Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam quý I năm 2019

02/06/2019 - 06:26 AM
Bối cảnh kinh tế Thế giới và trong nước
 
Kinh tế - xã hội nước ta những tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Hoạt động thương mại và đầu tư thế giới giảm, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc. Xu hướng tăng lãi suất, biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường. Ba trong bốn nền kinh tế lớn, hàng đầu có dấu hiệu suy giảm: Kinh tế Đức suy giảm do ngành sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng nặng từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh; Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2019 của Nhật Bản chỉ đạt 48,9 điểm, lần đầu tiên giảm dưới ngưỡng 50 điểm kể từ tháng 8/2016 cho thấy sản xuất bị thu hẹp, xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2019 của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2016; kinh tế Trung Quốc xuất hiện nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tăng trưởng tiêu dùng yếu đi, chỉ số PMI 2 tháng đầu năm đạt lần lượt 48,3 điểm và 49,9 điểm. Kinh tế thế giới đang bị bao phủ bởi 4 “đám mây đen”: (i) Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; Hàng rào thuế quan ngày càng leo thang, các nước lớn cắt giảm mạnh chi tiêu; (iii) Những bất ổn từ hiện tượng Brexit; (iv) Sự hụt hơi của nền kinh tế Trung Quốc. Nếu không xử lý kịp thời, kinh tế thế giới sẽ bị rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, IMF hạ dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống 3,5%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo 3,7% trước đó, đây là lần đầu tiên IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới kể từ tháng 7/2016. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng hạ mức dự báo thấp hơn 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 3,3% cho tăng trưởng kinh tế thế giới 2019. Trong khi đó, ngân hàng Thế giới (WB) chỉ dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 đạt 2,9%. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
 
Trong nước, nhờ những thuận lợi từ kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2018, nền kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp.
 
Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm “bứt phá” phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả như sau:
 
  1. Kết quả kinh tế - xã hội quý I năm 2018
 
Tổng sản phẩm trong nước quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá 6,79%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những quý tiếp theo.
 
1. Tăng trưởng kinh tế và các cân đối vĩ mô
 
(1) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-20171, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%. Xét về góc độ sử dụng GDP quý I/2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2018 (tiêu dùng của Chính phủ tăng 5,54% và tiêu dùng của hộ dân cư tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 6,2%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,7%.
 
(2) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá trong quý I/2019, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.Với mức tăng 5,1%, ngành thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây, trong đó nuôi trồng thủy sản tăng khá với sản lượng ước tính đạt 646,2 nghìn tấn, tăng 4,9%. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi những bất lợi về thời tiết, thị trường, dịch bệnh đã phần nào ảnh hưởng tới kết quả sản xuất, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng2, ảnh hưởng tới kết quả sản xuất ngành chăn nuôi trong những tháng tiếp theo.

 
Trả lời cho câu hỏi về những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn hiện nay sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế? Đại diện của Tổng cục Thống kê cho rằng, chăn nuôi lợn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi dịch tả lợn châu Phi đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến ngày 27/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 529 xã, 96 đơn vị cấphuyện thuộc 23 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị tiêu hủy 82,2 nghìn con, chiếm 0,3% tổng đàn.
 
Giá trị chăn nuôi lợn hiện chiếm 52% giá trị ngành chăn nuôi và chiếm 11,3% ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của ngành chăn nuôi nói riêng và ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) nói chung.
 
Trong quý I, dù bị ảnh hưởng của dịch nhưng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn có mức tăng trưởng khá (tăng 3%). Tuy nhiên, so với Kịch bản tăng trưởng ban đầu, trong quý I, chăn nuôi lợn không như kỳ vọng, do vậy đã làm giảm 0,36 điểm phần trăm ngành chăn nuôi và 0,13 điểm phần trăm ngành NLTS, tác động làm giảm 0,02 điểm phần trăm GDP. Với kinh nghiệm của các quốc gia và của các chuyên gia, dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến trong thời gian dài tới đây.
 
Cũng so sánh với Kịch bản tăng trưởng ban đầu, trong điều kiện các ngành vẫn không đổi, do ảnh hưởng dịch tả, ngành chăn nuôi quý II sẽ giảm 1,3 điểm phần trăm và ngành NLTS sẽ giảm 0,24 điểm phần trăm. Tương tự, cả năm sẽ giảm 1,33 điểm phần trăm và 0,24 điểm phần trăm toàn ngành NLTS, tác động làm giảm 0,04 điểm phần trăm GDP. Tuy nhiên, sản phẩm thịt lợn chiếm phần lớn trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày, khi người tiêu dùng hạn chế ăn thịt lợn sẽ sử dụng các mặt hàng thay thế như: Thịt bò, thịt gia cầm, trứng, thủy, hải sản... Điều này sẽ làm tăng nhu cầu và kích thích sản xuất những mặt hàng này và bù đắp suy giảm của sản phẩm thịt lợn trong những quý tiếp theo và cả năm.

