Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang phải trải qua thời điểm tồi tệ chưa từng có tiền lệ. Việc giá “vàng đen” biến động rất mạnh trong thời gian gần đây khiến nhiều chuyên gia năng lượng lo ngại rằng giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục kéo nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm sâu, đồng thời làm tăng sức ép đối với các kho dự trữ “vàng đen” chiến lược trên toàn cầu.
Thời kỳ “đen tối” của giá dầu
Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã chứng kiến một “cú sốc” mạnh sau khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI (Tây Texas, Mỹ) tháng 5/2020 rơi xuống mức âm 37,63 USD/thùng, thậm chí, trong phiên giao dịch, giá dầu thô có lúc giảm về mức âm 40,32 USD/thùng. Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà giao dịch dầu thô phải trả tiền cho người mua để dầu thô được đem đi. Mặc dù sau đó giá dầu đã bật tăng trở lại lên mức hơn 0 USD/thùng, song những đột biến trên thị trường dầu mỏ đã gây tâm lý bấp bênh cho các nhà đầu tư. Bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới được đưa ra, giá dầu mỏ vẫn tiếp tục lao dốc không phanh do nguồn cung hiện quá dư thừa trên các thị trường và các kho dự trữ hết chỗ chứa. Việc các nhà đầu tư phải bán tháo tạo áp lực lên giá dầu khiến giá dầu rơi xuống mức âm. Mức giá âm xảy ra sau một quá trình tích tụ nhiều yếu tố như cuộc chiến giá dầu, đại dịch Covid-19 và kinh tế suy giảm. Dầu thô WTI trước mắt không tìm được “điểm đến” bởi nguồn cung quá nhiều. Hiện, các nhà buôn tập trung vào hợp đồng giao tháng 6, với khối lượng giao dịch cao hơn gấp 30 lần. Dù hợp đồng giao tháng 6 không bi đát như tháng 5, nhưng với mức giá 20 USD/thùng thì hầu hết công ty dầu sẽ không thể trụ lâu. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, mức giá 20 USD/thùng có thể sẽ không phải là giá sàn và sẽ còn giảm nữa.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Có thể nói, thị trường dầu mỏ thế giới liên tục lao dốc trong thời gian qua là do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại áp đặt tại nhiều nước trên thế giới, khiến nhu cầu dầu giảm mạnh. Cuộc khủng hoảng giá dầu càng trở nên tồi tệ hơn, khi tranh cãi giữa A-rập Xê-út và Nga xảy ra trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 10% sản lượng toàn cầu. Dù đây là mức cắt giảm sản lượng lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí từ trước đến nay, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức để kéo giá dầu trở lại quỹ đạo. Giá dầu liên tục giảm sâu sau khi OPEC đưa ra dự báo nhu cầu dầu sẽ giảm khoảng 6,9 triệu thùng/ngày, tức là 6,9% trong năm 2020. Tính riêng trong tháng 4/2020, OPEC ước tính, nhu cầu tiêu thụ dầu giảm mạnh nhất, với 29 triệu thùng/ngày (gấp khoảng 3 lần so với mức thỏa thuận cắt giảm là 9,7 triệu thùng/ngày), tương đương với khoảng 20% tổng cầu của thế giới. Điều này đã khiến giá dầu thô lần đầu tiên giảm xuống “vùng giá âm” trong phiên giao dịch ngày 20/4/2020, gây lo ngại kéo theo những hệ lụy kinh tế tiêu cực hơn nữa.
Các chuyên gia cho rằng, các khó khăn chồng chất đang bủa vây ngành dầu mỏ toàn cầu. Các sản phẩm lọc dầu đang ở trạng thái dư cung lớn, còn các nhà máy lọc dầu đang ráo riết tìm kiếm các hãng vận hành tàu chở dầu công suất lớn để cất trữ xăng và xăng máy bay. Trong khi đó, các tàu chở dầu hầu như đang đầy kín hợp đồng, năng lực tiếp nhận không còn nhiều. Khi không có nơi để lưu trữ thành phẩm, các nhà máy lọc dầu buộc phải cắt giảm sản lượng, đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Nghịch lý nằm ở chỗ càng nhiều nhà máy lọc dầu đóng cửa, giá dầu lại càng giảm sâu. Theo công ty năng lượng Rystad Energy, tình trạng “thừa mứa” dầu đang xảy ra ở Cushing, bang Oklahoma, một trung tâm trữ dầu quan trọng và là nơi mà dầu được giao dịch trên thị trường tương lai Mỹ đổ về. Các kho chứa dầu cũng gần đầy ở vùng Caribe và Nam Phi, còn Angola, Brazil và Nigeria cũng đang trong tình trạng hết chỗ chứa.
