Mặt trái của tăng trưởng kinh tế - xã hội chính là việc môi trường ngày càng ô nhiễm, thậm chí đe dọa ngược lại đến đời sống của con người, gây ra những tổn thất cho xã hội và thiệt hại lớn về kinh tế. Chính vì vậy, để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cần cùng chung tay, có trách nhiệm và hành động cụ thể để “góp gió thành bão”, bảo vệ môi trường.
Môi trường đang ngày càng ô nhiễm
Tại Việt Nam hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức. Bên cạnh ô nhiễm không khí, môi trường còn bị gây hại bởi nhiều nguồn ô nhiễm khác, ô nhiễm nguồn nước mặt trong các khu đô thị, khu dân cư, nhất là trên các kênh, mương, ao, hồ; cùng với đó là rác thải sinh hoạt, ô nhiễn rác thải nhựa… Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (EPI), Việt Nam là một trong 10 nước ô nhiễm không khí hàng đầu của châu Á với nguyên nhân chủ yếu là do bụi, bụi mịn (PM 10, PM 2.5); Chất lượng không khí đang ngày càng xấu đi, đặc biệt tại 2 đô thị lớn là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khi có nhiều thời điểm chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày (Air Quality Index - AQI) tại các thành phố này dao động trong mức 150-200, mức báo động rất nguy hiểm.
Tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng đã góp phần thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng cũng như gia tăng các nguồn thải. Tổng lượng rác thải hàng năm tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, có đến 85% lượng rác thải của Việt Nam hiện đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Phương pháp này được cho là khá đơn giản nhưng lại khá tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chỉ riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm đã phải chi khoảng 1,2-1,5 nghìn tỷ đồng kinh phí thu gom, xử lý rác thải, chiếm 3,5% ngân sách. Chưa kể nếu không được xử lý tốt, không khí và nguồn nước ngầm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình rác phân hủy. Mặt khác, nguồn nước mặt của Việt Nam cũng đang trong tình trạng báo động do nước thải, khí thải và chất rắn từ nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra sông, hồ, kênh, mương.
Không chỉ ở đô thị, tại nhiều vùng nông thôn, hệ thống xử lý chất thải của con người và gia súc, gia cầm không được xây dựng theo tiêu chuẩn có thể thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi đã làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Đồng thời việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nhiều và không đúng cách các hóa chất trong nuôi trồng thủy sản đã có những tác động tiêu cực không nhỏ đến nguồn nước ngầm và nước mặt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường chủ yếu đến từ các hoạt động kinh tế, đời sống hàng ngày của con người như: Sản xuất công - nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, rác thải sinh hoạt, chặt phá rừng… Các vấn đề về môi trường không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của đất nước mà còn gây thiệt hại tài chính cho nền kinh tế, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có các biện pháp tích cực bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 6-7% GDP vì môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm; nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh thì con số này sẽ là khoảng 8-10% GDP. Thống kê từ Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 9 nghìn người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém; khoảng 20 nghìn người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em trên 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém; khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. Đó là những con số đáng buồn. Điều này cho thấy, bảo vệ môi trường hiện nay đã trở thành yêu cầu bức thiết, là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, cần sự tham gia tích cực của cả cộng đồng với những giải pháp cơ bản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng
Đối với cá nhân: Con người là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc khắc phục hậu quả và bảo vệ môi trường. Mỗi cá nhân trong xã hội cần nâng cao ý thức và nhận thức bảo vệ môi trường cũng như cùng nhau lan tỏa trách nhiệm thông qua các hành động cụ thể. Bởi chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Một số giải pháp đặt ra với các cá nhân để thể hiện trách nhiệm với môi trường có thể kể đến: Vứt rác đúng nơi quy định, đúng quy cách. Nói không với rác thải nhựa, nhất là đồ nhựa dùng 1 lần vì những đồ vật bằng nhựa phải mất hàng chục hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới có thể phân hủy sinh học nên chúng có thể tồn tại trong môi trường và gây hại cho loài người cũng như rất nhiều sinh vật sống trong nước, trong đại dương. Thay vào đó là sử dụng các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường, giữ gìn vệ sinh chung tại nơi mình sinh sống. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng, điển hình như việc tắt nguồn thiết bị, rút phích cắm khi không sử dụng các thiết bị điện (tivi, điều hòa, quạt, sạc điện, mát tính…). Chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… nhằm hạn chế khai thác tài nguyên hóa thạch để sản xuất điện. Nâng cao ý thức trồng rừng và bảo vệ rừng, tích cực trồng cây xanh tại nơi ở và nơi làm việc để góp phần thanh lọc không khí. Các hoạt động như Giờ Trái đất, một chai nhựa đổi một cây xanh… đã dần nhận được sự hưởng ứng tích cực từ quần chúng nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ, qua đó giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Đối với doanh nghiệp: Những năm trở lại đây, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại (FTA). Cùng với các cam kết thuận lợi về kinh tế, doanh nghiệp cũng cần thực hiện nhiều cam kết về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại là nguyên nhân chính phát sinh ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nhất là về vấn đề chất thải, hóa chất. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư cho việc xử lý rác thải và nước thải theo quy định, thậm chí có doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nhưng vẫn xả thẳng ra môi trường. Các chất thải trong quá trình sản xuất công nghiệp và nông nghiệp không được xử lý đúng quy chuẩn đã góp phần gây suy thoái, ô nhiễm môi trường xung quanh như môi trường đất, môi trường nước, không khí, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì vậy, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường. Bên cạnh việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm của mình với các tác động tới môi trường và cuộc sống cộng đồng thông qua các hành vi kiểm soát ô nhiễm và xử lý, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên.
Ngày nay, sự thay đổi tích cực về hành vi của người tiêu dùng đã tạo ra cả áp lực và động lực cho doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội với vấn đề bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực môi trường hoặc đổi mới công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất, phương thức quản lý để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy trình sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, kinh doanh trong lĩnh vực cung ứng và dịch vụ môi trường đang dần trở thành lĩnh vực có tính hấp dẫn cao, được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển. Một số lĩnh vực phát triển mạnh phải kể đến như: Thu gom, vận chuyển chất thải rắn, cơ sở xử lý chất thải rắn; thu gom, vận chuyển chất thải rắn nguy hại; xử lý nước thỉa sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ phân tán…
Báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới cho biết, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế rác thải sinh hoạt và lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm chất thải hữu cơ không được tái chế. Quá trình tái chế rác thải có thể thu được khoảng 35% thành phân vi sinh, 5% thành hạt nhựa, số còn lại được đốt thành tro xỉ và biến thành gạch. Tỷ lệ tái chế từ rác được khoảng 95%, còn lại một phần rất nhỏ 5% được chôn lấp. Trong khi đó, giá phân khoảng 3 triệu đồng/tấn, giá hạt nhựa khoảng 10 triệu đồng/tấn, chưa kể số gạch được tái sử dụng trong các hoạt động xây dựng khác của doanh nghiệp. Vì vậy, sử dụng rác thải như nguyên liệu cho một ngành kinh tế mới cũng có thể coi là một tiềm năng khai thác để doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Trong mọi nỗ lực khắc phục thiệt hại vì một môi trường xanh, Đảng và Chính phủ luôn giữ vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng với các chính sách kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, hướng đến tăng trưởng xanh cho phát triển bền vững. Trong năm 2022, Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm đầu tiên môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Vấn đề bảo vệ môi trường cũng được nhấn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát là ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường; chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu; chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới. Đồng thời, Chiến lược tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên; chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính…
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững, trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm. Qua đó, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng vì một môi trường xanh được khẳng định, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường./.
Minh Hà