Tràng Định: Đẩy mạnh khai thác, phát huy thế mạnh du lịch và thương mại

30/09/2024 - 02:01 PM

Tràng Định không chỉ là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, có nhiều danh lam thắng cảnh mà đây còn là vùng đất cách mạng với nhiều di tích lịch sử được xếp hạng. Huyện có lợi thế về vị trí cửa ngõ giao thương với nước bạn Trung Quốc thông qua cửa khẩu Bình Nghi và cặp chợ biên giới Nà Nưa. Từ những lợi thế này, Tràng Định tập trung các giải pháp để thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho Nhân dân.

Lúa chín trên cánh đồng Thất Khê.  Ảnh Bùi Thuận
 

Tràng Định là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 67km theo đường quốc lộ 4A. Với 3 con sông và 7 con suối có tổng chiều dài 1.020 km được phân bổ khá đồng đều khắp địa bàn huyện tạo cho cảnh quan nơi đây thêm thơ mộng, hữu tình. Tràng Định có vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết, với bầu không khí trong lành mát mẻ quanh năm, cùng nhiều hang động đẹp như hang Bản Bó; hang Cốc Mười, Khu Pác Lùng Ký Làng (xã Tri Phương), đỉnh Khau Hương, cổng trời thôn Lũng Phầy… Ngoài ra, vào mùa lúa chín, cánh đồng Thất Khê, Tri Phương, Quốc Khánh như những bức tranh đầy màu sắc nằm giữa những dãy núi trùng điệp.

Bên cạnh đó, Tràng Định còn là mảnh đất có bề dày văn hóa - lịch sử,  là địa chỉ đỏ của cách mạng với 33 điểm, khu di tích, trong đó có 19 di tích lịch sử, 3 di tích danh lam thắng cảnh, 3 di tích khảo cổ và 8 di tích kiến trúc nghệ thuật. Trong đó, có 3 điểm, khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Huyện có 6 xã được công nhận là xã an toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây là điều kiện rất thuận lợi để huyện phát triển loại hình du lịch về nguồn.

Không chỉ có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử, Tràng Định còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật của các dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao… với nhiều di sản văn hoá đặc sắc như: Hát then, sli, lượn, páo dung, múa sư tử mèo; các làng nghề truyền thống: đan lát, làm hương; làm bánh, làm chổi rơm… Huyện cũng có ngôi chùa Linh Quang có lịch sử hơn 500 năm; có đền Gốc Sung, đền Mẫu và đền Quan Lãnh… thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh. Vào mùa xuân, Tràng Định duy trì được 21 lễ hội truyền thống độc đáo, đặc sắc với kho tàng văn hóa ẩm thực đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc như: Vịt quay mắc mật, khâu nhục, thạch đen, pẻng khua, khẩu sli, bánh khảo… Đây chính là nguồn tài nguyên văn hoá phong phú, giàu tiềm năng phát triển du lịch của Huyện.

Tổ chức các lớp học truyền nghề duy trì và gìn giữ giá trị văn hóa phi vật thể (hát then; sli; lượn; múa chầu) cho đồng bào dân tộc thiểu số

Để phát triển du lịch bền vững, UBND huyện Tràng Định đang triển khai các giải pháp tập trung việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa; tôn tạo một số di tích lịch sử trên địa bàn; chú trọng đầu tư các khu, điểm, lĩnh vực du lịch có lợi thế, khuyến khích thu hút đầu tư cho từng khu, điểm du lịch; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển các dịch vụ, du lịch trước mắt và lâu dài. Theo đó, Tràng Định định hình các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh như: Du lịch văn hóa cộng đồng người Mông (xã Cao Minh), Dao đỏ (xã Vĩnh Tiến); du lịch tham quan, khám phá tìm hiểu tại các hệ thống nhà cổ của huyện; du lịch về nguồn; du lịch sinh thái… Bên cạnh đó, Huyện cũng khuyến khích đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các cơ sở lưu trú, điểm du lịch; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch điểm du lịch Bản Bó (xã Tri Phương); khôi phục các di tích lịch sử, cách mạng, di tích văn hóa như: Khôi phục chùa Linh Quang (xã Hùng Sơn); khôi phục lễ hội đền Trần (thị trấn Thất Khê), di tích làng Kim Lỵ (xã Đội Cấn); di tích Bản Quyền A (xã Hùng Sơn)…

Hiện, Tràng Định đã đưa vào khai thác loại hình du lịch gắn với nông nghiệp như: Du lịch tham quan các vườn cây ăn trái, trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống như làm thạch đen, khẩu sli, nghề làm mây tre, làm hương thắp…Đồng thời, Huyện đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc trưng dưới nhiều hình thức như: Gắn pano, áp phích tuyên truyền; tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm tại các sự kiện văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh… Trong bối cảnh du lịch Lạng Sơn luôn cần những sản phẩm mới lạ, thu hút du khách, phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có được xác định là hướng đi phù hợp, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thu hút khách.

Lễ hội Lồng thồng Bủng Kham với các nghi thức cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, cùng nhiều  tiết mục văn nghệ, trình diễn nghề truyền thống thu hút đông đảo du khách tham quan
 

Huyện cũng tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương quảng bá hình ảnh văn hoá, du lịch huyện, tiêu biêu như: phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam khảo sát và thực hiện các tập phim: “Hương vị tết người Nùng Xứ Lạng”; “Điệu múa Sư tử mèo Xứ Lạng”; “Người Dao đỏ ở thôn Lũng Slàng xã Tri Phương”… Nhờ vậy, các sản phẩm du lịch của Huyện được nhiều du khách biết tới. Tính từ năm 2020 đến nay, du khách đến Tràng Định tăng bình quân 10– 20 nghìn lượt/năm. Riêng năm 2023, toàn huyện đã thu hút 79.000 lượt khách, tăng 59.000 lượt so với năm 2019.

Cùng với thế mạnh du lịch, Tràng Định có đường biên giới dài hơn 51 km tiếp giáp với Trung Quốc (Bằng Tường, Long Châu),  thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hóa, dịch vụ với Trung Quốc. Tràng Định còn có lợi thế về thương mại biên giới với cửa khẩu Nà Nưa và Bình Nghi. Cả 2 cửa khẩu đều đã được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bến, bãi hiện đại, đáp ứng tốt điều kiện kho tàng, bảo quản, bốc xếp, thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu. Cùng với các tuyến quốc lộ quan trọng nối Tràng Định với thành phố Lạng Sơn và các địa phương khác trong vùng đang tạo thuận lợi cho Tràng Định thúc đẩy các hoạt động thương mại - du lịch trên địa bàn Huyện.

Có thể nói, sự phát triển của thương mại và du lịch trong năm qua đã
góp phần quan trọng đưa Huyện đạt và vượt 29/30 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; hoàn thành xuất sắc 11/18 nhiệm vụ được Tỉnh ủy phê duyệt, 7/18 nhiệm vụ hoàn thành tốt, tổng thu ngân sách nhà nước trên 52 tỷ đồng, vượt 13% dự toán tỉnh giao. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục được đảm bảo, các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ kịp thời, đúng đủ quy định.

Trịnh Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top