Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú Phú Thọ: "Trao chất lượng, nhận niềm tin"

01/11/2022 - 09:36 PM

Với đặc thù là đơn vị đào tạo nghề cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú (DTNT) Phú Thọ đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Học viên là con em vùng đồng bào DTTS sau khi ra trường có việc làm, thu nhập ổn định.

Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ được thành lập từ tháng 7/2009, là cơ sở dạy nghề chuyên biệt cho con em là người DTTS tỉnh Phú Thọ và các tỉnh miền núi lân cận, có ưu đãi đặc biệt của Nhà nước theo quyết định số 1379/QĐ-TTg ngày 12/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, của UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương. Do đó, học sinh được học tập, đào tạo nghề tại nhà trường được miễn giảm học phí theo Nghị định số 81 và Quyết định số 53 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp học nghề trung cấp, cao đẳng nội trú.


Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

 
Nhà trường có vị trí thuận lợi gần đường quốc lộ 32, các khu công nghiệp và các thành phố lớn như: Việt Trì, Vĩnh Yên và Hà Nội, nên rất thuận tiện cho người lao động trong việc di chuyển, học nghề và tìm kiếm việc làm. Cùng với đó, nhà trường có cơ sở vật chất khang trang, sạch, đẹp cùng trang thiết bị thực hành hiện đại; đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có khả năng dạy tích hợp, có kinh nghiệm ôn thi học sinh giỏi, du học quốc tế, tâm huyết với nghề… 100% giáo viên tốt nghiệp đại học trong đó hơn 30% có trình độ thạc sĩ, một nhà giáo ưu tú.

Gắn đào tạo với giải quyết việc làm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Nguyễn Minh Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ cho biết: Bám sát mục tiêu, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp, Nhà trường đã khảo sát và tập trung đào tạo 05 nghề mũi nhọn mà thị trường đang cần như: Trung cấp nghề Hàn, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Trồng trọt và bảo vệ thực vật, May thời trang. Đặc biệt, Nhà trường liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp và một số cơ sở sản xuất cho học sinh đi thực tập “Học - Làm và Làm - Học”; điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp, bài bản… Nhờ vậy, rút ngắn khoảng cách đào tạo với thực tế sản xuất, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp cận, làm quen, thực hành, sản xuất thực tế ngay tại doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng có cơ hội tuyển dụng được đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
 

Hướng dẫn thực hành nghề cho các học viên tại doanh nghiệp may

 
Mặt khác, Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của Tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số doanh nghiệp trên địa bàn như: Công ty may Minh Trí, Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch cung ứng lao động Toàn Cầu… tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho 100% học sinh sau tốt nghiệp. Hầu hết các em qua tư vấn, giới thiệu đã có việc làm ngay, được làm việc đúng nghề, thu nhập ổn định, mức lương khởi điểm từ 5-8 triệu đồng/tháng trở lên. Nhiều học sinh, sinh viên còn tự tạo được việc làm cho mình, mở được doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các nghề hàn, sửa chữa ô tô và máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, lắp đặt điện nước hoặc đi làm việc ngoài nước...

Chất lượng đào tạo - mấu chốt thành công

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, hằng năm, Trường Trung cấp nghề DTNT Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác đào tạo, trong đó chú trọng 03 nội dung then chốt là: Trí thức nghề, tâm lý người học nghề và tư duy pháp luật nghề.
 

Thực hành cho học viên tại doanh nghiệp

 
Theo đó, Nhà trường đã chủ động lấy ý kiến đánh giá, phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của nhà giáo nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng và ban hành các quy trình trong các hoạt động đào tạo (quy trình tuyển sinh, quy trình thi kết thúc MH/MĐ, quy trình đề nghị vật tư thiết bị…); làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo các cấp, ngành đầu tư cơ sở vật chất theo hướng trường nghề chất lượng cao, khang trang như: Khu nhà điều hành, lớp học lý thuyết, khu nhà thực hành, ký túc xá… song song với đó là các trang thiết bị đào tạo nghề hiện đại (04 nghề trọng điểm quốc gia trên 10 tỷ đồng). Tạo lập môi trường đào tạo thân thiện, hiệu quả; tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo đời sống, tinh thần cho từng giáo viên; đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy…
 

Các học viên đang thực hành nghề điện

 
Không chỉ chú trọng mục tiêu đào tạo kiến thức, với đặc thù hầu hết học viên đều là con em vùng đồng bào DTTS, ở nội trú, Nhà trường còn xác định trở thành “ngôi nhà thứ hai” của các em. Vì vậy, các chế độ chính sách đối với học sinh, sinh viên được quan tâm thực hiện đúng quy định. Học sinh nội trú được đảm bảo về chế độ trợ cấp, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế học đường, an ninh trật tự... Ngoài ra, các em còn được tham gia các hoạt động nội trú, ngoại khóa hữu ích nhằm trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng mềm như: Trồng rau xanh, tham gia các lớp kỹ năng sống về an toàn giao thông, chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước, thi đấu thể dục thể thao, văn nghệ, làm sạch - xanh môi trường giáo dục… Các hoạt động này đã giúp cho các em học sinh cảm giác thoải mái, yêu thích môi trường nơi các em đang sống và học tập; tạo được tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi gửi con tại nhà trường; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.
 

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền về Luật An toàn giao thông đường bộ

 
Từ sự nỗ lực không ngừng, Nhà trường đã khẳng định được vị trí, sự tin cậy của người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận. Tỷ lệ tuyển sinh trung bình hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cụ thể: Năm học 2020-2021 Nhà trường tuyển mới được 165/165 học sinh lớp Trung cấp nghề, đạt 100% kế hoạch; lớp Sơ cấp nghề hệ A là 79 học viên, đạt 100% kế hoạch; 06 lớp Sơ cấp nghề theo quyết định 1956 với tổng số 210 học viên. Năm học 2021-2022, tính đến hết tháng 6/2022 Nhà trường tuyển mới được 168/145 học sinh, đạt 115,9% kế hoạch được giao. Bình quân mỗi năm Nhà trường tổ chức đào tạo được khoảng 550 học sinh/năm.
 

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ tặng hoa chúc mừng Nhà trường
nhân Lễ khai giảng năm học mới


 
Trong hơn 10 năm qua, Trường Trung cấp nghề DTNT Phú Thọ đã đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ cho gần 8.000 người. Qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho con em đồng bào vùng DTTS; góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng như các địa phương lân cận./.
                                                                                                                       
Kiều Thủy

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top