Trường cao đẳng Công nghiệp Nam Định: Tăng cường gắn kết nhà trường với doanh nghiệp

07/08/2022 - 10:22 AM

Trường cao đẳng Công nghiệp Nam Định là trường công lập trực thuộc Bộ Công thương, tiền thân là trường Trung cấp Kỹ thuật III Nam Định, được thành lập từ năm 1956. Trải qua hơn 65 năm xây dựng, Trường đã không ngừng lớn mạnh về cả quy mô và chất lượng, gặt hái được nhiều thành tựu, được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trường đã đào tạo hàng chục nghìn lượt học viên, sinh viên, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành Công thương, cũng như các thành phần kinh tế khác trong cả nước.

Giờ học thực hành nghề điện công nghiệp
 

Là trường có bề dày hơn 65 năm xây dựng và phát triển, được kế thừa nhiều thành tựu của các thế hệ đi trước, nhưng những năm gần đây, không nằm ngoài khó khăn chung của các khối trường đào tạo nghề, công tác tuyển sinh của Trường gặp nhiều khó khăn, quy mô học sinh - sinh viên giảm ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch giảng dạy, phân công nhiệm vụ giảng viên...

Đứng trước những thách thức đó, cùng với các giải pháp của các Bộ, ngành trong công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ học sinh học nghề, Ban lãnh đạo Nhà trường cũng xác định nhiệm vụ then chốt nhất là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng môi trường học tập lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; cam kết trách nhiệm đầu ra cho sinh viên, gắn công tác đào tạo với nhu cầu thị trường để có thể thích ứng với những thay đổi lớn của các nhà tuyển dụng.

Các chuyên gia người Đức tham gia chấm thi phần thi thực hành
nghề Thiết kế thời trang (Trường là đơn vị duy nhất được chuyển giao
nghề Thiết kế thời trang theo chương trình đào tạo từ CHLB Đức)

 

Được sự quan tâm của Bộ Công thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình đào tạo nghề trọng điểm chất lượng cao (cho nghề Thiết kế thời trang và Công nghệ ô tô); Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện (vốn ODA của ngân hàng ADB cho 2 nghề Điện Công nghiệp và Cắt gọt kim loại)… hệ thống cơ sở vật chất của Trường được xây dựng khang trang, đồng bộ và hiện đại. Trên tổng diện tích gần 18ha, Trường đã xây dựng đầy đủ các phân khu chức năng (từ khu Nhà hiệu bộ, khu học lý thuyết, thư viện, các khu nhà xưởng thực hành phục vụ cho các nghề trọng điểm, nhà đa năng, ký túc xá, trạm y tế, công trình cấp nước, thu gom và xử lý nước thải...) trong đó, riêng các phòng lý thuyết, thực hành là 86 phòng.


Để nâng cao hiệu quả đào tạo, Trường cũng xác định chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo là yếu tố tiên quyết. Tính tháng 7/2021, Trường có 156 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, về chuyên môn, nghiệp vụ, Trường có 04 tiến sĩ, 81 thạc sỹ, 62 đại học. Đặc biệt, đối với các nghề trọng điểm, chất lượng cao, 100% giáo viên giảng dạy đều có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành và đạt cấp chứng chỉ về kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Có thể nói, đội ngũ giáo viên chính là thế mạnh của Trường. Tuy nhiên, để bắt kịp chương trình đào tạo theo chuẩn mực của các nước tiên tiến trong khu vực, hằng năm, Trường đều có chính sách hỗ trợ khuyến khích các thầy, cô học tập nâng cao trình độ, tham gia các khoá, chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, năng lực sư phạm và trình độ ngoại ngữ và tin học theo chuẩn, khung quốc tế.

