1. Giới thiệu
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) nhận được sự quan tâm đáng kể từ những năm 1950. Sự phát triển của CSR sau đó đã đạt được chỗ đứng trong cả lĩnh vực kinh doanh và học thuật (Low, 2016). Khi thế giới kinh doanh phát triển với sự toàn cầu hóa và công nghệ tiên tiến, CSR đang được xem như là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của doanh nghiệp hơn là những quy định hay từ thiện bắt buộc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc thực hiện và công bố thông tin CSR không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho công ty mà còn mang lại những lợi thế cho xã hội (Ksiezak 2016). Bài viết đề cập đến các quan điểm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và luận giải trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dựa trên các lý thuyết có liên quan.
2. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibilities - CSR) là một khái niệm theo đó các doanh nghiệp tích hợp các mối quan tâm về xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh và trong sự tương tác của họ với các bên liên quan trên cơ sở tự nguyện (Ủy ban Châu Âu (EC), Islam , 2013; Low, 2016; LP Hương và LT Thuận, 2017; Leeuw, 2017). Năm 2011, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra khung khổ mới, mở rộng phạm vi và các khía cạnh của CSR, theo đó CSR là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các tác động của họ đối với xã hội. Tôn trọng luật pháp hiện hành và các thỏa thuận tập thể giữa các đối tác xã hội là điều kiện tiên quyết để đáp ứng trách nhiệm đó. Để đáp ứng đầy đủ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần có một quá trình để tích hợp các mối quan tâm về xã hội, môi trường, đạo đức, quyền con người và người tiêu dùng vào hoạt động kinh doanh và chiến lược cốt lõi với sự hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan (Islam 2013; LP Hương và LT Thuận, 2017; Leeuw, 2017).
Một quan điểm khác về CRS được đề xuất năm 2003: CSR là cách một công ty quản lý và cải thiện tác động xã hội và môi trường của mình để tạo ra giá trị cho cả cổ đông và các bên liên quan bằng cách đổi mới chiến lược, tổ chức và hoạt động của mình (Low 2016). Hopkins (2003): CSR quan tâm đến việc xử lý các bên liên quan cả trong và ngoài nước của một doanh nghiệp, theo một cách có trách nhiệm với xã hội. Nói cách khác, mục tiêu rộng hơn của CSR là nhằm tạo ra một mức sống ngày càng cao, trong khi vẫn duy trì khả năng sinh lời của doanh nghiệp cho các bên hữu quan của mình (Low, 2016; TTH Yến, 2016; LP Hương và LT Thuận, 2017). CSR là một hành động tự nguyện của công ty kinh doanh nhằm cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái hoặc môi trường của xã hội bao gồm cả các thế hệ tương lai (Gbadamosi, 2016).
Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc (UNGC) đưa ra vào năm 2010, CRS “một sáng kiến chính sách chiến lược cho các doanh nghiệp cam kết điều chỉnh hoạt động và chiến lược của họ với 10 nguyên tắc trong các lĩnh vực quyền con người, lao động, môi trường và chống tham nhũng" (Kadyan, 2016, Leeuw, 2017). Kể từ khi UNGC ban hành 10 nguyên tắc cách đây hơn 15 năm, gần 12.000 công ty trên toàn thế giới đã cam kết áp dụng các chính sách bền vững và có trách nhiệm xã hội mà nó kêu gọi xoay quanh các chủ đề về nhân quyền[1], lao động[2], môi trường[3] và chống tham nhũng[4] (Moshkin, 2019).
Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã đưa ra hướng dẫn tự nguyện ISO 26000 về trách nhiệm xã hội năm 2010, theo đó, CSR được định nghĩa là trách nhiệm của một tổ chức đối với các tác động của các quyết định và hoạt động của mình đối với xã hội và môi trường, thông qua hành vi minh bạch và đạo đức đóng góp vào sự phát triển bền vững, bao gồm sức khỏe và phúc lợi của xã hội; có tính đến kỳ vọng của các bên liên quan; tuân thủ luật hiện hành và phù hợp với các chuẩn mực hành vi quốc tế; và được tích hợp trong toàn bộ tổ chức và được thực hành trong các mối quan hệ của nó. Thông qua khái niệm có thể chỉ ra các nội hàm trong CSR gồm 7 nhân tố cốt lõi: (i) Quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông; (ii) Thực hiện tốt quyền con người; (iii) Quan hệ và đối xử tốt với người lao động; (iv) Bảo vệ môi trường; (v) Công bằng trong hoạt động; (vi) Bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; (vii) Đóng góp cho cộng đồng xã hội (TTH Yến, 2016; NTP Thảo và cộng sự, 2019). Theo Aguinis và Glavas (2012), Gbadamosi (2016), CSR là một tập hợp các hành động và chính sách của công ty theo ngữ cảnh cụ thể, tích hợp kỳ vọng của các bên liên quan và ba điểm mấu chốt của kết quả hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường.
Thời gian gần đây, các khu vực hay quốc gia có xu hướng xây dựng và áp dụng các chính sách và quy định cụ thể tạo thành áp lực buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các phương thức kinh doanh mới hoặc cải thiện các phương thức hiện tại của họ. Chỉ thị 2014/95/EU do EC ban hành vào tháng 12 năm 2014 là một ví dụ. Theo đó, yêu cầu các công ty lớn có lợi ích công cộng (công ty niêm yết, ngân hàng, công ty bảo hiểm và các các công ty được các cơ quan có thẩm quyền quốc gia chỉ định là thực thể công ích) phải tiết lộ thông tin phi tài chính và đa dạng bắt đầu từ báo cáo năm 2018 trở đi (Mravlja, 2017; Agudelo và cộng sự, 2019). Chỉ thị này rất được quan tâm vì nó xuất phát từ sự thừa nhận của Nghị viện Châu Âu về vai trò quan trọng của việc tiết lộ thông tin phi tài chính trong việc thúc đẩy thực hiện và công bố thông tin CSR của các doanh nghiệp Châu Âu. Tại Việt Nam, tương tự như Chỉ thị 2014/95/EU của Châu Âu, Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ tài chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 yêu cầu các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán phải công bố thông tin về phát triển bền vững liên quan đến môi trường và xã hội gồm 6 vấn đề[5]. Những công bố này được coi như tuyên bố về kết quả thực hiện CSR của các doanh nghiệp Việt Nam.
Sang thế kỷ 21, CSR đã trở thành mối quan tâm ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu, do đó các khái niệm về CSR được nhiều tổ chức đưa ra. Thêm vào đó, không chỉ dừng lại ở việc đưa ra các khái niệm, các tổ chức ban hành các tiêu chuẩn, các hướng dẫn có tác dụng như các khuôn khổ định hướng cho các hoạt động CSR, và theo thời gian, chúng trở thành các thông lệ quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các hoạt động CSR mà còn tiến hành công bố/báo cáo/tiết lộ các thông tin CSR như việc tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia và thông lệ của quốc tế.
Mặc dù có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng tựu chung lại CSR là trách nhiệm của tổ chức đối với những tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức đến xã hội và môi trường thông qua sự minh bạch và hành vi đạo đức nhằm: (i) Đóng góp cho sự phát triển bền vững, bao gồm cả sự lành mạnh và thịnh vượng của xã hội; (ii) Tính đến những mong muốn của các bên liên quan; (iii) Phù hợp với luật pháp và nhất quán với chuẩn mực ứng xử quốc tế; và (iv) Tích hợp trong toàn bộ tổ chức và thực thi trong các mối quan hệ của tổ chức.
