Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Hữu Lũng: Tâm huyết với “sứ mệnh” Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

31/05/2024 - 11:15 AM
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Hữu Lũng là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo thường xuyên cho người dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Những năm qua, Trung tâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của Huyện.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Hữu Lũng: Tâm huyết với “sứ mệnh” Đào tạo nghề cho lao động nông thôn  2
Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nông dân xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng
đã nâng cao được năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế từ việc trồng cây ăn quả 
(Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trong Huyện, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm đã tổ chức được trên 80 lớp dạy nghề nông nghiệp với gần 2.700 học viên tham gia. Tính riêng năm 2020, Trung tâm đã mở được 10 lớp dạy nghề cho 350 lao động nông thôn với các ngành nghề như: Sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, chăn nuôi gà, trồng rau an toàn, nuôi dê, trồng rừng kinh tế… Sau đào tạo, 86% lao động có việc làm ổn định (vượt 6% chỉ tiêu đề ra).

Không chỉ chú trọng dạy nghề đơn thuần mà Trung tâm còn thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn như: Mô hình trồng và chăm sóc na ở xã Yên Sơn; mô hình sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp ở các xã: Hòa Thắng, Hồ Sơn, thị trấn Hữu Lũng; mô hình trồng rừng sản xuất ở xã Cai Kinh, Vân Nham…

Bước sang giai đoạn 2020-2025, từ nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm đã tích cực phối hợp với các xã, thị trấn trong Huyện khảo sát nhu cầu việc làm, mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo số liệu báo cáo, trong 02 năm 2022 và 2023, Trung tâm đã đào tạo nghề cho 676 người lao động, với các ngành nghề như: Sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, chăn nuôi gà, trồng rau an toàn, nuôi dê, trồng rừng kinh tế, kỹ thuật chế biến món ăn …

Một điểm đáng ghi nhận trong công tác đào tạo nghề của Trung tâm là các lớp dạy nghề phần lớn đều được tổ chức ngay tại các xã. Việc học viên được thực hành ngay tại chỗ đã giúp người nông dân tiếp thu rất nhanh. Sau học nghề, bà con đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình; Nhiều lao động, đặc biệt là lao động nông thôn đã được trang bị nghề mới đồng thời ứng dụng kiến thức kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả lao động.

Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trung tâm luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, khảo sát nhu cầu học nghề người dân, không để xảy ra sự trùng lặp về đối tượng đào tạo; thường xuyên đầu tư trang thiết bị dạy nghề, giáo trình và phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề chất lượng. Trong quá trình đào tạo, Trung tâm luôn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó, thực hành chiếm trên 80% chương trình đào tạo.

Chính từ các lớp đào tạo nghề của Trung tâm đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận phương thức sản xuất mới để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, với nhiều ngành nghề mang tính chuyên môn hóa cho người dân lựa chọn./.

 
Minh Châu


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top