Tổng điều tra kinh tế năm 2021 Quy mô các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp - Những thay đổi khác biệt

15/07/2022 - 03:51 PM

Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Tổng cục Thống kê (TCTK) thực hiện đã được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương với quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 4 loại đơn vị điều tra, bao gồm: Doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Kết quả Tổng điều tra cho thấy những thay đổi khác biệt của quy mô các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp so với kỳ Tổng điều tra kinh tế trước đây.

Những thay đổi khác biệt về số lượng và lao động của các đơn vị điều tra hành chính, sự nghiệp

Tổng điều tra kinh tế 2021 có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức thực hiện. Khác với các kỳ Tổng điều tra kinh tế trước đây đơn vị điều tra là cơ quan hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện. TCTK phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng báo cáo nhằm phác họa đầy đủ sự biến động của toàn bộ các đơn vị điều tra đang hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam.

 Tổng điều tra kinh tế năm 2021 Quy mô các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp - Những thay đổi khác biệt

                                                                                                                     Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 cho thấy, số lượng và lao động của các đơn vị hành chính, sự nghiệp điều tra năm 2020 giảm mạnh trong 5 năm qua. Cụ thể, tổng số lượng đơn vị sự nghiệp năm 2020 là 52,5 nghìn đơn vị, giảm 28,6% (giảm trên 21 nghìn đơn vị) so với năm 2016; thu hút 2,4 triệu lao động, giảm 6,2% (giảm 158,0 nghìn lao động). Bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn vị sự nghiệp giảm 8,1% và số lượng lao động giảm 1,6%; thực trạng này ngược với giai đoạn 2011-2016 khi bình quân hằng năm số lượng đơn vị tăng 0,5% và số lượng lao động tăng 2,8%; giai đoạn 2006-2011 lần lượt là 2,6%/năm và 5,0%/năm.

Đặc biệt, trong năm loại hình đơn vị sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp y tế có tốc độ giảm số lượng đơn vị lớn nhất với mức giảm 86,7%, tương ứng giảm gần 11,9 nghìn đơn vị; trong đó khoảng 10,5 nghìn đơn vị bị giảm là các trạm y tế xã, phường do không còn được thu thập thông tin như một đơn vị điều tra độc lập như trong Tổng điều tra 2017. Các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo có tốc độ giảm thấp nhất 8,2%, tương ứng gần 3,8 nghìn đơn vị, năm 2020 còn 42,2 nghìn đơn vị chủ yếu do sáp nhập, tách gộp các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường liên cấp... và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới các trường mẫu giáo tư thục v.v… Số lượng đơn vị sự nghiệp thông tin truyền thông giảm 41,8% so với năm 2016, năm 2020 còn hơn 800 đơn vị. Số lượng đơn vị sự nghiệp khác như cơ sở lưu trú, trung tâm nghiên cứu… giảm 40,0% so với năm 2016, tương ứng giảm khoảng 4,3 nghìn đơn vị, chỉ còn gần 6,5 nghìn đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao giảm 29,6% so với năm 2016, tương ứng giảm khoảng 480 nghìn đơn vị, còn 1,2 nghìn đơn vị năm 2020.

Đối với đơn vị hành chính, tổ chức chính trị - xã hội cũng cho thấy sự giảm mạnh về số lượng đơn vị. Tính đến năm 2020, cả nước có gần 32,3 nghìn đơn vị hành chính, tổ chức chính trị - xã hội, giảm 49,1% (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016, bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm 15,6%. Trong đó, các đơn vị hành chính là 27,1 nghìn đơn vị, giảm 22,0% (giảm 7,7 nghìn đơn vị); tổ chức chính trị - xã hội là 5,2 nghìn đơn vị, giảm 82,0% (giảm 23,5 nghìn đơn vị) so với năm 2016. Trong tổng số 32,3 nghìn đơn vị hành chính, cơ quan thuộc hệ thống hành pháp có số lượng lớn nhất với 25,5 nghìn đơn vị, chiếm gần 79%. Đứng thứ hai là Tổ chức chính trị - xã hội với 4,1 nghìn đơn vị, chiếm 12,8%. Tiếp theo là cơ quan thuộc hệ thống Tư pháp với gần 1,6 nghìn đơn vị, chiếm 4,9%; và cuối cùng lần lượt là cơ quan của Đảng Cộng sản với trên 1 nghìn đơn vị, chiếm 3,2% và cơ quan thuộc hệ thống lập pháp với 53 đơn vị, chiếm 0,1% tổng số đơn vị hành chính.

