Trường Cao đẳng Sơn La: Đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn

27/08/2024 - 09:21 AM

Là ngôi trường có bề dày truyền thống hơn 60 năm đào tạo ngành sư phạm nhưng trong giai đoạn hội nhập hiện nay, để trở thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, Trường Cao đẳng Sơn La đã đẩy mạnh đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, tăng cường tính ứng dụng, từng bước mở rộng ngành đào tạo sang các lĩnh vực mới phù hợp yêu cầu phát triển của địa phương và xu thế chuyển đổi số trong các ngành kinh tế.

Lãnh đạo Nhà trường nhận Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua, năm học 2021-2022 của
Thủ tướng Chính phủ

 

Trường Cao đẳng Sơn La thành lập tháng 10 năm 1963 với tên gọi là Trường Sư phạm Dân tộc cấp 1. Trải qua các lần nâng cấp, thay đổi tên gọi, địa điểm, mở rộng, sáp nhập, Trường không ngừng được củng cố nâng cao cả về cả quy mô và chất lượng đào tạo, gặt hái được nhiều thành tựu, được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trường tự hào là một trong những cái nôi đào tạo nhân lực ngành sư phạm với gần 30.000 giáo viên mầm non và tiểu học; hơn 5.000 giáo viên THCS. Bên cạnh đó, Trường cũng thực hiện nhiệm vụ dạy tiếng Việt và đào tạo chuyên ngành cho hơn 3.200 lưu học sinh, cán bộ viên chức thuộc 9 tỉnh phía Bắc nước CHDCND Lào... Trường đã đào tạo, cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực dồi dào, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, nhiều thế hệ cựu sinh viên của Trường đã từng và đang đảm nhiệm những cương vị chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, của các cơ sở giáo dục - đào tạo và doanh nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu sử dụng lao động của xã hội đã có nhiều thay đổi, ngoài năng lực nghề nghiệp, người lao động cần phải có kỹ năng mềm và khả năng thích ứng với môi trường làm việc hội nhập. Vì vậy, để đứng vững và tiếp tục phát triển, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã xác định phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình, chuyển từ việc trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đặc biệt, Trường đang tập trung nguồn lực để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cho những ngành, chuyên ngành mà địa phương và xã hội đang cần như: Chế biến nông lâm sản (sử dụng công nghệ hiện đại gắn với cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La); kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (nhu cầu xã hội rất lớn); đào tạo Chip bán dẫn và Công nghệ đóng gói (xu thế trong tương lai).

Trường CĐ Sơn La đạt 02 giải nhất, 01 giải nhì, 03 giải ba và 04 giải KK tại Hội giảng nhà giáo giáo dục
nghề nghiệp tỉnh Sơn La

 

Để thực hiện chiến lược phát triển này, Nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng giảng viên, bởi đội ngũ này chính là người tiên phong tiếp cận phương pháp giảng dạy mới, thường xuyên được cập nhật kiến thức, công nghệ đang áp dụng tại doanh nghiệp. Những năm gần đây, Trường được giao nhiệm vụ sáp nhập với một số cơ sở đào tạo khác trên địa bàn tỉnh Sơn La. Quá trình này ít nhiều ảnh hưởng công tác giảng dạy và cơ cấu, số lượng đội ngũ giảng viên. Song với tinh thần cầu thị vì sự phát triển chung, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ và điều động, sắp xếp trong nội bộ Nhà trường được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định hiện hành, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, cống hiến. Cùng với sự sắp xếp, ổn định bộ máy, Nhà trường tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi năm Trường đều cử hàng trăm lượt cán bộ viên chức đi bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp, lý luận chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, đối với đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp, ít nhất luôn có trên 50% giảng viên được tham gia bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật công nghệ mới thuộc lĩnh vực giảng dạy. Khi tham gia rèn kỹ năng nghề nghiệp, giảng viên đều thực hiện nghiêm túc các nội dung đã đăng ký, quá trình triển khai trải nghiệm tại cơ sở đều có nhật ký và báo cáo có xác nhận, cuồi kỳ được các đơn vị tiếp nhận đánh giá nghiêm túc, đạt hiệu quả và có nhiều đóng góp cho công tác sản xuất, dịch vụ tại đơn vị.

Lễ ra trường và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên K58, niên khóa 2021-2024
 

