Những năm gần đây, công tác giáo dục và đào tạo huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới trường lớp ở các cấp học, ngành học tiếp tục được mở rộng và phát triển. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên,... Là một trong những đơn vị thuộc hệ thống giáo dục của Huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Thạch An luôn nhận thấy trách nhiệm và sứ mệnh của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và vươn lên trở thành địa chỉ đáng tin cậy về giáo dục và đào tạo của địa phương.
Học viên thực hành sửa chữa máy phục vụ sản xuất nông nghiệp
Bà Hoàng Thị Dao, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thạch An được sáp nhập từ Trung tâm Dạy nghề huyện Thạch An và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thạch An theo Quyết định số 583/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Trung tâm trực thuộc UBND huyện Thạch An quản lý và thực hiện các chức năng nhiệm vụ theo quy định trên hai lĩnh vực: Đào tạo nghề và Giáo dục thường xuyên. Cùng với sự phát triển chung của ngành Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thạch An đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Huyện nhà, là nơi mang đến cơ hội học tập cho tất cả mọi người, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn; tỷ lệ học viên sau khi hoàn thành Chương trình GDTX cấp THPT tham gia vào thị trường lao động hoặc tiếp tục học nâng cao tay nghề trình độ cao đẳng ngày càng tăng.
Về cơ sở vật chất: Trung tâm hiện có 6 phòng học lý thuyết, 6 phòng làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên và các tổ chuyên môn; 2 nhà xưởng thực hành nghề, 1 nhà ký túc xá 3 tầng; Trung tâm được cấp trang thiết bị của các nghề: May công nghiệp, hàn, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng và một số trang thiết bị nghề sửa chữa máy nông nghiệp, trồng và khai thác rừng trồng và nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến cây thạch đen…, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất để giảng dạy và học tập tại Trung tâm.
Bằng việc thường xuyên tuyên truyền sâu rộng tới người học và Nhân dân về lợi ích của việc học văn hoá kết hợp với học Trung cấp nghề, nhận thức của Nhân dân và phụ huynh học viên về Trung tâm GDNN – GDTX huyện Thạch An dần có sự thay đổi theo hướng tích cực. Công tác tuyển sinh, chất lượng đầu vào của Trung tâm từng bước được cải thiện, học viên khi vào học đã xác định rõ việc học tập của mình là học để lấy 2 bằng (Bằng tốt nghiệp THPT và bằng Trung cấp nghề). Trong 3 năm học gần đây, Trung tâm đã phối kết hợp với Trường Trung cấp nghề Cao Bằng tổ chức đào tạo nghề hệ trung cấp các ngành: Trồng trọt, Điện công nghiệp, Nghề lâm sinh cho trên 130 học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm định hướng và tạo điều kiện cho các em học viên sau khi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tốt nghiệp Trung cấp nghề tiếp tục học liên thông lên trình độ Cao đẳng.
Học viên thực hành lớp trồng và khai thác rừng trồng
Cùng với đó, thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Thạch An đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thạch An khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn toàn Huyện; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trong năm 2023 đối với Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm 2023, tổ chức đào tạo 9 lớp/12 lớp với 274 học viên gồm các nghề: Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn (5 lớp với 156 học viên); Sửa chữa máy nông nghiệp (2 lớp với 56 học viên); Trồng và khai thác rừng trồng (1 lớp với 26 học viên); Trồng rau an toàn (1 lớp với 31 học viên). Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Cao Bằng tuyên truyền, lồng ghép các buổi tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phối hợp tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc làm trong và ngoài tỉnh; tuyên tuyền tư vấn cho người lao động có nhu cầu đi thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp khai thác than tỉnh Quảng Ninh thuộc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam…
Bế giảng lớp sửa chữa máy nông nghiệp và trao chứng chỉ tốt nghiệp cho các học viên
Bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Thạch An vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn chưa đầy đủ về nội dung của các Chương trình Mục tiêu quốc gia, trong đó, có Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân giúp họ hiểu được vai trò, tầm quan trọng của việc học nghề để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế. Đặc biệt, người dân tại các địa phương huyện Thạch An trong độ tuổi lao động phần lớn đi làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh dẫn đến công tác tuyển sinh đào tạo nghề rất khó khăn. Vẫn còn một số người học chủ yếu đi học theo chỉ tiêu số lượng cần tuyển của thôn hoặc học để nhận tiền hỗ trợ, do đó chưa nhận thức được việc học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật,... dẫn đến học tập hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, còn thiếu giáo viên cơ hữu giảng dạy các nghề nông thôn; một số nghề khi địa phương có nhu cầu thì không có giáo viên; cơ sở Giáo dục nghề nghiệp phải đi hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng có đủ điều kiện giảng dạy bên ngoài.
Cán bộ, giáo viên Trung tâm tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, phối hợp tư vấn giới thiệu việc làm
cho học viên
Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thạch An sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy và học; xây dựng môi trường học tập đa chiều; tăng cường liên kết với cộng đồng và doanh nghiệp; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập và thực hành và tìm việc làm của học viên./.
Minh Hà