3. Cơ sở lý thuyết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
3.1 Lý thuyết cổ đông
Lý thuyết cổ đông (Shareholder theory) hay còn gọi là Học thuyết Friedman (Friedman Doctrine). Lý thuyết này xem cổ đông là động cơ kinh tế của tổ chức và là nhóm duy nhất mà công ty có trách nhiệm xã hội. Công ty không có trách nhiệm xã hội đối với công chúng hay xã hội; trách nhiệm duy nhất của doanh nghiệp là đối với các cổ đông. Do đó, mục tiêu của công ty là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông. Friedman lập luận rằng các cổ đông sau đó có thể tự quyết định những sáng kiến xã hội nào sẽ tham gia, thay vì để một giám đốc điều hành được các cổ đông chỉ định quyết định những vấn đề đó cho họ. Học thuyết Friedman đã có ảnh hưởng rất lớn trong thế giới doanh nghiệp nhưng cũng bị chỉ trích mạnh mẽ bởi nhiều học giả và các bên liên quan khác của công ty. Lý thuyết cổ đông thường được các học giả sử dụng để giải thích cho mối quan hệ nghịch chiều giữa CSR và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ, kết quả nghiên cứu thực nghiệm với 71 ngân hàng của Mỹ trong giai đoạn 2011-2014 của Gbadamosi (2016) cho thấy đối với lợi nhuận kế toán, không có ảnh hưởng đáng kể nào của CSR đối với hiệu quả tài chính. Kết quả này ủng hộ định lý không liên quan của Lý thuyết kinh tế tân cổ điển. Với kết quả này, có cơ sở cho sự hoài nghi của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế giới rằng ngành kinh doanh không phù hợp để bảo vệ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa CSR và giá trị kinh doanh đã được thiết lập.

3.2 Lý thuyết các bên liên quan
Lý thuyết các bên liên quan là một lý thuyết liên quan đến mối quan hệ giữa một tổ chức và các bên liên quan. Freeman (1984) định nghĩa bên liên quan là "bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào có thể ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi việc đạt được các mục tiêu của công ty". Các bên liên quan chính có thể kể đến của một tổ chức bao gồm chính phủ, cổ đông, nhà cung cấp, cộng đồng... (Hình 1). Ngoài ra, theo TTH Yến (2016) nhóm cá nhân khác cũng được xem như là các bên liên quan bao gồm các phương tiện truyền thông, đối tác kinh doanh, những thế hệ tương lai, sáng lập viên của tổ chức, các viện nghiên cứu, đối thủ cạnh tranh, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các nhà hoạt động xã hội. Các bên liên quan có người đại diện như tổ chức công đoàn, các hiệp hội thương mại của nhà cung cấp hoặc phân phối, các tổ chức tín dụng, đối thủ cạnh tranh, chính phủ, nhà quản lý và hoạch định chính sách.
Theo quan điểm của lý thuyết, một tổ chức phải đáp ứng nhiều kỳ vọng của các nhóm bên liên quan khác nhau, thay vì chỉ có kỳ vọng của các cổ đông (như trong Lý thuyết Cổ đông), bởi vì một công ty chỉ có thể tồn tại nếu có khả năng đáp ứng nhu cầu các bên liên quan - những người có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của công ty. Các bên liên quan có thể đóng góp vào khả năng tạo ra của cải của một công ty để duy trì sự tăng trưởng, do đó các công ty nên quan tâm đến lợi ích cho các bên liên quan và tính đến các quan điểm cũng như các hoạt động của họ (HTVAnh 2018). Lý thuyết các bên liên quan còn nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của tổ chức ngoài hoạt động kinh tế hoặc tài chính đơn giản. Lý thuyết này gợi ý rằng ban lãnh đạo của một tổ chức phải thực hiện trách nhiệm giải trình của mình bằng cách báo cáo thông tin đối với các bên liên quan về thực hiện các hoạt động mà các bên liên quan cho là quan trọng (Fernando và Lawrance 2014). Do đó, thuật ngữ "trách nhiệm giải trình" hay ngày nay các học giả thường gọi là công bố (tiết lộ) thông tin CSR thường liên quan đến lý thuyết này.
