Thời gian qua, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã và đang hỗ trợ kỹ thuật rất nhiều cho Tổng cục Thống kê (TCTK) trong các lĩnh vực. Năm 2024, UNFPA tiếp tục hỗ trợ TCTK chuẩn bị và thực hiện Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024, bắt đầu vào tháng Bảy. Phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện đã phỏng vấn ông Matt Jackson, Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam.
PV: Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhóm dân số có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông bình luận thế nào về chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ thời gian qua?
Ông Matt Jackson: Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được các thành tích rất đáng ghi nhận. Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao mức sống của các nhóm có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 có tổng ngân sách 137.665 tỷ đồng, kết hợp nhiều chính sách nhằm cải thiện nơi cư trú, sản phẩm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, bình đẳng giới, cũng như bảo tồn và phát triển văn hóa cho các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS). Ngoài ra, hai Chương trình mục tiêu quốc gia khác về giảm nghèo bền vững và phát triển nông thôn mới cũng hướng tới người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam
Nhờ có cam kết chính sách mạnh mẽ này, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo cho các nhóm có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có người DTTS. Tỷ lệ nghèo ở một số nhóm nghèo thường xuyên, bao gồm người DTTS và các hộ gia đình ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đã giảm ít nhất một nửa trong giai đoạn 2010 – 2020 (Đánh giá Thực trạng Nghèo và Bình đẳng của Việt Nam năm 2022 - Từ Chặng đường Cuối đến Chặng đường Kế tiếp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam). Công cuộc giảm nghèo của Việt Nam là một thành tựu đáng kinh ngạc, là câu chuyện thành công nổi tiếng toàn cầu trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Các can thiệp của UNFPA tập trung giảm tỷ suất tử vong mẹ ở người dân tộc thiểu số, cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng, trong đó có chăm sóc cấp cứu sản khoa, khuyến khích các hành vi tích cực liên quan đến sức khỏe nhằm chấm dứt những trường hợp tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được ở các xã dân tộc thiểu số xa xôi ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc và ở khu vực Tây Nguyên. UNFPA cũng hỗ trợ thu thập và phân tích dữ liệu chất lượng cao để hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân cư bị thiệt thòi bao gồm cả người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa nhóm dân số đa số và nhóm DTTS cần Chính phủ đặc biệt quan tâm. Là một quốc gia đa dân tộc, Việt Nam có tổng cộng 53 DTTS, với dân số ước tính khoảng 14,1 triệu người, chiếm khoảng 14,7% tổng dân số cả nước, gần gấp đôi tổng dân số của nước láng giềng là Lào. So với dân tộc Kinh chiếm đa số, người dân tộc thiểu số thường không đạt được tiến bộ tương tự như ở cấp quốc gia và cũng không được hưởng lợi bình đẳng từ quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ví dụ: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho toàn dân trong 20 năm qua. Các bằng chứng hiện có cho thấy, mặc dù tỷ suất tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 46/100.000 ca sinh sống vào năm 2019, nhưng tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều ở các nhóm DTTS. Ngoài ra, dữ liệu cũng chỉ ra rằng trong khi 96% trẻ sơ sinh được sinh tại các cơ sở y tế có thiết bị và dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản thì con số này đối với trẻ sơ sinh thuộc các dân tộc thiểu số chỉ là 30%. Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn trong khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại Việt Nam (theo Điều tra các chỉ tiêu SDG về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2021, Tổng cục Thống kê).
Một ví dụ khác là tuổi thọ trung bình. Mặc dù đã có những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác, giúp tăng tuổi thọ trung bình của dân số cả nước lên 73,6 tuổi, nhưng đối với một số cộng đồng DTTS, con số này vẫn thấp hơn nhiều, chẳng hạn như tuổi thọ trung bình của người Mảng là 61,8 tuổi, người Lự là 61 tuổi và ở người La Hủ, con số này chỉ là 59,4 tuổi (Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Tổng cục Thống kê).
