Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Những tín hiệu tốt từ thị trường trong nước và thế giới cùng uy tín và thương hiệu hàng hóa Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường thế giới, góp phần củng cố để xuất khẩu tiếp tục bứt tốc thành công, đạt mục tiêu trong những tháng còn lại của năm 2024.
Từ khóa: Xuất khẩu, tăng trưởng, hàng hóa, cung ứng, doanh nghiệp, xuất siêu…
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và đứng trước thời cơ
Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục khẳng định vai trò động lực tăng trưởng kinh tế khi là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2024. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,87 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 26,05 tỷ USD, tăng 5,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Bảy ước tính tăng 19,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 25,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 16,7%. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của khối ngoại thương. Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2024, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD đạt mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2023; đồng thời đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi. Điển hình như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 39,86 tỷ USD, tăng 30%; điện thoại và linh kiện đạt 32,44 tỷ USD, tăng 12,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 27,65 tỷ USD, tăng 19%; giày dép đạt 12,81 tỷ USD, tăng 10,1%; dệt may tuy chỉ tăng trưởng 4,2% nhưng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 19,87 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; hạt tiêu tăng 46,3%; chè tăng 34,8%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 31,5%; cà phê tăng 30,9%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 30,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 30%...
Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2024 đạt trên 880 triệu USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng qua, đồng thời là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; như vậy, Việt Nam xuất siêu khoảng 2,6 tỷ USD mặt hàng này.
Không chỉ đạt được thành tựu tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cả về lượng và giá trị, nhiều ngành hàng còn ghi nhận những tín hiệu tích cực từ các thị trường đối tác trong thời gian tới. Đối tác xuất khẩu của Việt Nam hiện nay khá đa dạng, nhưng các thị trường chủ lực vẫn là: Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản... Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận kết quả khả quan với mức tăng trưởng đạt 2 con số, trong khi hầu hết các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đều có mức tăng trưởng thấp hoặc dưới 0%. 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24% (chiếm 29,12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Dự kiến, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc trên 100 tỷ USD và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Trong 7 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 57,5 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,1 tỷ USD, giảm 14%. Tuy nhiên, nhập siêu từ một số nước và khu vực cao, như: Trung Quốc 45,8 tỷ USD, tăng 65,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,7 tỷ USD, tăng 15,7%; nhập siêu từ ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 21%.
Thị trường xuất khẩu lớn dần phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái, nhu cầu hàng hóa tăng khiến cho các đơn hàng quay trở lại với doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý III và đang đàm phán cho quý IV/2024. Đây cũng là quý cao điểm sản xuất đơn hàng phục vụ thị trường mùa Giáng sinh và Tết dương lịch 2025. Đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị cho việc đàm phán đơn hàng năm 2025.
Uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường giao dịch hàng hóa quốc tế. Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những thành tựu vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam, nhất là về thương mại, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước. Đến nay, đã có 73 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có cả các nền kinh tế lớn như: Trung Quốc (2004); Nga và các thành viên ASEAN (2007); Úc, New Zealand (2008); Ấn Độ, Hàn Quốc (2009); Nhật Bản (2011); các thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA như Na Uy, Thụy Sĩ (2012); Canada (2016) và Vương quốc Anh (2023)... Trong tháng 8/2024, Costa Rica, thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD - tổ chức gồm 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới) đã trao công hàm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Điều này phản ánh đúng thực tế về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, sự hỗ trợ nhiệt tình của Thương vụ Việt Nam tại các nước, cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt ngày càng khai thác hiệu quả hơn các Hiệp định thương mại tự do, qua đó giúp thương mại hàng hóa tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao.
Tháo gỡ khó khăn, tăng cường giải pháp hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu bứt tốc
Với tín hiệu đáng mừng của xuất khẩu hàng hóa trong những tháng qua, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 của Việt Nam sẽ thiết lập mốc kỷ lục 380 tỷ USD, thậm chí có thể đạt mức cao hơn con số kỳ vọng trên. Đặc biệt là những tháng cuối năm, thị trường thế giới thường trở nên sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa tăng cao phục vụ các dịp lễ lớn.
Tuy nhiên, con đường thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam không phải lúc nào cũng trải “thảm đỏ”, doanh nghiệp Việt phải đối diện với nhiều khó khăn hiện hữu và nhiều vấn đề phát sinh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cụ thể, thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong các vấn đề về đầu tư phát triển bền vững (ESG); các vấn đề về logistics như: Cước vận tải biển tăng cao, tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng; phòng vệ thương mại trước xu thế bảo hộ… gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, bất chấp nhiều nỗ lực, Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng“giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá. Điều này sẽ duy trì bất lợi với doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trước những khó khăn, thách thức, tồn tại, Chính phủ, cơ quan chức năng và doanh nghiệp vẫn luôn nỗ lực tìm cách tháo gỡ, tạo thuận lợi cho xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng thời cơ để tăng cường xuất khẩu như: Công điện 13/ CĐ-TTg ngày 06/02/2024 về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 02/03/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới; Công điện 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 về việc “Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu”...
Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến các Hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu; các Hiệp hội lĩnh vực logistics; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam... về các giải pháp tháo gỡ khó khăn hoạt động logistics. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, phân tích các lập luận trong báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ nhằm bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, cảnh báo sớm phòng vệ thương mại, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Cả trong ngắn hạn và lâu dài, doanh nghiệp cần chủ động linh hoạt, tận dụng tối đa ưu đãi của các Hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã tham gia để mở rộng thị phần, tăng cường xuất khẩu với các quốc gia thành viên FTA, nhất là với các quốc gia là thị trường chủ lực, thị trường lớn, tiềm năng.
Một số giải pháp trọng tâm giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và khai mở các thị trường mới tiềm năng, trong thời gian tới được đề xuất gồm: (1) Nắm bắt khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, kịp thời giải quyết, tháo gỡ. (2) Chủ động đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi ích của Thuế tối thiểu toàn cầu nhằm duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó củng cố năng lực xuất khẩu bền vững. (3) Nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước; nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng. (4) Tăng cường xúc tiến thương mại. (5) Tận dụng, phát huy vai trò kết nối, truyền tải thông tin của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; (6) Liên kết chặt chẽ giữa các ngành hàng, Hiệp hội, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, Hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn khi có vấn đề phát sinh. (7) Tăng cường cảnh báo sớm phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội các thông tin mới của thị trường. (8) Khuyến khích doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch; đảm bảo tốc độ thông quan tại các cửa khẩu biên giới. (9) Triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử; Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục đề nghị cấp C/O; Kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với thông tin xuất xứ...
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp; khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại các thị trường trọng điểm nói riêng và các thị trường khác nói chung./.
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê;
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tận dụng hiệu quả các FTA, Bộ Công Thương.
TS. Đỗ Ngọc Trâm
Học viện Ngân hàng