Theo Fernando và Lawrance (2014), lý thuyết các bên liên quan lại chia thành hai quan điểm khác nhau là:
Quan điểm Đạo đức của lý thuyết các bên liên quan gợi ý rằng bất kể quyền lực của các bên liên quan, tất cả các bên liên quan đều có quyền như nhau để được đối xử công bằng bởi một tổ chức. Dưới góc độ đạo đức, các nhà quản lý của một tổ chức phải quản lý doanh nghiệp vì lợi ích của tất cả các bên liên quan, bất kể việc quản lý các bên liên quan có dẫn đến cải thiện hiệu quả tài chính hay không. Theo quan điểm này, tổ chức không được xem như một cơ chế thúc đẩy tối đa hóa sự giàu có của các cổ đông, mà là cơ chế đáp ứng mong đợi của tất cả các bên liên quan. Hạn chế chính của quan điểm đạo đức là các nhà quản lý phải chịu những thách thức, áp lực khi bị buộc phải đối xử công bằng với tất cả các bên liên quan, đặc biệt khi các bên liên quan có lợi ích khác nhau và trái ngược nhau. Tuy nhiên, khi những lợi ích này xung đột, doanh nghiệp nên quản lý "để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa chúng".
Quan điểm Quản lý của lý thuyết các bên liên quan khẳng định rằng các nhà quản lý của một tổ chức cố gắng đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan nhưng tập trung chủ yếu vào những người kiểm soát các nguồn lực quan trọng, bởi vì nếu các công ty hành động vô trách nhiệm đối với các đối tượng này thì sẽ có nguy cơ mất đi những nguồn lực quan trọng này. Các bên liên quan quan trọng là những người tham gia vào các hoạt động quan trọng của công ty, nói cách khác là những người có quyền lực về kinh tế, ví dụ, khách hàng, người lao động và cổ đông. Các bên liên quan thứ yếu là những người ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của một công ty, nhưng không được tham gia vào các hoạt động của công ty, ví dụ, cộng đồng dân cư địa phương, hiệp hội thương mại... (HTVAnh, 2018). Các nguồn lực của các bên liên quan đối với tổ chức càng quan trọng thì nỗ lực của ban quản lý tổ chức càng lớn để đáp ứng kỳ vọng của những các bên liên quan đó. Phù hợp với lý thuyết về các bên liên quan, một tổ chức có thể tham gia vào các hoạt động CSR và báo cáo để thực hiện trách nhiệm giải trình của mình đối với các bên liên quan: theo quan điểm đạo đức, đối với tất cả các bên liên quan và ở góc độ quản lý, đối với các bên liên quan có quyền lực về kinh tế.
Bằng cách thực hiện và công bố thông tin CSR, một doanh nghiệp rõ ràng chấp nhận quyền được biết của các bên liên quan về một số khía cạnh hoạt động của mình. Việc cung cấp thông tin CSR làm giảm sự bất cân xứng thông tin và đưa các bên liên quan khác nhau vào một sân chơi bình đẳng, đổi lại, doanh nghiệp có thể mong đợi hoặc thu được những lợi ích nhất định như cải thiện hình ảnh, danh tiếng, thu hút các nhà đầu tư, giảm chi phí vốn, cải thiện việc giữ chân nhân viên hiện tại, thu hút nhân viên tiềm năng và cải thiện mối quan hệ với các bên liên quan để đạt được ủng hộ và chấp thuận. Tất cả những lợi ích này có thể là động lực gián tiếp cho việc tiết lộ CSR. Ở dạng trực tiếp, theo quan điểm quản lý của lý thuyết các bên liên quan, động cơ tiết lộ CSR của một tổ chức được thúc đẩy bởi mong muốn quản lý các bên liên quan, trong khi đối với quan điểm đạo đức, động cơ tiết lộ CSR được thúc đẩy bởi mong muốn chịu trách nhiệm trước tất cả các bên liên quan không phân biệt quyền lực kinh tế của họ.
3.2 Lý thuyết hợp pháp
Lý thuyết hợp pháp (Legitimacy theory) hay còn được gọi là lý thuyết hợp pháp hóa, lý thuyết tính chính đáng được bắt nguồn trong nghiên cứu về tính hợp pháp trong chính trị của nhà kinh tế và xã hội học người Đức Weber đưa ra vào năm 1922 trong tác phẩm “Các khái niệm xã hội học” (Concepts in Sociology). Sau đó, vào năm 1975, Dowling và Pfeffer đã phát triển khái niệm về tính hợp pháp của tổ chức và đó là cơ sở để phát triển lý thuyết hợp pháp. Lý thuyết hợp pháp là lý thuyết được sử dụng rộng rãi nhất trong các nghiên cứu để giải thích tại sao các doanh nghiệp cần phải công bố thông tin về xã hội và môi trường (Islam, 2017; HTVAnh, 2018).