Trường là một trong 16 trường tham gia “Chương trình kỹ năng
và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” do ADB tài trợ, nhằm
thu hút các đối tượng yếu thế và cộng đồng tham gia giáo dục nghề nghiệp

 

Bên cạnh đó, Trường đã tích cực chủ động ứng dụng CNTT vào công tác nghiên cứu, dạy và học để bắt kịp xu thế cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Ban Giám hiệu nhà trường cũng khuyến khích các giảng viên, giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học tiên tiến để truyền đạt kiến thức; tổ chức các hội thảo, chuyên đề, tập huấn cho cán bộ giáo viên về phương pháp dạy học hiện đại; trang bị nhiều thiết bị dạy học tiên tiến; đầu tư các phần mềm hiện đại phục vụ cho giáo viên nghề như: Phần mềm thiết kế mạch điện, phần mềm Protus, phần mềm S7-1200, phần mềm Zen Support soft, phần mềm Festo Fluidsim, phần mềm số hóa - mô phỏng hóa… cho nghề Điện công nghiệp; phần mềm Solid Work, Master CAM, Inventor, Swansoft CNC… cho nghề Cắt gọt kim loại.

Để đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, trong nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định đã thực hiện hiệu quả hoạt động kết nối, hợp tác với doanh nghiệp. Theo đó, Trường đã thành lập bộ phận làm nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm nắm bắt yêu cầu vị trí việc làm của các doanh nghiệp, từ đó tham mưu kịp thời để Ban Giám hiệu có những điều chỉnh về chương trình, phương pháp và hình thức đào tạo cho phù hợp với đơn vị sử dụng lao động.

Học sinh, sinh viên của trường được đi thực tập và trải nghiệm
môi trường làm việc tại doanh nghiệp sản xuất điện tử lớn như Canon, Brother...

 

Một số doanh nghiệp đã và đang hợp tác với Trường trong hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng có thể kể tới như: Tập đoàn Canon, Honda, Công ty Đóng tàu Sông Đào, Công ty TNHH SamSung Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên), Công ty CP May Sông Hồng (Nam Định), Công ty CP May Nam Hà (Nam Định), Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Sông Đào (Nam Định) …. Nhờ tăng cường việc hợp tác doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, học sinh, sinh viên của Nhà trường được thực tập, trải nghiệm làm việc thực tế, rèn trong môi trường tiên tiến, hiện đại, được học các kỹ năng làm việc hiệu quả… Các doanh nghiệp đánh giá rất cao về ý thức thực tập của các em và hiệu quả công việc, thậm chí có nhiều sinh viên được trả lương ngay trong quá trình thực tập. Thời gian tới, Trường tiếp tục phát huy hiệu quả mối quan hệ gắn kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp, từ công tác tuyển sinh, nội dung đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động, tạo môi trường tốt cho học sinh, sinh viên thực tập, tìm kiếm việc làm khi ra trường.  

Hai năm học gần đây, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới kế hoạch tuyển sinh và đào tạo của Nhà trường, nhưng nhờ có sự chuẩn bị bài bản và tầm nhìn dài hạn, nên chất lượng đào tạo của Nhà trường vẫn được giữ ổn định và từng bước nâng cao. Nhà trường hiện đang có 29 ngành/nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 21 ngành/nghề trung cấp và 10 ngành/nghề sơ cấp, trong đó các nghề trọng điểm quốc gia gồm: công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, may thời trang; các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế gồm: Điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, thiết kế thời trang; lưu lượng học sinh toàn trường hiện nay khoảng 2.900 học sinh, sinh viên. Kết quả học tập của học sinh, sinh viên trong 02 năm học gần nhất đều đạt được tiêu chí đề ra. Đặc biệt, theo thống kê của Nhà trường, sau 1 năm tốt nghiệp có khoảng trên 90% sinh viên đã có việc làm với thu nhập ổn định, riêng đối với khối ngành kỹ thuật con số này là 100%.

TS. Nguyễn Duy Phấn – Hiệu trưởng, trạo tặng Danh hiệu
tập thể lao động xuất sắc trong năm 2021 cho các đơn vị 

 

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, nhằm đáp ứng các tiêu chí của trường chất lượng cao, Trường sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, bổ sung cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng CNTT hướng tới mô hình trường học điện tử, hoàn thiện cơ chế quản lý, gắn chặt việc đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động, tạo nên mối liên kết lợi ích: Nhà trường - người học - doanh nghiệp.

Trung Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top