Trao đổi về năng suất trong hoạt động du lịch

07/10/2020 - 09:28 AM
Trong những năm gần đây, nhóm ngành dịch vụ đang có xu hướng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu Tổng sản phẩm trong nước, đặc biệt phải kể đến đóng góp của hoạt động du lịch. Các nguồn lực được sử dụng trong hoạt động này cũng có xu hướng tăng lên. Việc sử dụng tốt nguồn lực cũng như nâng cao năng suất sử dụng các nguồn lực này đang là vấn đề được quan tâm. Bài viết này đề cập đến cách tiếp cận và các khái niệm liên quan đến năng suất nói chung và trong hoạt động du lịch nói riêng.
 
Khái niệm về năng suất

Được biết đến từ những năm đầu thế kỷ 19, năng suất được hiểu theo hai phạm vi. Theo phạm vi hẹp, năng suất là thước đo hiệu quả sản suất trong phạm vi doanh nghiệp, là sự so sánh theo công thức, là tỷ lệ đơn giản giữa kết quả đầu ra và chi phí đầu vào. Theo phạm vi rộng hơn, năng suất được xem là căn cứ xác định tiến bộ về hiệu quả nền kinh tế ở tầm vĩ mô và là một phạm trù đa chiều, phức tạp (Prokopenko, 1987; Kuepers, 1998; Johnston và Jones, 2004). Năng suất là việc tối ưu hóa sử dụng các yếu tố sản xuất (nguồn lực đầu vào) để thu được nhiều hơn sản phẩm (kết quả đầu ra) với chất lượng tốt hơn. Do đó, tăng năng suất được xem là một phương thức nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng làm việc trong doanh nghiệp. Vì vậy, để có được hiệu quả cao, cần chú trọng tăng tổng số đầu ra và phải tăng nhanh hơn tổng số đầu vào, để ngày càng có nhiều sản phẩm, nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của dân cư, tạo thêm việc làm cho người lao động. Nói cách khác, tăng năng suất không chỉ tăng thêm kết quả sản xuất của một đơn vị đầu vào mà còn phải tăng thêm ngày càng nhiều số đơn vị có mức năng suất cao (Tăng Văn Khiên, 2005).

Hiện nay, có hai loại năng suất chủ yếu được sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh tế.

Một là, năng suất một yếu tố (Partial Factor Productivity - PFP), được đo bằng tỷ lệ giữa kết quả đầu ra so với một chi phí đầu vào duy nhất (lao động hoặc vốn). Trong đó thước đo phổ biến nhất là năng suất lao động (Labour Productivity - LP) (Sharpe, 2000b; Baldwin, Maynard, Tanguay, Wong và Yan, 2005). OECD (2001) cho rằng năng suất lao động là số đơn vị đầu ra trên một đơn vị đầu vào lao động. Đầu vào của lao động có thể được đo bằng số giờ lao động, số ngày lao động, số người lao động hoặc tiền lương trên một giờ lao động. Năng suất lao động có thể đo ở các cấp độ quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, ngành hoặc toàn nền kinh tế.

Hai là, năng suất tổng hợp các yếu tố (Multi-factor Productivity - MFP). Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (Bureau of Labor Statistics - BLS) định nghĩa MFP là thước đo sự thay đổi kết quả đầu ra trên một đơn vị đầu vào kết hợp như vốn, lao động, năng lượng, vật liệu... cụ thể MFP bao gồm:

+ Năng suất tổng hợp các yếu tố KLEMS (trong đó K là vốn - capital, L là lao động - labour, E là năng lượng – energy, M là nguyên vật liệu - material và S là dịch vụ - service) là chỉ tiêu đo năng suất với đầu ra là tổng giá trị sản xuất, đầu vào là vốn, lao động và các đầu vào trung gian khác như năng lượng, nguyên vật liệu, dịch vụ.