Lý thuyết hợp pháp cho rằng, hoạt động của tổ chức phải theo các giá trị hay các chuẩn mực xã hội mà tổ chức đó hoạt động, việc các tổ chức không tuân thủ các giá trị hay chuẩn mực xã hội có thể dẫn tới những khó khăn cho tổ chức trong việc đạt được sự ủng hộ của cộng đồng để tiếp tục hoạt động. Một hợp đồng xã hội (Social contract) thể hiện những mong muốn của xã hội với tổ chức, có thể là rõ ràng hoặc ngầm định được thiết lập giữa tổ chức và xã hội. Việc tuân thủ các điều khoản của hợp đồng xã hội, giúp doanh nghiệp đạt được sự hợp pháp trong hoạt động và vì thế được xã hội và cộng đồng chấp nhận, cũng như đảm bảo các điều kiện để tiếp tục hoạt động và ngược lại. Vì những mong ước của xã hội luôn thay đổi nên hợp đồng xã hội thì cũng thay đổi theo, và theo đó, doanh nghiệp cũng thường xuyên phải thay đổi để đảm bảo hoạt động hợp pháp. Để chứng minh sự thay đổi của mình đáp ứng nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin qua hệ thống báo cáo trách nhiệm xã hội.
Lý thuyết hợp pháp dựa trên quan điểm là quyền và trách nhiệm của tổ chức phải đến từ xã hội. Các tổ chức kinh doanh phải hoạt động trong ranh giới của xã hội để đáp ứng các kỳ vọng của xã hội, bao gồm việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ tốt hơn cho xã hội. Bởi vì tổ chức là một phần của hệ thống xã hội rộng lớn, các tổ chức cần phải hoạt động trong hệ thống xã hội, mà không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến xã hội. Điều này có thể làm cho tổ chức đạt được các mục tiêu và lợi nhuận ổn định (HTVAnh, 2018).
Để phù hợp với lý thuyết về tính hợp pháp, các tổ chức có thể tham gia vào các hoạt động và công bố thông tin CSR để đạt được, duy trì tính hợp pháp của mình. Do đó, trong lý thuyết về tính hợp pháp, mong muốn hợp pháp hóa hoạt động của một tổ chức thông qua việc công bố thông tin CSR được coi là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội. Khi các nhà quản lý doanh nghiệp được thúc đẩy bởi động cơ này, các công ty sẽ làm bất cứ điều gì họ cho là cần thiết để duy trì hình ảnh của một doanh nghiệp hợp pháp với các mục tiêu và phương pháp hợp pháp để đạt được nó. Để cải thiện tính hợp pháp của các tổ chức, các tổ chức có thể hạn chế tiết lộ tin tức tiêu cực hoặc xấu liên quan đến họ, cung cấp giải thích về các tin tức truyền thông đại chúng không lành mạnh liên quan đến họ, tăng tin tức CSR tích cực, hoặc/và thậm chí giảm tin tức về CSR nếu họ nghĩ rằng điều đó sẽ giúp tăng hoặc duy trì mức độ hợp lý của tổ chức của họ..
3.4 Lý thuyết Carroll
Lý thuyết Carroll hay còn gọi là Mô hình kim tự tháp CSR (CSR Pyramidal Model) của Carroll là một lý thuyết nền tảng đã được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận và xây dựng các giả thuyết nghiên cứu dựa trên mô hình này (TTH Yến, 2016; VTT Trì, 2019). Mô hình này do nhà kinh tế học Carrol đưa ra lần đầu tiên vào năm 1979, sau đó đã được hoàn thiện nhiều lần ở các năm 1983, 1991 (Low, 2016), 2015 (Agudelo và cộng sự, 2019) và mới đây nhất là 2016 (Carroll, 2016).