Với đợt suy giảm giá dầu kỷ lục này, tổn thất tài chính đối với các nhà sản xuất dầu mỏ là rất lớn. Nhiều công ty dầu mỏ của Mỹ có nguy cơ phá sản khi hầu hết “đại gia” dầu mỏ đều vay nợ lớn trong giai đoạn trước đó. Theo nhận định của Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy, nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, tính đến cuối năm 2021, sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản. Trong trường hợp giá dầu duy trì ở mức 10 USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ rơi vào thảm cảnh này.
Trong bối cảnh nguồn cung dư thừa quá lớn hiện nay, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Medvedev cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận với các đối tác để bắt đầu việc mua bán “trên cơ sở mất hoặc trả tiền hợp đồng”. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc quyết định ngừng nhập khẩu dầu thô từ A-rập Xê-út. Chính quyền của ông Donald Trump cũng lên kế hoạch tăng 75 triệu thùng dầu dự trữ, trong khi Bộ Năng lượng Mỹ đang tiến hành các thủ tục cho phép các công ty xăng dầu trong nước thuê kho dự trữ quốc gia. Hiện, bốn kho dự trữ dưới lòng đất dọc vùng vịnh Mexico ở bang Texas và Ludiana, phía nam nước Mỹ, chỉ có thể dự trữ được tối đa 727 triệu thùng dầu.
Những nỗ lực của OPEC+ cùng với Mỹ chưa ngăn chặn được đà giảm của giá dầu. Theo các nhà phân tích, thỏa thuận của nhóm OPEC+ ở dạng thức hiện nay chưa đủ để cân bằng thị trường dầu mỏ. Có thể các “ông lớn” dầu mỏ cần đưa ra những thỏa thuận cắt giảm sản lượng mạnh tay hơn, tuy nhiên diễn biến trên thị trường còn phụ thuộc vào sức tiêu thụ. Chính vì vậy, sự mất cân đối cung cầu nghiêm trọng đã đẩy thị trường dầu vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử.
Liệu thị trường có “khả năng phục hồi”?
Nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” thực tế sẽ phụ thuộc vào các hoạt động phong tỏa ở các quốc gia sẽ kéo dài đến khi nào, cũng như hoạt động kinh doanh và vận tải hàng hóa bao giờ sẽ nhộn nhịp trở lại. Việc mở cửa nền kinh tế và đẩy mạnh sản xuất trở lại vẫn có thể bị coi là một sự mạo hiểm, thậm chí là liều lĩnh khi chưa kiểm soát được dịch COVID-19 một cách chắc chắn. Khi đó, tốc độ tăng trở lại của giá dầu sẽ còn bị kìm hãm. Trong kịch bản tiêu cực đó, nền kinh tế không thể tái khởi động nhanh chóng và lượng dầu tồn kho sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích có quan điểm lạc quan hơn thì nhìn thấy những “ánh sáng cuối đường hầm” trên thị trường dầu mỏ. Một vài quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 đã sẵn sàng nới lỏng những biện pháp phong tỏa, trong đó có Mỹ và Đức. Yếu tố này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy giá dầu tăng lên ngưỡng 35 USD/thùng vào cuối tháng 6/2020 và tiếp tục phục hồi trở lại ở mức trước thời điểm xảy ra cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia trong giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đang tăng cường mua vào dầu mỏ trong môi trường giá thấp hiện nay. Bản thân Bắc Kinh đã bắt đầu giảm bớt những hạn chế đi lại từ vài tuần qua, làm dấy lên hy vọng rằng giá dầu sẽ bắt đầu tăng khi hoạt động công nghiệp và du lịch tại Đại lục được phục hồi. Một số báo cáo cho thấy, Trung Quốc đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ dầu mỏ từ thời điểm cuối tháng 3/2020 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát.
Cũng có giả thuyết đưa ra rằng giá dầu sẽ còn hạ thấp hơn nữa trước khi có thể bật tăng trở lại. Tại Mỹ, vấn đề điều tiết lại sản lượng dầu đá phiến đang trở thành nhu cầu cấp bách sau khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lần đầu tiên rơi vào ngưỡng “giá âm” khi các nhà giao dịch bán tháo hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 do áp lực lưu trữ. Đợt rớt giá choáng váng này đã phản ánh mức độ khắc nghiệt mà nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu đựng vốn kéo theo sự suy giảm nghiêm trọng về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Theo các chuyên gia dầu mỏ, mặc dù nhu cầu sẽ không phục hồi nhanh và sức ép đối với thị trường vẫn rất lớn, song nếu vấn đề nguồn cung được giảm bớt trong vài tuần tới, thì sự thắt chặt sản lượng đó có thể tạo ra lợi thế “mong manh” cho giá dầu trong nửa cuối năm nay. Thời điểm cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu được dự báo sẽ là mấu chốt quyết định đối với sự vận động của thị trường dầu mỏ./.
Tiến Long