+ Năng suất nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity - TFP) là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lí hóa sản xuất, cải tiến quản lí, nâng cao trình độ lao động (Diewert và Nakamura, 2002). Ví dụ: trong hàm sản xuất Cobb-Douglas, Y=AKβLα, A là TFP, chính là tiến bộ về hiệu quả kinh tế do cải tiến công nghệ, phương pháp quản lý, điều hành... Điều đó có nghĩa là TFP là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất nhờ vào tác động của yếu tố vô hình tham gia vào quá trình sản xuất, cùng các yếu tố hữu hình (vốn, lao động hoặc tài nguyên thiên nhiên,…). Có thể thấy rằng, TFP phản ánh chiều sâu quá trình tăng trưởng (thông qua tốc độ tăng TFP). Tốc độ tăng TFP được tính thông qua tốc độ tăng của GDP, vốn và lao động. Ở góc độ một ngành hay trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tăng trưởng dựa vào tăng năng suất các nhân tố tổng hợp mới đảm bảo sự ổn định và bền vững, có tính cạnh tranh, tạo tiền đề để mở rộng sản xuất và góp phần cải thiện đời sống của người lao động (Tăng Văn Khiên, 2005).

Đặc điểm về năng suất trong nhóm ngành dịch vụ

Thời gian đầu, năng suất chủ yếu được quan tâm trong lĩnh vực sản xuất. Khi nhóm ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, năng suất trong nhóm ngành này đã được tập trung nghiên cứu nhiều hơn. Tuy nhiên, việc xác định năng suất trong nhóm ngành dịch vụ gặp một số khó khăn so với nhóm ngành sản xuất do:

Một là, đặc điểm của sản phẩm dịch vụ. Khác với hàng hoá là những sản phẩm hữu hình, dễ cân, đong, đo
đếm, sản phẩm dịch vụ mang tính vô hình, khó lượng hoá. Sản phẩm dịch vụ có đặc điểm được tạo ra và tiêu dùng đồng thời, không lưu kho và thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Điều đó tạo nên sự phức tạp của việc xác định năng suất trong các ngành dịch vụ.

Hai là, xác định các yếu tố đầu vào và đầu ra. Các yếu tố đầu vào như vật liệu, máy móc và năng lượng trong lĩnh vực dịch vụ lại không quan trọng như trong lĩnh vực sản xuất. Đối với các ngành dịch vụ, yếu tố được đánh giá quan trọng nhất chính là con người, bao gồm cả nhân viên và khách hàng. Nếu như nhân viên là đại diện cho yếu tố đầu vào thì đầu ra của doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào đánh giá của khách hàng.

Cách xác định năng suất trong nhóm ngành dịch vụ

Kết quả đầu ra của ngành dịch vụ thường ít quan tâm đến khía cạnh số lượng mà chú trọng vào nỗ lực cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng, làm cho khách hàng hài lòng hơn. Vì lý do này, năng suất dịch vụ có thể được định nghĩa là khả năng của một tổ chức dịch vụ sử dụng đầu vào của mình để cung cấp dịch vụ với chất lượng phù hợp đáp ứng mong đợi của khách hàng (Järvinen, Lehtinen và Vuorinen, 1998). Do đó, nghiên cứu này cho rằng năng suất của ngành dịch vụ là tỷ lệ giữa số lượng và chất lượng đầu ra so với số lượng và chất lượng đầu vào.
 


 
Tiếp cận theo một cách khác, Johnston và Jones (2004) nêu ra cách xác định năng suất trong các tổ chức dịch vụ bằng cách phân biệt giữa năng suất hoạt động và năng suất của khách hàng. Năng suất hoạt động được tính là tỷ lệ đầu ra so với đầu vào theo thời gian, trong đó đầu vào là nguyên vật liệu, chi phí nhân viên và các chi phí khác; đầu ra bao gồm dịch vụ, doanh thu và sự hài lòng của khách hàng. Năng suất của khách hàng được coi là một tỷ lệ bao gồm đầu vào như nỗ lực và chi phí, cho đầu ra như sự hài lòng, kinh nghiệm và giá trị của khách hàng. Cách tiếp cận này cung cấp những hiểu biết quan trọng về năng suất trong hoạt động dịch vụ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu Grönroos và Ojasalo (2004) cho rằng năng suất dịch vụ là một hàm của các yếu tố hiệu quả: (1) làm thế nào để các nguồn lực được đưa vào quy trình dịch vụ (sản xuất) một cách hiệu quả và được chuyển đổi thành đầu ra dưới dạng dịch vụ (hiệu quả nội bộ), (2) làm sao để chất lượng của quy trình dịch vụ và kết quả của nó được cảm nhận tốt nhất (hiệu quả bên ngoài) và (3) năng lực của quy trình dịch vụ được sử dụng hiệu quả (hiệu quả năng lực) như thế nào. Từ đó, nghiên cứu đưa ra hàm xác định năng suất là:



Năng suất trong hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch là một phần rất quan trọng của ngành dịch vụ. Từ những năm 1950, tăng trưởng của du lịch quốc tế đã vượt quá tăng trưởng của GDP thế giới. Chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ du lịch bằng khoảng 8% tổng doanh thu xuất khẩu và 5% GDP thế giới, khiến du lịch quốc tế trở thành một trong những hoạt động có thể giao dịch quan trọng nhất (Lanza và Pigliaru, 2000). Du lịch không chỉ là động lực quan trọng của toàn cầu hóa, nó còn là một trong những nhà tuyển dụng lớn của nền kinh tế. Du lịch ở các nước OECD đóng góp từ 2 đến 12% GDP, cung cấp 3 đến 11% việc làm và trung bình khoảng 30% xuất khẩu dịch vụ. Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế trung bình giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7%, số lượt khách quốc tế đạt 18 triệu lượt năm 2019; du lịch nội địa lên đến 85 triệu lượt năm 2019, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc phát triển các hoạt động du lịch còn có tác động lan toả, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác có liên quan như nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ.
Việc đo lường chính xác năng suất là rất quan trọng để quản lý và giám sát các hoạt động du lịch. Tuy vậy, cũng giống như những ngành dịch vụ khác, việc tính toán năng suất trong hoạt động du lịch cũng gặp khó khăn hơn so với ngành sản xuất nói chung vì đặc tính sản phẩm dịch vụ cũng như cách xác định chi phí đầu vào và kết quả đầu ra. Trên thế giới hiện nay, phần lớn các quốc gia mới chỉ tính năng suất cho các hoạt động du lịch đơn lẻ như năng suất lao động trong các cơ sở lưu trú,... Như vậy năng suất trong hoạt động du lịch nói chung ở Việt Nam chưa được tính toán một cách cụ thể. Nguyên nhân chính là nguồn dữ liệu thống kê du lịch ở Việt Nam còn rất hạn chế. Trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện nay, có 6 chỉ tiêu (từ 1703 đến 1708) có liên quan trực tiếp đến hoạt động du lịch bao gồm: doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành, số lượt người nước ngoài đến Việt Nam, số lượt người Việt Nam ra nước ngoài, số lượt khách du lịch nội địa, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam và chi tiêu của khách du lịch nội địa. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu thống kê du lịch có bổ sung thêm số hướng dẫn viên, số cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành. Bên cạnh đó, với đặc điểm của ngành du lịch mang tính thời vụ, việc xác định số lao động trong hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, hiện nay chỉ dừng lại ở việc xác định số việc làm do hoạt động du lịch tạo ra.

Những khó khăn trong việc đo lường năng suất trong hoạt động du lịch

Bên cạnh những khó khăn tương tự như các ngành hoạt động khác trong nhóm ngành dịch vụ, việc xác định năng suất trong hoạt động du lịch còn gặp phải những vấn đề riêng do đặc thù của lĩnh vực này. Cụ thể, ở Việt Nam hiện nay, việc tính năng suất lao động trong hoạt động du lịch gặp phải những vấn đề sau:

Thứ nhất, dữ liệu về yếu tố đầu vào khó xác định. Mặc dù theo công thức tính, có thể sử dụng lao động và
vốn làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp du lịch, tuy nhiên như đã đề cập ở trên, việc xác định số lao động trong hoạt động dịch vụ du lịch là không dễ dàng do đặc thù của lao động trong hoạt động du lịch mang tính thời vụ cao, khó có thể xác định người lao động đó có phải làm việc cho một cơ sở du lịch hay không.

Thứ hai, khó xác định doanh thu du lịch xã hội. Du lịch là sự kết hợp của nhiều loại hình dịch vụ khác nhau như: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống... thành một sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh. Chính vì vậy, có thể thống kê doanh thu của các doanh nghiệp du lịch đơn lẻ nhưng lại gặp phải vấn đề tính trùng lớn giữa các doanh nghiệp khi tính tổng doanh thu du lịch xã hội. Hiện nay, do chưa có sự đồng nhất về phương pháp xác định chỉ tiêu này giữa các quốc gia trên thế giới nên năng suất lao động trong hoạt động du lịch Việt Nam còn gặp khó khăn trong so sánh quốc tế.