Định nghĩa bốn thành phần của Carroll về CSR ban đầu (năm 1979 và 1991) được phát biểu như sau: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm các kỳ vọng về kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện mà xã hội có đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định. Bộ bốn trách nhiệm này tạo ra một nền tảng giúp xác định một số chi tiết cũng như định hình (mô tả) bản chất trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội mà doanh nghiệp tham gia (Carroll 2016).
Dựa trên áp lực của xã hội thể hiện qua mức độ mong đợi DN thực hiện các trách nhiệm này, Carroll đã xếp bốn trách nhiệm trên theo chiều từ dưới lên trên như một hình kim tự tháp, với đáy là trách nhiệm kinh tế được coi là nền tảng và được trông đợi nhất, sau đó là trách nhiệm luật pháp, trách nhiệm đạo đức và xếp trên cùng với ý nghĩa ít được trông đợi nhất là trách nhiệm từ thiện (VTT Trì, 2019).
Trong ấn phẩm mới của mình, Carroll (2016) đã mô tả chi tiết 4 thành phần trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp như sau (Hình 2):

Hình 2: Các thành phần của CSR
Nguồn: Carroll, 2016
Trách nhiệm kinh tế: Với tư cách là một điều kiện hoặc yêu cầu cơ bản của sự tồn tại, các doanh nghiệp có trách nhiệm kinh tế đối với xã hội cho phép chúng được tạo ra và duy trì. Thoạt đầu, có vẻ không bình thường khi nghĩ về một kỳ vọng kinh tế như một trách nhiệm xã hội, nhưng đây là điều mà xã hội mong đợi, thực sự đòi hỏi, các tổ chức kinh doanh phải có khả năng tự duy trì và cách duy nhất có thể thực hiện được là sinh lợi đủ khuyến khích chủ sở hữu hoặc cổ đông đầu tư và có đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động. Lợi nhuận là cần thiết để chi trả cho nhà đầu tư/chủ sở hữu và cũng để tăng trưởng kinh doanh khi lợi nhuận được tái đầu tư trở lại vào doanh nghiệp. Trong môi trường kinh doanh toàn cầu siêu cạnh tranh ngày nay, hiệu quả kinh tế và tính bền vững đã trở thành chủ đề cấp thiết. Những công ty không thành công trong lĩnh vực kinh tế hoặc tài chính sẽ ngừng hoạt động kinh doanh và bất kỳ trách nhiệm nào khác có thể sẽ trở thành những vấn đề cần cân nhắc. Do đó, trách nhiệm kinh tế là một yêu cầu cơ bản phải được đáp ứng trong một thế giới kinh doanh cạnh tranh.
Trách nhiệm pháp lý: Xã hội không chỉ công nhận các doanh nghiệp với tư cách là các thực thể kinh tế, mà còn thiết lập các quy tắc cơ bản tối thiểu mà theo đó các doanh nghiệp được mong đợi tuân theo. Các quy tắc cơ bản này bao gồm các luật, các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định...và các quy định. Các doanh nghiệp được yêu cầu và phải tuân thủ các luật và quy định này như một điều kiện để hoạt động. Trong khi đáp ứng các trách nhiệm pháp lý này, các kỳ vọng quan trọng của doanh nghiệp bao gồm: (i) Thực hiện các hoạt động kinh doanh theo cách phù hợp với kỳ vọng của chính phủ và luật pháp; (ii) Ứng xử với tư cách là công dân doanh nghiệp tuân thủ pháp luật; (iii) Thực hiện tất cả các nghĩa vụ pháp lý đối với các bên liên quan trong xã hội; (iv) Cung cấp hàng hóa và dịch vụ ít nhất đáp ứng các yêu cầu pháp lý tối thiểu.