Tính đến ngày 6/2023 toàn trường có 244 cán bộ, viên chức và người lao động công tác tại 6 phòng chức năng, 09 khoa chuyên môn, 3 cơ sở phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó  có 144  giảng viên giáo dục nghề nghiệp, 75 giảng viên các ngành đào tạo giáo viên. 100% giảng viên nhóm ngành đào tạo giáo viên được đánh giá, trên 70% trở lên xếp loại khá, 10% trở lên xếp loại giỏi. 100% giảng viên giáo dục nghề nghiệp được xếp từ loại C trở lên, trong đó có nhiều giảng viên giáo dục nghề nghiệp đạt danh hiệu nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp giỏi cấp trường, tham gia Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc và đạt giải. Có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ, viên chức của Nhà trường được đánh giá là lực lượng nòng cốt, có những đóng góp to lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Để đảm bảo điều kiện cho việc học tập và giảng dạy, Nhà trường đã tranh thủ sự quan tâm của tỉnh Sơn La để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang bị các máy móc phục vụ thực hành hiện đại. Nhà trường tăng cường kết nối doanh nghiệp, ký kết thỏa thuận hợp tác sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất của doanh nghiệp trong công tác dạy học, đặc biệt là các ngành, nghề còn thiếu trang thiết bị theo danh mục tối thiểu.
Hiện, Nhà trường có 100 phòng học, 2 giảng đường 100 chỗ, 01 trung tâm thư viện điện tử, 05 tòa nhà ký túc xá phục vụ gần 2.000 học sinh, sinh viên và lưu học sinh Lào ở nội trú, trong đó có 01 nhà ký túc xá 5 tầng với 60 phòng dành riêng cho lưu học sinh Lào với đầy đủ tiện nghi, có nhà học chuyên dụng gồm 3 phòng (Nhạc, Mỹ thuật, Múa); nhà tập thể thao đa chức năng (phục vụ khối chuyên thể dục thể thao và hoạt động thể dục thể thao của học sinh, sinh viên) và hệ thống vườn trường với diện tích 10.000 m2. Hiện nhà trường đang tiếp tục bổ sung cơ sở hạ tầng về CNTT, từng bước đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp và áp dụng dạy học trực tuyến.

Đổi mới phương pháp giảng dạy gắn đắn đào tạo với giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Trong ảnh: Dự án trồng dưa Kim hoàng hậu của khoa Nông Lâm, sản phẩm cạnh tranh nhờ tối ưu chi phí

 

Năm 2023, Nhà trường đang được thụ hưởng Dự án đầu tư cơ sở vật chất phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn (thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững) với tổng mức đầu tư trên 28,7 tỷ đồng. Khi Dự án hoàn thành, Nhà trường sẽ có thêm 01 nhà nông lâm nghiệp 3 tầng, được cải tạo sửa chữa các phòng thực hành và xây dựng trại chăn nuôi và đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành.

Để quá trình đào tạo theo sát thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, các ngành đào tạo đều có chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra, định kỳ được tổ chức đánh giá, cập nhật những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp và yêu cầu thực tế của từng vị trí việc làm của người tốt nghiệp. Nhà trường đã triển khai các giải pháp giảng dạy linh hoạt, xây dựng và vận hành hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp (kết hợp trực tuyến, trực tiếp), tăng cường kết nối, gắn kết với doanh nghiệp thực hiện các nội dung liên quan đến thực hành, thực tập, thực tế trong các chương trình đào tạo; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Trường Cao đẳng Sơn La tổ chức Ngày hội việc làm năm 2024
với sự tham gia của hơn 20 cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh

 Để khẳng định chất lượng, Nhà trường phối hợp cùng đoàn đánh giá ngoài (độc lập) của Công ty Cổ phần Kiểm định và Tư vấn giáo dục Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định một cách nghiêm túc, khách quan, đầy đủ. Kết quả, Nhà trường đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng số điểm 95/100 và Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề Công nghệ thông tin trình độ cao đẳng với số điểm 92/100.

Hiện Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo trình độ đại học, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng và hợp tác quốc tế. Cụ thể, Trường đang duy trì liên kết với 14 trường đại học, tạo điều kiện cho gần 1.500 học viên theo học nâng cao trình độ trong các ngành: Hệ thống điện; Kế toán; Luật Kinh tế; Sư phạm Tiểu học; Quản trị văn phòng; Quản lý đất đai; Công tác xã hội. Ngoài ra, Nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Bắc Lào, tiếp nhận và tổ chức nhập học bình quân trên 300 lưu học sinh, học viên Lào sang học Tiếng Việt mỗi năm. Trường Cao đẳng Sơn La là một trong số ít đơn vị trong cả nước có đủ năng lực và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Lễ ký biên bản hợp tác giữa Trường CĐ Sơn La với Sở Giáo dục và thể thao Oudomxay, Sở Giáo dục và
thể thao tỉnh Luangprabang,  Trường CĐ Nghề tổng hợp Oudomxay, Trường CĐ Nông Lâm Bắc Lào

 

Với cách tiếp cận đúng đắn, chất lượng đào tạo của Nhà trường được giữ ổn định và từng bước nâng cao. Năm học 2022 - 2023, số sinh viên tốt nghiệp (hệ cao đẳng và trung cấp) loại giỏi và xuất sắc là 53 học viên, loại khá là 584 học viên. Sinh viên khi tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng nhân lực của xã hội. Từ hiệu ứng tích cực của sinh viên sau khi tốt nghiệp, Nhà trường củng cố được niềm tin của các bậc phụ huynh và học sinh trong tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc. Nhờ vậy công tác tuyên truyền hướng nghiệp và kết quả tuyển sinh của Nhà trường được đảm bảo và vượt chỉ tiêu được.

Với những thành tích xuất sắc đạt được trong sự nghiệp "trồng người", Trường Cao đẳng Sơn La đã được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2013), 01 huân chương Lao động hạng Nhất (2003). Những năm học gần đây, Trường cũng là đơn vị dẫn đầu Khối thi đua các trường Chuyên nghiệp và dạy nghề tỉnh Sơn La, được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sơn La tặng cờ thi đua, bằng khen dành cho tập thể và cá nhân. Phát huy những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, Trường tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, tập trung các nguồn lực cũng như các điều kiện để phấn đấu trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, gắn chặt việc đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động, tạo nên mối liên kết lợi ích: nhà trường - người học - doanh nghiệp./.

Trịnh Long



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top