Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

18/07/2023 - 02:10 PM
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022, đã cho thấy sự quyết tâm và những mục tiêu mới trong xây dựng Nông thôn mới nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi đối tượng, tầng lớp người dân. Đi sâu vào chất lượng, thực chất hơn, bảo đảm đúng như thông điệp của Chương trình là có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc.
 
Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 – Những mục tiêu và Dấu ấn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

 
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Huy động toàn bộ người dân tham gia Chương trình MTQG xây dựng NTM tại các địa phương  
 
Bên cạnh đó, Chương trình phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Chương trình MTQG xây dựng NTM hướng tới mục tiêu cả nước có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; phấn đấu 60% số thôn, bản, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định.

Với những mục tiêu và quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình, theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương, sau 2 năm triển khai thực hiện, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo; thu nhập của người dân được nâng lên; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng – xanh - sạch -đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định.

Theo đánh giá chung, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, sau hai năm triển khai tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 6.001/8.211 xã (chiếm 73,08%) đạt chuẩn NTM (tăng 4,4 điểm phần trăm so với cuối năm 2021). Số xã dưới 10 tiêu chí của cả nước còn 624 xã (chiếm 7,6%), trong đó 72,7% tập trung ở vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đây là nhóm xã cần thúc đẩy mạnh trong những năm tới để phấn đấu đạt mục tiêu cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí NTM vào năm 2025. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 42 đơn vị so với cuối năm 2021 (chiếm 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đạt được những kết quả bước đầu ở trên là do trong quá trình triển khai Chương trình, một số vấn đề trọng tâm của Chương trình luôn được các cấp từ Trung ương đến cơ sở đặc biệt quan tâm và triển khai hiệu quả, cụ thể:

Tiếp tục có sự hoàn thiện các văn bản bao gồm nghị quyết, quyết định, thông tư, hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất để các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện. Đồng thời có hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, chặt chẽ để các địa phương, cơ sở có căn cứ triển khai đảm bảo đúng quy định và thời hạn.
Bình dương dẩy mạnh xây dựng NTM gắn với Đô thị hóa

Bên cạnh đó, theo tính toán, nguồn vốn (bao gồm vốn đầu tư và cả vốn sự nghiệp) sẽ không đủ để đạt được mục tiêu một chương trình vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hóa, xã hội nông thôn. Cùng với đó, Chương trình còn chú trọng hình thành các không gian, thiết chế cộng đồng dân cư nông thôn, gắn với không gian sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao năng lực và chất lượng sống cư dân nông thôn. Do vậy, ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương có sự lồng ghép với nguồn vốn địa phương, kêu gọi vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương. Chính từ thực tế đó trong giai đoạn 2021-2023, nhiều địa phương đã về đích trước thời hạn nhờ huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và sự tham gia của người dân.

Ngoài ra, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được thiết kế không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng, mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua nhưng sẽ bảo đảm NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bình đẳng giới…

Trong quá trình triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương đã được quán triệt để không rơi vào tình trạng “rập khuôn” giống nhau ở các địa phương. Hình ảnh xây dựng nông thôn mới đã từng bước dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn. Nông thôn có đặc thù là không gian mở, con người gần gũi với con người, con người gần gũi với thiên nhiên, đan xen giữa công trình và mảng xanh, tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị.
NTM Sóc Sơn Hà Nội (Quy hoạch gắn với ĐTH)

Việc tổ chức lại sản xuất được xem là yếu tố quyết định tăng thu nhập nông dân, tổ chức lại sản xuất trên nền tảng tổ chức lại xã hội nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề. Phát triển kinh tế nông thôn là điều kiện để tạo ra cơ hội việc làm ở nông thôn theo phương châm “ly nông, bất ly hương”.

Một số địa phương có lợi thế trong phát triển du lịch đã tăng cường phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút người đô thị về với nông thôn, về với nông dân. Thông qua hình thức giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Du lịch nông nghiệp, nông thôn còn là cách kích hoạt sự thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh.

Chương trình trong giai đoạn mới cũng bao gồm nhiều tiêu chí, bên cạnh các tiêu chí NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, các địa phương đã có thêm sáng kiến kết hợp xây dựng làng thông minh, làng hạnh phúc, làng văn hoá du lịch… Đây là điểm mới tích cực cần tiếp tục phát huy và nhân rộng...

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình năm 2023 và đến hết năm 2025

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2023 và đến hết năm 2025 theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, hiệu quả và bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội, Chính phủ giao, một số giải pháp được đề xuất, bao gồm:

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình. Các địa phương khẩn trương hoàn thành ban hành các văn bản cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, nhất là quy định các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp; chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và bền vững.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc… Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình.

Chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 06 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong xây dựng NTM. Gắn chặt việc thực hiện các nội dung xây dựng NTM với các chủ trương, định hướng của Đảng liên quan đến đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể.

Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ thực hiện 06 chương trình chuyên đề; đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các vùng, miền. Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM được Quốc hội phê duyệt, nhất là mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội./.
T.Hoa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top