Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và năm 2024

06/01/2025 - 04:42 PM
 DỰ BÁO KINH TẾ TOÀN CẦU
 
 Các tổ chức quốc tế giữ nguyên hoặc điều chỉnh tăng nhẹ triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
 
Tại thời điểm cuối năm, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được các tổ chức quốc tế giữ nguyên hoặc điều chỉnh tăng nhẹ so với các dự báo đưa ra trước đó. Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) đều dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo đưa ra trước đó và bằng hoặc cao hơn 0,1% so với tăng trưởng năm 2023. Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,8%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2024 nhưng thấp hơn so với tăng trưởng 3,0% của năm 2023. Liên Hợp Quốc (UN) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu thấp nhất, đạt 2,7% trong năm 2024, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024 và bằng với đánh giá tăng trưởng năm 2023 của tổ chức này.
 
Các tổ chức quốc tế (UN, IMF, EU, OECD) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2025 bằng hoặc cao hơn năm 2024, dao động từ 2,7% - 3,3%. Riêng FR dự báo tăng trưởng năm 2025 thấp hơn năm 2024, đạt 2,6%.
 
Hình 1. Đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2023, dự báo tăng trưởng
năm 2024 và 2025 của các tổ chức quốc tế


Tổng quam dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và năm 2024 
 
Nguồn: OECD, EU, IMF, FR và UN
 
Tổng quan biến động thị trường thế giới
 
Thương mại hàng hóa toàn cầu ổn định trong năm 2024
 
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), WB và OECD cùng nhận định khối lượng thương mại toàn cầu ổn định vào năm 2024. WTO dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại năm 2024 đạt khoảng 2,7%. Đối với xuất khẩu hàng hóa, trừ chỉ số linh kiện điện tử (95,4), các chỉ số thành phần đều trên xu hướng, cụ thể: Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu và nguyên liệu thô đạt 100,5, vận tải hàng không đạt 102,9, sản phẩm ô tô 104,0 và vận chuyển container 105,8. Chỉ số vận tải container cho thấy sự cải thiện lớn nhất trong ba tháng gần đây. Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu đạt 100,5 cho thấy tăng trưởng thương mại ổn định trong thời gian tới.
 
Lạm phát tiếp tục giảm trên toàn cầu
 
IMF và OECD đều nhận định lạm phát chung tiếp tục giảm ở hầu hết các quốc gia trong năm 2024 do giá thực phẩm, năng lượng và hàng hóa giảm mạnh. Tại khoảng 2/3 các nền kinh tế phát triển và 3/5 các nền kinh tế thị trường mới nổi, lạm phát đã đạt mục tiêu của ngân hàng trung ương trong tháng 10/2024. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mức mong muốn ở nhiều quốc gia, cho thấy áp lực giá vẫn còn dai dẳng.
 
Báo cáo Toàn cầu hàng tháng của WB số ra tháng 12/2024 nhận định giá hàng hóa có xu hướng biến động. Giá dầu thô Brent dao động chủ yếu trong khoảng 71-76 đô la Mỹ/thùng trong nửa đầu tháng 11/2024, giảm so với mức hơn 80 đô la Mỹ/thùng vào đầu tháng 10/2024, trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh và lo ngại về nhu cầu yếu. Giá khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ đã giảm trong nửa đầu tháng 11/2024 do thời tiết ôn hòa hơn dự kiến và lượng hàng tồn kho dồi dào. Giá kim loại đã giảm trong nửa đầu tháng 11/2024, sau khi tăng 5,0% vào tháng 10/2024. Giá nông sản nhìn chung không thay đổi nhiều trong tháng 10/2024, khi mức tăng 1,0% của giá thực phẩm được bù đắp bởi mức giảm tương đương của giá đồ uống. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO (FFPI) đạt trung bình 127,5 điểm vào tháng 11/2024, tăng 0,5% so với mức của tháng 10/2024. Mức tăng này chủ yếu do giá các sản phẩm từ sữa và dầu thực vật tăng, bù đắp cho mức giảm của giá thịt, ngũ cốc và đường.
 