 
(3) Trong khu vực công nghiệpxây dựng, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy không bứt phá mạnh như quý I/2018 (tăng 14,3%) nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-20173. Ngành khai khoáng quý I/2019 tăng trưởng âm (giảm 2,2%), chủ yếu do khai thác dầu thô giảm 10,3%, khẳng định nền kinh tế đã thoát khỏi sự phục thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên. Ngành xây dựng quý I duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.
 
Tổng điều tra kinh tế - xã hội Việt Nam quý I năm 2019

(4) Khu vực dịch vụ quý I năm nay tăng 6,50%, cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-20174, trong đó các ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP như bán buôn, bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi... đều đạt mức tăng trưởng khá. Hoạt động thương mại dịch vụ quý I/2019 có mức tăng trưởng cao, sức mua tiêu dùng trong dân tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I đạt 1.184,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
 
(5) Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16%; khu vực công nghiệpxây dựng chiếm 35,25%; khu vực dịch vụ chiếm 44,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55%.
 
(6) Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác cũng cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế:
 
Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số PMI của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay tiếp tục duy trì mức trên 50 điểm, các nhà sản xuất cho rằng sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới và kỳ vọng nhu cầu thị trường cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
 
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý I/2019 cũng cho thấy đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Đặc biệt, các doanh nghiệp lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2019 với 89,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và ổn định (54,6% DN dự báo tốt lên và 34,8% dự báo ổn định), trong khi chỉ số này quý I/2019 là 74,2%.
 
Về khối lượng sản xuất, có 89,7% số DN dự báo khối lượng sản xuất của quý II tăng lên (55,7% DN dự báo tăng và 34% DN giữ ổn định); trong khi chỉ số này quý I/2019 là 72%.
 
Về đơn đặt hàng, có tới 90,4% DN dự báo tăng và giữ ổn định (51% DN dự báo tăng và 39,4% giữ ổn định), trong khi chỉ số này quý I/2019 là 75%.
 
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 89,8% DN dự báo tăng và giữ ổn định, trong đó số DN dự báo tăng là 43,3% và 46,5% dự báo giữ ổn định, trong khi chỉ số này quý I/2019 là 78,6%.
 
Về tồn kho thành phẩm, có 30,2% DN dự báo tồn kho thành phẩm giảm, 15,8% DN dự báo tăng khối lượng thành phẩm. Trong khi chỉ số này của quý I là 29,7% và 19%.
 
Tồn kho nguyên vật liệu, có 84,6% DN dự báo khối lượng tồn kho nguyên vật liệu giữ nguyên và giảm (trong đó 55,3% DN dự báo giữ nguyên và 29,3% DN dự báo giảm), trong khi chỉ số này của quý I là 82%.
 
Sử dụng lao động, có 92,2% DN dự báo số lao động tăng và giữ ổn định (22,3% DN dự báo quy mô lao động tăng và 69,9% dự kiến ổn định), trong khi chỉ tiêu này của Quý I là 84,5% (14,8% DN khẳng định tăng và 69,7% giữ ổn định)
 
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
 
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2019 ước tính đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,7%, chiếm 70,9%. Trong quý I có 9 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu quý I/2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 10,2 tỷ USD, tăng 2,5%; Trung Quốc đạt 7,6 tỷ USD, giảm 7,4%; thị trường ASEAN đạt 6,3 tỷ USD, tăng 6%; Nhật Bản đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,4%; Hàn Quốc đạt 4,7 tỷ USD, tăng 7,7%.
 
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I/2019 ước tính đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 24,09 tỷ USD, tăng 13,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,89 tỷ USD, tăng 6%. Trong quý I có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
 
Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2019 tiếp tục xuất siêu 536 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
 
II. Kết quả của Nhà nước kiến tạo
 
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
 
Trong quý I năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 26,9%. Nếu tính cả 722,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong quý I năm nay là 1.098 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước5, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên hơn 43,5 nghìn doanh nghiệp. Trong quý I, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 15.331 doanh nghiệp, trong đó có 8.404 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 4.116 doanh nghiệp, tăng 23,9%.
 
2. Thu hút đầu tư nước ngoài
 
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/3/2019 thu hút 785 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.821,4 triệu USD, tăng 27% về số dự án và tăng 80,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 279 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1.298,4 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 3 tháng đạt 5.119,8 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 4.120 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 3 tháng năm 2019 còn có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 5,69 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018, trong đó có 588 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,79 tỷ USD và 1.065 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,9 tỷ USD.
 
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý I/2019, cả nước có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 80,4 triệu USD, bên cạnh đó có 8 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 39,6 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong quý I năm nay đạt 120 triệu USD.
 
