Để đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10% năm 2025, TP.Hồ Chí Minh đang làm mới động lực quan trọng nhất là đầu tư.
Năm 2025, TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% so với năm 2024, đồng thời hoàn thành và vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các chuyên gia cho rằng, đây là một mục tiêu rất cao vì từ năm 2011 đến nay, chỉ duy nhất năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt 9,25%. Tuy nhiên, nếu đẩy mạnh các giải pháp đột phá thì mục tiêu tăng trưởng đề ra hoàn toàn có thể đạt được.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, để đạt được GRDP tăng trưởng 2 con số so với năm 2024 thì các quý phải tăng ít nhất 9,5% trở lên. Cụ thể, quý I tăng 9,51%; quý II tăng 10,08%; quý III tăng 10,1%, quý IV tăng 10,58% và cả năm 2025 tăng 10,06% so với năm 2024. Theo đó, cần phải tập trung huy động vốn đầu tư, bao gồm đầu tư công và các nguồn lực đầu tư xã hội khác, với tổng số vốn hơn 600.000 tỷ đồng. Trong đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện các dự án lớn được chuẩn bị từ nhiều năm như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến metro, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ... Đây là những dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn. Đặc biệt, vấn đề then chốt là làm sao giải ngân đầu tư công và hấp thụ vốn của cả nền kinh tế.

Ảnh minh họa
Tương tự, Sở Tài chính thành phố cũng cho rằng, TP.HCM cần tập trung giải ngân đầu tư công và huy động vốn đầu tư toàn xã hội. Đối với đầu tư công, các nhóm dự án dự kiến khởi công năm 2025 phải hoàn tất công tác quyết định đầu tư ngay trong những tháng đầu năm để kịp khởi công trong năm 2025. Đồng thời, tập trung giải quyết các dự án tồn đọng đang dừng thi công để khơi thông nguồn lực.
Với các dự án đầu tư bằng vốn tư nhân, Thành phố cần chuẩn bị về đất đai, quy hoạch, thủ tục để thúc đẩy thực hiện 84 dự án thuộc Danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025. Đối với 11 khu vực dự kiến thực hiện TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) cần hoàn tất thủ tục để thu hút nhà đầu tư vào làm ngay.
Bên cạnh việc làm mới và thúc đẩy trụ cột đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh đề xuất, Thành phố cũng cần tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về tiêu dùng, xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm.
Do đó, ngoài những chính sách về thu hút đầu tư, Thành phố phải nâng cao năng lực hấp thụ vốn đầu tư. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng hấp thụ vốn đầu tư là đột phá về thể chế, cơ chế chính sách, tạo điều kiện để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực một cách hiệu quả nhất theo cơ chế thị trường. Từ đó, đảm bảo dòng chảy thị trường nguồn nhân lực, đất đai, thị trường vốn luôn được thông suốt.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhận định, hai điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng đang được TP.HCM tích cực tháo gỡ. Sắp tới, Thành phố sẽ đầu tư nhiều dự án lớn như hệ thống đường sắt đô thị, dự án rạch xuyên tâm, các tuyến đường vành đai, cao tốc liên vùng... Đây là những điểm nghẽn hấp thụ vốn, khi được tháo gỡ sẽ kéo GRDP đi lên, giúp Thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Theo tính toán, ước tính, kinh tế TP.HCM tăng trưởng 10% trong năm 2025 thì GRDP Thành phố sẽ tăng trên 256.000 tỷ đồng so với năm 2024./.
PV