Triển khai chỉ tiêu 6.5 về thu nhập của huyện nông thôn mới đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

18/11/2024 - 08:59 AM
Ngày 01 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg về việc sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025. Điểm mới nhất trong Quyết định này chính là việc quy định bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025.
 
Tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện được quy định tại Điều 2 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Cụ thể như sau:
 
Thứ nhất, quy mô dân số: (i) Huyện miền núi, vùng cao từ 80.000 người trở lên; (ii) Huyện không thuộc miền núi, vùng cao từ 120.000 người trở lên.
 
Thứ hai, diện tích tự nhiên: (i) Huyện miền núi, vùng cao từ 850 km2  trở lên; (ii) Huyện không thuộc miền núi, vùng cao từ 450 km2 trở lên.
 
Thứ ba, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 16 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 01 thị trấn.
 
Đến ngày 01 tháng 5 năm 2024, Việt Nam có 705 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: 01 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, 84 thành phố thuộc tỉnh (trong đó có 01 thành phố đảo), 51 thị xã, 46 quận và 523 huyện (trong đó có 11 huyện đảo). Một số huyện không phân chia thành các đơn vị hành chính cấp xã, gồm các huyện đảo: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) [1]. Có thể thấy, 5 huyện đảo không phân chia đơn vị hành chính cấp xã là trường hợp đặc biệt, đòi hỏi cần có bộ tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù phù hợp đáp ứng yêu cầu của các địa phương tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 
Bên cạnh tiêu chí Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt từ 90% trở lên, Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định bộ tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm 11 tiêu chí: Quy hoạch, Giao thông, Thủy lợi và phòng, chống thiên tai, Điện, Y tế-Văn hóa - Giáo dục, Kinh tế - Xã hội, Môi trường, Chất lượng môi trường sống, Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công. Trong đó, chỉ tiêu 6.5. Thu nhập bình quân đầu người của huyện tại thời điểm xét, công nhận huyện nông thôn mới ít nhất phải bằng mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới trên địa bàn cấp tỉnh tại cùng thời điểm thuộc tiêu chí 6 (Kinh tế - Xã hội) là một chỉ tiêu phức tạp, cần phải có hướng dẫn phù hợp với đặc thù thực tế của địa phương.
 
Thực hiện Quyết định số 211/QĐ-TTg, Tổng cục Thống kê (Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường) đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn triển khai chỉ tiêu 6.5 về thu nhập của huyện nông thôn mới đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Hướng dẫn đã được ban hành tại Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT ngày 07/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc công bố các chỉ tiêu về Hợp tác xã, Tổ hợp tác và Khu công nghiệp và ban hành quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán tiêu chí về thu nhập thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, việc thực hiện chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người của huyện đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã triển khai như sau:
 
Các địa phương tiến hành khảo sát để tổng hợp tiêu chí thu nhập bình quân đầu người theo mẫu Phiếu thu thập thông tin tại phần B, Phụ lục 2 của Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT. Tuy nhiên, do đặc thù của đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã với quy mô dân số rất nhỏ, trong quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán tiêu chí thu nhập cần lưu ý một số điểm sau:
 
Một là, về chọn mẫu khảo sát
 
+ Đối với các huyện có quy mô dưới 100 hộ hoặc có đủ kinh phí: Tiến hành khảo sát toàn bộ các hộ trong huyện;
 
+ Đối với các huyện có quy mô từ 100 hộ đến 300 hộ: Tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên 50% số hộ để thực hiện khảo sát.
 
+ Đối với các huyện có quy mô trên 300 hộ: Tiến hành chọn mẫu khảo sát theo hướng dẫn tại Mục 4.1 Phụ lục 2 của Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT, bỏ qua Bước 2 Mục 4.1.1 và Bước 2 Mục 4.1.2.
 
