Trà Vinh tăng trưởng dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

08/01/2025 - 10:02 AM

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Trà Vinh đạt 10,04%, đây là năm địa phương này có mức tăng trưởng cao nhất, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nằm trong top 10 của cả nước. 

Theo Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2024 của tỉnh Trà Vinh ước tính tăng 10,04% so với năm 2023, tăng ở tất cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,15%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 20,23%, đóng góp 6,56 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,46%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.
 
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,6%; khu vực dịch vụ chiếm 29,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,06% (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 28,34%; 35,92%; 30,31%; 5,43%). Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 của Trà Vinh ước đạt 96.623 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 94,37 triệu đồng/người, tăng 12,04 triệu đồng so với năm 2023. CPI bình quân tăng 2,69% so với năm 2023.
 
Trà Vinh tăng trưởng dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2024 của tỉnh Trà Vinh ước tính tăng 10,04%, mức tăng cao nhất
vùng Đồng bằng sông Cửu Long

 
Trong năm 2024, sản xuất nông nghiệp tỉnh Trà Vinh gặp một số thuận lợi, nhờ đó, mặc dù diện tích gieo trồng lúa của tỉnh ước đạt 202.757 ha, giảm 0,3% hay giảm 607 ha so cùng kỳ năm 2023 nhưng năng suất ước đạt 56,95 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 4,30% hay tăng 2,35 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.154.671 tấn so cùng kỳ tăng 3,99% hay tăng 44.341 tấn. Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh đạt 46.520 ha, tăng 0,35%, tương ứng tăng 163 ha so với cùng kỳ năm 2023. Cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là cây dừa, diện tích đạt 28.221 ha (chiếm 60,66% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh), tăng 862 ha so cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt trên 400,5 nghìn tấn, tăng 8,12 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây ăn quả hiện có 17.800 ha (chiếm 38,26% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh), giảm 3,62% hay giảm 668 ha so với cùng kỳ năm 2023. Tình hình chăn nuôi trong năm 2024 có sự chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ sang mô hình nuôi tập trung, quy mô từ vừa đến lớn, tổng đàn heo tăng so cùng kỳ, chủ yếu tập trung ở các hộ có năng lực chủ động con giống, có điều kiện trang bị các thiết bị vật tư và kỹ thuật đáp ứng điều kiện nuôi an toàn sinh học, nuôi quy mô lớn.
 
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024 có nhiều thuận lợi ở tất cả các nhóm ngành. Các Nhà máy nhiệt điện trong năm hoạt động ổn định với sản lượng huy động cao tiếp tục chi phối chỉ số ngành công nghiệp quý IV và cả năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngành khai khoáng tăng mạnh do nhu cầu cung ứng cát cho các công trình trọng điểm; ngành công nghiệp chế biến chế tạo có sự phát triển rõ rệt, tình hình sản xuất của nhiều công ty trên địa bàn tỉnh chuyển biến rất tích cực từ quý III năm 2024 và các tháng cuối năm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải sản lượng và giá trị cũng tăng khá. Tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Trà Vinh tăng mạnh 39,28% so cùng kỳ (chỉ số quý I/2024 tăng 101,76%, quý II/2024 tăng 24,28%, quý III/2024 tăng 20,19% và ước quý IV/2024 tiếp tục tăng mạnh 38,45% so với cùng kỳ năm trước).
 
Tính từ ngày 22/11/2023 đến 30/11/2024, toàn tỉnh có 522 doanh nghiệp và 299 đơn vị trực thuộc đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 5.576 tỷ đồng với 1.944 lao động. Bên cạnh đó, có 868 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc bổ sung ngành nghề kinh doanh, bổ sung vốn và các thay đổi khác, vốn bổ sung 15.274 tỷ đồng; hoạt động trở lại 78 doanh nghiệp.
 
Trong năm 2024, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh tương đối thuận lợi do nền kinh tế đã được phục hồi và được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành tỉnh xây dựng các Kế hoạch và Chương trình hành động. Năm 2024, Trà Vinh đã tổ chức ba lần Hội chợ xúc tiến thương mại - sản phẩm OCOP, so với năm trước số lần tổ chức Hội chợ nhiều hơn hai lần. Từ đó đã góp phần đưa doanh thu ngành thương mại, dịch vụ và du lịch năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của Trà Vinh ước đạt 62.799 tỷ đồng, tăng 12,48% so với cùng kỳ năm trước (trong đó quý I tăng 14,63%, quý II tăng 12,03%, quý III tăng 10,36%, quý IV tăng 12,98%).
 
Tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến tháng 12/2024 đạt 52.250 tỷ đồng, tăng 7,61% so với cuối năm 2023. Trong đó: Nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 35.400 tỷ đồng, chiếm 68%/tổng nguồn vốn, tăng 9,07% so với cuối năm 2023.
 
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2024 đạt 18.971 tỷ đồng, đạt 138,86% dự toán năm 2024 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ các khoản không giao dự toán thì đạt 104,46% so với dự toán và tăng 8,94%. Trong đó, thu nội địa đạt 6.480 tỷ đồng, đạt 104,18% dự toán năm 2023 và tăng 9,21%; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên đạt 5.445 tỷ đồng, đạt 100,55% dự toán và giảm 10,38%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.609 tỷ đồng, đạt 124,82% dự toán, tăng 47,43%; thu chuyển nguồn 4.163 triệu đồng (bao gồm thu chuyển nguồn cải cách tiền lương và thu chuyển nguồn vượt thu xổ số kiến thiết), tăng 37,78%. Tổng chi ngân sách nhà nước ước thực hiện 17.033 tỷ đồng, bằng 133,83% dự toán năm 2024 và tăng 9,94% cùng kỳ năm trước do tăng chi đầu tư phát triển, tăng chi thường xuyên. 
 
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tiếp tục ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngày từ đầu năm các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng thời các giải pháp nhằm phát triển kinh tế và thực hiện đảm bảo kịp thời công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Do đó, đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của tỉnh trong năm 2024 tiếp tục ổn định và phát triển. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường tiếp tục được nâng cao. Công tác chăm lo cho người dân, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khó khăn được quan tâm.
 
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top