Trách nhiệm đạo đức: Kỳ vọng chuẩn mực của hầu hết các xã hội cho rằng luật pháp là cần thiết nhưng không đủ. Ngoài những gì được yêu cầu bởi luật pháp và quy định, xã hội mong đợi các doanh nghiệp hoạt động và thực hiện các công việc của họ một cách có đạo đức. Do đó, trách nhiệm đạo đức bao hàm những hoạt động, tiêu chuẩn, chính sách và thực hành được xã hội mong đợi hoặc cấm mặc dù chúng không được hệ thống hóa thành luật. Mục tiêu của những kỳ vọng này là các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm và đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, giá trị, nguyên tắc và kỳ vọng phản ánh và tôn vinh những gì người tiêu dùng, nhân viên, chủ sở hữu và cộng đồng coi là nhất quán đối với việc bảo vệ quyền nhân thân của các bên liên quan. Trong khi đáp ứng các trách nhiệm đạo đức này, các kỳ vọng quan trọng của doanh nghiệp bao gồm: (i) Thực hiện theo cách phù hợp với mong đợi của xã hội và các chuẩn mực đạo đức; (ii) Công nhận và tôn trọng các chuẩn mực đạo đức đã tồn tại hay đang phát triển (mới) được xã hội chấp nhận; (iii) Ngăn chặn các chuẩn mực đạo đức bị xâm phạm để đạt được các mục tiêu kinh doanh; (iv) Trở thành công dân doanh nghiệp tốt bằng cách làm những gì được mong đợi về mặt đạo đức.
Trách nhiệm từ thiện: Hoạt động từ thiện của doanh nghiệp bao gồm các hoạt động tự nguyện hoặc tùy ý của doanh nghiệp. Làm từ thiện có thể không phải là một trách nhiệm theo nghĩa đen, nhưng nó thường được các doanh nghiệp ngày nay thực hiện và là một phần trong kỳ vọng hàng ngày của công chúng. Chắc chắn, số lượng và tính chất của các hoạt động này là tự nguyện hoặc tùy ý. Để thực hiện trách nhiệm từ thiện đã nhận thức của mình, các công ty tham gia vào nhiều hình thức trao tặng - quà tặng bằng tiền, tặng sản phẩm và dịch vụ, tình nguyện của nhân viên và ban quản lý, phát triển cộng đồng và bất kỳ đóng góp tùy ý nào khác cho cộng đồng hoặc các nhóm bên liên quan tạo nên cộng đồng.
4. Kết luận
Trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp không chỉ ở việc doanh nghiệp công bố thông tin trên báo cáo mà bao gồm cả những đóng góp cho cộng đồng, xã hội, môi trường trong thực tiễn của doanh nghiệp. Những đóng góp đó cần được biểu hiện thông qua các con số cụ thể như số việc làm tạo ra, thời gian đào tạo cho người lao động hay những hoạt động có lợi cho môi trường như số giờ họp trực tuyến, số hợp đồng điện tử, chi phí văn phòng phẩm, lượng phát thải, sử dụng nước, năng lượng... Hiện nay, tại Việt Nam, còn ít văn bản, luật, thông tư quy định hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện và công bố trách nhiệm xã hội trên các báo cáo, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội và chưa áp dụng CSR một cách hiệu quả, các doanh nghiệp lớn tuy đã nhận thức được vai trò quan trọng của CSR, nhưng vẫn đối mặt với thách thức trong việc triển khai và quản lý các hoạt động này một cách toàn diện và bền vững, việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện và công bố thông tin trách nhiệm xã hội đầy đủ theo một tiêu chuẩn cần được thực hiện trong thời gian tới. Việc công bố và thực thi trách nhiệm xã hội sẽ tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp nói riêng và cho toàn bộ nền kinh tế nói chung bởi qua đó có thể có căn cứ để so sánh và đánh giá sâu sắc hơn giữa các doanh nghiệp cùng ngành, cùng lĩnh vực./.
TS. Hoàng Thị Hồng Vân - TS. Trần Ngọc Tú - Th.S Phạm Văn Tịch
Tài liệu tham khảo
1. Agudelo, M. A. L., Jóhannsdóttir, L. and Davídsdóttir, B. (2019) ‘A literature review of the history and evolution of corporate social responsibility’, International Journal of Corporate Social Responsibility. International Journal of Corporate Social Responsibility, 4(1), pp. 1–23. doi: 10.1186/s40991-018-0039y.
