Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu ASEAN

22/05/2022 - 06:24 PM

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, thực hiện đào tạo đa ngành, đa bậc học từ đào tạo nghề đến đào tạo tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Trường đã được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) công nhận về chất lượng đào tạo huấn luyện hàng hải, góp phần đưa Việt Nam  vào Danh sách trắng của IMO ngay từ giai đoạn đầu triển khai Công ước STCW78/95. Bằng do Trường cấp tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện có gần 15 nghìn sinh viên, học viên các hệ; gần 900 cán bộ, giảng viên, trong đó có 49 GS và PGS, 203 TS, TSKH, 528 ThS cùng hàng trăm thuyền trưởng, máy trưởng hạng Nhất và sĩ quan hàng hải đạt trình độ quốc tế. Về cơ sở vật chất, các phòng học, các phòng thực hành, thí nghiệm của Trường đã được đầu tư bài bản, hiện đại, trong đó có nhiều phòng thí nghiệm ngang tầm khu vực và quốc tế. Chương trình đào tạo của Nhà trường được phát triển theo phương pháp tiếp cận CDIO, đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra và giảng dạy tích hợp kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Sinh viên nhà trường, ngoài việc học lý thuyết còn được thực hành với các trang thiết bị mô phỏng hiện đại, thực tập tại nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước và trên tàu huấn luyện VMU Việt Hàn (có thể tiếp nhận huấn luyện được cùng lúc 152 sinh viên và khả năng hàng hải quốc tế không hạn chế). Với đội ngũ giảng viên giàu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, cơ sở vật chất tốt, chất lượng đào tạo, huấn luyện của Nhà trường đã không ngừng được cải thiện, theo kịp các nước tiên tiến của châu lục.



Các chương trình hợp tác quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế.
Trong ảnh: Các đại biểu đến từ 14 trường đại học thành viên của Diễn đàn các Trường Đại học Hàng hải
và Đánh cá Châu Á tham dự Hội nghị lần thứ 18 được tổ chức tại Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam

 

Trong những năm qua, các chương trình hợp tác quốc tế của Nhà trường được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực đào tạo và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Trường đã thu hút được nhiều các dự án đầu tư, nguồn tài trợ từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế, nổi bật là dự án “Thành lập trung tâm đào tạo Logistics tiểu vùng sông Mê-Kông tại Việt Nam” do Quỹ Hội nhập Nhật Bản – ASEAN tài trợ; vận động và tiếp nhận thành công tàu huấn luyện Hannara do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam, tàu đã được đổi tên thành VMU Việt-Hàn; phối hợp với các trường đại học lớn trên thế giới triển khai các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Erasmus+ do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ: “Tăng cường năng lực quản lý nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên tại Đông Nam Á (WANASEA)” và “Phát triển bền vững vùng đồng bằng và ven biển khu vực Đông Nam Á (MARE)”.

Nhà trường thường xuyên mở rộng các quan hệ với các đối tác nước ngoài trong các chương trình liên kết đào tạo các cấp, tuyển sinh cho 2 chương trình đào tạo đại học theo chương trình tiến tiến trong khuôn khổ hợp tác với Học viện Hàng hải California – CMA (Hoa Kỳ) là “Kinh tế Hàng hải” từ 2010 và “Kinh doanh Quốc tế và Logistics” từ 2013; Hợp tác với Trường Đại học Gloucestershire (Vương Quốc Anh) triển khai chương trình lan tỏa của Chương trình tiên tiến ngành “Quản trị kinh doanh và Marketing” từ năm 2017.

Hội nghị đánh giá Đánh giá chất lượng 04 chương trình đào tạo trình độ đại học
theo tiêu chuẩn AUN-QA lần thứ 228 được tổ chức theo hình thức trực tuyến


Nhà trường cũng tích cực tham gia và tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm nâng cao vị thế và uy tín của Trường trong khu vực và trên thế giới, đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị tổng thể thường niên lần thứ 17 của Hiệp hội các trường Đại học Hàng hải Quốc tế (IAMU AGA2016). Nhà trường thường xuyên cử cán bộ, giảng viên tham dự và báo cáo tại các Hội nghị thường niên của Diễn đàn các Trường Đại học Hàng hải và Đánh cá Châu Á (AMFUF), công bố gần 50 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học tại các Hội nghị thường niên của AMFUF.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam còn thường xuyên tích cực hỗ trợ các quốc gia khác trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tiêu biểu có thể kể đến như: Xúc tiến, vận động Dự án “Xây dựng chương trình huấn luyện và đào tạo giảng viên để thành lập Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện Hàng hải tại Campuchia” do Cộng đồng Châu Âu tài trợ; Hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện của Trường Hàng hải Mozambique; Tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics cho gần 300 cán bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải từ 3 nước Lào, Myanmar và Campuchia tại Trung tâm đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong – Nhật Bản tại Việt Nam; Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa tổ chức thành công Khóa học ngắn hạn về Quản lý cảng trong khuôn khổ Chương trình PIB VINWAP Việt Nam – Hà Lan….