Thứ ba, sản phẩm du lịch không đồng nhất giữa các lần cung ứng do chất lượng dịch vụ cấu thành phụ thuộc vào tâm lý, trạng thái tình cảm của cả người phục vụ lẫn người cảm nhận. Năng suất trong nhóm ngành dịch vụ nói chung và trong hoạt động du lịch nói riêng coi đánh giá của khách hàng (khách du lịch) là một trong những yếu tố đánh giá kết quả đầu ra tốt. Từ đó, việc đánh giá phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ngay sau khi khách hàng sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp du lịch. Tuy vậy, công việc này rất khó khăn, đòi hỏi thời gian và sự phối hợp của khách hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Thứ tư, các công cụ đo lường năng suất khác nhau có thể mang lại kết quả khác nhau khiến việc so sánh
giữa năng suất giữa hoạt động du lịch của các quốc gia trở nên khó khăn (Peypoch & Solonandrasana, 2006). Mỗi một phương pháp đều đóng góp vào việc đo lường năng suất du lịch, nhưng cần phải được thống nhất trong việc tính toán nhằm mục đích cuối cùng là có thể đo lường và so sánh được về năng suất trong hoạt động du lịch.

Kết luận

Trong những năm gần đây, thứ hạng về “Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch” của Việt Nam hàng năm đều tăng trên bảng xếp hạng của thế giới. Chính phủ Việt Nam coi ngành Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn bởi lợi thế về vị trí địa lý cũng như tiềm năng du lịch của Việt Nam. Do đó, để đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển cho ngành du lịch Việt Nam, việc tính toán, phân tích một số chỉ tiêu kết quả và hiệu quả của hoạt động du lịch, trong đó có chỉ tiêu năng suất là thật sự cần thiết. Đây là một vấn đề khó đo lường và định lượng, cần có sự chung tay của các cấp Bộ, ngành và các nhà nghiên cứu để có thể lựa chọn được phương pháp phù hợp cũng như khả thi về việc thu thập số liệu tại Việt Nam./.

 
ThS. Nguyễn Huyền Trang
Đại học Kinh tế quốc dân

Danh mục tài liệu tham khảo
  1. Brien, A. (2018),“The tourism productivity challenge: Are we measuring the right factors and is productivity growth unlimited?”, Conference: EUROCHRIE 2018 at Ireland
  2. Brown, J. and Dev, C. (2000), “Improving productivity in a service business: evidence from the hotel industry”, Jour-nal of Service Research, Vol. 2 No. 4, pp. 339-54.
  3. Gronroos, C. and Ojasalo, K. (2004), “Service productivity towards a conceptualization of the transformation of inputs into economic results in services”, Christian Journal of Business Research, Vol. 57 No. 2, pp. 414-23.
  4. Gummesson, E. (1998), “Productivity, quality and relationship marketing in service operations”, International Jour- nal of Contemporary Hospitality Management, Vol. 10 No. 1, pp. 4-15.
  5. Kilic, H. and Okumus, F. (2005), “Factors influencing productivity in small island hotels: Evidence from Northern Cyprus”, International Journal of Contemporary Hospitality management, 17 (4), 315 - 331.
  6. Li,X and Prescott, D (2009), “Measuring Productivity in the Service Sector”, University of Guelph
  7. Johnston, R. and Jones, P. (2004), “Service productivity: towards understanding the relationship between opera- tional and customer productivity”, International Journal of Productivity and Performance Measurement, Vol. 53 No. 3, pp. 201-13.
  8. OECD Productivity Manual (2001a)
  9. Tăng Văn Khiên (2005), “Tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp- phương pháp tính và ứng dụng”, Nhà xuất bản Thống kê.
  10. Tổng cục Du lịch, http://www.vietnamtourism.gov.vn/
  11. Tổng cục Thống kê, Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, https://www.gso.gov.vn/danhmuc/HTCT_QG.aspx
  12. White, S. (2016), “The productivity of tourism industries: 2015”, Office for National Statistics

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top