3. Khách quốc tế đến Việt Nam
 
Trong những tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta liên tục đạt mức 1,4-1,5 triệu lượt người mỗi tháng. Một số hoạt động được tổ chức đã thu hút sự quan tâm lớn của khách nước ngoài như lễ hội Hoa ban 2019; hội chợ du lịch quốc tế VITM; tour du lịch miễn phí dành cho các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, việc tổ chức tốt công tác hậu cần cho Hội nghị này có ý nghĩa rất lớn trong quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
 
Tính chung quý I/2019, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 4,5 triệu lượt người, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á đạt 3.390,4 nghìn lượt người, tăng 7,5%; đến từ châu Âu đạt 685,2 nghìn lượt người, tăng 6,1%; đếntừ châu Mỹ đạt 293,5 nghìn lượt người, tăng 6,3%; đến từ châu Úc đạt 119,3 nghìn lượt người, tăng 0,2%; đến từ châu Phi đạt 11,7 nghìn lượt người, tăng 5,7%.
 
4. Lạm phát được kiểm soát
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước, bình quân quý I/2019 CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây, chủ yếu do tác động của quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là nhờ sự chủ động điều hành giá xăng dầu, kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
 
Lạm phát cơ bản tháng 3/2019 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2019 tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
 
5. Lao động việc làm và thu nhập
 
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I/2019 ước tính là 54,3 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước quý I là 2,0%, trong đó khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,52%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I ước tính là 1,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,6%; khu vực nông thôn là 1,53%.
 
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý I/2019 ước tính là 6,9 triệu đồng/tháng, tăng gần 967 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,05 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thu nhập của lao động nam là 7,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng/tháng, lao động thành thị là 8,2 triệu đồng/tháng, lao động nông thôn là 6,0 triệu đồng/tháng.

 
Tổng điều tra kinh tế - xã hội Việt Nam quý I năm 2019 1
 
III. Một số thách thức của nền kinh tế
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý I năm 2019 tiếp tục có những nét chuyển biến tích cực là nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp nhân dân cả nước. Nền kinh tế quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút khách quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới:
 
- Tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp.
 
- Công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước trong những quý tiếp theo.
 
- Thời tiết, hạn hán, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp đời sống của nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản được xem thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu có xu hướng giảm.
 
- Lạm phát có nguy cơ tăng do ảnh hưởng của giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm.
 
- Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
 
IV. Giải pháp cho các quý tiếp theo năm 2019
 
Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:
 
Một là, kịp thời tháo gỡ khó khăn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, tạo động lực cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể phát triển, có chính sách phù hợp phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
 
Hai là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019. Tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, ngăn ngừa tình trạng bong bóng bất động sản trong năm 2019 và có biện pháp hạn chế tín dụng đen.
 
Ba là, hoàn thiện môi trường pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công để giải ngân kịp thời vốn đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu, duy trì cân bằng thương mại bền vững, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất phát triển.
 
Bốn là, ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường; chuyển đổi linh hoạt diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao. Thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất. Trước mắt tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng ở lợn, xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để dịch tiếp tục lây lan, đồng thời chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh và cần có giải pháp bù đắp cho lĩnh vực chăn nuôi lợn. Đối với khả năng dư cung cá tra xuất khẩu trong thời gian tới, cần khuyến cáo người nuôi tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định của nhà nhập khẩu.
 
Năm là, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp thu hút hiệu quả khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Việt Nam.
 
Sáu là, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ./.
 
 
 1. Tăng trưởng GDP quý I của một số năm: Năm 2011 tăng 5,90%; năm 2012 tăng 4,75%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,06%; năm 2015 tăng 6,12%; năm 2016 tăng 5,48%; năm 2017 tăng 5,15%; năm 2018 tăng 7,45%; năm 2019 tăng 6,79%.
 
2. Đến ngày 27/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 529 xã, 96 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố, Tổng số lợn bị tiêu hủy là 82,2 nghìn con.
 
3. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo quý I của một số năm: Năm 2012 tăng 8,74%; năm 2013 tăng 4,38%; năm 2014 tăng 5,97%; năm 2015 tăng 9,70%; năm 2016 tăng 8,94%; năm 2017 tăng 8,60%; năm 2018 tăng 14,30%; năm 2019 tăng 12,35%.
 
4. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụquý I của một số năm: Năm 2012 tăng 5,95%; năm 2013 tăng 5,89%; năm 2014 tăng 5,90%; năm 2015 tăng 5,68%; năm 2016 tăng 5,98%; năm 2017 tăng 6,36%; năm 2018 tăng 6,65%; năm 2019 tăng 6,50%.
 
5. Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động quý I một số năm: Năm 2015 có 5.094 doanh nghiệp, tăng 10,2%; năm 2016 có 9.376 doanh nghiệp, tăng 84,1%; năm 2017 có 9.271 doanh nghiệp, giảm 1,1%; năm 2018 có 8.449 doanh nghiệp, giảm 8,9%.

 
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top