Nhà trường đã tham gia ký kết Ký kết các thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó có: Viện Hàng hải Hàn Quốc – KMI về phối hợp đào tạo và khoa học công nghệ; Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng với hai công ty: Công ty Universal Scientific Industrial Việt Nam (USI) và Công ty TNHH Công nghệ Pegatron Hải Phòng trong khuôn khổ chương trình liên kết kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trọng điểm với các doanh nghiệp (FDI) trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng…

 
Bên cạnh hoạt động đào tạo, huấn luyện và hợp tác quốc tế, Nhà trường không ngừng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển, tập trung đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, ban hành nhiều quy định quản lý, hỗ trợ cán bộ, giảng viên công bố công trình nghiên cứu khoa học tại các hội nghị, hội thảo hoặc trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế, xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, định hướng nghiên cứu gắn với các ngành đào tạo mũi nhọn theo xu hướng phát triển công nghệ và nhu cầu nhân lực của đất nước, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ gắn với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong các hoạt động khoa học công nghệ.

Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực khoa học công nghệ với 856 đề tài cấp cơ sở, 97 đề tài cấp Bộ và Thành phố và 510 công bố trên các Tạp chí quốc tế uy tín.

Lễ ký kết chương trình trao đổi đào tạo giữa
Trường ĐH Hàng hải Việt Nam và Trường ĐH Hàng Hải và Đại dương Hàn Quốc

 

Từ năm 2020, bên cạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu khác, Nhà trường đã và đang triển khai cấp kinh phí thực hiện cho 10 công trình nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước, tạo sự chủ động, khuyến khích kết nối, hợp tác nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên.

Năm 2020, Nhà trường đã được Hệ thống đánh giá các trường Đại học Việt Nam (UPM - University Performance Metrics) xếp hạng trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học dẫn đầu về nghiên cứu tại Việt Nam (xếp thứ 21 toàn quốc về chỉ số nghiên cứu tổng thể và vị trí thứ 4 toàn quốc về chỉ số nội lực nghiên cứu). Nhiều nhà khoa học của Nhà trường trong những năm vừa qua đã được vinh danh trong nước và quốc tế, như GS.TS. Lê Anh Tuấn (Gương mặt tiêu biểu của Thành phố Hải Phòng), ThS. Trần Bảo Ngọc Hà (một trong 30 phụ nữ xuất sắc được Amelia Earhart Fellowship vinh danh và trao giải thưởng cho lĩnh vực hàng không vũ trụ năm 2021), TS. Trần Tiến Anh (một trong 5 Nhà khoa học được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022), PGS.TS. Đào Minh Quân (Giải thưởng khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng năm 2021) và nhiều nhà khoa học khác được trao giải cao Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật của thành phố hàng năm. Các công trình NCKH của sinh viên đạt giải cao trong các cuộc thi, xét tăng quốc gia, như giải Nhì Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ các năm 2018, 2020, giải Nhì Eureka do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021,…

Năm học 2020-2021 được coi là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo của nhà trường theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Trong năm 2021, Nhà trường đã hoàn thành kiểm định 4 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN, 4 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các nhiệm vụ năm học đã được hoàn thành xuất sắc; có nhiều sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu tại trường; các đội tuyển Olympic quốc gia giành được giải cao, trong đó 1 giải nhất MOS Excel, 1 giải nhì MOS Excel, 5 giải nhì cá nhân môn Vật lí. Môn MOS PowerPoint lần đầu tham gia dự thi cũng đã có 1 giải khuyến khích. Về tập thể, sinh viên Trường đạt 1 giải xuất sắc MOS và 1 giải nhì Vật lí. Tại vòng thi chung kết cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới diễn ra năm 2021, em Nguyễn Đức Phát, sinh viên năm thứ tư khoa Kinh tế, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã xuất sắc giành huy chương Bạc với nội dung Microsoft Excel 2016.

Thời gian tới, với mục tiêu chiến lược là đầu tư, xây dựng Nhà trường thành trường trọng điểm quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, phấn đấu đến năm 2045, trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chất lượng cao hàng đầu khu vực ASEAN trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến kinh tế biển, Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, nhanh chóng hoàn thiện cơ chế tự chủ và gắn kết hiệu quả với doanh nghiệp. Chủ động tranh thủ và thu hút nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập.

Để thực hiện chiến lực này, Nhà trường tăng cường tìm kiếm, xúc tiến các dự án, hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là những nhà tài trợ Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời tiếp tục triển khai các dự án đã được phê duyệt để nâng cao cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường. Bên cạnh đó, Nhà trường tiếp tục củng cố các mối quan hệ đã có, tích cực mở rộng, xúc tiến quan hệ với các đối tác có tiềm năng, đặc biệt là các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, các trường đại học có uy tín của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ và Úc nhằm tìm kiếm nguồn học bổng hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ, mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy tại Trường; tăng cường thu hút, kêu gọi đầu tư trên cơ sở liên kết nghiên cứu, liên kết sản xuất thử nghiệm phù hợp với việc xây dựng Trường thành trường đại học trọng điểm quốc gia.

Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cân đối và nâng cao chất lượng tuyển sinh, đặc biệt đối với các ngành đào tạo cung cấp nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước cũng như ngành Giao thông Vận tải. Cải tiến nhiều phương thức đào tạo mới, tăng cường sự chủ động hơn trong học tập để sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ hội nhập dễ dàng với môi trường lao động toàn cầu.

Với truyền thống ngôi trường anh hùng, bề dày lịch sử hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực, tâm huyết; đội ngũ sinh viên được đào tạo, huấn luyện trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, tin tưởng rằng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian sắp tới và luôn giữ vững được vai trò lá cờ đầu trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành Giao thông Vận tải nói riêng và cho đất nước nói chung./.

                                                                                                                     P.V
 

Một số hình ảnh học thực hành của sinh viên trường Đại học Hàng Hải Việt Nam
 


 


 

 


 

 



 


 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top