Chiều ngày 18/9/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chủ trì Tọa đàm báo chí về việc tham mưu xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hiện Bộ đang được giao chủ trì xây dựng 2 dự án luật là: Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức tọa đàm, các cuộc Hội thảo tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam để lấy ý kiến các địa phương và tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài và nhận được sự đánh giá cao về chất lượng, nội dung của hai Dự án Luật. Nội dung đề xuất thể hiện tính đột phá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Luật và hồ sơ dự án Luật, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm
Nhấn mạnh đến các điểm nổi bật của 02 dự án Luật này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ, đặc biệt là của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, một trong những yêu cầu trong sửa luật lần này là rà soát ngay những vướng mắc, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong các quy định pháp luật để trong quá trình thực hiện thời gian tới thuận lợi hơn. Mục tiêu xa hơn là giải phóng nguồn lực, vì các luật sửa lần này chủ yếu là về đầu tư, tài chính, ngân sách… tác động ngay đến nguồn lực của nền kinh tế.
Từ kết quả rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) để đảm bảo việc sửa đổi một cách toàn diện; đồng thời sửa đổi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Trong đó, Luật Đầu tư công được sửa đổi theo hướng cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng 02 dự án Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách tiếp cận, thể hiện mạnh mẽ tư duy đổi mới, đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Trước hết, đột phá trong xây dựng Luật lần này thể hiện ở chỗ là thiết kế các quy định để cởi mở, kiến tạo sự phát triển chứ không ràng buộc.
Đột phá thứ hai là cụ thể hóa những tư tưởng lớn, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính. Cụ thể, tại Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trong đó tập trung vào những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu như phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW, vốn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW, các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Đột phá thứ ba là thiết kế thủ tục, quy trình phải nhanh nhưng phải đúng; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm. Đến nay, những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong 2 Dự án Luật thể hiện cụ thể tư duy đột phá này.
Nhiều quy định tại 2 Dự án Luật sẽ tháo gỡ ngay những ách tắc thực tiễn, điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng. Sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tạo căn cứ pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để chấm dứt hoạt động đối với các dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung sửa đổi Luật PPP sẽ bổ sung quy định để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu nhằm gỡ ngay một số vướng mắc trong thực tiễn đấu thầu dự án ODA, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc; tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu…
Liên quan đến ODA, Thứ trưởng cho biết, tại Dự thảo lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài). Theo đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu bao gồm: Bổ sung quy định về việc cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn NSTW và kế hoạch vốn cho vay lại của ngân sách địa phương được giải ngân theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công, không phụ thuộc vào tỷ lệ cấp phát và cho vay lại.
Đơn giản hóa nội dung liên quan đến Đề xuất dự án; bổ sung hoạt động lập Đề xuất dự án vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn cho nhiệm vụ lập Đề xuất dự án.
Đồng thời, phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn nước ngoài; Bổ sung quy định về thời gian bố trí kế hoạch vốn của các dự án sử dụng vốn nước ngoài và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài; Làm rõ quy định cơ quan gửi Đề xuất dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi do Công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư; Bổ sung quy định dừng sử dụng vốn ODA ở từng giai đoạn của chương trình, dự án; Đơn giản hóa việc thực hiện dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí trong việc truyền thông chính sách về các lĩnh vực của ngành Kế hoạch, đầu tư và Thống kê đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là đối với quá trình xây dựng các dự án Luật, trong đó có Luật Đầu tư công sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu./.
PV