Những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, tập trung lựa chọn triển khai các kỹ thuật, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của đại đa số Nhân dân trên địa bàn, đồng thời không ngừng trau dồi y đức, tận tâm phục vụ vì sự sức khỏe và niềm tin của người bệnh.
Các bác sĩ của TTYT huyện Bình Liêu trong một ca phẫu thuật cấp cứu
Không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn
Với quan điểm “sức khỏe của người bệnh là trách nhiệm của chúng tôi”, những năm qua, Trung tâm y tế huyện Bình Liêu luôn kiên trì thực hiện mục tiêu dài hạn là không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, để phục vụ người bệnh, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân các dân tộc trên bàn huyện Bình Liêu.
Theo đó, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ, bác sĩ đi đào tạo dài hạn hoặc tham gia các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh tổ chức hoặc cử đi học tập các bệnh viện tuyến trên hoặc tiếp nhận đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương theo Đề án 1816 và các dự án khác. Tính từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã cử 20 lượt các bác sĩ đi đào tạo cầm tay chỉ việc 3-6 tháng tại BV Bãi Cháy, BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Quảng Ninh,... cử 01 bác sĩ đào tạo Chuyên khoa II, 07 bác sĩ đào tạo chuyên khoa I; trong giai đoạn này, Trung tâm thu hút và tuyển dụng được được 03 bác sĩ về làm việc. Đặc biệt, trong năm 2023, Trung tâm cử 479 lượt cán bộ được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo và các lớp đào tạo về hình thức cầm tay chỉ việc và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến trên, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Bác sĩ của Trung tâm đang ân cần, thăm hỏi và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhận nhi
Nhờ quá trình đào tạo, bồi dưỡng liên tục, nhân lực y tế của Trung tâm có sự thay đổi cả số lượng và chất lượng với 27 bác sĩ, trong đó, có 01 Bác sĩ chuyên khoa II, 09 Bác sĩ chuyên khoa cấp I (đạt tỷ lệ sau đại học là 33.3%). Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Trung tâm cũng quan tâm bố trí sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với từng cá nhân nhằm phát huy năng lực về chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của mỗi nhân viên y tế.
Song song với quá trình đào tạo, Trung tâm tranh thủ mọi nguồn lực, mọi sự quan tâm để nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường bệnh viện ngày càng xanh, sạch, đẹp, đồng thời đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh như máy CT-Scanner, máy XQ số hoá, máy xét nghiệm Realtime-PCR, Máy siêu âm màu 4D; Ghế răng; Máy nội soi chẩn đoán (Nội soi tai mũi họng, Nội soi dạ dày, Nội soi đại tràng); Hệ thống phẫu thuật nội soi; Máy sinh hiển vi; Máy thở; Máy monitor theo dõi bệnh nhân; Máy bơm tiêm tự động,…
Nhờ vậy, chất lượng chẩn đoán, điều trị đã được nâng cao. Tính đến tháng 9/2024, tổng số danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt triển khai tại đơn vị là 2.336 danh mục, trong đó có 1.966/3.438 danh mục kỹ thuật đúng phân tuyến đạt 57%. Trung tâm không chỉ duy trì tốt những dịch vụ kỹ thuật cơ bản mà tiếp tục phát triển các danh mục kỹ thuật mới như: Chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang, Nội soi tiêu hóa có gây mê, siêu âm thai 3D, siêu âm khớp, siêu âm tim 4D, siêu âm tim mạch, thở máy, nội soi đại tràng, phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng…
TTYT huyện Bình Liêu phối hợp với BVĐK Bãi Cháy tổ chức tập huấn
chuyên môn nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện cho các cán bộ Y tế
Để tăng cường năng lực khám và điều trị tại chỗ, Trung tâm ký hợp đồng với Bệnh viện Bãi Cháy để làm các xét nghiệm chuyên sâu giúp người bệnh được tiếp cận với các xét nghiệm chuyên sâu; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các bác sỹ chuyên khoa tuyến tỉnh, các chuyên gia đầu ngành chất lượng cao (dùng chung) của Tỉnh để xử trí, điều trị cấp cứu, phẫu thuật cấp cứu, đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Mặt khác, Trung tâm cũng thực hiện hội chẩn Trực tuyến và tổ chức bình Bệnh án với các bác sỹ tuyến trên; thành lập các nhóm Zalo với các Bác sĩ tuyến trên để trao đổi hình ảnh, xin ý kiến khi có bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng, khó chẩn đoán… Qua đó, từng bước tạo được niềm tin cho Nhân dân địa bàn vào năng lực chuyên môn của Trung tâm y tế tuyến huyện Bình Liêu
Hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Song song với công tác chuyên môn, TTYT huyện Bình Liêu đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng y đức gắn liền với việc thực hiện Đề án “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Bởi, ngoài giỏi chuyên môn, đội ngũ bác sĩ phải thăm khám ân cần, chu đáo, người điều dưỡng quan tâm chăm sóc tận tình, toàn thể cán bộ công nhân viên luôn sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ người bệnh.
