giảng viên đưa ra làm ví dụ minh họa và thống nhất xử lý tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Tổng cục Thống kê sẵn sàng thực hiện thành công điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số 1
Công tác tập huấn được thực hiện kỹ lưỡng ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện để các điều tra viên,
giám sát viên 
có các kỹ năng tốt nhất trong thực hiện thu thập thông tin và giám sát điều tra

Sau hội nghị tập huấn cấp Trung ương, Cục Thống kê các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cấp tỉnh, cấp huyện cho các điều tra viên, giám sát viên để có các kỹ năng tốt nhất trong thực hiện điều tra.
 
Điều tra viên là lực lượng trực tiếp tiếp cận các hộ dân tộc thiểu số, cán bộ UBND xã để thu thập thông tin. Kết quả thu thập thông tin đầu vào của điều tra viên là yếu tố quan trọng quyết định sự chính xác của kết quả cuộc điều tra. Do đó, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố đã lựa chọn những người có tinh thần trách nhiệm cao, nắm bắt tốt nghiệp vụ điều tra, sử dụng thành thạo máy tính bảng, điện thoại để thực hiện phiếu điều tra điện tử (CAPI). Đặc biệt các điều tra viên được lựa chọn là những người am hiểu văn hóa của người dân tộc thiểu số và địa bàn được phân công thực hiện điều tra.
 
Nhằm đảm bảo chất lượng cuộc điều tra, Tổng cục Thống kê rất quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu của cuộc điều tra ngay từ ngày đầu tiên của cuộc điều tra (1/7/2024), nhất là công tác kiểm tra, giám sát quá trình thu thập thông tin tại địa bàn. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện phiếu điều tra được thực hiện kết hợp đồng thời cả hai hình thức trực tiếp tại địa bàn điều tra và trực tuyến trên hệ thống trang web điều hành để kịp thời xử lý những sai sót, lỗi phát sinh nếu có. Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng kế hoạch của các đoàn giám sát Trung ương nhằm nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời đến các địa bàn điều tra.
 
Công tác tuyên truyền được quan tâm, chú trọng trong tổ chức thực hiện Điều tra 53 DTTS năm 2024. Để đồng bào DTTS hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cuộc điều tra cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin cho điều tra viên, Tổng cục Thống kê đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Trung ương và địa phương. Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đã được triển khai như: Phát sóng trailer, thực hiện các phóng sự, tin, bài viết có chất lượng trên các đài phát thanh, truyền hình, báo viết, báo điện tử; Phát thanh chương trình hỏi đáp về cuộc điều tra trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở (cấp xã, thôn/ấp/bản). Tùy từng địa bàn các hình thức cổ động được vận dụng phù hợp như: dựng pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tại các nơi công cộng như trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa…
 
Hiện cả nước có gần 29.000 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là lực lượng tạo chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng người dân tộc bởi họ không chỉ là những người nắm vững tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân mà còn luôn đi đầu trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, duy trì nếp sống văn hóa. Do đó, Tổng cục Thống kê đã chuẩn bị thư ngỏ bằng tiếng Kinh và được dịch sang 3 thứ tiếng dân tộc (Bana, Ê đê và Giarai) để gửi đến các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đề nghị sự quan tâm, hỗ trợ công tác tuyên truyền, động viên đồng bào dân tộc hợp tác cung cấp thông tin cho điều tra viên.
 
Tổng cục Thống kê sẵn sàng thực hiện thành công điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số 2
Công tác lập bảng kê tại tỉnh Bình Thuận được triển khai tích cực. Ảnh: Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận

Điều tra 53 DTTS là một trong những cuộc điều tra quan trọng của ngành Thống kê năm 2024 và nhận được sự quan tâm rất lớn của Lãnh đạo các địa phương. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành công văn chỉ đạo Ban Dân tộc, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh thực hiện nghiêm túc Điều tra 53 DTTS năm 2024 trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo Ban dân tộc tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng kết quả Cuộc điều tra trên địa bàn tỉnh; xây dựng báo cáo phân tích kết quả điều tra và các báo cáo phân tích sâu theo chuyên đề phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 và xây dựng báo cáo phục vụ đại hội đảng các cấp của địa phương.
 
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Điều tra 53 DTTS năm 2024 đã hoàn tất, sẵn sàng cho Lễ ra quân vào sáng ngày 01/7 sắp tới. Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, công tác tuyên truyền sâu rộng, công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng bộ...  cuộc Điều tra 53 DTTS năm 2024 sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
 
Kết quả cuộc điều tra được xử lý kịp thời, đảm bảo độ tin cậy, chính xác là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng và ban hành chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030 nhanh, bền vững, để “không ai bị bỏ lại phía sau”./.

Nguyễn Trung Tiến
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top