Tháng 11/2002 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc khi hai bên cùng nhau ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện, tiền thân của Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Đây cũng chính là hiệp định được ký sớm nhất trong số 16 Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc đã ký. Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện đã đặt nền móng để 2 bên tiếp tục đàm phán và ký kết nhiều hiệp định khác như: Hiệp định về Thương mại Hàng hóa - TIG (có hiệu lực từ tháng 7/2005); Hiệp định về Thương mại Dịch vụ - TIS (có hiệu lực từ tháng 7/2007); Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010).
Năm 2009, quan hệ hợp tác trên tiếp tục đi vào chiều sâu với sự thành lập của Trung tâm ASEAN - Trung Quốc tại Bắc Kinh và chính thức đi vào hoạt động năm 2011, nhằm mục đích cung cấp thông tin và tổ chức các hoạt động giúp gia tăng hợp tác ASEAN - Trung Quốc về thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, văn hóa, thông tin và truyền thông cùng với sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.
Để quan hệ hợp tác giữa các bên có bước tiến xa hơn, vào tháng 11/2005, Chính phủ 10 nước khu vực ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung và các Hiệp định liên quan, có hiệu lực từ tháng 5/2016, trong đó có nhiều nội dung cam kết mới về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được nâng cấp, tạo thuận lợi thương mại và nâng cao khả năng tận dụng ACFTA.
Đến năm 2018, Trung Quốc và các nước ASEAN tiếp tục "bắt tay” thúc đẩy thương mại tự do giữa 2 bên, công bố “Tầm nhìn đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030”, đưa ra một kế hoạch chi tiết đầy hứa hẹn cho quan hệ hợp tác giữa hai bên cho các năm tiếp theo. Đồng thời, cũng đặt ra các mục tiêu ngắn hạn về tổng kim ngạch thương mại 2 chiều.
Đặc biệt, quan hệ hợp tác thương mại Trung Quốc và ASEAN bước vào một giai đoạn phát triển toàn diện hơn với hàng loạt các sự kiện diễn ra vào năm 2019 vừa qua. Cụ thể là từ đầu năm, các bên đã triển khai toàn diện “Nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc”, giúp khu vực thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) trở thành khu vực mậu dịch tự do đầu tiên đạt được sự nâng cấp hợp tác kinh tế toàn diện. Tiếp sau đó là sáng kiến “Vành đai và con đường” đã đạt được thỏa thuận với “Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN-Trung Quốc 2025”, nhằm thúc đẩy kết nối đất liền, hàng hải, internet giữa hai bên. Nhờ đó đến nay Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các khu kinh tế ở một số nước như: Khu Công nghiệp Long Giang (Việt Nam), Đặc khu kinh tế Sihanoukville (Campuchia), Khu Công nghiệp Rayong (Thái Lan). Thêm vào đó, tại cuộc họp lần thứ 9 của Hội đồng chung của Trung tâm ASEAN - Trung Quốc (ACC) diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, Chương trình công tác năm 2020 được thông qua với nhiều dự án trọng điểm trong 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, các nước nhấn mạnh sẽ tập trung hỗ trợ việc hiện thực hoá các quyết định của các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc như Tuyên bố Tầm nhìn năm 2030 về quan hệ đối tác chiến lược, Tuyên bố về hợp tác giữa các thành phố thông minh, Tuyên bố Cấp cao ASEAN+3 về kết nối…
Với nỗ lực đẩy mạnh quan hệ hợp tác của cả 2 bên trong những năm qua, khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đã trở thành khu vực thương mại tự do lớn thứ 3 trên thế giới, sau Khu vực mậu dịch tự do EU, Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (Mỹ-Mexico-Canada) và 2 bên từng bước trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau.
Theo số liệu thống kê của Ban Thư ký ASEAN, Trung Quốc đã chứng tỏ mình là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN với tổng giá trị thương mại song phương năm 2018 đạt khoảng 480 tỷ USD, chiếm 17,2% giá trị thương mại quốc tế của ASEAN, vượt xa con số 10,2% của EU và 9,3% của Mỹ. Trong năm 2019, tổng giá trị thương mại ASEAN-Trung Quốc đạt 641,6 tỷ USD, tăng 11 lần so với tổng giá trị thương mại 54,8 tỷ USD khi FTA khởi động vào năm 2002.