Điều kiện thị trường tài chính tiếp tục nới lỏng
 
OECD và EU cho rằng điều kiện tài chính đã dễ dàng hơn nhiều kể từ năm 2023 ở cả các nền kinh tế phát triển và các thị trường mới nổi. Lãi suất thực tế trong thời gian tới vẫn ở mức tương đối cao so với trước đại dịch, nhưng giá cổ phiếu tăng và các điều kiện tín dụng bắt đầu được cải thiện. Đồng đô la Mỹ tăng giá đáng kể trong những tháng gần đây. Theo WB, tình hình tài chính tại Hoa Kỳ dịu đi sau cuộc bầu cử, khi giá cổ phiếu của Hoa Kỳ giảm, phản ánh kỳ vọng của thị trường về chế độ thuế doanh nghiệp và quy định ôn hòa hơn. Các ngân hàng trung ương lớn của các nền kinh tế phát triển tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách theo kỳ vọng. Tuy nhiên, đồng euro mất giá so với đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng do không chắc chắn về triển vọng thương mại với Hoa Kỳ và bất ổn chính trị tại Đức đã khiến khu vực này có xu hướng thắt chặt.
 
Thị trường lao động bớt thắt chặt tại các quốc gia phát triển
 
Ở hầu hết các quốc gia OECD, thị trường lao động đang hạ nhiệt sau thời kỳ thắt chặt nghiêm trọng trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Tỷ lệ việc làm trống đang giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên ở một số quốc gia OECD, cho thấy giai đoạn thắt chặt thị trường lao động theo chu kỳ đã gần kết thúc. Lao động có kỹ năng vẫn đang thiếu hụt tại các quốc gia phát triển, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, thông tin và truyền thông.
 
 Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới
 
Trong ngắn hạn, IMF đề cập đến bảy rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
 
Thứ nhất, thắt chặt chính sách tiền tệ gây tác động nhiều hơn dự kiến. Mặc dù lãi suất chính sách được dự báo sẽ bình thường hóa, nhưng việc tăng lãi suất bất thường có thể làm giảm tăng trưởng trong ngắn hạn và gia tăng thất nghiệp.
 
Thứ hai, thị trường tài chính định giá lại do đánh giá lại chính sách tiền tệ. Nền kinh tế toàn cầu đang ở chặng cuối của quá trình giảm lạm phát và có thể đặt ra những thách thức lớn hơn đối với chính sách tiền tệ. Nếu lạm phát cơ bản không giảm như dự kiến, người tiêu dùng có thể điều chỉnh kỳ vọng lạm phát trong ngắn hạn, buộc các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ. Điều này sẽ làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, dẫn đến việc định giá lại thị trường và thắt chặt điều kiện tài chính, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.
 
Thứ ba, căng thẳng nợ công gia tăng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Mặc dù chênh lệch trái phiếu chính phủ đã giảm kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 7/2022, nhưng một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn dễ bị tổn thương trước việc định giá lại rủi ro. Điều này có thể gia tăng chênh lệch nợ công và đẩy các quốc gia này vào tình trạng khó khăn về nợ. Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài trợ ngoài nước và dự trữ quốc tế thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có ít không gian để điều chỉnh chính sách tài khóa. Ngoài ra, các quốc gia thu nhập thấp sẽ dễ bị tổn thương do không gian tài khóa hạn chế trong khi vẫn phải duy trì chi tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế.
 
Thứ tư, ngành bất động sản Trung Quốc thu hẹp sâu hơn dự kiến. Các điều kiện cho thị trường bất động sản có thể trở nên khó khăn hơn và giá tiếp tục được điều chỉnh trong bối cảnh doanh số và đầu tư giảm. Giá tiếp tục giảm có thể làm giảm lòng tin của người tiêu dùng (vốn đã ở mức thấp kỷ lục), làm suy yếu thêm tiêu dùng hộ gia đình. Điều này có thể khiến nhu cầu trong nước chững lại, tác động tiêu cực lan tỏa đến các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi.
 
Thứ năm, giá hàng hóa tăng đột biến do hậu quả của các cú sốc khí hậu, xung đột khu vực hoặc căng thẳng địa chính trị rộng hơn. Gia tăng xung đột khu vực, đặc biệt là xung đột rộng hơn ở Trung Đông và U-crai-na, có thể làm gián đoạn thêm hoạt động thương mại, dẫn đến giá lương thực, năng lượng và các mặt hàng khác tăng. Biến động giá hàng hóa có thể khiến lạm phát cao hơn, đặc biệt đối với các quốc gia nhập khẩu hàng hóa. Nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài trong bối cảnh nhiệt độ cao kỷ lục trên toàn thế giới cũng có thể ảnh hưởng đến mùa vụ, làm tăng thêm áp lực lên giá lương thực và an ninh lương thực. Các quốc gia thu nhập thấp có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề.
 