Hai là, về tổng hợp và tính thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện và báo cáo kết quả:
 
Tổng hợp tổng thu nhập của các hộ khảo sát trong huyện tương tự Biểu số: 01.N/NTM, Phần C của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT. Thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn huyện được tính bằng cách cộng tổng thu nhập của toàn bộ các hộ khảo sát chia cho tổng số nhân khẩu thực tế thường trú của hộ khảo sát.
 
Ba là, về kiểm tra, xác nhận tính chính xác của số liệu thu thập, tổng hợp
 
Nội dung xác nhận tính chính xác của số liệu thu thập và tổng hợp bao gồm kiểm tra, rà soát toàn bộ thông tin và biểu mẫu báo cáo quy định tại Phần A, B và C của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT. Trình tự kiểm tra theo các bước sau:
 
Bước 1: Kiểm tra quy trình chọn mẫu của huyện.
 
(1) Căn cứ vào số hộ và nhân khẩu thực tế thường trú tại Biểu số 01 Phần A và công thức xác định cỡ mẫu ở Mục 2.1.2 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT.
 
(2) Kiểm tra danh sách hộ mẫu của huyện ở Biểu số: 04.HM/NTM Phần A của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT. Căn cứ vào khoảng cách k được xác định tại Bước 1, Mục 4.1.3 và Bảng kê hộ của huyện (Biểu số: 01.BK/NTM tại Phần A của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT).
 
Bước 2: Kiểm tra số liệu thu thập theo Phần B của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT (lấy ngẫu nhiên từ 5% đến 10% Phiếu thu thập thông tin) với các nội dung sau:
 
(1) Số liệu thu thập đầy đủ bao gồm đầy đủ cả về thông tin người thu thập và nội dung các thông tin ở từng mục;
 
(2) Thông tin thu thập theo đúng hướng dẫn trong Phần B của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT, đầy đủ về nội dung và đảm bảo tính logic giữa các thông tin;
 
(3) Thông tin được xử lý (nhập tin) cẩn thận phục vụ cho tính toán và suy rộng cho toàn huyện.
 
Bước 3: Kiểm tra kết quả tổng hợp, tính toán thu nhập bình quân đầu người của hộ khảo sát tại biểu số 01.N/NTM quy định tại Phần C của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT, nội dung kiểm tra gồm:
 
(1) Tính đầy đủ của các chỉ tiêu và xác nhận của các bên liên quan ở từng biểu đảm bảo tính pháp lý;
 
(2) Rà soát thông tin về chủ hộ và số nhân khẩu thực tế thường trú ở Biểu số: 01.N/NTM của Phần C với thông tin ở Biểu số: 04.HM/NTM Phần A của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1099/QĐ-BKHĐT;
 
(3) Thông tin ở biểu 01.N/NTM tại Phần C của Phụ lục được tổng hợp đúng từ kết quả thu thập; kết quả tính toán chính xác và đúng quy định.
 
Sau khi kiểm tra, rà soát các nội dung theo các bước trên, nếu kết quả đảm bảo đầy đủ các yêu cầu quy định từ bước 1 đến bước 3 thì Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản công nhận kết quả và gửi Văn phòng điều phối Nông thôn mới cấp tỉnh. Thời gian trước ngày 20 tháng 9 năm báo cáo.
 
Như vậy, so với quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán tiêu chí về thu nhập thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, hướng dẫn triển khai chỉ tiêu 6.5 về thu nhập của huyện nông thôn mới đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã về cơ bản đã kế thừa các bước thực hiện trong quy trình từ giai đoạn chọn mẫu đến giai đoạn kiểm tra, xác nhận kết quả thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, do quy mô hộ và dân số đặc thù của các huyện này, quy tắc chọn mẫu đã thay đổi theo hướng phù hợp, đảm bảo tính đại diện, quá trình tổng hợp và tính thu nhập bình quân cấp huyện cũng như việc kiểm tra, xác nhận kết quả cũng được rút gọn hơn, nội dung đảm bảo tính chính xác, khách quan và khả thi trong công tác triển khai thực hiện./.

 

 
Ths. Phạm Thị Hạnh, Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường, TCTK
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top