Cuộc Tổng điều tra đưa ra nguyên nhân giảm số lượng đơn vị hành chính, sự nghiệp chủ yếu đó là:

Thứ nhất, thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”;

Thứ hai, do thay đổi đơn vị điều tra trong phương án điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Các cơ sở Đảng ủy xã/phường, Mặt trận Tổ quốc xã/phường, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên xã/phường (là các đơn vị điều tra độc lập trong Tổng điều tra năm 2017) được thu thập thông tin qua một đơn vị điều tra là Ủy ban nhân dân xã/phường, làm giảm khoảng 21 nghìn đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn so với số liệu điều tra năm 2016;

Thứ ba, do thay đổi đơn vị điều tra trong phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đối với khối sự nghiệp công lập.

Về quy mô lao động của các đơn vị hành chính và sự nghiệp năm 2020 là 3.775,2 nghìn người, tăng 0,6% so với năm 2016, chủ yếu là do lao động của đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp y tế tăng lần lượt là 15% và 3,7%. Các đơn vị sự nghiệp còn lại có số lượng lao động giảm mạnh; trong đó số lao động của đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo là 1.680,7 nghìn người, giảm 5,3%; số lao động của các đơn vị sự nghiệp khác là 202,9 nghìn người, giảm 23,2%, số lao động của đơn vị sự nghiệp thông tin truyền thông và đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao lần lượt là 37,9 nghìn người và 35,7 nghìn người, giảm 21,3% và 17,9%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, lao động của đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 0,2%/năm, trong đó đơn vị hành chính tăng bình quân 3,6%/năm, đơn vị sự nghiệp giảm bình quân 1,6%/năm.

Đối với đơn vị hành chính, lao động năm 2020 là 1.382 nghìn người, chiếm 36,6% tổng số lao động của các đơn vị hành chính và sự nghiệp. Trong đó, đơn vị hệ thống lập pháp là 2,3 nghìn người, chiếm tỷ lệ 0,2%; đơn vị hệ thống hành pháp là 1.276,8 nghìn người, chiếm tỷ lệ cao nhất là 92,4%; đơn vị hệ thống tư pháp là 34 nghìn người, chiếm tỷ lệ 2,5%; cơ quan Đảng là 39,9 nghìn người, chiếm tỷ lệ 2,9%; các tổ chức chính trị - xã hội là 29,1 nghìn người, chiếm tỷ lệ 2,1% trong tổng số lao động thuộc đơn vị hành chính.

Đối với đơn vị sự nghiệp, lao động năm 2020 là 2.393,2 nghìn người, chiếm tỷ trọng cao với 63,4% (trong đó lao động đơn vị sự nghiệp công lập chiếm gần 61,1%) trong tổng số lao động của các đơn vị hành chính và sự nghiệp; So với năm 2016, chỉ có số lượng lao động ngành y tế tăng 3,7% chủ yếu do yêu cầu tăng cường nhân lực cho công tác phòng, chống và điều trị bệnh nhân do dịch Covid-19; các loại đơn vị sự nghiệp khác đều giảm số lượng lao động (giáo dục và đào tạo giảm 5,3%; văn hoá, thể thao giảm 17,9%; thông tin, truyền thông giảm 21,3%; hoạt động khác giảm 23,2%).

Số lượng đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn.

Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức đa dạng với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau, có vị trí quan trọng trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Năm 2020, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập là 49,6 nghìn đơn vị, chiếm tỷ lệ 94,4% trong tổng số đơn vị sự nghiệp và 2,3 triệu lao động; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập chiếm tỷ lệ 5,6% với gần 3 nghìn đơn vị và 87,4 nghìn lao động.

Trong tổng số đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất đạt 80,2% với gần 1.600,6 nghìn lao động; thứ hai là ngành lưu trú và khác chiếm tỷ lệ 12,4% với 198,3 nghìn lao động; ngành y tế chiếm tỷ lệ 3,6% với 434,3 nghìn lao động; đơn vị văn hoá, thể thao chiếm 2,3% với 35,5 nghìn lao động; thông tin và truyền thông chiếm 1,5% với 37 nghìn lao động.