Thứ sáu, các quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ. Sự rút lui ồ ạt khỏi hệ thống thương mại toàn cầu đang khiến nhiều quốc gia thực hiện các hành động đơn phương. Việc tăng cường các chính sách bảo hộ không chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng trung hạn bằng cách hạn chế lan tỏa tích cực từ đổi mới và chuyển giao công nghệ.
 
Thứ bảy, bất ổn xã hội tiếp diễn. Bất ổn xã hội đã gia tăng ở một số khu vực trên toàn cầu. Sự tái bùng phát của bất ổn xã hội, tác động lan tỏa từ các cuộc xung đột và bất bình đẳng gia tăng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế. Bất ổn xã hội cũng có thể làm phức tạp thêm việc thông qua và thực hiện cải cách cần thiết.
 
 TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ
 
 Hoa Kỳ
 
Các tổ chức quốc tế (OECD, FR, IMF và ADB) đều điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hoa Kỳ tăng từ 0,2 - 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, lên mức 2,7% - 2,8%, sau đó giảm xuống mức 1,8% - 2,4% năm 2025. Trong đó, IMF và OECD dự báo tăng trưởng năm 2024 của Hoa Kỳ đạt 2,8% còn ADB và FR dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 đạt 2,7%, đều thấp hơn mức 2,9% của năm 2023. 
 
Hình 2. Đánh giá tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2023 và dự báo tăng trưởng
năm 2024 và 2025 theo các tổ chức quốc tế


Tổng quam dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và năm 2024 1 
 
Nguồn: IMF, OECD, ADB và FR
 
Theo Trading Economics dự báo tăng trưởng GDP Quý IV/2024 của Hoa Kỳ tăng 1,7% so với quý trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ tháng 12/2024 đạt 56,6 điểm, tăng 1,7 điểm so với mức 54,9 điểm trong tháng 11/2024, phản ánh mức tăng mạnh mẽ của hoạt động khu vực tư nhân, trong đó ngành dịch vụ đóng góp nhiều nhất. Chỉ số PMI dịch vụ đạt 58,5 điểm, tăng 2,4 điểm so với mức 56,1 điểm trong tháng 11/2024, do đơn hàng mới của ngành dịch vụ tăng ở mức cao chưa từng có kể từ tháng 10/2021 và việc làm tăng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2024. PMI chế biến chế tạo đạt 49,4 điểm (giảm 0,3 điểm so với mức 49,7 điểm trong tháng 11/2024) do hoạt động của các nhà máy sản xuất tại Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong 6 tháng qua, trong khi đơn hàng mới của ngành chế biến chế tạo vẫn đang trên đà giảm, chạm ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 8/2009 (không tính cú sốc do đại dịch gây ra vào Quý II/2020).
 
 Khu vực đồng Euro
 
Các tổ chức quốc tế (ADB, OECD, IMF và FR) đều nhận định tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro dự báo sẽ phục hồi từ mức tăng trưởng thấp của năm 2023 (0,4% - 0,5%) lên mức 0,8% năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025, dự báo đạt khoảng 1,2% - 1,3%.
 
Hình 3. Đánh giá tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2023 và dự báo
tăng trưởng năm 2024 và 2025
theo các tổ chức quốc tế


Tổng quam dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và năm 2024 2 
 
Nguồn: OECD, ADB, IMF và FR
 
Theo Trading Economics, GDP Quý IV/2024 của khu vực đồng Euro dự báo tăng 0,3% so với Quý III/2024 và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI tổng hợp của khu vực đồng Euro trong tháng 12/2024 đạt 49,5 điểm, tăng 1,2 điểm so với mức 48,3 điểm của tháng 11/2024, phản ánh tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực dịch vụ. Chỉ số PMI chế biến chế tạo đạt 45,2 điểm tháng 12/2024, không đổi so với tháng 11/2024 trong khi PMI dịch vụ đạt 51,4 điểm, tăng 1,9 điểm so với 49,5 điểm của tháng 11/2024.
 
Nhật Bản
 
Hầu hết các tổ chức quốc tế (OECD, ADB và FR) đều dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2024 đạt mức âm (khoảng -0,3% đến -0,2%), giảm từ 1,9 - 2,0 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 1,7% năm 2023. Riêng IMF nhận định khả quan hơn, khi cho rằng năm 2024 kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,3%, chỉ giảm 1,4 điểm phần trăm so với tăng trưởng của năm 2023. Mặc dù nhận định không mấy khả quan về tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2024 nhưng các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc trong năm 2025 và tăng trưởng GDP đạt khoảng 1,1% - 1,5%.
 
