Trường Tiểu học Hạnh Sơn nằm trên địa bàn xã Hạnh Sơn (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) là xã có địa bàn rộng với nhiều dân tộc cùng chung sống như: Mường, Thái, Tày, Kinh,... Mặc dù Hạnh Sơn đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, sự quan tâm đến việc học tập của con em còn hạn chế. Bằng nhiều giải pháp, Nhà trường đã huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của con em địa phương vùng khó khăn.
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Hạnh Sơn có tổng số 16 lớp với 524 học sinh. Căn cứ vào đội ngũ giáo viên hiện có, Trường đã tổ chức cho 100% học sinh được học 2 buổi/ngày từ khối 1 đến khối 5. Hiện, Trường có 17 phòng học được sắp xếp hợp lý, khoa học. Khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm luôn đảm bảo “Xanh - Sạch – Đẹp”. Tuy nhiên, cơ sở vật chất Nhà trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và học tập, phương hướng trong thời gian tới, Trường tập trung đầu tư nâng cấp phòng học tiên tiến, phòng học bộ môn hiệu quả, cung cấp thêm các bộ thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Để nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động học tập giúp học sinh tự tìm tòi, khám phá, chiếm lĩnh kiến thức một cách tích cực, chủ động nhằm phát triển năng lực; tổ chức thường xuyên hoạt động dạy học gắn ''lý thuyết với thực hành'', ''gắn bài dạy với thực tế cuộc sống'', các hoạt động trải nghiệm, thực hành thí nghiệm phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Đưa việc học tập, tham quan nghiên cứu di tích vào Chương trình giáo dục ngoại khóa hằng năm; tổ chức cho các em học sinh được học tập, nghiên cứu, tham quan thực tế tại các di tích lịch sử Thành Viềng Công, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ
Bên cạnh đó, Nhà trường tích cực vận dụng đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tính đến tháng 12/2023, Nhà trường đã triển khai hiệu quả mô hình trường học chuyển đổi số với 10/10 chỉ tiêu của ngành Giáo dục. 100% giáo viên, học sinh được khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung gồm bài giảng điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học; 100% học sinh được trang bị kiến thức và bảo vệ trên môi trường mạng.
Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạnh Sơn
Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Học sinh địa phương đa số là con em đồng bào dân tộc Thái nên vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần vào tiết chào cờ, học sinh, thầy cô giáo mặc trang phục người Thái để thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc mình. Trường cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: Tết quê em, gói bánh chưng, nấu cơm, nướng cá..., Tổ chức cho học sinh tham gia đa dạng các hoạt động văn hóa địa phương như: Múa xòe, ném còn…, duy trì và bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc qua việc trang trí lớp học, trường hạnh phúc. Nhằm phát huy bản sắc phát triển du lịch, các em học sinh được tham gia các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn du khách tham quan thành Viềng Công, Lễ cúng rừng, Lễ hội Xên Đông...
Học sinh Trường Tiểu học Hạnh Sơn trong giờ học ngoại khóa ngoài trời
Mặc dù xã Hạnh Sơn đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, sự quan tâm đến việc học tập của con em còn hạn chế. Do đó Trường Tiểu học Hạnh Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với các đoàn thể, gia đình để vận động học sinh đến trường duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần; tổ chức các trò chơi dân gian tạo cho học sinh hứng thú đến trường; vận động ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm hướng tới học sinh dân tộc, tạo điều kiện để các em được tham gia 100%. Các chế độ chính sách cho học sinh dân tộc được thực hiện đầy đủ, kịp thời, theo quy định. Hiện, có 9 học sinh khuyết tật đang tham gia học hoà nhập tại trường. Bên cạnh việc thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí học tập, Nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục có sự tham gia của học sinh khuyết tật; kế hoạch dạy học có điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức phù hợp với từng đối tượng học sinh khuyết tật; đảm bảo các chính sách đối với học sinh khuyết tật và giáo viên dạy hòa nhập theo quy định.
Hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh
Với những nỗ lực trên, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Hạnh Sơn trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, ổn định về số lượng và chất lượng đào tạo. Hằng năm, Trường huy động 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, duy trì sĩ số ổn định, không có học sinh bỏ học. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 100%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3. Học sinh được khen thưởng ở các cấp và học sinh lên lớp ngày càng cao./.
Minh Hà