Đoàn thẩm định đang khảo sát tại khoa Khám bệnh của TTYT huyện Bình Liêu.
Đến ngày 15/7/2024, Trung tâm là đơn vị thứ 11 triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên địa bàn Tỉnh
Ngay từ đầu năm, Trung tâm tổ chức ký cam kết giữa nhân viên y tế với Trưởng khoa/phòng và giữa Trưởng khoa/phòng với lãnh đạo Trung tâm về việc thực hiện thay đổi phong cách, thái độ phục vụ. Đồng thời, tất cả các khoa phòng, dựa trên vào đặc điểm công việc của mình để xây dựng khẩu hiệu khích lệ mọi nhân viên y tế nỗ lực cao nhất để hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đơn cử như: Khoa Nội-Nhi-Truyền nhiễm chọn khẩu hiệu: "Đồng hành cùng nhau - Xoa dịu nỗi đau"; Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức - Cấp cứu và Chống độc: "Chăm sóc tận tình - Hết mình vì sức khỏe"; Khoa Khám bệnh: "Giao tiếp vui vẻ, mạnh khỏe mỗi ngày"; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản "Đồng hành cùng bạn- Vượt cạn an toàn". Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn: "Vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao",...
Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức lớp tập huấn về giao tiếp ứng xử, rèn luyện kỹ năng hình thành văn hoá giao tiếp, đảm bảo 100% viên chức, người lao động tại đơn vị được tham dự (bao gồm cả bếp ăn, trông giữ xe, bảo vệ). Các giảng viên là báo cáo viên của Trung tâm được cập nhật kiến thức và có kinh nghiệm hoặc các giảng viên tuyến tỉnh có uy tín được mời để truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm. Ngoài ra, Trung tâm công khai số máy đường dây nóng và số máy trực (tại vị trí dễ nhìn nhất), sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của người bệnh 24/24h, bố trí các hòm thư góp ý tại các khoa phòng (định kỳ 01 tuần/lần mở), qua đó lãnh đạo Trung tâm kịp thời giải đáp các yêu cầu của người bệnh, phát hiện xử lý sai phạm và tuyên dương những hành động đẹp vì người bệnh. Kết quả việc khảo sát hài lòng của người bệnh, trong năm 2023, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt 98%, tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú đạt 98,2%, tỷ lệ hài lòng của người mẹ sinh con tại bệnh viện đạt 98,98%.