Hình 4. Đánh giá tăng trưởng của Nhật Bản năm 2023 và dự báo tăng trưởng
năm 2024 và 2025 theo các tổ chức quốc tế

Tổng quam dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và năm 2024 3

 
 Nguồn: IMF, ADB, FR và OECD
 
Trading Economics dự báo GDP Quý IV/2024 của nền kinh tế Nhật Bản tăng 0,5% so với quý trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.
 
Chỉ số PMI tổng hợp tháng 12/2024 của Nhật Bản đạt 50,8 điểm, tăng 0,7 điểm so với mức 50,1 điểm của tháng 11/2024, phản ánh tháng tăng thứ 2 liên tiếp của khu vực tư nhân và đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 9/2024 do tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ (PMI dịch vụ đạt 51,4 điểm, tăng 0,9 điểm so với mức 50,5 điểm của tháng 11/2024). PMI chế biến chế tạo đạt 49,5 điểm, tăng 0,5 điểm so với mức 49,0 điểm của tháng 11/2024.
 
 Trung Quốc
 
Các tổ chức quốc tế cùng nhận định tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 sẽ chậm lại, đạt khoảng 4,5% - 4,9%, thấp hơn mức 5,2% của năm 2023 và tiếp tục giảm trong năm 2025, chỉ đạt khoảng 4,3 - 4,7%.
 
Hình 5. Đánh giá tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 và dự báo tăng trưởng
năm 2024 và 2025
theo
các tổ chức quốc tế


Tổng quam dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và năm 2024 4
 
Nguồn: OECD, ADB, IMF, FR và WB
 
Theo Trading Economics, GDP Quý IV/2024 của nền kinh tế Trung Quốc dự báo tăng 0,7% so với Quý III/2024 và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023.  
 
Chỉ số PMI tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 11/2024 đạt 52,3 điểm, tăng 0,4 điểm so với chỉ số của tháng trước, đồng thời là tháng tăng cao nhất kể từ tháng 6/2024, phản ánh 13 tháng tăng liên tục của hoạt động khu vực tư nhân, trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo tăng nhanh hơn đã bù đắp cho lĩnh vực dịch vụ giảm nhẹ. Chỉ số PMI dịch vụ giảm từ mức 52,0 điểm của tháng 10/2024 xuống 51,5 điểm trong tháng 11/2024. PMI chế biến chế tạo của tháng 11/2024 tăng 1,2 điểm so với mức 50,3 điểm của tháng 10/2024 (đạt 51,5 điểm).
 
Đông Nam Á
 
ADB  điều chỉnh tăng trưởng của Đông Nam Á năm 2024 tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 9/2024, từ 4,5% lên 4,7% nhờ xuất khẩu và chi tiêu công mạnh hơn ở các nền kinh tế trong khu vực. Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được dự báo cao nhất khu vực, đạt 6,4%, theo sau là Phi-li-pin đạt 6,0%, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a đạt 5,0%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Xin-ga-po và Thái Lan được dự báo lần lượt đạt 3,5% và 2,6%.
 
Hình 6. Đánh giá tăng trưởng năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 và 2025
của các quốc gia ASEAN

Tổng quam dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và năm 2024 5
 
 Nguồn: ADB
 
Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý IV/2024 so với cùng kỳ năm trước của Phi-li-pin đạt 6,0%; In-đô-nê-xi-a 5,2%; Ma-lai-xi-a 6,0%; Thái Lan 2,9%, Xin-ga-po 3,1%. Tăng trưởng Quý IV/2024 so với quý trước của các quốc gia trên lần lượt là 1,2%; 0,5%; -0,8%; -0,2% và 0,8%.
 
 Việt Nam
 
Các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 đạt từ 6,1% - 6,9% và đạt từ 6,1% - 6,6% trong năm 2025. Cụ thể, IMF và WB nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,1% trong năm 2024, trong khi đó con số này của ADB là 6,4%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với nhận định trong tháng 9/2024. OECD dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,9% trong năm 2024. Theo Trading Economics, tăng trưởng Quý IV/2024 của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đạt 7,0%.
 
Hình 7. Đánh giá tăng trưởng năm 2023 và dự báo tăng trưởng năm 2024 và năm 2025
của Việt Nam theo các tổ chức quốc tế

Tổng quam dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và năm 2024 6
 
Nguồn: WB, IMF, ADB và OECD

TS. Hoàng Thị Thanh Hà
Vụ trưởng Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thống kê

 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top