Với địa hình gồm nhiều sông suối phân bổ khá đồng đều và hệ thống công trình thủy lợi tương đối hoàn thiện đảm bảo tưới tiêu, huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) có những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tận dụng lợi thế đó, Tràng Định tập trung phát triển các vùng sản xuất giá trị cao, gắn sản xuất với tiêu thụ hình thành nên các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từng bước khẳng định thế mạnh về kinh tế nông nghiệp.
Năm 2023, Tràng Định có 10/21 xã về đích NTM, năm 2024, Huyện đặt mục tiêu
sẽ có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu
Những năm qua, thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, Tràng Định tập trung khai thác lợi thế so sánh để phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương. Bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và ngân sách của địa phương, Huyện còn huy động sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất để đầu tư, tập trung phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đoạn 2021-2025, tính từ năm 2023 đến nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ, huyện Tràng Định đã xây dựng 28 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại 20 xã. Triển khai đầy đủ các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho trên 1.700 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách được tiếp cận vay vốn. Đến nay, Huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt 3/7 dự án gồm: Dự án trồng và chăm sóc cây dược liệu tại xã Đề Thám; dự án chăn nuôi ngựa xã Đội Cấn; dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Đại Đồng; các chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục đấu thầu, cung ứng con giống cho đối tượng thụ hưởng.
Tràng Định đẩy mạnh triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại cộng đồng.
Trong ảnh: Dự án hỗ trợ chăn nuôi ngựa bạch của xã Tri Phương mang lại hiệu quả kinh tế cao
Đến nay, Tràng Định đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, giá trị cao. Năm 2023, diện tích các cây trồng chủ lực của Huyện đạt hơn 10.500 ha, cho doanh thu đạt khoảng trên 300 tỷ đồng. Trong đó, cây thạch đen có diện tích khoảng 2.008 ha, cây quế đạt 6.842 ha và cây hồi đạt 2.361 ha. Riêng đối với cây thạch đen, Huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp khuyến khích, hỗ trợ người dân ở các xã xây dựng được 118 mã số vùng trồng thạch đen, với tổng diện tích 574,92 ha và 10 mã cơ sở đóng gói thạch đen, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản, nâng cao uy tín và đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Tràng Định còn nổi tiếng có cánh đồng Thất Khê, một vựa lúa lớn của tỉnh Lạng Sơn với giống lúa nếp vừa thơm vừa dẻo, ít nơi nào sánh kịp. Thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm gạo chất lượng cao, Huyện đã triển khai thực hiện 04 mô hình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho sản phẩm Lúa Bao Thai tại các xã Kim Đồng, Chí Minh, Đề Thám, Kháng Chiến với tổng diện tích hơn 101 ha; thực hiện cấp 11 giấy chứng nhận VietGAP cho 02 sản phẩm là Gạo Bao Thai và quả quýt. Năm 2023, sản lượng lương thực cây có hạt của Tràng Định đạt 41.388 tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Sản xuất lúa hàng hóa, an toàn và kết hợp với phát triển du lịch tại khu vực Thất Khê
là cách làm bền vững, giúp bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân
Trên cơ sở vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quy hoạch đầu tư theo hướng sản xuất an toàn, Huyện có chủ trương hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông lâm nghiệp. Cụ thể, Huyện hỗ trợ các chủ trì liên kết kinh phí để đầu tư cho bao bì, nhãn mác và hệ thống truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ các hộ tham gia chuỗi phân bón và cây giống. Trong năm 2023, tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị (nguồn từ các chương trình MTQG) của Huyện là trên 7,1 tỷ đồng. Nhờ sự hỗ trợ này, Tràng Định đã hình thành 08 chuỗi liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, đó là các sản phẩm chủ lực và có thế mạnh của Huyện như: 01 chuỗi liên kết sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, gạo đặc sản; 01 chuỗi liên kết sản phẩm cây có múi; 02 chuỗi liên kết sản phẩm gia cầm; 01 chuỗi sản phẩm thạch đen; 02 chuỗi liên kết sản phẩm quế và 02 chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi.
Công tác triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm được quan tâm triển khai đã có nhiều kết quả tích cực; góp phần nâng cao thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn Huyện có 15 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, có 04 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể.
Du khách tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP huyện Tràng Định
Bên cạnh đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tràng Định tiếp tục được triển khai đồng bộ, tích cực và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Năm 2023, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn Huyện đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép về xây dựng NTM được 412 cuộc với 45.824 lượt người tham dự; tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM; tuyên truyền trên 100 tin, bài trên các phương tiện thông tin, đại chúng; tiến hành rà soát một số tiêu chí để làm cơ sở đề xuất với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp thực hiện. Năm 2023, người dân trên địa bàn huyện Tràng Định đã đóng góp khoảng 6 tỷ đồng, hơn 20.000 công lao động và khoảng 180.000 m2 đất tham gia thực hiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa… Đối với những tiêu chí khó, đòi hỏi sự chung sức lớn của người dân, trực tiếp lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trực tiếp xuống từng thôn, từng hộ dân để tuyên truyền, vận động… Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2023, huyện Tràng Định đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới khi có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM (nâng tổng số xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới 10/21 xã) và số tiêu bình quân mỗi xã đạt 13,5 tiêu chí. Những thành công trong thực hiện xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo ra sự phát triển toàn diện của địa phương, nổi bật là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên và bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt.
Người dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây thạch đen – một trong các cây trồng chủ lực, thế mạnh
của huyện Tràng Định
Trong những năm tới, Huyện sẽ đẩy mạnh tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức, trình độ của người nông dân về lợi ích của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuỗi giá trị vào sản xuất; Chủ động liên kết chặt chẽ với các Viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo, các trại thực nghiệm trong khu vực để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ trong quá trình quản lý, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả với điều kiện thực tiễn; Tăng cường mở rộng nhiều kênh hợp tác đối ngoại để xúc tiến thương mạnh, phát triển thị trường.
Song song với đó, ngành Nông nghiệp Tràng Định tiếp tục tham mưu để Huyện tăng cường công tác chuyển giao khoa học công nghệ và khuyến nông, đảm bảo công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Tràng Định đã xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến và xuất khẩu thạch đen.
Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thăm nhà máy sản xuất bột thạch đen xuất khẩu Đức Quý
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp của Tràng Định cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức như thời tiết ngày càng khô hạn, nhiều đợt rét đậm, rét hại bất thường, giá các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, rồi ảnh hưởng tình hình thế giới dẫn tới việc xuất khẩu thạch đen gặp nhiều khó khăn. Song với truyền thống lao động cần cù, chịu khó của người nông dân nơi đây và sự chỉ đạo đúng hướng của các cấp ủy chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp Huyện có cơ sở để vượt qua thách thức, duy trì vị thế là điểm sáng nông nghiệp của toàn tỉnh Lạng Sơn./.
Trịnh Long