TTYT huyện Bình Liêu chung tay, góp sức hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
trên địa bàn huyện Bình Liêu
Với mong muốn chia sẻ và giảm phần nào gánh nặng cho bệnh nhân khó khăn, Ban Giám đốc Trung tâm chỉ đạo Hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên trích một phần kinh phí hoạt động hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt, mắc bệnh hiểm nghèo; bố trí 01 tủ quần áo từ thiện với phương châm “Ai có đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy”; tổ chức hoạt động nồi cháo tình thương vào Chủ nhật hàng tuần…
Ngoài ra, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, Trung tâm tăng cường đầu tư hạ tầng (máy tính, máy chủ, máy trạm, đường truyền), từ đó ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành. Đến 15/7/2024, Trung tâm đủ điều kiện và triển khai thành công “Bệnh án điện tử” góp phần cải cách quy trình khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hành chính đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đem lại sự thay đổi tích cực trong toàn bộ hoạt động quản lý và công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Hiện nay, Trung tâm tích cực tuyên truyền để người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp mã thẻ Bảo hiểm y tế, thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, quản lý sức khỏe của cá nhân bằng nhiều hình thức đa dạng…
Nhờ chất lượng chuyên môn và sự tận tâm, người dân ngày càng tin tưởng, lựa chọn đến khám,
chữa bệnh tại Trung tâm
Với những biện pháp đồng bộ và thiết thực, công tác khám, chữa bệnh tại TTYT huyện Bình Liêu có những chuyển biến toàn diện. Từ năm 2022 đến nay, lượng bệnh nhân quay trở lại khám, điều trị tại các tuyến từ trạm y tế xã tới tại Trung tâm tuyến huyện tăng dần trở lại. Năm 2023 tổng số lượt khám bệnh ngoại trú đạt 41.964 lượt, trong đó có 4.293 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh trung bình toàn đạt 113,6%; 9 tháng đầu năm 2024 tổng số lượt khám bệnh ngoại trú đạt 29.246 lượt, trong đó có 3.231 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh trung bình toàn đạt 107,7%. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác đào tạo, đồng thời củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, không ngừng nâng cao y đức, dược đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; tăng cường triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến.. Trung tâm sẽ nỗ lực không ngừng để trở thành địa chỉ cho người dân khi cần chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu về y tế dự phòng và dân số
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, có địa hình hiểm trở, giao thông tuy đã có sự đầu tư nhưng vẫn còn một số thôn, bản còn gặp khó khăn khi đến các cơ sở y tế trong những ngày mưa, lũ. Bình Liêu có tỷ lệ đồng bào DTTS trên 95% (cao nhất tỉnh Quảng Ninh), một số khu vực đồng bào vẫn có thói quen tự chữa bệnh bằng thuốc nam hoặc các biện pháp dân gian, dẫn đến việc không quan tâm hoặc e ngại tiếp cận các dịch vụ y tế chính quy. Đời sống kinh tế của đồng bào thường ở mức thấp, họ ít có điều kiện chi trả cho các dịch vụ y tế và cũng không ưu tiên cho việc chăm sóc sức khỏe, cũng làm gia tăng các nguy cơ về suy dinh dưỡng, bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lây nhiễm và bệnh do điều kiện vệ sinh kém… Mặc dù gặp nhiều thách thức song việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Bình Liêu trong năm 2023 vẫn đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan y tế, các dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, lao, và các bệnh truyền nhiễm khác đã được kiểm soát ở mức độ thấp hoặc giảm đáng kể. Chương trình tiêm chủng mở rộng gặp nhiều khó khăn do thiếu vắc xin nhưng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi đã và đang cố gắng được duy trì đạt ở mức 90- 95%, bao gồm các loại vacxin phòng ngừa bệnh như Viêm gan B sơ sinh, Bạch hầu, ho gà, uốn ván, và viêm gan B, sởi, Viêm não nhật bản, tiêm phòng Vacxin cho phụ nữ có thai; các chương trình giám sát và kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường vào thời điểm ngày lễ, tết, hoặc tại các chợ phiên, trên địa bàn không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng được triển khai hiệu quả. Trong 6 tháng năm 2024, Trung tâm duy trì tổ chức truyền thông lồng ghép các nội dung về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh cho 469 lượt người nghe. Tỷ số giới tính khi sinh: 125.7 bé trai/100 bé gái. Số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ là 3604 người, chiếm 96.8% số người cao tuổi toàn huyện. Số phụ nữ được sàng lọc bệnh phổ biến: 398/401 lượt người, chiếm 99.3%. Số trẻ em được sàng lọc sơ sinh: 68/246 trẻ, chiếm 27.6% (trong đó, số trẻ em được sàng lọc 05 loại bệnh phổ biến: 68 trẻ, chiếm 27.6%).
Đối với các dự án thuộc các Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết” chủ đề về các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chăm sóc SKSS, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em phòng tránh các trường hợp sinh dày, sinh sớm; viết tin bài, cấp phát tờ rơi, tư vấn hộ gia đình các nội dung về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết; đồng thời duy trì sinh hoạt câu lạc bộ nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS tại các thôn, bản.
|
Trịnh Long