Đây là những số liệu thống kê hữu ích, nêu bật sự chênh lệch còn tồn tại trong các cộng đồng dân tộc thiểu số và những lĩnh vực cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là ở cấp chính sách, để đảm bảo rằng các khoản đầu tư có thể mang lại lợi ích cho những nhóm khó tiếp cận nhất, cũng như những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Dữ liệu về tình hình của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số hoặc dữ liệu được phân tách theo dân tộc giúp các nhà hoạch định chính sách chắc chắn rằng chính sách có hiệu quả đối với những người dân tộc thiểu số và bị thiệt thòi, có nguy cơ bị bỏ lại phía sau cao.
PV: UNFPA đã và đang hỗ trợ kỹ thuật rất nhiều cho Tổng cục Thống kê (TCTK) trong các lĩnh vực. UNFPA cũng hỗ trợ TCTK chuẩn bị và thực hiện Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH) của 53 dân tộc thiểu số năm 2024, bắt đầu vào tháng Bảy. Ông vui lòng chia sẻ chi tiết những công tác hỗ trợ này?
Ông Matt Jackson: Điều tra thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách dữ liệu, đặc biệt là liên quan đến biến đổi nhân khẩu học, khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống. Tất cả những khía cạnh này đều đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi tiến độ của các chính sách mà Chính phủ đưa ra nhằm hướng tới người dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021 - 2025, giúp cải thiện các chỉ số quốc gia về dân tộc thiểu số và quan trọng là cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách và hành động trong giai đoạn 2026 - 2030 với mục tiêu giảm bớt chênh lệch giữa người Kinh và người DTTS ở Việt Nam.
Với kinh nghiệm tích lũy được từ lần hỗ trợ thực hiện Điều tra thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Điều tra thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Chúng tôi đã hợp tác cùng TCTK và Ủy ban Dân tộc (UBDT) nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các điều tra viên, tập trung vào việc nâng cao kiến thức và kỹ năng để họ tiến hành phỏng vấn người dân tộc thiểu số theo cách phù hợp về mặt văn hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ giám sát việc thu thập dữ liệu, thực hiện phân tích dữ liệu và tạo điều kiện cho các bộ, cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác sử dụng dữ liệu rộng rãi hơn.
PV: Theo Ông, nên làm gì để đảm bảo thực hiện thành công Điều tra về thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số?
Ông Matt Jackson: Nhiều bên liên quan có kỳ vọng cao về việc sử dụng dữ liệu từ Điều tra thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Do cuộc điều tra sẽ được thực hiện với nhiều nhóm dân tộc thiểu số nên điều cần làm là trang bị cho các điều tra viên địa phương những kỹ năng cần thiết để dẫn dắt các cuộc phỏng vấn một cách tinh tế và phù hợp về mặt văn hóa. Ngoài ra, để giải quyết các rào cản tiềm ẩn về ngôn ngữ, cần hỗ trợ dịch thuật đầy đủ trong toàn bộ quá trình điều tra.
Bên cạnh đó, các thiết bị CNTT như điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc thiết bị tương tự sẽ được dùng cho việc điền bảng câu hỏi. Đổi mới này giúp tăng tốc độ phân tích dữ liệu, đồng thời hạn chế sai sót của con người. Cuộc điều tra chủ yếu được thực hiện ở những khu vực có thể gặp khó khăn trong việc truy cập Internet hoặc hiểu biết về CNTT có thể gặp khó khăn, do đó cần xem xét các phương án thay thế để giải quyết những thách thức tiềm ẩn này.
Dữ liệu thu được từ Điều tra thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 rất quan trọng bởi những dữ liệu này sẽ mang đến các thông tin chi tiết về thách thức trong quá trình phát triển mà người dân tộc thiểu số gặp phải. UNFPA có lợi thế so sánh về mặt thể chế trong lĩnh vực này. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho TCTK và UBDT trong việc phân tích dữ liệu và kết nối dữ liệu với nhiều người sử dụng dữ liệu nhằm đảm bảo không một ai ở Việt Nam bị bỏ lại phía sau.
PV: Trân trọng cảm ơn Ông!