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên là 36,4 nghìn đơn vị, chiếm 73,3% số đơn vị sự nghiệp công lập. Số đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 9,2 nghìn đơn vị, chiếm 18,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp đến là đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên là 3,1 nghìn đơn vị, chiếm 6,1% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập.

Số lượng lao động của đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo giảm, đơn vị sự nghiệp y tế tăng nhẹ trong 5 năm qua.

Đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo: Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 42,2 nghìn đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chiếm tỷ trọng 80,4%, giảm 8,2% so với năm 2016; lao động có 1.680,7 nghìn người, chiếm 70,2% trong tổng số lao động đơn vị sự nghiệp, giảm 5,3% so với năm 2016.

Phân theo vùng kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng có 9,1 nghìn đơn vị, chiếm 21,6% và 443,4 nghìn lao động, chiếm 26,4%; Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 8 nghìn đơn vị, chiếm 18,8% và 266,5 nghìn lao động, chiếm 15,9%; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 10 nghìn đơn vị, chiếm 23,8% và 359 nghìn lao động, chiếm 21,4% về số lượng lao động; Vùng Tây Nguyên có 3,3 nghìn đơn vị, chiếm 7,8% và 108,4 nghìn lao động chiếm 6,4%; Vùng Đông Nam Bộ có 5,1 nghìn đơn vị, chiếm 12% và 260,8 nghìn lao động, chiếm 15,5%; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 6,7 nghìn đơn vị, chiếm 16% và 242,6 nghìn lao động, chiếm 14,4%.

Đơn vị sự nghiệp y tế tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có trên 1,8 nghìn đơn vị sự nghiệp y tế, giảm 86,7% so với năm 2016. Nguyên nhân chính của giảm số lượng đơn vị sự nghiệp y tế năm 2020 so với năm 2016 là do việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động của các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, do thay đổi về đơn vị điều tra trong phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021, các trạm y tế xã/phường/thị trấn không còn là một đơn vị điều tra mà chỉ là một đơn vị cơ sở trực thuộc của đơn vị điều tra là Trung tâm y tế huyện/quận (làm giảm khoảng 10,5 nghìn đơn vị là trạm y tế xã/phường/thị trấn).

Tuy giảm về số lượng đơn vị điều tra, nhưng lao động trong các đơn vị y tế năm 2020 đạt gần 436 nghìn người, tăng 3,7% so với năm 2016. Nguyên nhân chính làm tăng số lao động của hoạt động y tế chủ yếu do yêu cầu tăng cường nhân lực cho công tác phòng, chống và điều trị bệnh nhân trong đại dịch Covid-19 trong năm 2020.

Phân theo vùng kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng có 444 đơn vị, chiếm 24,4% và 121,1 nghìn lao động, chiếm 27,8%. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 332 đơn vị, chiếm 18,2% và 56 nghìn lao động, chiếm 12,8%. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 439 đơn vị, chiếm 24,1% và 91,6 nghìn lao động, chiếm 21%. Vùng Tây Nguyên có 105 đơn vị, chiếm 5,8% về số lượng đơn vị và 20,8 nghìn lao động, chiếm 4,8%; Vùng Đông Nam Bộ có 199 đơn vị, chiếm 10,9% và 78,5 nghìn lao động, chiếm 18%; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 301 đơn vị, chiếm 16,5% và 68 nghìn lao động, chiếm 15,6%.

Trình độ của người đứng đầu trong khu vực hành chính, sự nghiệp được cải thiện đáng kể

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 cho thấy, trình độ của người đứng đầu trong khu vực hành chính, sự nghiệp vẫn dẫn đầu về trình độ đại học và trên đại học. Cụ thể, trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp tỷ lệ người đứng đầu có trình độ đại học là 72,3%; trình độ trên đại học là 22,1%; các trình độ còn lại chỉ chiếm 5,6%. Trong đó, các đơn vị hành chính tỷ lệ trên lần lượt là: 69,9%; 28,0% và 2,1%; tại các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội lần lượt là: 73,7%; 18,9% và 7,4%.

Có thể thấy, Cuộc Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu và nội dung theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.  Thông tin thu thập được trong Tổng điều tra cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế với nhiều điểm sáng, nhiều thành tựu nổi bật qua đó giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; phục vụ công tác tham mưu chiến lược của các Bộ, ngành và địa phương; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương nói riêng. Từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển; xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua; và quan trọng nhất là đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững./.

Nguồn: Tổng cục Thống kê


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top