Ngoại trừ nội khối ASEAN, nếu như năm 2005 Trung Quốc chỉ là thị trường xuất khẩu thứ yếu của ASEAN với kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 3,7% kim ngạch xuất khẩu toàn khu vực, thấp hơn nhiều so với thị trường Mỹ (17,5%), Nhật Bản (12,5%) và EU-28 (8,7%). Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đẩy mạnh quan hệ hợp tác, năm 2018 Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của khu vực ASEAN với thị phần lên tới 13,9%, vượt qua Mỹ và EU-28 có cùng tỷ trọng 11,2%; Nhật Bản là 7,9%.
Hình 1: Tỷ trọng các thị trường xuất khẩu của ASEAN, giai đoạn 2005-2018
Đơn vị tính: %
Nguồn: Ban Thư ký ASEAN
Không những vậy, Trung Quốc đồng thời còn là thị trường có lượng hàng hóa xuất khẩu vào ASEAN cao nhất. Năm 2018, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu vào ASEAN từ thị trường Trung Quốc lên tới 20,5%, cao hơn gấp 4 lần tỷ trọng 5,4% của năm 2005 và cao hơn nhiều so với các thị trường EU-28 (9,2%), Nhật Bản (8,4%) và Hoa Kỳ (7,4%).
Hình 2: Tỷ trọng các thị trường nhập khẩu của ASEAN, giai đoạn 2005-2018
Đơn vị tính: %
Nguồn: Ban Thư ký ASEAN
Ở chiều ngược lại, ASEAN cũng dần trở thành đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2019, ASEAN đã liên tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc (sau EU) với thị phần thương mại lên mức 14%, mức cao nhất kể từ khi thống kê vào năm 1992 và tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương luôn ở mức cao. Trong khi đó, thị phần của Mỹ chỉ là 11,8%, thị phần thương mại giữa Nhật bản và Trung Quốc cũng có chiều hướng giảm.
Bước sang năm 2020, mặc dù phải gồng mình chống lại dịch bệnh Covid-19 song quan hệ thương mại giữa hai bên đã được nâng lên cả về quy mô và chất lượng. Trong 2 tháng đầu năm nay, ASEAN đã vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với tổng giá trị thương mại song phương là 594 tỷ NDT (tương đương 84,8 tỷ USD), tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 14,4% trong tổng số giá trị ngoại thương của Trung Quốc. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang ASEAN là 309 tỷ NDT; kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN đạt 285 tỷ NDT; xuất siêu 24 tỷ NDT.
Không chỉ đạt được kết quả đáng ghi nhận trong thương mại hàng hóa, hai bên còn không ngừng đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo thông tin từ cuộc họp lần thứ 9 Hội đồng chung của Trung tâm ASEAN - Trung Quốc (ACC) diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, trong năm vừa qua, hai bên đã triển khai thành công hơn 180 hoạt động thuộc 23 dự án trọng điểm nhằm xúc tiến và quảng bá tiềm năng, cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, du lịch, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Đến nay, vốn đầu tư của các công ty Trung Quốc vào thị trường ASEAN đạt trên 100 tỷ USD, có 25 khu hợp tác kinh tế và thương mại đã được thành lập.
Hiện Trung Quốc và ASEAN đang tiếp tục nỗ lực hợp tác thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế xanh và mở rộng khai thác bền vững tài nguyên biển. Năm 2020 cũng là năm hợp tác kinh tế kỹ thuật số ASEAN-Trung Quốc, tập trung phát triển các lĩnh vực như mạng 5G, thương mại điện tử, sáng tạo khoa học-kỹ thuật, thành phố thông minh. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cam kết hợp tác tích cực với ASEAN và các bên khác để thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) như dự kiến vào cuối năm nay. Theo đó, các quốc gia đàm phán đang thúc đẩy việc rà soát pháp lý văn bản hiệp định và xử lý các vấn đề liên quan khác theo kế hoạch làm việc đã được thống nhất, chuẩn bị văn bản cuối cùng để các nước ký kết. Chắc chắn rằng, một loạt các kế hoạch trên sẽ đưa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc lên một tầm cao mới./.
Quang Vinh