Những năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp cho phần lớn người lao động sau khi hoàn thành chương trình học nghề tại Trung tâm, có thể áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, góp phần vào phát triển kinh tế gia đình và xây dựng nông thôn mới của Huyện.
Để công tác giáo dục, đào tạo nghề đạt hiệu quả, hàng năm Trung tâm GDNN-GDTX Bình Gia phối hợp với Trung tâm văn hóa thể thao và Truyền thông Huyện, Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động về lợi ích của việc học nghề. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các ban, ngành, địa phương tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng học nghề của người dân địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế, thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề đối với lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật người bị thu hồi đất canh tác. Bên cạnh đó, Trung tâm hướng đến đối tượng học nghề là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khoẻ phù hợp với nghề cần học, chưa qua đào tạo nghề, có hộ khẩu thường trú tại huyện Bình Gia.
Lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi gà
Với phương châm “học đi đôi với hành”, “cầm tay chỉ việc”, hoạt động đào tạo nghề luôn được Trung tâm GDNN-GDTX Bình Gia kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành nên các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế. Cùng với đó, các lớp dạy nghề phần lớn đều được tổ chức ngay tại các xã, học viên được thực hành ngay tại chỗ, giúp người lao động tiếp thu nhanh kiến thức.
Theo số liệu báo cáo, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trung tâm GDNN-GDTX Bình Gia đã thực hiện 61 lượt tuyên truyền, tư vấn học nghề cho người lao động, thu hút 1470 học viên đăng ký tham gia học nghề, tổ chức 16 lớp đào tạo nghề cho 557 học viên. Trong đó, phần lớn các lớp đào tạo nghề của Trung tâm là lớp nghề nông nghiệp, gắn liền với thế mạnh sản xuất nông nghiệp của Huyện, gần gũi với người lao động như: Kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật chăn nuôi gà, kỹ thuật trồng cây hồi,...Hầu hết người lao động sau khi tham gia các lớp học nghề do Trung tâm tổ chức đều nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, tăng năng xuất, giá trị sản phẩm.
Người dân áp dụng kiến thức đã học vào phát triển môi hình nuôi gà bán chăn thả dưới tán hồi
Thông qua các lớp đào tạo nghề do Trung tâm tổ chức, chất lượng nguồn nhân lực của huyện Bình Gia được nâng lên đáng kể. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Bình Gia đạt 58,42%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 101,42%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 43,38%.
Các lớp đào tạo nghề của Trung tâm còn góp phần giúp người dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, với nhiều ngành nghề mang tính chuyên môn hóa cho người dân lựa chọn. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trong cuộc sống, ổn định an sinh xã hội, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bình Gia giảm còn 14,78% (giảm trên 6% so với năm 2022); toàn Huyện có 9/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 94,5%…
Người dân áp dụng kiến thức đã học vào chăm sóc cây hồi
Phát huy những kết quả đã đạt được, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Gia đang tiếp tục đổi mới cách thức, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết vệc làm cho người dân, đặc biệt là thanh niên vùng dân tộc thiểu số, từng bước chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang hướng gắn với nguyện vọng của người học. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Huyện, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyển sinh học nghề và xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ dân tộc thiểu số. Tiếp tục khảo sát, điều tra, đánh giá nhu cầu cũng như nghành nghề đào tạo phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh kết nối giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài Huyện ./.
Minh Châu