2. Bowen, H. R. (2013), Social responsibilities of the businessman, University of Iowa Press.
3. Bộ Tài chính (2020), Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn về CBTT trên thị trường chứng khoán.
4. Carroll, A. B. (2016) ‘Carroll’s pyramid of CSR: taking another look’, International Journal of Corporate Social Responsibility. International Journal of Corporate Social Responsibility, 1(1), pp. 1–8. doi: 10.1186/s40991-016-0004-6.
5. Islam, M. R. và cộng sự. (2013) ‘The development of Corporate Social Responsibility ( CSR ) and challenges of Environmental and Social Reporting in Bangladesh’, European Journal of Business and Management, 5(23), pp. 170–182.
6. Kadyan, J. S. (2017) ‘Corporate Social Responsibility and the United Nations Global Compact Initiative’, International Journal of Science and Research, (April), pp. 177–197. doi: 10.1007/978-1-4939-6915-9_8.
7. Leeuw, R. de (2018) ‘The impact of corporate social responsibility on financial performance: Evidence from insurance firms’, Management Science Letters, 8(9), pp. 913–932. doi: 10.5267/j.msl.2018.6.016.
8. Low, M. P. (2016) ‘Asian Journal of Social Sciences and Management Studies Corporate Social Responsibility and the Evolution of Internal Corporate Social Responsibility in 21 st Century’, Asian Journal of Social Sciences and Management Studies, 3(1), pp. 56–74. Available at: http://www.asianonlinejournals.com/index.php/AJSSMS56.
9. Moshkin (2019) ‘Why the UN GLOBAL Compact is a CSR commitment that works’, Available at: https://www.ethicalcorp.com/why-un-global-compact-csr-commitment-works, https://www.ethicalcorp.com/why-un-global-compact-csr-commitment-works’.
10 LP Hương và LT Thuận (2019), Mối quan hệ giữa CSR, giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính: Trường hợp các NHTM tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 55, số chuyên đề: Kinh tế (2019), trang 85-94.
11. NTP Thảo, NV Anh và PTT An (2019), Tác động của việc thực hiện CSR lên danh tiếng, niềm tin, lòng trung thành của khách hàng trong ngành ngân hàng – Nghiên cứu trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Kinh tế - Luật và Quản lý, số 3(3): trang 220-235.
12. HT Thủy (2019), Thực trạng công bố thông tin CSR của các công ty niêm yết tại Việt Nam, Tạp chí Phát triển & Hội nhập, số 46 (56) – Tháng 05-06/2019, trang 68-74
13. VT Trì (2019), Nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Dệt may Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường đại học Kinh tế Quốc Dân.
14. TTH Yến (2016), Nghiên cứu tác động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến kết quả hoạt động tài chính tại các NHTM Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh Tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).
[1] Gồm 2 nguyên tắc: Nguyên tắc 1: Tôn trọng và ủng hộ các quyền con người được quốc tế công bố; Nguyên tắc 2: Cam kết không đồng lõa với việc lạm dụng nhân quyền.
[2] Gồm 4 nguyên tắc: Nguyên tắc 3: Ủng hộ việc tự do thành lập hiệp hội và thừa nhận quyền thương lượng tập thể; Nguyên tắc 4: Loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; Nguyên tắc 5: Thật sự xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em; Nguyên tắc 6: Loại bỏ sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động và việc làm.
[3] Gồm 3 nguyên tắc: Nguyên tắc 7: Phải ủng hộ các phương án phòng ngừa đứng trước các thách thức về môi trường; Nguyên tắc 8: Thực hiện các sáng kiến để nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với môi trường xã hội; Nguyên tắc 9: thúc đẩy phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường.
[4] Nguyên tắc 10: Phải chống lại nạn tham nhũng dưới mọi hình thức kể cả hối lộ và nhận hối lộ.
[5] (1) Quản lý nguồn nguyên liệu; (2) Tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước; (3) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; (4) Chính sách liên quan đến người lao động; (5) Báo cáo liên quan đến trách nhiệm với cộng đồng địa phương; (6) Báo cáo liên quan đến thị trường vốn xanh